Đến bản Tả Phìn xem người Dao làm trống
Nghề làm trống vốn được lưu truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ người Dao đỏ ở bản Tả Phìn, huyện
Sapa, tỉnh Lào Cai. Trống đối với người Dao đỏ là vật dụng rất quan trọng và cần
thiết.
Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao Đỏ
phải có một bộ trống để phục vụ cho sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ, tết,
cưới hỏi, ma chay. Người Dao đỏ bản Tả Phìn làm trống chủ yếu bằng phương pháp
thủ công, khá công phu. Mặt trống được làm từ da bò hoặc da trâu. Da được đem
phơi nắng hoặc để gác bếp từ 10-15 ngày rồi mới đem cắt theo khuôn tang trống.
Tang trống được làm từ gỗ mít, đục rỗng ruột
và vuốt tròn sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền, chắc. Da mặt trống được gắn
vào tang trống bằng cách dùng các dây mây dẻo dai nối lại hai mặt trống, sau đó
người thợ dùng các nêm gỗ đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào
nhau, sao cho da mặt trống căng, tạo ra âm thanh trầm bổng. Các nêm gỗ găm xung
quanh trống tạo nên sự khác biệt độc đáo của trống người Dao đỏ bản Tả Phìn.
Người chuyên làm trống ở bản Tả Phìn,
cho biết: Chúng tôi phải học để làm, làm đúng như ngày xưa, làm bằng dây mây, cái nêm trống thì
cũng đóng bằng thủ công hết. Trống này làm ra phục vụ cho hoạt động văn nghệ,
ngày lễ, ngày tết. Vào ngày mùng một tết, bà con cúng tổ tiên cũng dùng trống.
Không phải gia đình người Dao nào
cũng làm được trống. Nghề làm trống phải được truyền từ đời này sang đời khác.
Hiện, xưởng làm trống của gia đình ông Lý Phủ Quyện là một điểm khá nổi tiếng với
du khách.
Người làm trống, ngoài đôi tay khéo léo
còn cần đôi tai tinh tế để nghe và chỉnh âm thanh của trống. Một chiếc trống
chuẩn, khi đánh lên, người ở xa vẫn nghe tiếng âm vang, người ở gần không thấy
chói tai, như vậy mới là một chiếc trống tốt. Ngày nay, trống của người Dao đỏ
bản Tả Phìn không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, mà còn là một
sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Triệu Minh Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét