Hội Lồng Tồng là nơi thể hiện tính cố kết cộng đồng...
Mùa xuân - mùa của khát vọng, chờ mong, mùa của các lễ hội.
Với người Tày, Nùng Lạng Sơn, hội Lồng Tồng (hay lễ hội cầu mùa) chính là một
trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất.
Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời trong cộng đồng người
dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng
Sơn và một số tỉnh Tây Bắc, được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với mong ước
cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng là dịp để bà con các
dân tộc cùng nhau vui chơi, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng.
Lạng Sơn - miền địa đầu tổ quốc, nơi hàng năm diễn ra khoảng
hơn 200 lễ hội Lồng Tồng truyền thống đầy hấp dẫn và thú vị. Lễ hội của dân tộc
Tày - Nùng ở Lạng Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 Tết đến 30 tháng giêng để mở mùa
gieo trồng mới.
... cũng là nơi trai gái hẹn hò
Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng
xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ
thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia cầm
sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi
đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội
đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành
Hoàng, đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp.
Không khí Lễ bao giờ cũng linh thiêng thành kính khi người
chủ lễ bắt đầu đọc bài khấn cám ơn Thần nông phù hộ bản làng làm ăn no đủ, cầu
cho vụ tới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu hơn nữa (Thế nên hội lồng tồng
còn có tên gọi khác là hội cầu mưa, hội cầu mùa). Lễ vật thường có xôi nếp, rượu
trắng và các loại bánh như khẩu sli, bánh dày, chè lam... nhưng không thể thiếu
gà trống thiến luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng và những
quả trứng vịt luộc chấm đủ màu sắc...
Tiếp đến là phần hội, vui nhộn, náo nức, tiếng hát then,
sli quyện với tiếng đàn tính. Các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc được tổ
chức: múa võ, múa kỳ lân, múa sư tử, tung còn, kéo co, đi cà khe, đánh quay, bịt
mắt bắt dê,... Đặc sắc có lẽ chính là trò chơi ném còn. Ném còn tưởng dễ mà
không dễ, cả ngày hội cũng chỉ vài người ném được quả còn qua vòng tròn trên đỉnh
cây tre.
Trẻ con cũng được người lớn đưa đi chơi hội
Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn
làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai hoặc tre cao từ 20-30m làm cột.
Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ
nhật- nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời hoặc dán một vòng tròn đồng
tâm bằng giấy mầu khác để làm tâm điểm. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo
léo. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không
vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách
giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa.
Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho
nhau. Đi cà kheo tưởng khó mà không khó, các chàng trai của bản vượt suối, trèo
dốc băng băng trên những đôi cà kheo ngất nghểu.
Trò chơi bịt mắt đánh trống
Ai đã từng dự hội Lồng Tồng hẳn sẽ không thể quên không khí
vui say lòng người, khi dân bản già trẻ lớn bé trong những bộ quần áo đẹp nhất
cùng tụ tập, cùng vui chơi, nổi bật vẫn là các thiếu nữ gò má ửng hồng, cặp mắt
lúng liếng…
Lạng Sơn mùa Xuân, núi non điệp trùng, làng bản phủ mờ
trong sương sớm, nơi bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Hoa…cùng chung sống,
bảo lưu những nét đẹp với phong tục truyền thống từ bao đời, cùng nâng chén rượu
nồng chúc Xuân và cầu ước cho một năm an khang, thịnh vượng.
Hoàng văn Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét