Thầy pựt làm lễ giải hạn đầu năm.
Đầu
năm mới, nhiều gia đình người dân tộc
Tày, Nùng ở Cao Bằng thường mời then, giàng (pựt), tào… (gọi chung là thầy) về
nhà hoặc đến nhà thầy làm lễ giải hạn để giảm bớt các rủi ro, vận hạn, bệnh tật,
cầu mong an lành cho cả năm.
Đây là một phong tục, hình thức sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang
thế hệ khác, đến nay, vẫn được bảo tồn, lưu giữ.
Để tìm hiểu về lễ giải hạn đầu năm của người
Tày, Nùng tại Cao Bằng, chúng tôi đã trực tiếp đến một số gia đình làm lễ giải
hạn trong những ngày đầu năm Bính Thân để “mục sở thị” các nghi lễ giải hạn. Bà
Bế Thị Nơm, 72 tuổi, dân tộc Nùng tại xã Độc Lập (Quảng Uyên) vừa mời thầy về
làm lễ giải hạn đầu năm cho biết: Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều
mời thầy về làm lễ cúng giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi cái xấu, cầu mong năm mới
an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Muốn làm lễ giải hạn việc đầu tiên là
phải tìm gặp thầy then, thầy pựt để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ
vật và đi đón thầy về nhà để làm lễ. Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi thầy có những
yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình khi sắm lễ. Nhưng các đồ
lễ cơ bản nhất để cúng lễ giải hạn gồm có mâm lễ, để thầy làm lễ để dưới chân
bàn thờ gọi là “bâm lẹ” (mâm lễ). Mâm lễ được đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới
bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra các hoạt động cúng bái của thầy với 3 hoặc 5 bát
gạo sống. Bát gạo ở giữa đặt thêm trứng gà, cắm hương và nhiều hình nhân được cắt
bằng giấy, cành hoa, cây... Còn mâm khác để hành lễ, gồm: Thủ lợn, đuôi lợn,
chân giò luộc; 1 con gà, 1 con vịt luộc
chín có đủ lòng, mề, tim, gan và tiết; xôi (khẩu nua); 1 miếng thịt lợn luộc;
hoa quả, bánh kẹo. Ngoài ra, cần 1 con gà sống, 1 con vịt sống và 1 cây chuối,
1 chiếc thuyền hoa (pè) làm bằng cọng chuối...
Thầy được mời về làm lễ giải hạn là người
có khả năng thần giao cách cảm, có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, những
người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác thông qua nhãn
quan của mình. Họ được các gia đình mời để làm lễ giải hạn, mừng nhà mới, cầu tự,
cầu phúc lộc, thọ… Trong lễ cúng giải hạn, nếu giải hạn là thầy then thì vật dụng
thầy dùng là cây đàn tính, còn với thầy pựt thì có chiếc quạt và xóc nhạc (nhiều
quả nhỏ ghép nối lại với nhau bằng các vòng tròn sắt hoặc đồng). Màu sắc chủ đạo
trong trang phục các thầy mặc khi làm lễ là đỏ, vàng, chàm, trắng. Mỗi một màu
tương ứng với một vị thần linh. Khi những làn điệu then cổ cất lên với tiếng
đàn tính hoặc tiếng xóc nhạc hòa với lễ phục nhiều màu sắc của thầy tạo nên
không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tâm linh, là tổng hòa của thiên - địa
- nhân.
Theo giàng Bế Sơn Chung - một nghệ nhân
then sinh ra trong gia đình có 8 đời làm pựt (giàng), một lễ giải hạn tùy thuộc
vào các cúng lễ của từng thầy và ý nguyện của gia chủ mà có các bước tiến hành
nghi thức lễ khác nhau. Nhưng trong một lễ giải hạn, các nghi lễ bước chung nhất
thường gồm các phần: Nhập môn, thỉnh tướng (bước vào với tổ tiên để báo lên tổ
tiên và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình được dâng các lễ vật); bốc mệnh
(dự đoán bản mệnh của người để biết được khái quát về công danh tài lộc, sự thọ
yểu, thăng trầm, những bệnh tật hay tai họa trong cuộc đời); trừ tà (diệt trừ
tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro...); hành yên, lập phú (cầu bình an, tài
lộc). Trong đó có nhiều đoạn kể, du ký, vào chợ trời, lên thiên đình. Có lúc có
những động thái sa man (ma nhập vào người) nói chuyện với ma, phán quyết với
người, kiểu lên đồng một lúc sau trở lại bình thường. Trong lễ cúng giải hạn
ngoài những lời then, điệu hát cổ thì thầy sẽ dùng hai thẻ gỗ để gieo quẻ, để
xin lộc tới cho gia đình. Nếu như gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt
thì việc xin quẻ sẽ diễn ra thuận lợi, lễ cúng sẽ diễn ra suôn sẻ và kết thúc tốt
đẹp.
Đồ lễ để cúng trong lễ giải hạn.
Lễ
giải hạn nói chung cũng như lẩu then, lẩu pựt đều là các hình thức diễn xướng cổ của người dân tộc Tày, Nùng, là hình
thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian lâu đời. Với lòng tin thuần phác, người dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm
cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã
khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Họ cần một chỗ dựa tinh thần song
không cuồng tín, khi gặp tai họa, ốm đau thì theo quan niệm chung của mọi người “Vô phúc vái tứ phương, ma cũng cầu,
thuốc cũng chữa”. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường,
cũng như nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống ở một bộ phận người dân có
những thay đổi nhất định, cùng sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa mới đã tác
động đến loại hình dân gian truyền thống này khiến lễ giải hạn đã không còn giữ
nguyên ý nghĩa ban đầu của nó, như: Một số gia đình có điều kiện sẵn sàng bỏ ra
hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để mời thầy về cúng lễ cho gia
đình làm ăn phát đạt; một số gia đình không có điều kiện nhưng vì quá “tín” nên
sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà để làm lễ; lễ giải hạn bị lạm dụng (làm lễ giải
hạn khi làm ăn buôn bán không thuận lợi, mất của, thi cử, lận đận tình
duyên...) nên các nghi lễ trở nên rườm rà và tổ chức một cách bừa bãi... Ngoài
ra, các thầy then, thầy pựt đang dần ít đi, dẫn tới nguy cơ mai một ngày càng
cao. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong
đó có lễ giải hạn là việc làm hết sức cần thiết, cần sự quan tâm của các cấp,
các ngành và của toàn xã hội để loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian mang ý
nghĩa nhân văn sâu sắc này giữ được nguyên giá trị ban đầu.
Khánh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét