Người Cao lan có tục khi có người
chết, chỉ đón một ông thầy đến làm thủ tục đơn giản, nhanh gọn
để đem đi gửi đất, anh em, họ hàng con cháu nội, ngoại có mặt để đưa
người quá cổ đi. Lúc vào áo quan, các con trai trực tiếp đưa bố, mẹ
mình nhập quan. Các con cháu chịu tang ngay từ khi thầy đến làm thủ
tục ban đầu.
Người Cao lan chỉ làm ma khô (tức
người chết đã đem chôn cất), thời gian làm một đám ma là ba ngày và
ba đêm,Trong thời gian làm, vẫn làm đủ thủ tục như: nhập quan; con
cháu làm thủ tục cúng cơm cho người chết khi đến bữa ăn, lăn đường
khi ra ma, thủ tục hạ huyệt...
Thầy cúng đám ma Cao lan thường có ít
nhất là 9 người, nếu người chết khi còn sống làm thầy thì đám tang
người đó đoàn làm thầy có đến 15 người. Có 1 thầy chính, 2 thầy
phụ,1 thư ký, 1 người chuyên túc trực bên thầy giúp việc bày
đặt, don lễ cúng, hoặc thầy sai mọi việc vặt...có từ1 đến 2 người
chuyên viết văn bản, còn lại là người đánh thanh la, phèng ,trống và
đặc biệt phải có 1 tốp thợ ít nhất là 4 người, nhiều đến 8 người
chuyên làm nhà táng. Đám tang làm trong ba ngày và ba đêm, trong những
ngày làm các con cháu, anh em, làng xóm đến phúng viếng và ăn cơm
chia buồn với gia đình, nhất là ngày cuối rất đông, có thể vài chục
mâm cơm, những người đến có tiền chia sẻ, đóng góp cùng gia đình.
Quan trọng nhất đám ma người Cao lan
là nhà táng, tốp thợ làm cật lực cho kịp thời gian và bảo đảm
chắc, đẹp. Một chiếc nhà táng dùng hết đến 10 vác nứa tươi, nhà
sàn ba tầng, 12 mái, 3 nóc,người thầy thoải mái đứng, ngồi trên nhà
táng làm lễ. Người chết dưới 70 tuổi kiểu nhà một hàng cột, một
lớp liếp( phên che làm bằng nứa); trên 70 tuổi hai hàng cột và một
lớp liếp; trên 80 tuổi, ba hàng cột và hai lớp liếp.
Những thủ tục phải có trong một đám
ma người Cao lan:
Lễ dựng Phan (dựng cây vầu), người con
trai cả dựng cây vầu, dựng trước cửa nhà táng, trên cây vầu có gắn
mũ Phan (đan bằng cây nứa như chiếc đó đơm cá), dán giấy mầu vàng,
bạc, xanh , đỏ, bên trong thầy ghi họ tên, tuổi, địa chỉ người chết
gửi thiên đình.
Lễ tắt đèn: Ông thầy phụ ngồi trong
nhà táng, ông thầy chính làm thủ tục khấn, sau đó tắt đèn, ông thầy
phụ đi lại trong nhà, rồi đi xung quanh bên ngoài nhà. Ý nghĩa việc
này là người chết đến kiểm tra nhà táng do con cháu làm cho, xem có
đạt không, ông thầy chính xin âm dương dưới ánh sáng của ngọn nến
hoặc đèn dầu le lói, đến khi được thì lễ kết thúc.
Chôn bát cho: Thủ tục này có ý nghĩa
là thầy bắt nhốt tất cả các ma, quỷ gian tà vào trong bát cho bếp,
sau đó đem chôn đất (có nghĩa đem nhốt), gọi thổ công đến giao nhiệm
vụ trông giữ, nếu trong vòng 21 ngày mà gia đình không xẩy ra điều gì
(có nghĩa là ma quỷ đã thuần) thì thổ công thả ra. Trong trường hợp
nếu trong thời gian đó gia đình có chuyện xẩy ra như tai nạn, có
người ốm đau... thì phải nhốt hết 120 ngày thổ công mới được thả ra.
Tục phá ngục: Sợ người chết
làm điều gì phạm đến gian tà mà gian tà bắt đem nhốt tù, ông thầy
làm lễ phá ngục để giải thoát cho người chết lên thiên đàng. Dùng
nứa đã chẻ đan thành một quầy ngục (giống như vành móng ngựa), dán
giấy xanh hoặc vàng, ông thầy lập danh sách họ tên, tuổi từng người
con, cháu rồi Con cháu lần lượt ký tên (điểm chỉ) vào tờ giấy đó (người
con cả ký cuối cùng). Sau đó ông thầy đọc, khấn rồi đốt và ông thầy
tiến hành phá ngục(dùng con dao chém chiệc ngục), phá ba lần thì
xong.
Lúc đưa ma, con cháu khiêng nhà táng
chụp lên quan tài rồi những người hàng phe, hàng phường khiêng đi. Lúc
hạ huyệt, vùi đất xong thì đưa nhà táng lên trên ngôi mộ để đốt, từ
đó người chết có nhà ở khang trang.
Nếu đám ma tiến hành ngay sau khi
người chết thì con cháu vẫn phải chịu tang đủ ba năm mới đoan tang;
nếu đem gửi đất mà không có điều kiện làm ma ngay thì vẫn chịu tang,
nhưng có thể đoạn tang sớm hơn; nếu đám ma tổ chức sau ba năm kể từ
ngày người chết (tức đã làm thủ tục đoạn tang), thì chỉ chịu tang
trong những ngày làm ma, xong đám bỏ tang luôn khi đám ma kết thúc.
Người Cao lan không làm giỗ mà làm sinh nhất khi còn sống.
Vi Đức Hồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét