Đồng
bào dân tộc Mông di dời từ vùng núi cao Tây Bắc vào lập kinh tế mới ở xã Rômen,
huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Người Mông ở Mèo Vạc , Hà giang mở Hội mừng xuân
Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất
ở Việt Nam, sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên ở các
tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của
khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt
Nam.
Người dân tộc Mông được phân biệt thành nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông
Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Dua
(Mông Xanh), Mông Xúa (Mông Mán) và nhóm Na Mẻo. Sở dĩ người Mông được phân biệt
thành các nhóm như vậy là dựa trên sự khác nhau về trang phục và ngôn ngữ giữa
các nhóm Mông. Ví dụ người dân tộc Mông Trắng mặc váy màu trắng, người dân
tộc Mông Đen thì mặc váy thiên về màu đen nhiều hơn. Ngoài ra, các nhóm người
dân tộc Mông còn được phân biệt dựa trên ngôn ngữ. Mỗi nhóm Mông có những từ vựng
cơ bản giống nhau nhưng cũng có rất nhiều từ địa phương khác nhau.
Tên gọi của người dân tộc Mông cũng nói lên văn hóa của họ rất
rõ. Người dân tộc Mông ở Việt Nam trước kia được gọi là người Mèo (Miêu). Từ
Miêu theo từ Hán Việt chỉ cư dân trồng trọt gắn với cỏ cây, với ruộng vườn. Người
Mông là cư dân trồng trọt chứ không phải chăn nuôi. Người dân tộc Mông rất thạo
nông nghiệp, họ sống trên đỉnh núi cao và có hai hình thức canh tác là làm
nương rẫy và trồng lúa nước. Người dân tộc Mông cho rằng trước kia họ đã từng
sống ở đồng bằng và họ cũng làm ruộng nên khi lên núi cao sinh sống thì bên cạnh
nương rẫy, ở nhiều vùng người Mông cũng phạt núi để làm thành những bậc thang để
có thể giữ nước bên trong để trồng lúa nước. Trình độ trồng lúa nước trên các
thửa ruộng bậc thang của người Mông rất cao. Điều này gắn với lịch sử người
Mông có một truyền thống trồng lúa nước lâu đời.
Người dân tộc Mông sống ở rất nhiều tỉnh ở Việt Nam nhưng ở mỗi tỉnh,
họ sống tập trung ở một vài huyện trong tỉnh đó. Họ rất ít khi sống xen kẽ với
các dân tộc khác mà thường cư trú tập trung trong dân tộc mình. Nhà của người
Mông bao giờ cũng dựng trên các triền núi, nơi mà phía trước có suối, có nguồn
nước, phía sau có núi che chở. Hầu hết người Mông ở các vùng dùng gỗ pơ mu để
làm nhà, riêng nhà người Mông ở Hà Giang làm bằng đất trình tường. Do sinh sống
ở vùng khí hậu lạnh nên nhà của người Mông thường thấp và không có cửa sổ. .
Người Mông là dân tộc theo chế độ phụ hệ. Tính phụ quyền trong gia
đình người Mông rất mạnh, người đàn ông đóng vai trò quyết định mọi việc trong
gia đình và là người thừa kế tài sản trong gia đình. Người phụ nữ không được thừa
kế tài sản trong gia đình, khi lấy chồng thì thứ tài sản duy nhất người con gái
được mang về nhà chồng là những đồ trang sức bằng bạc và váy áo.
Đối với người Mông thì thiết chế dòng họ đóng vai trò rất quan trọng.
Trong một họ bao giờ cũng có một người trưởng họ, mỗi khi có vấn đề gì xảy ra
trong làng thì người ta có thể tìm đến người trưởng họ là người am hiểu luật lệ,
lí lẽ nhất trong họ đó. Mỗi họ lại có quy định, luật lệ khác nhau, mọi người
trong họ phải tuân theo quy định, luật lệ đó.
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những
dân tộc và giữ được những nét độc đáo riêng về bản sắc văn hóa truyền thống dân
tộc trong cuộc sống hội nhập hiện nay.
Ma Văn Âm (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét