Tổ then ở đất Cao Bằng (Hoàng Minh)

Nhắc tới Cao Bằng là nhắc tới cái nôi của nghệ thuật hát then.

"Then có từ bao giờ, không ai có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, việc phân chia then ở Cao Bằng thành hai dòng Đông - Tây lại có hẳn một sự tích về hai ông tổ then gắn với giai đoạn lịch sử khoảng 100 năm khi nhà Mạc đóng đô tại Cao Bằng."

Then vừa là hoạt động tín ngưỡng vừa là loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo gắn liền với đời sống của đồng bào Tày - Nùng. Then xuất hiện và phát triển ở nhiều địa phương có người Tày - Nùng sinh sống như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Đắc Lắc…v..v. Có một số ý kiến cho rằng, nếu nói đến cái nôi của Then thì phải nói đến Cao Bằng
Tương truyền, vào cuối thế kỷ 16, nhà Lê - Trịnh và nhà Mạc tranh chấp ngôi vị. Nhà Mạc thất thế buộc phải rút về đóng đô tại Cao Bằng. Lúc bấy giờ, ở xã Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An) có ông Bế Văn Phụng rất giỏi văn chương chữ nghĩa, giỏi đánh đàn tính, được nhà Mạc mời về giữ chức Tư thiên quản nhạc. 

Ông Cao Duy Sơn, người Tày ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc, kể rằng lúc bấy giờ, vì thất thế, nhiều lần thua trận, vua nhà Mạc là Mạc Kính Cung hết sức buồn rầu rồi sinh bệnh, đau ốm triền miên, thái y chữa mãi không khỏi. Bế Văn Phụng nhìn qua đã biết sức khỏe vua sa sút là do tâm bệnh. Từ đó, ông bắt đầu xây dựng một đội then nữ trình diễn giải tỏa tâm bệnh cho Mạc Kính Cung.

- Nội dung buổi trình diễn hôm đó thì đội then nữ hát một bài gọi là Tam Nguyên Luận, 800 câu, 5 đoạn, gồm Hạ Nguyên, Trung Nguyên, Thượng Nguyên, Thất thế, Đắc thế. Nội dung của những đoạn này nói về chiêm tinh, xét về sự vận chuyển của tự nhiên, hết bĩ ắt đến thái, hết suy đến thịnh; bàn luận kế sách khả thi, đoán định thăng trầm thời đại. Kết quả, sau khi nghe xong vua khỏi bệnh. Vua mới quyết định giữ đội nữ then này lại triều đình. Bên cạnh đó, Bế Văn Phụng còn là tác giả cuốn Giáo nam, Giáo nữ, nội dung khuyên trai gái siêng năng làm ăn, tiết kiệm, biết kính trên nhường dưới, hòa thuận trong ngoài, có tính chất giáo dục nhưng không cứng nhắc kiểu luân lí mà tế nhị, nhẹ nhàng, hợp lòng người nên vẫn được truyền lại đến ngày nay - theo ông Sơn.

Cùng thời với Bế Văn Phụng, có ông Nông Văn Nọong, còn gọi là Nông Quỳnh Văn, ở xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (tức xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh ngày nay) được người đời suy tôn là Vua Ca đáng, tức là Vua Quạ khoang, ý nói người này giỏi văn chương, thơ phú. Một số tác phẩm nổi bật của Vua Quạ khoang là Tứ quý hồng nhan, nói về tâm tư kẻ có tài nhưng không tìm được minh quân để cống hiến, hay Lượn ba chu kể về quá trình ngao du 3 châu miền Đông Cao Bằng. Bế Văn Phụng nghe danh, khâm phục Nông Quỳnh Văn từ lâu và thuyết phục Nông Quỳnh Văn cùng vào triều làm quan với mình.

- Nông Quỳnh Văn thời điểm đó tự lập một đội then toàn nam đưa đến ra mắt vua Mạc, được vua khen ngợi. Nông Quỳnh Văn, Bế Văn Phụng từ đó thường gặp nhau và tổ chức những cuộc đối đáp. Hai ông còn cộng tác xây dựng, phát triển nội dung hát then có tới 10 chuyên đề, là then Bách điểu ca ngợi 100 loài chim, then Hội én dành cho nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau, then Cấp sắc dùng cho những người làm then tâm linh. Những bài này đến giờ vẫn tồn tại. Như vậy có thể thấy là thời nhà Mạc là thời điểm phát triển rực rỡ của văn hóa Cao Bằng. Sắc màu âm nhạc đã được nâng cao lên. Từ cách nói thông thường, sử dụng âm nhạc thông thường trở thành thứ ngôn ngữ bác học được chỉnh sửa rất kĩ, nâng tầm rất cao - ông Sơn nhận xét.

Sau khi nhà Mạc tan rã, nhà Lê lên tiếp quản Cao Bằng, đội then do Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Văn xây dựng bị giải tán. Các thành viên chia tay nhau, đem theo cây đàn tính trở về quê cũ và tiếp tục hành nghề. Nhờ tiếng đàn ngọt lành cùng lời ca trau chuốt, họ được người dân ái mộ, thường xuyên đưa đón đi làm lễ cầu an, giải hạn, chúc thọ, nối số... Từ đó, hình thành 2 dòng then, then nữ miền Tây phổ biến ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Thạch An; then nam miền Đông tập trung ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh.

Chuyện kể là vậy. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, việc phân chia 2 dòng then Đông - Tây, đơn giản do sức ảnh hưởng từ phong cách sáng tác của những người làm then đi trước:

- Mỗi vùng đấy có người sư tổ, người ở địa vị cao thì họ có một phong cách trình diễn, phong cách âm nhạc riêng. Thì miền Đông có thể sáng tạo thế này, miền Tây thế kia và nó tạo ra sự khác nhau. Thực ra, 2 ông thời nhà Mạc là đoán định thôi, truyền thuyết thôi. Hiện nay chưa ai khẳng định được. Đấy là truyền thuyết của các miền để tạo ra vị thánh của miền mình, vị sinh ra then của miền mình. Bởi vì các nhà nghiên cứu ở các tỉnh thì họ dựa vào các nghệ nhân. Tôi cũng đi mà. Họ cũng kể như thế, nhưng chứng cứ ở đâu? Cho nên các văn bản then kể lại, đấy không phải là người sáng tác then, mà người đấy là dùng chữ để ghi lại các bản lời ca then truyền cho đời. Nó chỉ đến đấy thôi, chứ nếu khẳng định một văn bản nào đấy của ông nào đấy sinh ra thì tôi nghĩ là không có.

Câu chuyện then từ dân gian vào cung đình, rồi từ cung đình trở lại phát triển trong dân gian, dù có thật hay không thì cũng không thể phủ nhận Cao Bằng là một trong những nơi mà then phát triển cực thịnh. Sự phát triển phong cách diễn xướng đa dạng đã góp phần giúp then ở Cao Bằng tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong dân gian và có sức sống lâu bền.

Hoàng Minh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét