Chuẩn bị lễ vật đi đón dâu
Theo nghi lễ truyền thống, khi đoàn rước dâu đến cổng
nhà gái sẽ bị “chặn đường” bằng tấm vải lụa màu, nhà trai phải thuyết phục gia đình
nhà gái bằng điệu hát sình ca thì mới được phép vào trong.
Đó là lễ Chặn đường, một trong những nghi thức độc đáo
trong đám cưới của người Cao Lan ở Bắc Giang.
Người Cao Lan ở Bắc Giang tập trung chủ yếu ở 4 huyện
Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Cũng như các đân tộc khác, dân tộc
Cao Lan có nhiều phong tục tập quán riêng như hát sình ca, các nghi lễ
trong ma chay cưới hỏi…. Trong đó đám cưới có phần đặc biệt hơn cả, diễn ra
trong hai ngày một đêm với rất nhiều thủ tục và nghi lễ như lễ đặt trầu, lễ dạm
ngõ, lễ đặt gánh và cuối cùng là lễ rước dâu.
Nói tới đám cưới của người Cao Lan thì thành phần vô cùng
quan trong và không thể thiếu là thầy Tào (thầy cúng) và Tráng Mòi (thầy mai mối).
Theo quan niệm ở đây, thầy Tào như một đạo sĩ, pháp sư, có sức mạnh siêu nhiên
trong thế giới tâm linh, có trình độ cao nhất trong xem số tử vi, xây nhà, đắp
mộ, trụ trì lễ thụ phong cấp sắc trong đám cưới hỏi. Tráng Mòi như người cha thứ
2, có quyền định đoạt cho đôi trai gái đi đến hôn nhân.
Sau khi được Tráng Mòi giới thiệu, xem tuổi, gia đình
nhà trai sẽ đến nhà gái làm lễ đặt trầu với 8 quả cau, 8 lá trầu và 1 lít rượu.
Nếu 7 ngày sau không thấy gia đình nhà gái trả trầu nghĩa là nhà gái đã đồng ý,
hai bên sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải có 4 cau, 4 trầu
đặt trên bát sạch mang đến nhà gái để thưa chuyện, 3 ngày sau là có thể tiến hành
lễ cưới.
Theo phong tục của người Cao Lan thì lễ vật mà nhà
trai phải mang tới nhà gái trong ngày rước dâu thường là 2 con gà trống, 2 con
gà con đã được làm sẵn, 2 bánh dầy to được dán giấy đỏ có ngôi sao năm cánh gọi
là ẹt sầy, mỗi bánh khoảng 2 kg gạo nếp, 42 bánh giầy nhỏ và 4 m vải trắng (cẩm
lây). Ngoài ra còn có những phần lễ khác như cau, trầu, rượu, thuốc, bánh kẹo…
Theo tục lệ cũ trước đây, ngày thứ nhất của lễ cưới sẽ
được diễn ra ở nhà gái, ngày hai ở nhà trai. Nhà trai đi đón dâu từ chiều hôm
trước và sẽ ngủ lại nhà gái một đêm. Trước khi đến nhà gái rước dâu, nhà trai sẽ
làm lễ cúng gia tiên. Thầy Tào chuẩn bị các bài cúng tỉ mỉ, công phu, cúng xin
tổ tiên che chở cho đôi bạn trẻ, phù hộ gia đình có thêm thành viên mới và làm ăn
phát đạt.
Đi đầu đoàn đón dâu là ông cậu chú rể, có trách nhiệm dẫn đường, đi sau là
một chàng trai phù rể (tạ pu) có trách nhiệm gánh lễ mà nhà gái đã thách cưới,
và chíp mâu, em gái chú rể, là người theo sát cô dâu từ nhà gái đến khi rước dâu
về nhà. Ảnh: vanhoasondong.
Có thể nói nét độc đáo nhất trong lễ cưới của người
Cao Lan chính là nghi lễ Chặn đường của nhà gái. Khi đoàn đón dâu của nhà trai đến
cửa, muốn vào nhà phải biết hát sình ca. Nhà gái cho căng dải lụa ở bậc thang lên
nhà, để nhà trai đến cổng này phải dừng lại. Bao giờ nhà gái cũng hát trước,
khoảng 4 bài, nội dung chào hỏi, sau đó nhà trai hát trả lời, thường là người dẫn
đường hát.
Nội dung điệu sình hát trong đám cưới thường là nhà
trai hỏi nhà gái tại sao lại có dây chăng giữa đường, nhà gái thách cưới rồi
sao còn chăng dây này. Nhà gái hát trả lời rằng các vị từ mãi xa về đến đây mỏi
mệt, đứng lại tạm nghỉ chân, uống nước. Nhà trai đối lại mời nhà gái cùng uống
rượu uống trà, uống xong rồi, cất dây đó mở đường cho nhà trai vào nhà cùng uống
rượu… đó là những bài có sẵn. Cứ hát qua lại như vậy trong khoảng 1 đến 2h. Và
rồi qua những câu sình, nhà gái bị thuyết phục sẽ tự động mở đường cho nhà trai
vào đón dâu.
Từng câu hát sình ca tha thiết như những lời thủ thỉ tâm tình bao trùm không
khí vui tươi của đám cưới. Những lời ca mộc mạc mà say đắm trở thành lối hát
giao duyên không thể thiếu của các thế hệ người Cao Lan. Ảnh: K.T.
Sau khi được nhà gái cho vào nhà, Thầy Tào sẽ làm phép
xua đuổi tà ma, để ma nhà gái không bao vây nhà trai. Khi dâu về nhà trai, lễ này
cũng được tiến hành. Trong bữa tiệc có mặt quan viên hai họ, thầy mối sẽ đưa
cho hai gia đình những mảnh giấy hồng ghi rõ gia phả, ngày tháng năm sinh của dâu
rể được ghi bằng chữ nôm, giấy của cô dâu còn ghi rõ giờ bước ra cửa, giờ bước
chân vào nhà chồng. Hai chiếc bánh giày lớn lúc này được dành trao cho người
trang điểm, chuẩn bị trang phục cho cô dâu còn 4 m vải được chú rể trao lại cho
bố mẹ vợ. Trước sự chúc phúc của quan viên hai họ thầy Tào làm lễ se duyên (lễ
tơ hồng) cho cô dâu và chú rể.
Ngày nay, đám cưới người Cao Lan ở Bắc Giang đã giản lược
đi nhiều nghi thức để bớt phần rườm rà. Mặt khác, trước đây cô dâu Cao Lan khi
về nhà chồng ngày đầu tiên chỉ được ở trong buồng kín không được ra ngoài giao
tiếp với mọi người để thể hiện sự lễ phép của nàng dâu mới thì giờ đây cô dâu đã
được tự do đi lại và ra mắt mọi người. Khúc hát sình ca cũng bị mai một nhiều,
các nghi thức cũng không tuân thủ theo các bước trên, đặc biệt là đám cưới với
người dân tộc khác.
Lê Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét