Các tài liệu khảo cổ ở vùng Nà Goọc
(Nguyên Bình), Tôôm Đeng (Hà Quảng), Kẻ Ngoã (Hoà An)... cho thấy người Tày đã
cư trú lâu đời tại Cao Bằng, xen kẽ với nhiều dân tộc khác như Nùng, Dao,
Mông... ở lòng hồ Nêôgen (nay là lòng máng sông Bằng), lưu vực sông Bắc Vọng,
Vi Vọng, sông Quây Sơn, những cánh đồng rộng Cẩu Pung (Hoà An), Đào Ngạn (Hà Quảng)
(1)...
Họ lấy việc trồng lúa nước làm nguồn sống
chính, vì vậy, làng bản thường ở những địa điểm thuận lợi cho việc canh tác lúa
nước. Ở đầu bản thường có con lạch hoặc mương nước chảy qua, tiếp đó là những vạt
ruộng bằng phẳng hay những vạt ruộng vàn - ruộng bậc thang.
Cư dân Tày có đời sống tín ngưỡng tâm linh
phong phú. Họ quan niệm cõi người đang sống là mường gần và cõi mà người chết sẽ
đến là mường phi (nơi cư trú của linh hồn người chết, nơi cũng có nhà cửa ruộng
vườn, có một cuộc sống tốt đẹp hơn...). Họ còn cho rằng, con người gồm hai phần:
thể xác và hồn vía (khoăn), con trai có 7 khoăn, con gái có 9 khoăn. Có nhiều tập
tục liên quan đến khoăn: khi ốm là lúc khoăn đi chơi hay bị lạc, thầy Tào phải
làm lễ gọi khoăn về. Khi khoăn rời khỏi thân xác (khoăn pây) nghĩa là người đó
đã chết, phải làm ma cho họ.
Thành ngữ người Tày có câu: Hết kin nhoòng
mỏ mạ (Làm ăn nhờ mồ mả), vì thế, khi có người chết, gia đình cố gắng làm bằng
được đám tang, còn gọi là Lễ báo hiếu. Gia đình nào không có điều kiện thì vẫn
chôn người chết, nhưng những nghi lễ báo hiếu sẽ phải làm sau, khi có điều kiện.
Lễ báo hiếu chính là lễ đưa linh hồn người chết lên trời sống cuộc đời nhàn nhã,
có như vậy hồn người chết mới phù hộ cho con cháu.
Trong thủ tục làm đám, gia đình phải mời từ
1 đến 3 vị thầy Tào tiến hành những nghi thức tang lễ. Người chết quàn trong
nhà khoảng từ 3, 5, 7 hoặc 9 ngày tùy theo quyết định của thầy Tào.
Một trong những nghi lễ đầu tiên là thủ tục
nhập quan. Người ta chọn những cây gỗ tốt để làm áo quan, sau đó là lễ nhập
quan. Khi đóng nắp, người ta lấy thóc nếp đốt thành tro đổ nước đun, quấy thành
hồ trát kín áo quan.
Nhà táng làm 2 tầng, tầng trên để ở, tầng
dưới là chỗ nuôi súc vật, mô phỏng kiểu nhà sàn cổ của người Tày. Trước khi
phát tang, gia đình làm thủ tục che ban thờ tổ tiên. Áo quan để ngang gian
chính, đầu đặt hướng Nam, phía trên có bát cơm quả trứng (hướng Nam là hướng đi
xa, người mất phải dời xa những người đang sống). Cửa nhà táng đặt theo hướng
nhà, bên trong là bài vị làm bằng giấy đỏ ghi họ tên, ngày sinh và ngày mất của
người quá cố. Hai bên áo quan người ta làm cây hoa thiên lý, cây tiền, tượng
trưng cho sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Cờ phan (cờ ma) được dựng
phía đầu áo quan, tượng trưng cho vong hồn của người chết trong lúc tiến hành
các nghi lễ.
Khi chọn được giờ tốt, thầy Tào cùng những
người giúp việc chuẩn bị thủ tục làm ma cho người chết. Dân trong bản cùng đến
giúp gia đình làm cơm cúng, làm mũ tang (ăn khuốt) cho tang chủ theo cách thức
cổ truyền, biểu thị cho sự ghi nhớ công ơn của những người đang sống đối với
người chết.
Tiếp đó là việc lập Đàn lễ. Tranh đạo kinh
sư (3 vị Tam Thanh hay còn gọi là Tam Bảo) được treo lên, phía vách trái treo
tranh vẽ Ngọc Hoàng và tuần tự, thầy Tào sẽ chuyển tin báo về người chết tới Ngọc
Hoàng trong lễ trình báo. Đàn lễ gồm: Thượng đàn (điện Tam Bảo); Ban thờ thập
điện (các vị thần trông coi việc cõi âm); Trung đàn (ban thờ tổ tiên thầy Tào);
Bát hương của người chết và nơi để ấn tín của Ngọc Hoàng. Tang chủ cùng gia đình
hành lễ và túc trực trước linh vị, trong khi đó thầy Tào trình báo tổ tiên và
các thánh thần lý do làm lễ, xin chứng giám, giúp đưa hồn người chết lên trời. Tổ
tiên ở đây chính là tổ tiên của vị thầy Tào, cùng với thầy thông thiên với các
vị thánh thần.
Lễ tẩy uế bắt đầu với nghi thức thầy Tào
dùng bát nước lá bưởi (thứ lá tinh khiết, mùi thơm át được tà ma và dùng để tẩy
rửa đàn lễ thì khi hành lễ cho thanh tịnh) tẩy uế 5 phương. Thầy Tào khấn mời
thần thánh uống trà, nhờ thơ lại đưa tin lên Ngọc Hoàng rằng: Tại bản Phya Đán
xã Đào Ngạn huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng có người chết, xin Ngọc Hoàng cấp giấy
thông hành để người chết được lên trời với tổ tiên. Đứng sau thầy Tào bao giờ cũng
là tang chủ. Thầy Tào, lúc này đã là hiện thân của Ngọc Hoàng, tay cầm tích trượng
đồng ý cấp giấy thông hành cho người chết. Sau đó là lễ tụng kinh cứu khổ đổi đời
cho người chết.
Lễ cầu xin nước tiến hành vào khoảng 12 giờ
đêm sau khi người quá cố được cấp giấy thông hành. Trước đàn lễ thầy Tào khấn
bài ca xin nước và cùng đoàn nhạc hiếu đến trước linh cữu chuẩn bị đi xin nước.
Dụng cụ lấy nước gồm một thanh kiếm tre; một ống tre treo vào thanh kiếm; một ống
tre buộc bó lúa, lược, tiền giấy (bông khẩu péc) dùng để dẫn đường. Khi hành lễ,
thầy Tào mời linh hồn người chết theo bài vị và cành phan ra suối lấy nước. Đến
bờ suối, tang chủ làm lễ dâng hương cho các thần cai quản nguồn nước. Thầy Tào
hát kể mời 6 vị thần trông coi ngũ hành lên xơi trà, ăn cỗ và cầu xin nước; vái
lạy 5 phương, lạy xong phương nào vứt về phương đó một tờ tiền. Tang chủ xuống
bờ sông múc nước. Trong lúc đó, thầy Tào khấn bài Long Vương cấp nước thần. Lấy
nước xong, bài vị và cành phan được rước về nhà, tang chủ cầm tấm vải trắng che
đầu để hồn người chết không bị mưa, nắng, gió xâm phạm.
Người Tày quan niệm con người lúc sống ai
cũng có tội nên khi chết hồn bị giam hãm dưới ngục tối (thủy phủ). Hồn rời khỏi
thân xác thì ngay lập tức dưới địa phủ giam lại, có 9 vị thần canh giữ. Muốn
cho người chết siêu thoát, người ta phải phá ngục, chuộc hồn lên làm lễ khai
quang để người chết về trời.
Lễ phá ngục được tiến hành vào ban ngày.
Ngục bao giờ cũng dựng trong khuôn viên nhà, phía trước là ban thờ với lễ vật
thủ lợn, cỗ tạp để dâng cúng thần linh trong bản. Người ta còn cúng một con gà,
một con vịt sống dùng đưa hồn vượt ngục về nhà.
Ngục quây vải đen là ngục dương; quây vải
trắng là ngục âm; quanh ngục cắm 9 bài vị đặt ở 9 hướng; bài vị người chết đặt ở
cửa ngục. Nếu người chết do tuổi già, đau ốm thì chỉ phá một ngục 9 lao tù; chết
vì tai nạn thì phá thêm ngục nữa là thương ngục, chết do ngã vực núi thì phá thần
núi ngục; chết vì nước thì phá thêm thủy phủ ngục; chết vì sấm sét phá thêm lôi
vương ngục; phụ nữ chết do sinh nở phá thêm ngục huyết bồn.
Thầy Tào mời các thần về chứng giám, giúp
phá ngục chuộc hồn về. Lễ tẩy uế được diễn ra nơi dựng ngục để chuẩn bị làm lễ
phá ngục. Thầy Tào tụng kinh cứu khổ cho người chết. Tờ xá văn và cáo văn được
để trên bát gạo đặt trước cửa ngục tù cầu xin xá tội cho người chết. Sau đó thầy
Tào hát cầu thánh thần chuộc tội và thả hồn về.
Khi phá ngục thầy đi vòng quanh ngục theo
chiều kim đồng hồ 3 vòng vừa đi vừa tụng kinh cứu khổ cho người chết để phá bỏ
vòng ngoài. Khi vòng ngoài được giỡ bỏ, thầy cùng gia đình đi vòng quanh ngục,
lấy chân giẫm các cột hương dựng vòng ngoài để chuẩn bị phá ngục Âm và ngục Dương.
Cửa ngục được phá với động tác thầy Tào
dùng dao nhọn chặt tượng trưng cờ cắm ở đó. Phá trước tiên là cửa phương Đông đến
phương Nam, phương Tây, phương Bắc, rồi Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc,
cuối cùng là trung tâm ngục.
Tiếp theo thầy Tào tay trái cầm con vịt sống,
tay phải làm bùa chú để giúp linh hồn người chết vượt biển từ ngục Âm lên ngục
Dương. Thầy lại đi vòng quanh ngục và làm phép tẩy uế nơi ngục Âm vừa được phá,
đồng thời gọi linh hồn về trú ngụ trên bài vị để lên ngục Dương.
Những nghi lễ phá ngục Dương lại được tiếp
tục giống như phá ngục Âm. Sau cùng là lễ thu hồn người chết từ ngục Dương lên
bài vị, và yểm bùa nơi dựng ngục.
Thầy Tào dẫn linh hồn người chết cùng gia
quyến đi qua hai cổng chào Thái Sơn và Phong Đô, xin các thần trông coi thổ địa
cho hồn được về nhà. Trước cổng chào để một cái mâm, trên có vài bộ quần áo,
khăn mũ, giầy, tất, tiền bạc... khi hóa lửa nhìn lớp tro thấy xuất hiện hình
dáng là gót chân người, chim, gà thì có nghĩa là hồn người chết về dưới lốt con
vật này, là điềm tốt. Nếu là dấu chân ngựa, trâu thì không tốt, người chết
không thể hóa kiếp làm người được nữa.
Trước khi đưa hồn người chết vào nhà, linh
vị phải đi qua một chiếc cầu uốn cong như hình bụng người đàn bà chửa, sau đó mảnh
vải thô dùng làm cầu được cuốn lên coi như hồn đã đi qua. Dưới cầu là hai bát nước
màu trắng và đỏ được đổ ra (người Tày quan niệm đây là máu của người mẹ vừa
sinh con, thủ tục này chỉ được tiến hành đối với người chết là đàn bà).
Linh hồn được rước vào nhà, lễ khai quang
(mở sáng mắt cho người chết) bắt đầu. Với người Tày, người chết xuống cõi âm tối
đen mịt mù, phải nhờ thánh Tam Bảo đốt đèn và đèn ở đây tượng trưng là bảy ánh
mặt trời chiếu sáng chốn đen tối, giúp người chết nhìn thấy đường để lên trời.
Trong nhà làm lễ khai quang cho người chết
thì ở ngoài sân làm lễ cúng các vị thần trong bản và cầu siêu, cho ma lang
thang cùng hưởng cỗ nhà đám.
Chiều tối, sau lễ phá ngục, con cháu trong
gia đình dâng lễ vật để báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Con
trai là người nối dõi tông đường, đứng ra chịu tang chống gậy cõng hồn cha mẹ đến
nơi an nghỉ cuối cùng và cùng với thầy Tào hoàn tất những thủ tục để họ có thể
về với tổ tiên. Con gái dâng thủ lợn, vàng mã, tiền bạc để cha mẹ có đủ mọi thứ
cần thiết đến mường phi.
Lễ nhiên đăng (đốt đèn) nhằm mở sáng đường
cho hồn người chết. Bốn cây nến đặt ở 4 góc, một cây để ở giữa nắp áo quan rồi
lần lượt được thắp sáng lên. Người ta đổ 3 bơ gạo vào nong, đặt trước vong
linh, gạo được gạt phẳng, rồi dùng 4 thanh tre đặt thành vuông, sau đó 10 ngọn
nến được thắp lên theo các phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây
Nam, Tây Bắc, Trung, Thượng, Hạ phương. Mười ngọn đèn tượng trưng cho mười ông
vua đèn (thập vương đèn) có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết lên trời.
Lễ nhiễu quan được bắt đầu với nghi thức
thầy Tào cùng gia quyến đi quanh vong linh người chết than khóc. Thầy Tào cầm
quyển kinh vừa đi vừa khấn, bò tiếp sau là tang chủ (cháu nối dòng của người
quá cố) trên lưng buộc linh vị, con rể cầm cành phan, con gái gánh gạo, gánh gà
vịt, sau cùng là những người thân trong gia đình. Họ vừa đi vừa nghe các bài ca
Khởi linh nhiễu quan, Cứu khổ nhiễu quan, Thập nguyệt hoài thai (Bài này chỉ
dùng cho trường hợp người mẹ mất), Thập biệt khoa và Giải hạn cho vong hồn người
chết. Họ quan niệm, những người thân đi quanh vong linh người chết nhiều bao
nhiêu thì hồn người chết sớm được siêu thoát bấy nhiêu và đây cũng thể hiện mức
độ báo hiếu của con cháu đối với công ơn của cha mẹ.
Xưa người ta thường làm lễ giải oan cho
người chết. Thầy Tào lấy 3 bơ gạo đổ vào nong và đặt vào chỗ gạo đó 36 ngọn cỏ
gianh để trừ tà. Thầy Tào tay cầm cành phan vừa đi vừa xướng bài ca giải kết,
theo sau là tang hiếu. Đến trước nong gạo, thầy cúi xuống cầm 3 ngọn cỏ và viết
bùa chú. Đi hết mỗi vòng thầy ném cỏ ra phía ngoài cửa cho đến khi hết 36 ngọn
thì chuyển sang lễ khoa hoa tan, là lễ cúng hoa, đưa ngũ cốc cho người chết. Đoàn
tang hiếu tiếp tục cùng thầy Tào đi vòng quanh áo quan, đến trước nong gạo thầy
Tào cúi xuống vốc gạo vãi lên trên vong linh.
Lễ cấp phó là lễ cấp tiền bạc, nhà cửa, những
vật dụng cho người chết dùng khi bắt đầu cuộc sống mới. Thầy Tào ghi lại những
thứ mà gia đình gửi cho người mất. Thầy đọc tờ cấp phó, sau đó tang hiếu điểm
chỉ để chứng nhận những vật dụng mà người chết sẽ mang theo. Tờ cấp phó được
cho vào phong bì cùng vài hạt gạo, ít tiền thật rồi phong lại, treo lên cành
phan. Bài vị của người chết cũng được gắn lên cành phan để chuẩn bị làm lễ khai
khoa lộ, mở đường cho hồn người chết về trời. Người ta lấy một tấm vải trắng, mở
hai viên ngói trên cửa nhà đặt một đầu vải vào lỗ đó, đầu kia thả xuống đất nơi
cửa nhà táng đặt linh vị người chết hướng ra. Gia đình từ biệt người chết và
hóa vàng mã, quần áo, giấy thông hành cho người chết. Thầy Tào cùng tang hiếu đến
trước đàn làm lễ tạ ơn các vị thần linh chứng giám và giúp đưa linh hồn người
chết về trời.
Lễ tách hồn (pjải khoăn) có nghĩa là chia
tay với vong hồn. Thầy Tào lấy bát mỡ dùng giấy bản xoắn làm bấc để thắp đèn, đặt
lên lưng tang chủ và làm lễ tách hồn. Khi tang chủ ngồi dậy bát úp ngược xuống
đất là điềm tốt. Hồn người chết được thầy Tào đưa lên trời qua dải cầu trắng.
Lúc này, tang hiếu khóc tiễn đưa người chết và làm lễ tắt đèn (phản đăng). Thầy
Tào cùng tang hiếu đi quanh áo quan theo chiều ngược kim đồng hồ để từ biệt người
thân, thầy lần lượt tắt từng ngọn đèn và xướng bài ca tắt đèn.
Hành tang còn gọi là lễ đưa ma hay hoàn sơn
(trở về núi). Từ sáng sớm người con gái gánh đồ lễ lên chân núi Phya Đán để xin
thần thổ địa cho chôn cất người chết vào giờ lành. Trước khi khiêng áo quan ra
khỏi cửa, toàn gia quyến làm lễ mặc niệm. Thầy Tào làm phép thu thập đủ hồn vía
của người chết để sau này người chết không quay về phá rối con cháu (2). Áo
quan được nhấc lên, con cái của người chết chui qua lại với ý nghĩa không muốn
dời xa người chết, muốn cõng hồn người chết về núi. Khi áo quan ra khỏi cửa,
chiếu, bàn để đồ lễ được lật ngửa lên, người ta dùng chổi quét uế bẩn ra khỏi
nhà. Thầy Tào làm phép đuổi tà ra ngoài rồi đóng cửa lại.
Trong đám đưa ma, đi trước bao giờ cũng là
người vác đuốc dẫn đường vì người chết không quan niệm được ban ngày và ban
đêm. Phía sau là con cháu cầm chướng, cây hoa thiên lý và cây tiền, những người
trong ban tang lễ khiêng áo quan, chủ tang và người thân trong gia đình, thầy
Tào cầm cành phan, bà con trong bản đưa tiễn người chết. Khi ra đến đầu bản người
ta quay hướng cửa nhà táng về hướng nhà để người chết chào từ biệt gia đình và
làng xóm.
Những người chưa có điều kiện làm đám ma
cho người chết thì vẫn chôn cất nhưng không làm đám. Họ đợi đến khi có đủ tiền
thì làm đám ma khô. Trình tự như đám bình thường, chỉ khác một điểm là trước
khi làm ma, thầy cúng ra mộ chiêu hồn người chết về để chuẩn bị làm các lễ thức.
Trong đám tang cũng như 1 năm sau đó, người
Tày kiêng ăn những gì ám chỉ đến bộ phận của con người. Không ăn bánh gio (được
coi như xương cốt), nhãn (được coi là con ngươi), bún (được coi là gân) của người
chết...
Lễ hạ huyệt: Khi về đến núi thầy Tào làm lễ
nhập địa cho người chết. Khi hạ quan mặt người chết bao giờ cũng hướng về phía
Đông. Tục xưa, trước khi hạ quan xuống huyệt thầy Tào làm phép thả một con gà
trống xuống trước để "an sơn thần" rồi để nó nhảy lên bờ trong khi
con cháu ngồi xung quanh huyệt. Họ cho rằng con gà trống nhảy về phía người nào
người đó sẽ được phúc lành.
Khi mộ đắp xong thầy Tào làm phép hóa nhà
táng cùng các cây hoa, đồ vàng mã, cấp phó, một số đồ dùng tư trang thì hơ qua
lửa tượng trưng là đã chu cấp cho người chết. Sau khi chôn người chết, thầy Tào
lập bài vị cho người chết để thờ tại gia đình. Con cháu đã báo hiếu được với người
thân đã mất, họ đã lo được mồ yên mả đẹp, đất đai, nhà cửa để người thân của
mình được hưởng phúc ở thế giới bên kia.
Vũ Diệu Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét