Cô dâu Trương Thị Thắm và phù dâu
Độc
đáo đám cưới của người Dao Tuyển
Ngày
nay, người Dao Tuyển ở huyện Bắc Hà,
tỉnh Lào Cai, vẫn còn giữ được những phong tục mang đậm nghi lễ truyền
thống như đám cưới, ma chay, lễ cúng ma khô (cúng cho người mất), lễ cấp sắc… Mỗi
khi một nhà có lễ thì những ngày đó cả làng, cả bản vui như ngày hội. Chúng tôi đã có may mắn được tham dự một
đám cưới của người Dao Tuyển ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà. Dù không cầu kỳ về cỗ
bàn hay hình thức bên ngoài, nhưng mọi thủ tục vẫn diễn ra theo đúng nghi lễ, từ
việc mời cưới cho đến làm cỗ bàn, rước cô dâu…
Độc đáo trong việc mời cưới
Ngôi nhà nhỏ của cô dâu Trương Thị Thắm
trong ngày cưới rộn rã tiếng cười nói. Nhà của Thắm neo người nên hàng xóm đến
giúp rất đông và đến từ sáng sớm. Mỗi người một việc, người chẻ củi, người làm
bánh, người làm thịt lợn, người làm cơm… ai cũng phấn khởi. Dường như ai cũng
hiểu công việc của mình. Khuôn mặt của mọi người ánh lên niềm vui rạng rỡ. Cũng
giống như nhiều người, Đặng Thị Nhâm, chị của chồng cô dâu, có mặt ở đây từ rất
sớm để đỡ đần cho em. “Đám cưới của người Dao Tuyển được thực hiện qua rất nhiều
nghi lễ. Dù cuộc sống thay đổi nhiều nhưng người Dao Tuyển vẫn tổ chức theo
đúng phong tục của dân tộc mình từ đời này qua đời khác. Mọi thứ đến giờ không
có gì thay đổi. Mỗi lần đến đám cưới của một người nào đó trong làng, ai cũng mừng
và vui lây” - chị Nhâm chia sẻ.
Cô dâu
và phù dâu
Chị Nhâm cũng cho biết: “Để đám cưới diễn
ra suôn sẻ thì ngay từ khâu đầu tiên, cả hai bên gia đình phải chuẩn bị thật sự
chu đáo. Từ việc nhờ mọi người đến giúp cũng vậy. Có khi cả thôn đến giúp và
mình phải đi mời họ. Nếu muốn nhà nào giúp mình thì khi đi mời, chủ nhà phải
mang theo một đôi đồng chinh (đồng xu) và ít thuốc lào thì họ mới sang. Những
cái đó được coi như tín chỉ để hai bên thoả thuận trong lòng về một việc. Không
cần tôi nói đồng ý hay từ chối, người được mời khi nhận được những thứ đó sẽ tế
nhị cầm lấy và họ biết những việc họ sẽ phải làm trong đám cưới”. Chìa cho
chúng tôi xem hai đồng xu, chị Nhâm giãi bày: “Đây là đồng tiền ngày xưa mình
dùng, nó được làm bằng sắt. Những người mình đi mời, đưa đôi đồng chinh thì họ
phải giúp gia chủ từ đầu đến cuối, dọn dẹp đồ đạc… cuối cùng mới được ra về”.
Việc mời cưới bằng hai đồng tiền xu có ý nghĩa như một căn cứ để xác định, cũng
như thông báo với mọi người rằng đôi trai gái kia sắp thành vợ thành chồng. Hai
đồng tiền xu luôn đi kèm với nhau tượng trưng cho đôi trai gái yêu nhau, họ đã
sánh đôi, luôn hạnh phúc bên nhau.
Độc đáo khi rước dâu
Rước dâu cũng là một nét độc đáo trong đám
cưới của người Dao Tuyển ở Bắc Hà. Sau một năm ở rể (ở tại nhà cô dâu), thì đến
tận hôm nay, đám cưới của Đặng Văn Quân và Trương Thị Thắm được tiến hành theo
đúng nghi lễ của người Dao Tuyển. Đến lễ cưới, gia đình nhà gái chỉ thách cưới
nhà trai 1 đôi gà sống đẹp, 1 lít rượu ngon để làm thủ tục lễ bái tổ tiên.
Sửa lại khăn cho cô dâu
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, việc đi
đón dâu của người Dao Tuyển cũng phải chọn được giờ đẹp, ngày lành tháng tốt.
Nên dù vào giờ nào thì gia đình hai bên đều phải thực hiện đúng theo lời của thầy
cúng. Ông Đặng Văn Khoa, đại diện cho bên nhà trai, cho biết: “Chúng tôi đã nhờ
thầy xem và giờ tốt nhất đến đón dâu là 22h tối hôm trước và 10h sáng hôm sau
phải ra khỏi nhà. Chính vì thế, đoàn rước dâu phải đi từ tối ngày hôm trước.
Đoàn nhà trai cũng bao gồm các thành phần như phù dâu gồm hai người và một vài
người hát giao duyên giỏi. Khác với các dân tộc ở VN, phù dâu là những cô gái
trẻ, còn ở đây phù dâu gồm có một người trưởng thành và một cô gái trẻ tầm
13-14 tuổi. Ngay việc chọn phù dâu, người Dao Tuyển cũng ý nhị muốn gửi tới đôi
vợ chồng trẻ những điều tốt đẹp nhất như kinh nghiệm, sức khoẻ, con cái…
Trước khi vào đến nhà gái, nhà trai phải dừng
trước cổng làng để làm lễ. Lễ cúng thần làng rất đơn giản, chỉ là mấy chén rượu
và thắp nén nhang nhằm báo cáo chuyện cưới xin với thần làng và xin phép đến giờ
tốt nhà trai được vào nhà gái. Trong khoảng thời gian đợi đến giờ, đoàn nhà
trai chia làm 2 nhóm, một nhóm là phụ nữ và một nhóm là đàn ông hát giao duyên
đối đáp nhau. Có điều đặc biệt là không được hát to mà người thể hiện phải hát
bằng cổ họng. Cứ như thế, trong đêm thanh yên bình, tiếng hát lên bổng xuống trầm.
Có thể nhà trai phải đứng chờ 1 đến 2 tiếng, hay lâu hơn nữa nhưng khuôn mặt của
mọi người không một ai thể hiện sự mệt mỏi. Mọi người thay nhau hát. Ông Đặng
Văn Khoa bảo, mọi thủ tục, nghi lễ xin dâu cũng khá cầu kỳ. Không ai dám làm tắt,
mọi bước được thực hiện từ từ.
Đúng đến giờ tốt, nhà trai mới được vào
nhà gái. Chú rể Đặng Văn Quân cho biết, để vào được nhà cô dâu, nhà trai phải
hát giao duyên. Trước khi vào nhà gái, nhà trai phải hát khoảng 5 đến 6 bài thì
mới có thể vào được. Hát giao duyên của người Dao Tuyển cũng khá thú vị. Nội
dung của các bài hát có sẵn hoặc là do người hát tự ứng biến. Cách hát giao
duyên trong ngày cũng khác nhau. Ban ngày, mọi người hát to như bình thường
nhưng đêm đến thì những âm thanh chỉ phát ra từ cổ họng. Khi nhà trai đã vượt qua
vòng thử thách bằng những bài hát giao duyên theo đúng yêu cầu của nhà gái, lúc
đó đoàn nhà trai mới được bước vào nhà. Lúc này, nhà gái đón nhà trai bằng một
bữa ăn thịnh soạn và thầy sẽ làm lễ tác duyên cho đôi bạn trẻ.
photo
Bữa tiệc tiễn cô dâu về nhà chồng
Mọi người đến dự lễ cưới đều mặc trang phục
truyền thống. Đôi trai gái mặc bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Sau khi làm lễ
cúng gia tiên, thần linh, khách được mời ngồi vào mâm cơm cỗ thưởng thức món ăn
truyền thống và uống rượu suốt đêm, ca hát mừng hạnh phúc cho đôi trai gái. Cả
đêm hôm đó, nhà cô dâu rộn vang tiếng hát, tiếng cười, tiếng nói. Ai cũng hân
hoan chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Cô dâu Trương Thị Thắm e lệ, chỉ cười tủm
tỉm và làm theo lời bà mối. “Bà mối bảo thế nào thì em làm thế đấy. Bảo chào bố
mẹ, chào tổ tiên, báo cho tổ tiên biết hai đứa đã kết hôn”- Thắm ngượng ngùng
nói.
Đêm rồi cũng tàn, bình minh ló rạng cũng
là lúc nhà trai xin phép nhà gái để đưa cô dâu về nhà chồng. Khi đến nhà trai,
việc đầu tiên cô dâu, chú rể phải làm là quỳ trước bàn thờ làm lễ báo cáo tổ
tiên, thần linh của nhà trai. Lễ kết hôn của người Dao Tuyển không giống như
người Kinh. Gia đình nhà trai mời một thầy cúng giỏi nhất vùng để làm lễ cho
đôi trai gái chính thức là vợ chồng. Sau những nghi thức, thầy cúng lấy một ít
cơm trắng cho vào hai chén rượu, chén của chồng cho vợ uống, chén của vợ cho chồng
uống.
Những người đến dự đám cưới chúc phúc cho
đôi trai gái và tiền mừng được gói trong… phong bì. Tiền mừng phải có 2 tờ tiền
giống nhau để thể hiện mong muốn cho đôi trai gái luôn hạnh phúc, có đôi, quấn
quýt với nhau.
Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt
một ngày một đêm hôm ấy với những lời chúc tốt đẹp, trong men rượu nồng nàn
hương vị tình yêu.
Hoàng Thị Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét