Cũng như nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc
Việt Nam, dân tộc Thổ có nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn
dân tộc mình được lưu truyền qua các thế hệ theo lối “kể đắng” (kể chuyện) như
Sự tích lèn Chành Đanh, Hòn đá cục xôi, Mèo và diều…Hầu như làng nào cũng có một
vài người có khả năng "kể đắng" rất diễn cảm.
Dân tộc Thổ là một trong những dân tộc sinh sống xen kẽ
cùng hai dân tộc Kinh và Thái trong cộng đồng các dân tộc ở khu vực miền núi
tây bắc Nghệ An, với dân số khoảng 80.000 người, sống tập trung chủ yếu tại các
huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và thị xã Thái Hoà, định cư từ khoảng thế kỷ
XV đến thế kỷ XVIII.
Người Thổ có nhiều dòng họ, trong đó họ Trương là một họ lớn
chiếm số đông trong cộng đồng, tiếp đến là các họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm…
Đời sống của đồng bào dân tộc Thổ chủ yếu là sản xuất
nông nghiệp làm nương rẫy, trồng lúa nước và chăn nuôi. Công cụ sản xuất điển
hình là chiếc “ cày nại” (cần nọn) gần giống chiếc cày chìa vôi của dân tộc
Kinh. Ngoài ra còn có chiếc gậy chọc lỗ tra hạt “cần nón”, “tắm rói”- Đây là
công cụ điển hình của phương thức canh tác nương rẫy. Ngoài chăn nuôi và sản xuất
nông nghiệp, người Thổ còn rất giỏi săn bắn và đánh bắt cá. Từ xưa họ đã săn bắt
tập thể bằng các loại bẫy đơn giản như bẫy sập, thòng lọng, lưới…có thể bắt
được cả những loại thú lớn như voi, hổ , bò rừng…Kết thúc những buổi săn là việc
chia thịt thú rừng săn được cho tất cả các gia đình trong làng không phân biệt
giàu nghèo. Người Thổ còn rất giỏi đánh bắt cá trên các ao hồ, sông suối. Nghề
đánh bắt cá bằng những dụng cụ đánh bắt đặc trưng khá đa dạng như chài lưới,
đăng, xúc..được xem là nghề cổ truyền. Đặc biệt tất cả các dụng cụ dùng
trong công việc đánh bắt cá đều tự tay họ làm .
Ngày trước đồng bào Thổ ở nhà sàn và nhà đất lợp tranh như
người Kinh. Nhà sàn dân tộc Thổ gần giống nhà sàn người Mường vùng Tây Bắc, Việt
Bắc. Nay phần lớn đã ở nhà đất theo kiểu miền xuôi nhưng cách bố trí trong nhà
vẫn theo truyền thống dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Thổ không có tập quán trồng
bông dệt vải…quần áo của họ thường mua bán trao đổi với người Thái và người
Kinh, do vậy y phục dân tộc Thổ không đồng nhất, không có bản sắc riêng. Đàn
ông thường mặc giống người Kinh, phụ nữ có sự khác biệt tuỳ theo từng vùng, có
nơi mặc váy Thái, váy dài có có sọc viền chân váy (vùng Quỳ Hợp, Tân Kỳ và một
số địa phương thuộc Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà như ở vùng làng Đóng , làng
Dong..) Có nơi váy của phụ nữ như của người Kinh (vùng Lâm La - Nghĩa Đàn). Áo
của phụ nữ Thổ thường là loại áo 5 thân màu nâu hoặc trắng gần giống với áo của
người Kinh.
Khác với người Kinh, người Mường, hôn nhân trong cộng đồng
dân tộc Thổ thường là hôn nhân nội tộc. Chế độ hôn nhân này có thể xem như là một
biểu hiện cao nhất về ý thức củng cố cộng đồng trong điều kiện sống xen kẽ với
các dân tộc khác. Ngày trước còn nhiều hủ tục như ở rể, cưới vợ lẽ..nay đã bãi
bỏ. Hiện tại, một số nhóm họ dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ vẫn còn
phong tục “ngủ mái”- Một hình thức kết bạn, đi tìm hiểu người yêu. Thường khi
người con trai con gái đến tuổi cập kê, được phép của gia đình cô gái , người
con trai đến “ngủ mái” tại nhà cô gái - người mình chọn để tìm hiểu. Trong đêm
“ngủ mái”, trai gái có quyền tự do tâm sự với nhau một cách lành mạnh. Tục lệ
lên án và có những hình phạt nặng các hành vi dung tục mờ ám trong đêm “ngủ
mái”. Sau đêm “ngủ mái” nếu người con trai và người con gái đồng ý lấy nhau thì
bàn các bước thực hiện những nghi thức bắt buộc như nhờ người làm mai mối (ông
Pin) sau đó là những cuộc thăm hỏi thường xuyên rồi dạm hỏi và xin cưới…
Mang dấu ấn của sự cộng cư nhiều thành phần sắc tộc, người
Thổ thờ thần. Hầu như trong tất cả mọi làng người Thổ đều có đền miếu thờ cúng
quanh năm các vị thần và thành hoàng làng. Có làng thờ tới 15 vị thần. Mỗi
nghề lại thờ một vị thần với những hình thức nghi lễ riêng. Những người làm nghề
tôn giáo - các bậc sư sãi - có vị vị trí khá cao trong cộng đồng. Quan niệm của
đồng bào cho rằng vạn vật đều có linh hồn. Khi có người ốm, người ta cúng “ vía
mụ bà” và buộc “ vòng vía” cho bệnh nhân. Thường trong các buổi cúng, thầy cúng
dùng tiếng Cuối để khấn. Người Thổ rất coi trọng lễ xuống đồng ( cầu móng)
đầu năm mới, lễ cúng cơm mới, lễ mừng nhà mới…với những nghi thức trang
trọng. Hàng năm vào dịp lễ xuống đồng, làng chọn một người đàn ông khoẻ mạnh
làm ăn khấm khá, nhẹ vía để làm người phát nhát dao đầu tiên và cũng là người
chọc lỗ tra hạt giống đầu tiên (gọi là chủ giống).
Cũng như nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc
Việt Nam, dân tộc Thổ có nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn
dân tộc mình được lưu truyền qua các thế hệ theo lối “kể đắng” (kể chuyện) như
Sự tích lèn Chành Đanh, Hòn đá cục xôi, Mèo và diều…Hầu như làng nào cũng có một
vài người có khả năng “ kể đắng” rất diễn cảm. Trong nền văn hoá của mình, người
Thổ đến nay vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo mang
đậm dấu ấn đặc trưng như Đu đu điềng điềng, Ên ên- Ạc ạc, hát Thuôm, hát ghẹo,
hát cuối, hát dặm..múa sạp, múa nón…
Cùng với những nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn, người Thổ
còn có những nhạc cụ của dân tộc mình như cây đàn Thổ (gần giống cây đàn đáy của
người Kinh). Đặc biệt phải kể đến cây đàn Tính tang - loại đàn được làm từ một ống
tre có hai dây bằng chính thanh cật tre tước ra và căng ngay trên phần mặt có cữ
tăng giảm âm vực, sử dụng bằng cách dùng một thanh tre nhỏ có bọc vải một đầu
gõ lên, cho âm thanh rất hay. Từ nhạc cụ đơn giản này, hiện tại một số nghệ
nhân dân tộc Thổ tại Quỳ Hợp đã cải tiến thành một giàn đàn gồm 8 ống dài ngắn
theo cung bậc với cách sử dụng như với loại đàn Tam thập lục …hầu như trong mọi
gia đình, dòng họ của đồng bào Thổ ở Nghệ An đều có những dàn cồng chiêng được
các thế hệ lưu giữ với cách sử dụng của các nghệ nhân rất độc đáo, thể hiện qua
những âm hưởng tiết tấu và những vũ điệu sinh động diễn tả những sinh hoạt
trong đời sống hàng ngày.
Băng Châu (ưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét