Sinh sống rải rác ở 3 bản: Huổi Cơ Dạo,
Sín Chải 1 và 2 của xã Nà Hỳ, những năm qua hơn 200 hộ dân người Dao đỏ cùng
chung sống với nhiều dân tộc khác, như: Thái, Mông, Khơ Mú... song lại hết sức
hòa đồng. Điều đáng nói, khi đến đây, ta vẫn nhận biết được họ bằng nhiều nét đặc
trưng riêng biệt mà không lẫn với các dân tộc khác.
Điều đầu tiên dễ nhận biết nhất, đó là
trang phục truyền thống. Hiện nay, người Dao đỏ ở Nà Hỳ vẫn giữ được nhiều nét
đặc sắc trên bộ trang phục sử dụng trong các sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt,
chị em phụ nữ ở đây vẫn duy trì việc làm ra trang phục cho bản thân và mọi người
trong gia đình. Ngoài các công việc nương rẫy, bếp núc hàng ngày, lúc nông nhàn
họ lại cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ. Những bộ trang phục đẹp nhất sẽ được
cất giữ để diện trong các dịp lễ tết, còn trang phục thường ngày sẽ được tối giản
bớt các phần cầu kỳ, tuy nhiên vẫn đảm bảo đường nét, chi tiết cơ bản nhất, đặc
biệt là về màu sắc, họa tiết. Bộ trang phục mang 5 màu cơ bản, trong đó màu đỏ
được chọn là màu chủ đạo cho khăn đội đầu và màu đen cho thân áo. Các họa tiết
hoa văn trang trí mang nét đặc trưng khác biệt với các dân tộc khác, chủ yếu sử
dụng các họa tiết hình dấu chân hổ, hình thập ngoặc, cây thông, răng cưa, hoa
cúc tiền bạc...
Còn đối với người nghệ nhân này, văn hóa
dân tộc, chính là huyết mạch, là dòng máu đang chảy trong ông. Điều đó thể hiện
qua bộ trang phục ông mang trên mình, chiếc khăn đội trên đầu không phải mỗi dịp
lễ tết mà trong cả ngày thường... hay tất cả những di sản quý, như: bộ sách cổ
được viết trên giấy dó, ấn tín... Trải qua gần hết đời người với bao thăng trầm,
thay đổi của cuộc sống, ông vẫn gìn giữ và trân trọng những thứ đó như món đồ
giá trị trong nhà. Hiện nay, ông còn làm cả thầy mo đi cúng cho mọi nhà mỗi dịp
lễ tết, nhận dạy viết chữ truyền thống cho bất cứ ai có nhu cầu; hơn thế loại
giấy dó dùng để viết vẫn được ông tự tay làm bằng rơm theo cách truyền thống của
người Dao... Và với ông, mỗi dịp có khách ghé thăm nhà đều là cơ hội để giới
thiệu, quảng bá rộng rãi hơn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Chính bởi
vậy, với mỗi vị khách, đặc biệt là những người quan tâm đến văn hóa truyền thống
dân tộc, đều được ông hết sức quý trọng. Đó là lý do ông không tiếc thời gian
giới thiệu, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng người cách viết chữ cổ, cách làm giấy dó,
hay kể cho họ nghe về những câu chuyện ngụ ngôn dân gian, ca dao, tục ngữ truyền
thống... dù đôi khi phải mất đến cả ngày. Cũng giống như gương mặt đã in hằn dấu
vết của thời gian, thì nét rạng rỡ, niềm hạnh phúc từ tâm cũng là điều ông
không thể dấu mỗi dịp như thế này.
Qua
đợt tổng kiểm kê văn hóa cuối năm 2014 cho thấy, hiện nay người Dao trên địa
bàn huyện Nậm Pồ, nhất là Dao đỏ ở xã Nà Hỳ vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa hết sức độc đáo. Ngoài
trang phục; các lễ hội, phong tục ma chay, cưới hỏi; nghề làm trống, làm giấy
dó bằng rơm; dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống... thì họ vẫn còn lưu giữ một
kho tàng ngữ văn dân gian, gồm: truyện, thơ, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ... đa
dạng, thông qua cách truyền miệng từ các nghệ nhân, người già cho con, cháu mỗi
dịp gia đình tụ họp đông người. Tuy nhiên, do với số lượng dân số ít, lại sinh
sống hòa lẫn với nhiều dân tộc khác nên một số nét văn hóa đang có nguy cơ dần
bị mai một. Trong khi đó, Nậm Pồ lại là huyện mới, đang trong quá trình đầu tư
và có xu hướng phát triển mạnh trong một vài năm tới. Cùng với đó là những tác
động trái chiều, ít nhiều làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống là điều khó
tránh khỏi. Vẫn biết, để bảo vệ “cái hồn” cho một dân tộc thì vấn đề cốt lõi vẫn
là con người, mà trên hết đó là ý thức của họ. Song sẽ rất cần một dự án cụ thể,
với sự quan tâm vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, tạo thêm nguồn lực để người dân
không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp được coi
như “cái hồn” của dân tộc đó.
Hà Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét