NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI DAO QUẦN CHẸT (Đinh Huyền Trang)

Bàn Thờ của người Dao

Ở Tuyên Quang, đồng bào Dao Quần Chẹt cư trú chủ yếu ở các xã Thanh Phát, Hợp Hoà, Kháng Nhật (huyện Sơn Dương). Phong tục tập quán của đồng bào phong phú, đặc sắc và được gìn giữ. Trong đời sống văn hóa tinh thần, đồng bào Dao Quần Chẹt coi trọng đạo lý, sống nghĩa tình, thể hiện cách ứng xử của mình thông qua các nghi lễ truyền thống như: Nghi lễ trong chu kỳ đời người, được thể hiện qua những tập tục trong sinh đẻ và nuôi dạy con, lễ cấp sắc nghi lễ cưới xin, ma chay. Đặc biệt là các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện qua tục lệ tách tổ, dựng tổ mới.

Cây lớn thì phải chia cành, con lớn thì phải chia tổ, đó là quan niệm của đồng bào Dao Quần Chẹt. Trong chu kỳ đời người, đồng bào Dao Quần Chẹt phải thực hiện nghi lễ tách,dựng tổ. Con cái trưởng thành thì phải tách tổ để dựng tổ mới. Tổ mới được tách từ tổ già, nhưng chỉ được tách tổ khi nhà bố mẹ đã hoàn tất các nghi lễ vun tổ, tế mộ tổ, đã có tranh thờ..., gia đình đã cưới vợ cho con trai trưởng và các con thứ, đã làm lễ cấp sắc cho con trai. Gia đình sẽ bàn bạc để quyết định cho người con nào ra ở riêng, không nhất thiết phải là con trưởng hay con thứ, tiếp sau đó các con lần lượt đều phải tách tổ. Khi đã thống nhất, gia đình dự định thời gian và nhờ thầy cúng xem ngày tốt để tách tổ và dựng tổ mới.
Để thực hiện nghi lễ tách tổ, gia đình phải mời thầy cúng xin tổ tiên, hương hỏa chấp thuận cho tách tổ, che chở bảo vệ cho con cháu được yên lành. Cúng xong, người con trai được tách tổ lấy một ít tro bếp ở nhà bố mẹ vào bát hương đem về dâng lên bàn thờ nhà mới để thờ cúng.
Sau đó, gia đình thực hiện nghi lễ dựng tổ mới. Đây là nghi lễ cúng báo với tổ tiên việc đã làm xong lễ tách tổ, nay dựng tổ mới, cầu xin tổ tiên chấp thuận.
Cúng dựng tổ xong, gia đình lập một bàn thờ ở dưới bếp để cúng mời thần bếp về an vị, cai quản việc bếp núc, lễ cúng có 1 con gà.
 Tiếp theo, lễ cúng vun tổ được thực hiện sau khoảng một năm, khi đã hoàn tất việc tách, dựng tổ mới. Lễ cúng thực hiện để xin tổ tiên phù hộ cho con cháu ngày càng vun tổ lớn. Sau 1 đến 2 năm, gia đình tiếp tục làm lễ hứa và trả lễ cho tổ tiên, hương hỏa. Nghi lễ này được gọi là hấu nhụn hào sthúng nhụn, thực hiện nghi lễ với mục đích để tiếp tục vun tổ lớn hơn. Làm lễ này phải qua các nghi lễ mà theo đồng bào gọi là hấu nhụn, pang nhụn, bủa nhụn và xé nhụn, các lễ này có thể làm trong tháng nào tuỳ điều kiện từng gia đình nhưng phải làm trong 1 năm, trong các lễ này chỉ dâng hương, nước và xin khất lễ mặn, lễ mặn được hứa khất tượng trưng vào  nhụn, đến khi vun tổ xong sẽ dâng vào lễ cúng xé nhụn.
Hấu nhụn là lễ cúng hương hoả và tổ tiên, xin phù hộ cho gia đình và hứa sẽ trả lễ cho Tam Thanh và Tổ tiên. Pang nhụn là nghi lễ cúng tổ tiên xin phù hộ cho gia đình và hứa sẽ trả lễ thêm tiền bạc, mục đích để vun tổ lớn thêm. Bủa nhụn nhằm mục đích vun tổ, khai quang tranh. Khi thực hiện lễ này, gia đình đã được có 1 bộ tranh thờ, đồng bào gọi tranh thờ là sò phảng, tượng trưng cho hương hoả chung của người Dao: 1 tranh là Tam Thanh nhỏ, 1 tranh là Bàn Vương). Sau khi khai quang tranh, gia đình làm lễ cảm tạ tổ tiên, hương hoả đã cho gia đình vun tổ được lớn dần và kết thúc bằng lễ vun tổ lớn (mạng noi).
Xé nhụn là nghi lễ được thực hiện khi đã kết thúc các lễ vun tổ và cúng hứa khất trả lễ cho tổ tiên, hương hỏa. Gia đình tháo gỡ các nhụn của các lần cúng khất, sau đó phải có lễ đủ như đã hứa là lợn, rượu, tiền bạc... để cúng cho tổ tiên và hương hoả. Cúng xong hoá tiền vàng và xé nhụn đi, coi như đã trả xong lễ đã hứa.
Sau khi thực hiện các nghi lễ trên, gia đình làm lễ tạ mả tổ. Xuất phát từ tập quán du canh du cư trước đây, mỗi khi chuyển nơi ở mới đồng bào không bốc mộ đi theo, do vậy ở nơi ở mới được đồng bào phân kỳ để thờ cúng tổ tiên thành ba đời: thượng, trung, hạ và thực hiện các lễ tạ mả hạ, trung, thượng. Lễ tạ mả phải làm một khu mộ tượng trưng cho mộ tổ tiên qua các đời để cúng tạ ơn. Sau khi làm lễ tạ mả hạ, mả trung, gia đình đã được phép có 2 bộ tranh thờ. Việc khai quang tranh là nghi lễ bắt buộc bởi vì theo quan niệm của đồng bào Dao Quần Chẹt, khi đã được phép có tranh thờ tức là trong nhà đã có thần thánh che chở. Tranh thờ thể hiện sự linh thiêng, do vậy phải có nghi lễ để làm cho tranh được soi sáng. Nghi lễ khai quang tranh thường được làm sau lễ tạ mả trung khoảng từ một đến hai năm. Gia đình có con trai đến tuổi làm lễ cấp sắc có thể kết hợp cấp sắc trong lễ khai quang tranh. Khi gia đình đã khai quang tranh là đã được phép thờ Tam Thanh, do vậy cần phải có âm binh, lương thực. Gia đình tiếp tục phải sắm sửa lễ để cúng chiêu âm binh, lương thực cho Tam Thanh và đồng thời cho hương hỏa, tổ tiên. Thời gian tùy thuộc vào điều kiện của gia đình nhưng không quá một năm sau khi đã khai quang tranh.
Sau khi hoàn tất các nghi lễ tạ mả hạ, tạ mả trung, khai quang tranh và chiêu hồn lúa, âm binh cho Tam Thanh, khoảng một năm sau, gia đình làm lễ tạ mả thượng. Đây là nghi lễ tạ mả lớn nhất và kết thúc việc trả ơn cho tổ tiên trong nghi lễ tách, dựng tổ. Quan niệm của đồng bào Dao Quần Chẹt thì thực hiện nghi lễ tạ mả thượng xong thì Tổ mới già. Lúc này nhà có người chết mới được làm ma khô, nhà có người làm thầy cúng thì mới được làm thầy cả, được đem tranh đi làm lễ cấp sắc.
Tách tổ, dựng tổ - nghi lễ cứ kế tục như vậy trong suốt vòng đời của đồng bào Dao Quần Chẹt từ bao đời nay, tạo không gian tâm linh linh thiêng, giữ vị trí cốt lõi, quan trọng và bền vững trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình, để luôn đặt mình trong sự nối tiếp, biết nguồn cội của mình, công lao sinh thành, nuôi dưỡng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thờ cúng vào các dịp: Tết tháng Giêng (luồng khâu), Tết Thanh minh (Sìng mìng), Tết Cầu mùa (pịa suun chiền mìu), Tết tháng Bảy (Slíp sắt lả chiệp phẩy), Tết Cơm mới (nhặn sthèng hẳng), cúng rượu mới, bánh mới (Sthèng bèo rua, sthèng bèo tíu), Tết hết năm (Nhặn nhằng chậm).

 Đinh Huyền Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét