Đôi nét về tục ngữ, thành ngữ của dân tộc Tày, Nùng ở huyện Na Rì (Đinh Thị Thuyến)


Huyện Na Rì nằm ở phía đông của tỉnh Bắc Kạn, ở vào vị trí cách biệt sâu trong nội địa, cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Bắc Kạn) 70km, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, rừng sâu. Na Rì có 5 thành phần dân tộc chính: Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông.
Trong đó, dân Tộc Tày, Nùng chiếm trên 70% và có truyền thống lâu đời. Người Tày, Nùng Na Rì sống thành làng, bản ở vùng thung lũng và thường sống tập trung thành dòng họ. Nghề chính của họ là nông nghiệp. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, xuất hiện nhiều người Tày, Nùng ở đây làm nghề khác nhưng nông nghiệp vẫn là chủ yếu.
Cùng với đặc điểm vùng, phương thức canh tác, truyền thống văn hoá lâu đời, người Tày, Nùng đã đúc kết được một kho tàng tục ngữ, thành ngữ rất phong phú, đa dạng, được lưu truyền trong dân gian bằng con đường truyền miệng. Thông qua tục ngữ, thành ngữ có thể thấy, người Tày, Nùng Na Rì từ xưa có vốn hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, con người và xã hội, nhất là trong lao động sản xuất và quan hệ gia đình.
Thành ngữ, tục ngữ của người Tày, Nùng Na Rì thường gồm từ ba từ trở lên hoặc những đoản ngữ gắn với nhau theo quy tắc nhất định. Ví dụ câu: Pây rẩy mí pà ma, pây nà mí pà đếch, vần của âm tiết thứ năm của phần thứ nhất ma nhịp với âm tiết thứ hai nà ở phần thứ hai.
Về ngữ nghĩa, tục ngữ, thành ngữ của người Tày, Nùng Na Rì được cấu tạo theo lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… như:Ca đăm cắp ca đáng củng ca/Khẩu rẩy cắp khẩu nà củng khẩu/Cần đây cắp cần xẩu củng cần (Dịch là: Quạ đen với quạ khoang cũng là quạ/Thóc ruộng với thóc nương cũng là thóc /Người đẹp với người xấu cũng là người.)
Người Tày, Nùng huyện Na Rì từ xa xưa đã có rất nhiều những câu tục ngữ, thành ngữ về lao động sản xuất và quan hệ gia đình được lưu truyền cho đến ngày nay, trong từng bản làng, từng gia đình.
Thứ nhất là thành ngữ, tục về kinh nghiệm lao động, sản xuất. Để một vụ mùa lúa, ngô, khoai, sắn… được thu hoạch thì người nông dân ở đây phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Họ phải có những vốn hiểu biết nhất định về thời tiết thì mới có thể có những mùa vụ kết quả. Khi khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển như ngày nay thì họ dựa vào việc quan sát sự biến chuyển của vạn vật, từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, phát hiện ra quy luật và lưu truyền lại cho thế hệ sau. Nông nghiệp ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Vì vậy, thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của những người làm nghề nông. Họ quan sát các hiện tượng về sự thay đổi của thời tiết và tìm ra sự tương quan giữa hiện tượng này với hiện tượng kia. Quan sát hiện tượng về mây, họ rút ra được kết luận về mưa, nắng: Phả phạ kẻo mừa keo, khẩu tèo khửn các/Phả phạ kẻo mừa hác khẩu thác chàn (Nghĩa là:Mây kéo về nam, ai có thóc phơi phải thu dọn ngay (trời sắp mưa to);/Mây kéo về bắc, về đổ thóc ra sàn phơi (trời nắng)).
Hay nhìn quầng trăng, họ cũng rút ra được kết luận về mưa, nắng: Quằng lếch noòng, quằng toòng lẹng (Nghĩa là:Vầng trăng quầng sẫm mưa lũ to; Vầng trăng có quầng sáng thì hạn).
Làm nghề nông nghiệp, họ không chỉ tìm ra những quy luật về thời tiết mà họ còn phải biết vận dụng điều đó để tìm ra mối tương quan giữa sự thay đổi của thời tiết với sản xuất để có một mùa vụ bội thu.


Trong một mùa vụ, họ phải thực hiện cả quy trình khép kín, từ khi bắt đầu đến ra sản phẩm, như một vụ lúa: bắt đầu từ cày, bừa, cấy, làm cỏ, gặt, đến bảo quản… nên mỗi giai đoạn họ đúc kết được kiến thức riêng. Ví dụ, việc cày ruộng không thể bừa bãi mà phải vào lúc lập đông thì mới có được mùa vụ tốt: Thây nà lập đông, khẩn thuổn chang tồng, lậm cằn nưa, phưa cằn tẩ. (Nghĩa là: Cày ruộng vào lúc lập đông, thóc lúa đầy đồng, nặng trĩu trên bờ suố)i.

Nếu không cấy ruộng đúng thời điểm tốt trong năm thì sẽ mất mùa: Đăm nà tảm ngoảng á, khẩu bấu quá chài chiêng. (Nghĩa là: Cấy ruộng lúc ve kêu (tháng 7), gạo không đủ ăn qua bữa trưa tết).

Về đất đai, họ có cách làm để có đất màu mỡ, phù hợp địa hình và giống cây trồng: Rầy óm chà, nà óm nặm (Nghĩa là: Làm rẫy phơi cành lá/Làm ruộng để cho đất ngấm nước).

Hay về việc chọn giống cây trồng, vật nuôi, người Tày, Nùng ở đây từ lâu đã có tư duy rất khoa học, giống không thể lấy lại sản phẩm cũ mà phải chọn những giống mới, tốt: Khẩu tối chả, mạ tối phằn (Nghĩa là: Làm ruộng thay giống lúa mới/Nuôi ngựa thay giống mới).

Trong gieo trồng, đồng bào cũng rất chú ý đến kỹ thuật, họ có câu: Khinh lao ngược, phước lao slưa. (Nghĩa là: Gừng sợ thuồng luồng (phải trồng nông)/Khoai sọ sợ hổ (phải trồng sâu).


Có thể nói, qua các câu thành ngữ, tục ngữ của người Tày, Nùng huyện Na Rỳ trên đã có thể thấy được người dân ở đây có những kinh nghiệm rất sâu sắc, khoa học, chính xác trong sản xuất nông nghiệp. Từ cách quan sát và đúc kết kinh nghiệm, họ tìm những câu nói vần âm và dùng cách so sánh, liên tưởng… để đồng bào dân tộc mình có thể thuộc nhanh và lưu truyền dễ dàng.

Thứ hai, về quan hệ gia đình, người Tày, Nùng nói chung, và ở huyện Na Rỳ nói riêng, họ rất coi trọng về nhân cách con người, về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Những câu tục ngữ, thành ngữ thường mang ý nghĩa răn dạy, nhắc nhở để mỗi người trong gia đình của mình có thể hoàn thiện hơn.

Trước hết là quan hệ cha mẹ - con cái. Đạo làm con là phải biết nhớ ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành và nuôi nấng ta nên người. Họ dùng những hình ảnh về núi sông hùng vĩ để miêu tả công lao to lớn của cha mẹ:
Khuý mạ khửn keng chắng chắc công pèng pò mè
Nghĩa là: Cưỡi ngựa lên đèo cao mới biết công lao bố mẹ.
Làm con phải biết nghe lời cha mẹ thì mới nên người:
Tình cằm pò mè đảy kin, tình cằm bân đin pài nàn
Nghĩa là: Nghe lời cha mẹ thì làm ăn được/ nghe lời thiên hạ thì hết nghiệp.

Khi con cái được giàu sang, không được quên đi công lao của cha mẹ mất cả cuộc đời nuôi dưỡng, chăm sóc ta:Khúy mạ bấu tả pài lăng (Có ngựa cưỡi (khi giàu sang) không quên công ơn những người đằng sau mình (bố mẹ và những người giúp đỡ mình)).

Mối quan hệ chị em trong nhà cũng được thành ngữ, tục ngữ nhắc đến rất nhiều. Họ khẳng định không có tình cảm nào yêu thương và gắn bó hơn chị em ruột trong nhà:
Van bấu quá nựa pết, chếp điếp bấu quá pà nà.
Nghĩa là: Ngon không gì bằng thịt vịt, thân thiết không gì bằng chị em ruột.

Quan hệ vợ chồng cũng hết sức phải đầm ấm, họ chú ý nhiều đến sự đoàn kết giữa vợ chồng. Vợ chồng cả đời yêu thương nhau thì không sợ những việc lớn:
Phua mí điếp căn, mì kin quá slí

Ngoài ra, còn rất nhiều những câu tục ngữ, thành ngữ hay về lao động, sản xuất và gia đình đang tồn tại đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng huyện Na Rì. Người Tày, Nùng sống chung với nhau thành bản, thậm chí trong một gia đình nên văn hoá của hai tộc người có nhiều nét giao thoa, tương đồng. Họ cùng chung tay xây dựng cuộc sống từ xa xưa và coi nhau như anh em một nhà, rất hiếm khi tìm thấy một câu nói tỏ sự miệt thị, mâu thuẫn giữa hai tộc người này.
Tục ngữ, thành ngữ biểu hiện một sự trưởng thành nhất định về đời sống kinh tế, văn hoá và là sự tiếp nối tri thức của nhiều thế hệ, được sàng lọc, chứng minh qua thực tế và qua thời gian, nếu còn giá trị, nó sẽ tồn tại mãi.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, xuất hiện nhiều loại hình truyền bá thông tin: sách, báo, truyền thanh, truyền hình… thậm chí Internet đi vào đến tận làng bản, làm mờ đi nhiều những nét văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, các câu thành ngữ, tục ngữ vẫn có sức mạnh riêng mà không dễ dàng mất đi. Nhưng không ai giám khẳng định nó có thể sống mãi, bất diệt cùng thời gian mà rất cần những biện pháp bảo tồn, bảo lưu và phát huy để kho tàng tục ngữ, thành ngữ của tộc người Tày, Nùng không chỉ riêng huyện Na Rì được tồn tại mãi và lưu truyền đến những thế hệ tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
Văn hoá truyền thống Tày Nùng, nhiều tác giả, NXB Văn hoá dân tộc, 1993;
Từ điển thành ngữ, tục ngữ các dân tộc Tày, Triều Ân – Hoàng Quyết, NXB Văn hoá dân tộc, 1996;
Công trình nghiên cứu “Sưu tầm, nghiên cứu – bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn”, Triệu Thiêm Cao và các cộng sự, 1999.

Đinh Thị Tuyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét