Sáo Khui trong đời sống của người dân tộc Bru-Vân Kiều (Gia Bách)

Cư trú tập trung ở miền núi Quảng Bình, người Bru - Vân Kiều cuộc sống quanh năm gắn liền với con sông, con suối. Cảnh sắc nương rẫy, núi non trùng điệp đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách cũng như lối sống sinh hoạt đặc trưng của con người nơi đây. Và nhạc cụ truyền thống của họ cũng được hình thành.

Bằng những nguyên liệu có từ thiên nhiên như tre, nứa, lá cây và một số cây rừng khác, họ có thể chế tạo ra những loại nhạc cụ độc đáo thông qua đôi bàn tay lao động khéo léo và đầu óc cảm thụ tinh tế. Nhạc cụ của họ là những sản phẩm mang tính thủ công nên thuần túy riêng biệt. Sáng tạo nhạc cụ từ cuộc sống hàng ngày nên việc sử dụng nó cũng gắn liền với những sự kiến của đời sống.
Nhạc cụ truyền thống của ngườidân tộc Bru - Vân Kiều tương đối nhiều. Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ sưu tầm và lưu giữ được một số loại tiêu biểu như: khèn bè, đàn ta lư, thanh la, chiêng, kèn... Trong số các loại nhạc cụ này, phổ biến nhất phải kể đến là cây sáo Khui.

Sáo Khui - loại sáo thường để diễn tả, biểu đạt nhân tình thế thái về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản. Qua sáo Khui người ta giãi bày nhiều điều thầm kín trong lòng mà chỉ có cuộc giao lưu đó mới biểu đạt được một cách thấu đáo cái lý và cái tình.
Sáo Khui được làm từ nứa lồ ô lấy tận trong rừng sâu. Để có được một chiếc Sáo Khui như ý mất rất nhiều công đoạn. Công đoạn tìm và chặt nứa rất quan trọng. Đầu tiên phải lùng tìm cho được những cây nứa già có ống dài, thân lại không quá dày để âm thanh phát ra được hay. Thứ hai, khi nhắm thấy cây có thể dùng để làm sáo thì phải đợi chọn ngày, thường là ngày trăng sáng (15 - 16) trong tháng để chặt cây. Thứ ba, trước khi chặt những người này phải hò một bài - với quan niệm là hò như vậy khi làm ra sáo sẽ có âm thanh hay hơn...

Khi chặt nứa về, người ta gọt và đem phơi trên bếp lửa 1 đến 2 tháng, sau đó dùng dùi sắt nung đỏ để khoét lỗ, đây là một trong những thao tác khó vì nó cũng góp phần tạo nên âm thanh chuẩn.

Lúc đầu sáo Khui chỉ dành riêng cho các bậc trung niên sử dụng bởi lẽ đến mùa lúa chín họ phải lên rẫy để trông, ngồi buồn nhiều khi mưa rả rích không biết làm gì họ đã tìm những ống nứa khoét lỗ thổi cho vui. Càng về sau họ càng phát hiện thấy âm thanh phát ra hay lại vang xa, đỡ buồn, người ở bên rẫy này có thể thổi tâm sự với người ở bên rẫy kia và ngược lại... vì thế họ truyện trò với nhau bằng tiếng sáo. Cũng từ đó sáo Khui ra đời và trở nên phổ biến, nó tồn tại với đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Vân Kiều.

Với sáo Khui, việc sử dụng nó cũng phải tùy vào hoàn cảnh. Trong lễ Ra Pựt, với điệu Xa Nớt con cháu được nghe kể lại những truyền thống của ông bà tổ tiên dòng họ mình, đồng thời nói rõ tình cảm gắn bó máu thịt giữa anh chị em trong dòng họ nội ngoại (còn gọi là khơi cù za). Còn với đám cưới, sáo Khui khi cất lên cùng làn điệu Xa Nót lại để gia đình hai bên dặn dò con cái của mình. Đó là phải yêu thương đùm bọc, bảo ban nhau trong cuộc sống, ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long... chính vì những lẽ đó mà đối với người Vân Kiều, tiếng sáo Khui rất thiêng liêng và hệ trọng.

Trong các gia đình, dòng họ có xảy ra xích mích, khi tiếng sáo này cất lên cùng với những điệu Xa Nớt của những bậc cao niên trong làng, bản thì coi như mọi mâu thuẫn đó được tháo gỡ, giải hòa.
Thêm một nét độc đáo nữa của sáo Khui đó là khi người thổi sao tìm được cho mình những bạn hát đối đáp tốt thì họ có thể ngồi lại chơi với nhau, hát đáp mấy ngày liền không chán.

Gia Bách (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét