Một số phong tục-tập quán người dân tộc Bru-Vân kiều (Huy Thục)

Tỏ Tình
Người Bru-Vân Kiều (còn gọi là người Bru, người Vân Kiều, người Măng Coong, người Trì hay người Khùa) là một dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ của họ là tiếng Bru, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Cơ Tu của ngữ tộc Môn-Khmer.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam có dân số 227.716 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Bru-Vân Kiều cư trú tập trung tại các tỉnh:
Quảng Trị (55.079 người, chiếm 73,9% tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam)
Quảng Bình (14.631 người, chiếm 19,6% tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam)
Đắk Lắk (3.348 người)
Thừa Thiên-Huế (1.114 người)
Thanh Hóa (38 người)
Thực tế các tên gọi Vân Kiều, Măng Coong, Trì, Khùa, Brudùng để chỉ các nhóm khác nhau trong tộc người này.
Tại Lào, theo ước tính của Ethnologue, có khoảng 69.000 người. Bru nói phương ngữ phía đông của tiếng Bru, tương tự như tại Việt Nam.
Tại Thái Lan có khoảng 5.000 người nói phương ngữ phía đông của tiếng Bru và khoảng 20.000 người nói phương ngữ phía tây của tiếng Bru.


Người dân tộc Bru vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển, xưa kia họ tập trung sinh sống tại vùng trung Lào, sau những biến động của lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng đông tụ cư tại vùng miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế của Việt Nam. Khi vào Việt Nam họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều (núi Viên Kiều), về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru, và từ đó họ còn được gọi là Bru-Vân Kiều.
Tộc người này có truyền thống làm rẫy và làm ruộng, cùng với hái lượm săn bắn và đánh cá. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm dành chủ yếu cho các lễ cúng hơn là cải thiện bữa ăn. Nghề thủ công của dân tộc này chỉ có đan chiếu lá, gùi. Văn hóa của người Bru-Vân Kiều đặc sắc, thể hiện ở phong tục hôn nhân, nghệ thuật âm nhạc truyền thống, ở kiến trúc và trang phục.
Trong phong tục đám cưới của người dân tộc Bru-Vân Kiều, nhà trai trao cho nhà gái một thanh kiếm. Cô dâu khi về nhà chồng thường trải qua nhiều nghi lễ phức tạp: bắc bếp, rửa chân… Trong họ hàng, ông cậu có quyền quyết định khá lớn đối với việc lấy vợ, lấy chồng cũng như khi làm nhà, cúng bái của các cháu.
Ngườidân tộc Bru-Vân Kiều ở nhà sàn nhỏ, phù hợp với quy mô gia đình thường gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Nếu ở gần bờ sông, suối, các nhà tronglàng tập trung thành một khu trải dọc theo dòng chảy. Nếu ở chỗ bằng phẳng rộng rãi, các ngôi nhà trong làng xếp thành vòng tròn hay hình bầu dục, ở giữa là nhà công cộng. Ngày nay, người Bru-Vân Kiều ở nhiều nơi đã có xu hướng ở nhà trệt.


Nguyên mẫu nhà sàn truyền thống Bru-Vân Kiều còn sót lại ở bản KaLu
Nhà của người Bru-Vân Kiều là nhà sàn có hai mái, thường lợp bằng lá mây hoặc lá cọ. Chiều dài của ngôi nhà dài – ngắn bao nhiêu tùy thuộc vào số lượng người trong gia đình, hoặc tùy thuộc vào kinh tế. Nhưng dù nhà dài hay ngắn, đều cũng chỉ có hai cửa chính, một cửa chủ yếu dành cho nữ, còn một cửa chỉ dành cho nam và khách nam. Hai bên đầu hồi có những hình trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hoặc đôi chim, vừa đỡ bị tốc lá, vừa mang tính thẩm mỹ
Nam giới Bru-Vân Kiều để tóc dài, búi tóc, ở trần, đóng khố. Trước đây, họ thường lấy vỏ cây sui làm khố, áo.
Phụ nữ Bru-Vân Kiều mặc áo và váy. Áo nữ có đặc điểm xẻ ngực màu chàm đen và hàng kim loại bạc tròn đính ở mép cổ và hai bên nẹp áo. Có nhóm mặc áo chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc hình vuông. Váy trang trí theo các mảng lớn trong bố cục dải ngang. Gái chưa chồng búi tóc về bên trái, sau khi lấy chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Trước đây phụ nữ Bru-Vân Kiều ở trần, mặc váy. Váy trước đây không dài thường qua gối 20 đến 25 cm.
Có nhóm nữ Bru-Vân Kiều đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm cổ và hai nẹp trước áo có đính các “đồng tiền” bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen tạo nên một cá tính về phong cách thẩm mỹ riêng trong diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam.


Người Bru-Vân Kiều có nhiều truyện cổ được truyền miệng, kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc, về đề tài người mồ côi v.v… Có các điệu hát như:
Lễ hội trỉa hạt vào mùa của người Vân Kiều ở đại ngàn Trường Sơn.
Bru-Vân Kiều là một trong 3 dân tộc bản địa cư trú ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Xưa kia người Bru đã từng sinh tụ ở miền Trung Lào, sau do những biến động lịch sử họ phải di cư đi các nơi, một bộ phận đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một bộ phận đi về hướng đông tụ cư ở tây Quảng Trị, họ dựng làng ở xung quanh hòn núi Viên Kiều, về sau gọi là người Vân Kiều.
Xã hội truyền thống của người Bru đã được thiết lập khá vững chắc gọi là vil (làng). Mỗi vilcó thể gồm nhiều Mu (có nơi gọi là mui hoặc dạ) hoặc một Mu cư trú (Mu có thể coi như họ, là nhóm hay một đơn vị ngoại hôn). Những người cùng một mu có cùng nguồn gốc huyết thống tính theo dòng họ cha, hay nói xa hơn là có chung một ông tổ – tô tem. Gia đình người Bru theo chế độ gia đình nhỏ phụ quyền do người đàn ông già nhất làm chủ, khi ông ta chết, quyền hành và tài sản được trao cho con trai trưởng, còn con gái không được chia tài sản, nếu có cũng chỉ rất ít so với con trai. Quan hệ giữa các gia đình trong cùng một mu, trong vil vẫn rất gần gũi và gắn bó, thường xuyên giúp đỡ nhau, cùng chung trách nhiệm và chia sẻ khi vui, buồn, lúc có hoạn nạn. Phần đông người Bru-Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo các con nước (trừ những khu vực được định cư lâu đời).
Các nhà trong làng thường xếp theo chiều dài của các đoạn sông, suối, có nơi còn bố trí theo hình bồ dục hoặc hình tròn. Nhà trong làng phải bố trí theo một trật tự nhất định, sao cho các cây đòn nóc giữa các nhà gần nhau không được có hướng đâm vào nhau. Nhà của người Bru là nhà sàn hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ, nhưng cũng có nơi (thường là nhóm Vân Kiều) nhà làm mái tròn. Kích thước ngôi nhà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào gia đình giàu hay nghèo. Tuy nhiên, mọi ngôi nhà đều có 2 cửa chính, một chủ yếu dành cho nữ, một cho nam và khách nam. Cách bố trí trong nhà tuân theo một nguyên tắc nhất định.
Người Bru-Vân Kiều mỗi năm làm 2 vụ lúa nước. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi trâu bò lấy sữa và trồng một số cây công nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày, nhưng nhìn chung vẫn là nông nghiệp nương rẫy. Gắn liền với nền kinh tế nương rẫy, người Bru-Vân Kiều thờ thần lúa (dàng sro) gắn liền với những lễ cúng vào những dịp phát rẫy, trỉa hạt, tuốt lúa, hoặc sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, người Bru-Vân Kiều còn thờ cúng tổ tiên (ông bà, cha mẹ, những đồng tộc từ 16 tuổi trở lên), mỗi gia đình có một bàn thờ riêng (t’ nông chel). Bên cạnh đó là một nhà thờ nhỏ (đông sok ku mui) được đặt ở những nơi cao ráo, hẻo lánh, ít người và thú rừng qua lại. Hình thức thờ cúng tại đây được xếp theo thứ tự người trên kẻ dưới, từ phải sang trái, có thể coi như một tộc phả. Tôn giáo của người Bru còn dấu vết của tô tem giáo vì xưa kia mỗi mu là một đơn vị tô tem. Đi liền đó là kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng thể hiện qua số lượng nhạc cụ rất, làn điệu ca hát, truyện kể…
Trong trang phục, do tiếp xúc với người Việt và người Lào, nên ít nhiều chịu ảnh hưởng của người Việt và người Lào. Hôn nhân của người Bru-Vân Kiều là một vợ một chồng, cư trú bên chồng với nhiều nghi lễ phức tạp, thể hiện tính chất mua bán và còn nhiều tàn tích của hôn nhân cướp đoạt. Đối với tang ma, nếu trong nhà có người chết, buồng ngủ của người đó được phá ra, thi thể được đặt trong quan tài (thường làm bằng vỏ cây hoặc đan bằng giang, nứa, có nơi làm bằng khúc gỗ bổ đôi khoét giữa), chôn xong bỏ hẳn, không cải táng, nhưng có thủ tục rước ma sang trả nhà trưởng họ. Người chết dưới 16 tuổi và chết bất đắc kỳ tử thường chết đâu chôn đó, không được mai táng theo nghi thức trên và không rước ma về.

Một trong những lễ cúng của người Vân Kiều mừng con trai lớn tuổi.
Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều ở miền Tây Quảng Bình thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Với hàng ngàn năm sinh sống trong các thung lũng, trên những lèn núi đá, họ đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, múa đám chay, hát giao duyên, hay các nhạc cụ truyền thống như kèn, sáo, đàn và các dụng cụ hằng ngày sử dụng lên nương rẫy như A rừa, A chói…
Đối với người Bru-Vân Kiều, dân ca không chỉ thông thường là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn. Bên ánh lửa bập bùng của những mùa lễ hội, âm thanh tiếng khèn vang vọng núi rừng của những đêm đi “Sim”, của mỗi đêm trăng trong bản là lúc khơi dậy niềm đam mê dân ca của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai. Họ hát để thể hiện sự đủ đầy sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về làng mới…


Một buổi tập thổi sáo Pi ở xã Trường Sơn.


Ngày lễ hội, tiếng sáo pi của người Bru – Vân Kiều lại vang lên lảnh lót gọi hồn thiêng núi rừng và gợi mở về một thế giới tâm linh huyền bí. Âm thanh đó phản ánh một đời sống văn hoá phong phú, độc đáo của người Bru – Vân Kiều.


Các nghệ nhân  đang truyền dạy cho con cháu  về sáo.


Đi sim là phong tục đặc sắc của người Vân Kiều.

Mùa trăng sáng được xem là thời điểm lý tưởng nhất cho những buổi đi sim, là thời điểm mà các chàng trai, cô gái Vân Kiều trông ngóng, đợi chờ
Đi sim là một nét văn hóa lãng mạn của nam nữ thanh niên người Bru-Vân Kiều nói chung và người Vân Kiều ở Quảng Bình nói riêng. Đi sim là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái dân tộc Vân Kiều.
Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua quãng thời gian tìm hiểu, trong quá trình tìm hiểu có giai đoạn rất quan trọng chính là đi sim. Khi hai bên đã thấy tâm đầu ý hợp sẽ về báo với cha mẹ. Hai bên gia đình thống nhất, đám cưới sẽ được tiến hành theo nghi thức truyền thống.
Trong lễ hội đi sim, người dân tộc Vân Kiều vẫn lưu truyền hình thức hát đối đáp- một nét đẹp trong văn hóa ứng xử đầy trữ tình, đằm thắm, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình. Đó là hát giao duyên với ba làn điệu chính: cha chấp, oát, xanớt.


Cha chấp là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hẹn hò. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình, họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.
Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc. Làn điệu oát giúp đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca, điệu hát. Những câu hát oát như trở thành người mai mối dẫn dắt họ tìm đến bên nhau.
Xà nớt là làn điệu dân ca để bày tỏ mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó tự thấy được niềm khát khao yêu đương của lòng mình, thấy không thể thiếu được người mình yêu dấu trong đời.
Đi kèm với những làn điệu dân ca là những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như kèn amam. Kèn amam đi kèm với làn điệu cha chấp. Trong những lần đi sim và hát giao duyên, con gái là người giữ kèn amam. Đây là loại kèn phải có hai người thổi và hát lên làn điệu cha chấp để trao đổi tình cảm, giọng kèn trầm và âm vang.
Ngoài ra, còn có kèn tariền. Loại kèn này được làm bằng ống trúc, có dùi năm lỗ tạo ra âm thanh trầm bổng. Kèn tariền dành cho các chàng trai thổi ở các nhà xu để thổ lộ tâm tình với các bạn gái.

Tục đi sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Vì thế mùa trăng được xem là thời điểm lý tưởng nhất cho những buổi đi sim, là thời điểm mà các chàng trai, cô gái Vân Kiều trông ngóng, đợi chờ. Dưới ánh trăng sao vằng vặc, các chàng trai gửi gắm, thăm dò tình cảm đến các cô gái qua làn điệu oát:
Bóng em lấp lánh như sao mới mọc
Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu
Ta đi tìm em, em ơi!
Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy
Ta đang lần tìm đến người, người ơi!
Để đáp lại và cũng để thổ lộ nỗi lòng của mình, giọng hát của người con gái cũng cất lên nghe tình tứ, e ấp nhưng không kém phần cháy bỏng:
Nàng (tên một vì sao) ra đi đã tới gần chòm núi
Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ
Anh cứ Oát hoài
Trên các chòi lúa rẫy
Anh có biết không?
Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh
Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người
Kèn Amam không thổi một người
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.
Núi rừng, sông suối cũng là nơi hò hẹn lý tưởng của các nam thanh nữ tú, là bạn đồng hành thân thiết của những đêm tình yêu, là nhân chứng cho bao mối tình nên duyên vợ chồng. Lối hát giao duyên thể hiện tình cảm một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc:
Nghe tin anh đến lòng em mãi đợi
Nghe tin anh đến tình em mong chờ
Thuốc hút ngon, trầu cau để sẵn
Đón anh tối nay
Em đón đầu đường
Em chờ đầu ngõ
Anh đến mừng khôn xiết
Bối rối muốn ôm anh.


Phụ nữ Bru-Vân Kiều.

Đáp lại lời ca mời chào của các cô gái, các chàng trai cũng thận trọng thăm dò:
Lời nói đưa đừng để lòng anh xao xuyến
Tình thoảng qua đừng để nỗi nhớ trong anh
Anh chỉ như người mất hồn
Anh chỉ như người cuồng điên
Như một trăm năm gặp một lần
Như mười năm gặp một dịp
Ta hãy chung vui trong phút chốc
Cái siêng năng em hãy gác lại
Cái lười biếng em hãy cất đi
Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay
Ta cùng vui theo năm tháng trọn đầy.
Lời hát không chỉ để bày tỏ tình cảm mà qua đó các nam nữ thanh niên còn bày tỏ khao khát tìm được một người yêu lý tưởng.
Vắng nơi ăn uống
Lại thường có mặt nơi việc chung của làng
Xa nhà chàng xếp đầy thú
Bếp nhà chàng xếp đầy xương các to
Đò sắt chàng rèn, rựa như có mũi
Móng tay chàng mòn vì đan những chiếc gùi cho em.
Hoặc:
Ôi em đẹp lắm người thương ơi!
Nhà em lúa đầy bồ, đàn heo nung núc…
Như vậy trong việc lựa chọn người yêu, nam nữ thanh niên Bru-Vân Kiều đều chọn lao động giỏi là tiêu chí hàng đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế và địa bàn cư trú của người dân tộc Vân Kiều: siêng năng, chăm chỉ, biết yêu quý lao động, biết chăm lo gia đình.
Đi sim là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Vân Kiều miền núi Quảng Bình.
Tuy nhiên nếp sống và văn hóa hiện đại đang dần xâm chiếm vào đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều. Tục đi sim với những giá trị truyền thống tốt đẹp đang đối diện với nguy cơ có thể mai một. Cần có phương án để bảo tồn, gìn giữ văn hóa này trong mỗi người Vân Kiều.


Kèn A-nam

Đàn Ta Lư


Sáo Pi


Đàn Môi

Dân ca, nghệ thuật âm nhạc dân gian thường gắn với các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội và các phương thức sản xuất của đồng bào. Nội dung của dân ca và âm nhạc dân gian đồng bào Bru – Vân Kiều thường phản ánh những suy tư, triết lý của dân tộc mình về tự nhiên, xã hội và cuộc sống, thể hiện tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng thẩm mỹ và tính cách dân tộc bằng âm thanh, nhịp điệu, giai điệu, ca từ. Cái riêng trong nghệ thuật dân ca, âm nhạc dân gian của dân tộc Bru – Vân Kiều đã góp vào bức tranh chung đa dạng về văn hóa của các dân tộc ở Quảng Bình.


Gìa làng Hồ Xe kể về ý nghĩa của các lễ vật – thanh kiếm của chú rễ.

Theo thời gian nhiều hiện tượng văn hóa mang tính đặc trưng của tộc người Bru-Vân Kiều đang dần bị mai một. Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố lạc hậu nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa của dân tộc vẫn được dân tộc Bru-Vân kiều ở Hướng hóa Quảng Trị còn bảo lưu và giữ gìn. Một trong những nét văn hóa khá đặc trưng đó là “Tục lệ trao kiếm của chú rể cho cô dâu trong ngày cưới.”
Trong ngày cưới của người Bru-Vân Kiều, khi chú rể và những người đại diện bên nhà trai sang nhà gái đón dâu, ngoài một số lễ vật mang sang bên nhà gái theo yêu cầu từ trước thì thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng là ba thứ không thể thiếu trong lễ đón dâu. Đây chính là những lễ vật cần phải có để tiến hành tục lệ trao kiếm và chỉ khi thủ tục này hoàn tất thì cô dâu mới được rời khỏi nhà mình về nhà chồng.
Nghi thức trao kiếm được diễn ra như sau: Khi chú rể đưa cho cô dâu thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng, cô dâu sẽ đưa lại tất cả những thứ đó cho mẹ đẻ của mình. Mẹ cô dâu sẽ bắc chiếc nồi đồng lên bếp, cho 1 ít nước vào nồi cùng với đồng bạc trắng, cuối cùng bà sẽ đâm mũi kiếm xuống bên cạnh chiếc nồi đồng đang đặt trên bếp. Thủ tục trao kiếm như trên coi như đã hoàn tất, lúc này cô dâu có thể theo nhà trai về nhà chồng.


Thanh kiếm truyền thống trong lễ cưới người Bru-Vân Kiều.

Về ý nghĩa của tục trao kiếm trên theo bà Y Phay dân tộc Bru-Vân kiều ở thôn A Cha, xã A Xing huyện Hướng Hóa kể: từ đời cha ông truyền lại, đời sau cứ theo đó mà làm. Với đồng bào tục trao kiếm vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Vì thanh kiếm biểu hiện cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ và chồng (đồng bào quan niệm chuôi kiếm và lưỡi kiếm là 2 bộ phận không thể tách rời nhau, cũng như đôi vợ chồng khi đã cưới nhau thì không thể thiếu 1 trong 2 người) ngoài ra thanh kiếm còn tượng trưng cho sức mạnh của chàng trai, là nơi cha mẹ cô dâu có thể yên tâm trao gửi con gái mình cho chàng rể.
Với cả 2 ý nghĩa đó nên dù người Vân Kiều không có nghề kim loại, nhưng nếu sinh được bao nhiêu con trai họ cũng phải chuẩn bị từng ấy thanh kiếm để đi hỏi vợ cho con. Khi đã trao thanh kiếm cho nhà gái rồi thì thanh kiếm đó trở thành thứ tài sản quý giá của gia đình cô gái.. Những gia đình khó khăn chỉ cần 1 thanh kiếm làm bằng sắt đơn giản là được. Quý nhất là thanh kiếm có bao kiếm được bọc bằng bạc trắng, đầu, thân và đuôi kiếm được chạm khắc hoa văn cầu kỳ và tinh xảo. Cùng với thanh kiếm là chiếc nồi đồng và bạc trắng thể hiện sự giàu có, no đủ của gia đình. Tùy theo điều kiện gia đình mà nhà trai dẫn cưới loại nồi 1,3,5,7,9 hay 10. Nồi đồng càng to càng thể hiện sự giàu có và sự tôn trọng của gia đình nhà trai đối với gia đình nhà gái.

Nồi đồng truyền thống trong lễ cưới người Bru-Vân Kiều.

Trong lễ cưới của người Bru-Vân Kiều khi về nhà chồng cô dâu còn phải trải qua 2 tục lệ nữa là tục rửa chân, tục lệ ăn cơm chung và tục lệ đạp bếp. Nhưng tục trao kiếm vẫn là tục lệ thiêng liêng nhất đối với người Bru-Vân Kiều trong lễ cưới.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến nhiều thanh kiếm đã bị tịch thu. Ngày nay tục trao kiếm vẫn được diễn ra trong mỗi đám cưới, tuy nhiên không có điều kiện như trước là mỗi chú rể có 1 thanh kiếm trao cho nhà gái. Người ta có thể mượn kiếm nhau hoặc có dòng họ làm 1 thanh kiếm để cho các chàng trai trong dòng họ dùng khi có lễ cưới.Thay vào việc nhà gái cất giữ kiếm như 1 thứ tài sản quý trong nhà thì thanh kiếm có thể trả lại người chủ của nó sau khi lễ cưới kết thúc hoặc được trang trọng để trên bàn thờ của dòng họ.


Người Bru-Vân Kiều bao lâu nay vẫn nổi tiếng là dân tộc cưới nhiều lần nhất… Đối với họ, trong đời sống hôn nhân, nếu chưa cưới được ba lần thì dù có chết đi, giữa người chồng và người vợ vẫn chưa thể được coi là vợ chồng.
Tục cưới của người Bru–Vân Kiều ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có nhiều nghi lễ rất lạ. Để có được một vợ, người đàn ông phải tổ chức cưới đến 3 lần.
Đến tuổi đôi mươi các chàng trai người dân tộc Bru–Vân Kiều bắt đầu rủ nhau đi “bắt” dâu. Đây là nghi lễ khởi đầu hành trình 3 lần cưới trong đời của họ.
Vào đêm trước đám cưới, chú rể cùng những người trong họ hàng thắp đuốc và đến nhà nữ “bắt” dâu. Tới nơi nhà trai không bắt dâu ngay mà chỉ nhóm lên những đống lửa nhỏ xung quanh nhà cô dâu rồi ngồi uống rượu cần, chuyện trò hồ hởi cho đến sáng. Các già làng người Bru–Vân Kiều lý giải, rằng hành động ấy biểu thị cho lòng thành của nhà nam với mong ước cho đôi trai gái sau này có một đời sống hôn nhân vẹn toàn.
Tờ mờ sáng, nghi thức “bắt” dâu bắt đầu. Chỉ có 2 người phụ nữ là bà con của chú rể mới được bước lên cầu thang vào nhà cô dâu. Khoảng nửa tiếng sau cô dâu được “bắt” đi trong tiếng vỗ tay của nhà nam và ánh mắt rưng rưng của cha mẹ, anh em cô dâu. Của hồi môn cô dâu mang ra khỏi nhà có một chiếc vòng tay, vòng cổ bằng bạc và chiếc xi-lúc-thắc (áo vải tự tay phụ nữ Bru – Vân Kiều may cho con cháu mặc ngày đi lấy chồng).


Nghi lễ buộc sợi chỉ vào tay đôi vợ chồng trẻ.

Theo quan niệm và phong tục của người Khùa, đó gọi là “bắt vợ”, “trộm vợ” nhưng tất nhiên đã có giao ước từ trước, có ngày tháng, giờ giấc cụ thể. Còn đối với cô dâu, chú rể, họ cũng được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương chứ không có chuyện ép buộc hay tự nhiên “bị bắt” gì cả.
Ngay lúc đó, chú rể không đi với cô dâu luôn mà sẽ phải ở lại cùng với người mai mối và trưởng tộc của mình để làm lễ sánh duyên với nhà nữ. Trước mặt cha mẹ cô dâu, ngồi giữa chiếu, chú rể lấy trong chiếc kà-nhăng (giỏ tre) một thanh kiếm, đặt mũi hướng về bàn thờ rồi cúi lạy tổ tiên nhà nữ cùng lời thề suốt đời làm chỗ dựa vững chắc cho cô dâu. Ngoài ra, nhà chú rể còn chuẩn bị một ít tiền cưới đặt trên mâm lễ. Nghi lễ kết thúc khi chú rể thành kính cúi lạy bố mẹ cô dâu theo lễ tục cho phải đạo làm con.
Nghi thức quan trọng nhất trong ngày cưới của người Bru–Vân Kiều là lễ buộc chỉ cổ tay cho đôi uyên ương. Nơi gian ngoài cùng của ngôi nhà sàn, cô dâu và chú rể ngồi bên chiếc ku-tôộc (mâm đan bằng mây tre) hướng về bàn thờ tổ tiên, trên chiếc ku-tôộc đặt hai sợi chỉ nằm song song. Ngồi ở vị trí trịnh trọng nhất trước mặt đôi tân hôn lúc đó là người mai mối và trưởng tộc hai họ. Lúc người mai mối tuyên bố buổi lễ bắt đầu, cô dâu, chú rể lập tức cúi úp mặt xuống sàn nhà, tay lật ngửa giơ lên hướng về phía bàn thờ. Khi lời cầu khấn của 3 vị chủ lễ đã dứt thì đôi uyên ương mới được phép ngước lên và người mai mối tiến lại lấy chỉ buộc vào cổ tay hai người. Thời khắc sợi dây nối kết lời thề nguyền trọn đời hạnh phúc của đôi tân hôn được buộc xong thì tiệc cưới chính thức bắt đầu. Mọi người cười nói vui vẻ, cô dâu, chú rể dắt tay nhau tay bắt mặt mừng với bà con hai họ. Hôm đó, dân bản mừng vui như ngày hội…


Lễ bắt dâu của người Khùa.

Trong đời người đàn ông Bru–Vân Kiều, ai cũng phải cưới 3 lần mới được bản làng chính thức coi là đã có vợ hoặc nhìn nhận cặp trai – gái này là vợ chồng. Phong tục cưới lần 2 và 3 cũng gần giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn, bao gồm cả bò và lợn. Người Bru–Vân Kiều coi đây là cách để trai Bru–Vân Kiều cưới được vợ và khi ở với nhau thì mãi mãi hạnh phúc. Thời gian tổ chức lễ cưới lần hai, lần ba thì không cố định. Chỉ khi nhà trai có của ăn, của để, đủ tiền sắm lễ vật thì cưới. Vậy nên chuyện nhiều trai Bru – Vân Kiều phải chờ đến mấy chục năm sau mới cưới xong vợ là chuyện bình thường.
Thế nên đa số vợ chồng người Bru–Vân Kiều gần 50 tuổi mới cưới đủ 3 lần nên có những cặp vợ chồng khi đã làm ông bà rồi mới trở nên vợ chồng thực thụ; rồi có những trường hợp chưa kịp cưới nhau xong thì người chồng hoặc người vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Trường hợp này con cái phải có trách nhiệm làm lễ cưới cho bố hoặc mẹ với người đã khuất để được cưới đủ số lần theo tục lệ đã định.

Bàn thờ linh hồn sống được các gia đình Vân Kiều đặt ở vị trí sát mái nhà.

Từ lâu, người Vân Kiều ở bản Khe Ngát, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có tục thờ linh hồn người sống ngay khi họ mới sinh ra. Mỗi linh hồn được thờ bằng một bát sứ đặt trên bàn thờ ở sát mái nhà. Khi gia đình có người đau ốm, họ liền nghĩ tới chuyện vị thần bổn mạng của người đó đang đòi hỏi được làm lễ cúng.
Cúng hồn người sống từ khi sinh ra

Theo quan niệm này, khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày, những người trong gia đình sẽ chuẩn bị hai con gà. Sau đó, họ mời thầy cúng về làm lễ, trình bày với ông bà, tổ tiên rằng gia đình mới đón nhận thêm một thành viên mới, cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho đứa bé mạnh khỏe, khôn lớn. Khi đứa trẻ được một tháng, gia đình chuẩn bị thủ lợn để làm lễ chẵn tháng, tiếp tục trình bày với tổ tiên, ông bà để đặt tên cho đứa trẻ. Đến khi đứa trẻ được một tuổi, người nhà phải mua một con lợn để làm một “cái vía” của đứa trẻ. Cái vía đó được đựng trong một cái bát bên ngoài bọc bằng giỏ tre, bắt đầu việc thờ cúng vị thần bổn mạng của đứa trẻ.


nghi thức  chuyển linh hồn sống của mình từ nhà mẹ đẻ sang gia đình nhà chồng.

Đến nay, mặc dù cuộc sống của người Vân Kiều đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng phong tục thờ linh hồn người sống vẫn được người dân ở đây duy trì. Thông thường, việc thờ linh hồn sống chỉ kết thúc khi người đó chết đi.


Áo (Ada) của người Bru- Vân Kiều.

Người Bru-Vân Kiều ở nước ta không biết trồng bông dệt vải, ngày xưa họ hay lấy vỏ cây xui có tên là a nưng về làm khố, áo để mặc, về sau do giao lưu với người Việt, người Bru-Vân Kiều và người Lào đã cải tiến từng bước về trang phục, trong cách ăn mặc của họ đã có sự tiến bộ nhiều, đặc biệt là có nhiều nét tương đồng với các dân tộc cư trú ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Tập quán cổ truyền xưa kia của người Bru-Vân Kiều dù đàn ông hay đàn bà, đều búi tóc, chỉ quy định riêng cho con gái trẻ chưa chồng thì búi tóc bên trái, khi có chồng được qui định búi trên đỉnh đầu. Về sau, phụ nữ thuộc nhóm Vân Kiều thường hay đội khăn vuông trắng, hai đầu khăn thít lại, đã vểnh lên như hai cái – tai (nhóm Khùa).
Người Bru-Vân Kiều sinh sống bằng cách săn bắn và trồng trọt nên trang phục của người Nam thường ở trần và đóng khố để phù hợp với những sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, phụ nữ Bru-Vân Kiều thường mặc váy dài qua gối từ 20-25 cm. Có nhóm mặc áo chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc vuông. Có nhóm nữ đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm cổ và hai nẹp trước áo có đính các ‘đồng tiền’ bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen tạo nên một cá tính về phong cách thẩm mỹ riêng trong diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam.


Trang phục nam, nữ Bru-Vân Kiều.

Nói đến trang phục của người dân Bru-Vân Kiều, người ta không khỏi nhắc đến một số “tài sản” vô giá như Xân, áo “Ada”, chiếc khăn Đam nối tiếng. Chiếc khăn đam dùng quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, là trang phục truyền thống của đồng bào. Khăn được dệt bằng vải có dải ngang, hai đầu có xúc tua, dài khoảng gần 1 mét, thường có màu sắc sặc sỡ.Người dân Bru-Vân Kiều sử dụng Xân, Ada, khăn Đam trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin và trong cả đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Cho đến nay, trang phục cùng với các trang sức truyền thống đã tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ của những sơn nữ Bru-Vân Kiều giữa màu xanh vô tận của núi rừng. Các vòng hạt cườm đeo cổ làm từ chất liệu đá quý được xâu thành chuỗi, có màu tím hồng, ghè theo hình ô van. Những chuỗi cườm là đồ trang sức mang trong cuộc sống đời thường, đặc biệt không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của gia đình, làng bản. Thêm nữa là những vòng đeo tay, khuyên tai, vòng cổ làm từ một số kim loại sáng màu, không gỉ, đa phần là bằng bạc.
Đàn ông Bru-Vân Kiều hiện nay được mặc những bộ trang phục như người miền xuôi, ngược lại, phụ nữ mặc những chiếc váy trang trí tinh xảo và cầu kỳ hơn, những người có điều kiện kinh tế khá giả còn đính kim loại bạc tròn ở mép .

Huy Thục (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét