Cô dâu, chú rể trong ngày cưới.
Lễ cưới là một nghi thức có từ lâu đời, thể hiện
bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao. Đây là một nét văn hóa đẹp cần
được lưu giữ và bảo tồn. Ngày nay, do có sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa
các dân tộc với nhau nên lễ cưới của người Dao có nhiều thay đổi, cùng với đó lễ
cưới cũng mất đi những nét độc đáo, nhiều nghi thức trong buổi lễ dần mai một
theo năm tháng...
Nhiều nghi lễ độc đáo...
Từ thị trấn du lịch Sapa (tỉnh Lào Cai),
xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km là tới xã Tả
Van. Tả Van nằm gọn trong thung lũng Mường Hoa xinh đẹp dưới chân núi Hoàng
Liên Sơn, thấp thoáng trong làn sương mỏng, những chiếc cầu treo vắt vẻo bắc
qua con suối Mường Hoa. Từ trên cao nhìn xuống, đám cưới diễn ra ngoài trời của
một đôi trai gái người dân tộc Dao rực đỏ như vườn hoa lớn trên cái nền xanh mướt
của bản làng.
Từ dưới xuôi lên đây du lịch, chúng tôi là
những vị khách không mời trong đám cưới của Chảo Lùng Vạn và Tần Thị Chẩy. Với
người Dao, dù bạn là ai, nếu vào dự đám cưới đều trở thành khách quý và được
đón tiếp rất nồng hậu.
Trời nhập nhoạng tối, ngày mai mới tổ chức
cỗ cưới chính mời khách, nhưng đêm nay là đêm vui nhất trong lễ cưới của người
Dao. Mọi người trong bản đều tụ tập ở nhà chú rể, thức thâu đêm trò chuyện, uống
rượu, cùng hát giao duyên.
Đoàn rước dâu.
Già làng Tẩn Vần Phấu hỉ hả: “Ở đây suốt
đêm với người Dao đi, nghe hát, uống rượu vui lắm!”. Xen lẫn tiếng cười sảng
khoái của cụ Phấu, tiếng khèn và tiếng hát văng vẳng đâu đây. Một đôi trai gái
đứng ngoài hiên đang cất lời tình tự qua điệu Páo dung (điệu hát giao duyên của
người Dao- PV). Tiếng hát chìm trong khoảng không mênh mông của đêm rừng Tây Bắc.
Chàng trai: "Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều
may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình
bình yên...!"... Cô gái: "Nghe em hát, anh cảm thấy rằng em đã yêu
anh. Khi em về rồi, anh sẽ luôn nghĩ đến bài hát của chúng mình. Anh sẽ buồn
lòng rất nhiều vì nhớ em..!".
Xưa nay, người Dao chinh phục trái tim
nhau bằng sự tài tình đối đáp và sự chân thành qua lời hát Páo dung. Chú rể Chảo
Lùng Vạn, 19 tuổi, người Tả Van, hai năm trước trong một đám cưới bên xã Tả
Phìn cũng đã làm xiêu lòng cô gái Tần Thị Chẩy, 18 tuổi, bằng điệu hát tha thiết
như thế…
Đưa cô dâu về nhà chồng.
Ngà ngà men rượu, già làng Tẩn Vần Phấu rủ
rỉ kể chuyện: “Ngày xưa, đám cưới người Dao đỏ dềnh dang tốn kém lắm, nay thì
chỉ làm trong 2 ngày. Theo lệ của người Dao đỏ, nhà chú rể phải cử người sang
nhà gái đưa một đôi vòng tay bằng bạc trắng. Lần đầu, nhà gái trả lại. Nhà trai
tiếp tục đi hỏi lần thứ hai, sau 3 ngày, không thấy nhà gái trả đồ lại, lúc ấy
nhà trai mới chọn ngày tốt, mang theo một con gà, một lít rượu sang nhà gái.
Lúc ấy, hai bên gia đình mới bàn bạc thống nhất và định ngày ăn hỏi. Và đám cưới
chủ yếu diễn ra ở nhà trai”.
Trước khi cô dâu về nhà chồng, thầy mo
cúng trình báo tổ tiên nhà gái. Lễ vật gồm: 1 thủ lợn, 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi
màu đỏ, 1 chai rượu, 6 chiếc chén đặt trước bàn thờ tổ tiên.
Người Dao đỏ quan niệm, khi người con gái
đi lấy chồng không để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp
may trong cuộc đời sau này. Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân
trên đưòng, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một
đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Trong lúc hai bên gặp nhau thường diễn
ra cuộc hát đối đáp và mời nhau uống rượu. Đoàn đưa dâu của nhà gái dù gần hay
xa đều phải nghỉ lại nhà trai một đêm trong gian buồng tạm trú. Nơi ngủ được
làm tạm ở góc đầu đốc nhà chỉ kê vừa một chiếc giường. Lễ vật gồm: 1 con lợn nhỏ
mổ sạch sẽ, một ít tiền âm, 1 bát hương. Sau đó thầy mo sẽ cúng trình báo tổ
tiên nhà trai rồi thay mặt gia chủ mời tổ tiên về dự và phù hộ cho hai gia đình
cùng đôi vợ chồng trẻ. Bữa tiệc mở đầu cho lễ cưới họ nhà trai diễn ra vui vẻ,
đội kèn nhập mâm đón cô dâu vào nhà.
Người Dao quan niệm mọi điều tốt lành nhất
đều bắt đầu ngay từ buổi sớm mai, khi mặt trời còn chưa thức giấc. Theo cách chọn
giờ của người Dao đỏ thì khi cô dâu vào nhà chính phải vào lúc từ 2 đến 11 giờ.
Đó là khoảng giờ tốt nhất cho cô dâu và chú rể sau này.
Thế nên, sáng sớm hôm sau, khi những giọt
sương vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, sự yên tĩnh vốn có của núi rừng bị đánh thức bởi
âm thanh náo nhiệt của kèn pí lè, thanh la, chiêng trống. Đoàn nhà trai gồm ông
mối, các chàng trai, cô gái sang nhà gái rước dâu từ rất sớm. Chúng tôi hòa
mình vào đoàn rước dâu lộng lẫy một màu đỏ của trang phục dân tộc Dao, với áo,
váy, khăn đội đầu, đến cả những “gánh” hành lý mang về nhà chồng của cô dâu Chẩy
cũng rực rỡ đỏ...
Những nét đẹp văn hóa truyền thống cần được
gìn giữ
Theo già làng Tẩn Vần Phấu, trong phong tục
cưới hỏi của người Dao có rất nhiều nghi thức đặc sắc mang đậm bản sắc riêng
như nghi lễ so tuổi; nghi lễ đặt cau, trầu; nghi lễ cắt cổ gà quyết định ngày
cưới; nhưng không thể thiếu lễ tơ hồng - nghi lễ được xem là quan trọng nhất
trong lễ cưới.
Lễ tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng
tổ tiên, đây là nghi thức quan trọng công nhận đôi trai gái chính thức trở
thành vợ chồng. Người Dao quan niệm rằng khi tổ chức xong nghi thức này thì đôi
bạn trẻ sẽ được sống hạnh phúc với nhau đến trọn đời, không gì có thể chia tách
đôi vợ chồng trẻ.
Trước khi vào làm lễ tơ hồng, cô dâu trang
điểm thật đẹp, đội nón có thêu hoa văn sặc sỡ, tay và cổ đeo nhiều vòng bạc,
chú rể mặc áo đỏ, đầu đội khăn xếp. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ
tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ tơ hồng
được thầy cúng thực hiện. Đầu tiên là nghi thức xua đuổi những điều không may đối
với đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được ở
bên nhau mãi mãi.
Ngay sau bùa yêu là bùa yểm, thầy cúng yểm
cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được bảo vệ bởi các thần linh. Kết
thúc nghi thức này là lễ lạy của cô dâu và chú rể. Chú rể phải lạy đủ 12 lần
trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu theo tập quán truyền thống. Sau đó, cô
dâu và chú rể sẽ uống chung ly rượu với ý nghĩa uống xong ly rượu này hai người
sẽ say nhau suốt đời, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Kết thúc nghi lễ, mọi
người tham dự lễ cưới ăn uống linh đình để chúc mừng cho hạnh phúc của cô dâu,
chú rể.
Già làng Tẩn Vần Phấu trăn trở, việc gìn
giữ các phong tục tập quán của người Dao, nhất là lễ tơ hồng trong phong tục cưới
hỏi là một việc làm cần thiết. Nhưng hiện nay, các đôi vợ chồng trẻ thường bỏ
qua nhiều nghi thức quan trọng khi làm lễ. “Theo dòng thời gian và sự phát triển
của xã hội hiện đại, nhiều phong tục cưới hỏi của người Dao đã bị mất đi. Do vậy
đã làm mất đi nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây...”, già Phấu trầm
ngâm.
Lễ cưới là một nghi thức có từ lâu đời, thể
hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao. Đây là một nét văn hóa đẹp
cần được lưu giữ và bảo tồn. Ngày nay, do có sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa
các dân tộc với nhau nên lễ cưới của người Dao có nhiều thay đổi, cùng với đó lễ
cưới cũng mất đi những nét độc đáo, nhiều nghi thức trong buổi lễ dần mai một
theo năm tháng.
Đám cưới của người Dao quần trắng
Một lễ cưới theo đúng phong tục tập quán của
người Dao quần trắng hiện giờ không còn nhiều nơi tổ chức. Tuy nhiên phong tục
và nghi lễ cưới hỏi của người Dao quần trắng nơi vùng cao Yên Bái vẫn là nét văn
hóa đặc sắc.
Ở Yên Bái, dân tộc Dao gồm có 4 nhóm chính
là Dao đỏ, Dao quần trắng, Dao quần chẹt và Dao làn tuyển, tập trung sinh sống ở
các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và Lục Yên. Mỗi nhóm người Dao nơi đây lại
mang những nét độc đáo riêng trong phong tục tập quán. Và một trong những nét độc
đáo đặc trưng cho mỗi nhóm dân tộc được thể hiện rõ nét trong nghi lễ cưới hỏi
của người Dao. Hãy cùng chúng tôi đến dự một lễ cưới hỏi truyền thống (Áy Cón)
của người Dao quần trắng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái để hiểu hơn về
phong tục và nghi lễ cưới hỏi của người Dao nơi vùng cao Yên Bái.
Hiện nay, một lễ cưới theo đúng phong tục
tập quán của người Dao quần trắng không còn nhiều nơi tổ chức bởi do cuộc sống
mới nên đã có sự cải tiến cho gọn nhẹ hơn. Và lễ cưới truyền thống của người Dao quần trắng
chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cần được gìn giữ nhằm góp phần bảo tồn và phát
huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở đây vẫn giữ được
tinh hoa văn hoá truyền thống dân tộc nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc, nhất là
phong tục nghi lễ cưới hỏi. Khi đôi trai gái quen nhau, mến nhau và họ đi đến
quyết định xây dựng hạnh phúc lứa đôi thì gia đình nhà trai sang nhà gái tiến
hành thủ tục hỏi vợ cho chàng trai và đi đến lễ cưới phải qua 2 lần làm lễ ăn hỏi.
Để mời họ hàng, người thân, cũng như bạn
bè của cô dâu, chú rể đến dự lễ cưới, cả 2 gia đình nhà trai, nhà gái phải thu
thập rất nhiều đồng tiền xu được lưu truyền từ những thế hệ trước để khi đến mỗi
nhà họ phải có 2 đồng xu mang ra tặng chủ nhà. Tiền xu có hình tròn, làm bằng đồng
đen, có lỗ xỏ hình vuông ở giữa, khắc hoa văn và những chữ nổi ở trên mặt. Đây
không phải những đồng tiền dùng để mua bán, trao đổi hàng hóa mà là sản phẩm
văn hóa tinh thần chỉ được sử dụng làm nghi lễ cho việc mời cưới của người Dao.
Điều đặc biệt là cứ đến mỗi gia đình để mời cưới thì họ để lại 2 đồng tiền xu ấy
cho chủ nhà (tượng trưng như tấm thiệp mời đám cưới của người Kinh), nhưng luôn
luôn phải có đôi. Hai đồng tiền xu luôn đi kèm với nhau tượng trưng cho đôi
trai gái yêu nhau, họ đã sánh đôi, luôn hạnh phúc bên nhau.
Đến lễ cưới, gia đình nhà gái chỉ thách cưới
nhà trai 1 đôi gà sống đẹp, 1 lít rượu ngon để làm thủ tục lễ bái tổ tiên gia
đình mình. Nhà trai đến nhà gái đón dâu từ tối hôm trước. Mọi người đến dự lễ
cưới đều mặc trang phục truyền thống. Đôi trai gái mặc bộ trang phục đẹp nhất,
mới nhất. Sau khi làm lễ cúng gia tiên, thần linh cho đôi trai gái thì khách được
mời ngồi vào mâm cơm cỗ thưởng thức món ăn truyền thống và uống rượu suốt đêm,
ca hát mừng hạnh phúc cho đôi trai gái.
Đến sáng hôm sau nhà trai đón dâu về. Đại
diện (trừ bố, mẹ cô dâu) cùng đi với đoàn rước dâu. Nhà gái gói những gói cơm
có đầy đủ thức ăn vào lá chuối tươi để cho đoàn rước dâu ăn dọc đường. Nếu hai
gia đình ở gần nhau thì nhà gái vẫn phải gói ít nhất một gói cơm gửi cho nhà
trai mang theo để thể hiện sự quan tâm. Khi đến nhà trai, việc đầu tiên mà cô
dâu và chú rể phải làm là quỳ trước ban thờ làm lễ báo cáo tổ tiên, thần linh.
Gia đình nhà trai mời một thầy cúng giỏi
nhất vùng để làm lễ cho đôi trai gái chính thức làm vợ chồng. Lễ cưới tại nhà
trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm với những lời chúc tốt đẹp, trong
men rượu nồng nàn. Những người đến dự đám cưới chúc phúc cho đôi trai gái và mừng
tiền phải có 2 tờ giống nhau chứ không bao giờ 1 tờ hoặc nhiều hơn 2 tờ, thể hiện
mong muốn cho đôi trai gái kia luôn hạnh phúc, có đôi, quấn quýt với nhau.
Từ nay cho đến đầu tháng 12 âm lịch, khi
nông nhàn, cũng là lúc người Dao đỏ tổ chức cưới hỏi cho con em mình, nếu đã đến
với cao nguyên trắng Bắc Hà, xin hãy giành thời gian vượt núi ghé thăm bản của
người Dao đỏ chênh vênh trên núi cao Nậm Đét để khám phá, tìm hiểu nghi lễ,
phong tục cưới hỏi của người Dao đỏ, bạn sẽ có những cảm nhận về sự độc đáo, đặc
sắc, tinh tế của phong tục truyền thống nơi đây.
Phong tục cưới của người Dao tuyển
Với người Dao tuyển, hôn nhân là công việc
hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người, gia đình, dòng họ, bởi vậy để đi đến lễ
cưới họ phải trải qua rất nhiều nghi lễ khác nhau như: Lễ thức tìm hiểu, so tuổi,
lễ dạm ngõ, ăn hỏi rồi đến lễ cưới chính thức...
Sau một thời gian tìm hiểu, chàng trai thấy
ưng cô gái nào đó sẽ về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ so tuổi. Đây là nghi lễ
rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hôn sự của đôi trai gái. Sau lễ so tuổi,
thấy đôi trai gái hợp nhau, gia đình nhà trai nhờ một người có tài ăn nói làm
ông mối giúp gia đình tổ chức lễ dạm ngõ. Nếu gia đình nhà gái đồng ý thì sau một
vài ngày sẽ nhờ người báo cho gia đình nhà trai biết để tổ chức lễ ăn hỏi.
Trong lễ ăn hỏi, gia đình nhà trai mời ông mối và vài cô, chú ruột trong gia
đình, một người ngoài dòng họ đi cùng để chứng kiến, hai gia đình bàn, thống nhất
hình thức tổ chức lễ cưới và số lễ vật nhà trai phải mang sang.
Lễ cưới chính thức thường được tổ chức vào
tháng tám, tháng chín âm lịch, đây là khoảng thời gian rỗi rãi, mùa màng đã thu
hoạch xong. Gia đình nhà trai sẽ nhờ thầy chọn ngày tốt, ngày đẹp rồi bỏ vào
túi giấy hồng nhờ ông mối mang sang thông báo cho gia đình nhà gái biết để chuẩn
bị tổ chức lễ cưới chính thức. Ngày cưới, gia đình nhà trai, nhà gái mời đông đủ
anh em, bạn bè, bà con hàng xóm về dự và chúc phúc cho con cháu. Nhà cửa, buồng
cô dâu, chú rể được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí lộng lẫy với mong muốn cặp vợ chồng
sau này sẽ có cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Đồng thời, gia đình nhà trai sẽ mời
một người thầy cúng có pháp thuật cao siêu trong làng đến giúp gia đình làm các
nghi lễ trong đám cưới và làm bùa phép tránh mọi tà ma vào quấy quả, làm hại cô
dâu, chú rể.
Đến giờ hoàng đạo, đoàn rước dâu nhà trai
gồm 9 người gồm một ông trưởng đoàn và người quản lý lễ vật và một số người
khác mang lễ vật. Trước khi đoàn rước dâu khởi hành, thầy cúng làm lễ, yểm quà,
làm phép thu vía của mọi người trong đoàn rước vào trong chiếc ống của trưởng
đoàn. Chiếc ô được trưởng đoàn giữ cẩn thận bên nách trái. Lễ vật được sắp xếp
cẩn thận vào trong một chiếc gùi để phái đoàn mang sang.
Theo phong tục cưới xin của người Dao tuyển,
trên đường rước dâu họ phải nghỉ trọ qua đêm ở ngang đường do nhà gái lựa chọn,
đây là nghi lễ bắt buộc. Khi gần đến nhà trọ, mọi người chỉnh lại trang phục,
quần áo, mũ, khăn, quạt đợi nhà gái làm lễ "hợp chảnh" rồi mới được
bước vào nhà. Lúc này trong nhà, gia đình nhà gái đã dựng sẵn 3 cửa ải để phái
đoàn nhà trai vượt qua. Qua được 3 cổng này thì đoàn nhà trai mới vào được nhà
gái, khi vào nhà gái, bên nhà gái sẽ cử 3 ông tam phẩm ra tiếp đón.
Sau
khi phái đoàn nhà trai bước vào nhà,
ông trưởng đoàn mượn gia đình nhà gái một chiếc mâm để đặt phong thư giấy
hồng, 2 đồng bạc trắng, 2 lít rượu, một con gà rồi giao cho gia đình nhà gái
làm lễ trình "phong thư",
để làm lễ báo cáo với tổ tiên. Tiếp đó là lễ "bản mệnh", rồi lễ
"qua ải bố mẹ" để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Sau lễ qua ải, bố mẹ là lễ hợp duyên, ông trưởng họ ngồi trước mâm hợp duyên
làm chủ lễ, lúc này cô dâu dắt từ trong buồng ra, còn chú rể đưa từ nhà trọ về
nhà gái. Cả cô dâu và chú rể đầu chùm áo kín mặt, họ đưa hai người ngồi gần
nhau để trưởng họ làm lễ báo cáo với tổ tiên và cầu mong cho hai vợ chồng sống
hạnh phúc đến đầu bạc răng long rồi hai vợ chồng bỏ khăn, áo chùm mặt đi vào buồng.
Lúc này, phái đoàn nhà trai, nhà gái cử người ra hát đối đáp chúc phúc cho hai
vợ chồng. Sau khi vào buồng xong, cô dâu, chú rể ra ngoài làm lễ bái đường
"pai đoòng", cầu mong tổ tiên phù hộ cho hai vợ chồng, sau đó hai vợ
chồng mang rượu đi mời cảm ơn mọi người đã đến dự lễ cưới chúc phúc cho hai vợ
chồng.
Trước khi đoàn rước dâu ra về, thầy cúng
làm lễ giải thoát hồn vía cho những người đi rước dâu để đưa cô dâu về nhà
trai. Đoàn nhà trai xếp thành hàng lần lượt vái lạy trước bàn thờ tổ tiên nhà
gái để cảm ơn tổ tiên phù hộ cho đoàn rước dâu được an toàn. Sau đó mọi người
đưa cô dâu về nhà trai làm lễ nhập gia tiên rồi mọi người cùng ăn uống vui vẻ
và cầu chúc cho vợ chồng sống hạnh phúc,
sinh được nhiều con cái. Sau ba ngày, gia đình nhà trai, cùng hai vợ chồng mang
hai con gà, hai chai rượu về nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.
Lý
Thị Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét