Tập quán liên quan đến sinh đẻ của người Nùng (Phương Lan)

Phụ nữ Nùng.

"Người Nùng thuộc ngữ hệ Thái Kađai, nhóm ngôn ngữ Thái, cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang... Đời sống văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào rất đa dạng, phong phú. Chỉ tìm hiểu qua tập quán liên quan đến việc sinh đẻ của người Nùng cũng có thể cảm nhận được điều đó."

Phụ nữ Nùng sinh con ở nhà, ngay trong căn buồng của mình. Lúc sắp sinh, sản phụ ngồi trên một cái ghế thấp, hai tay bám chặt vào cột nhà. Khi sinh con thì tự đỡ lấy rồi dùng dao cắt rốn cho con. Nếu là con trai thì cuống rốn sẽ được treo ở vách buồng, con gái thì cuống rốn được chôn dưới gầm giường. Ở người Nùng Cháo thì cuống rốn được bỏ vào ống tre, đem chôn ở bãi cỏ tranh xa nhà, không để người ngoài nhìn thấy. Còn ở người Nùng Nòi thì cuống rốn được gói vào giấy bản đem đặt vào đáy hòm của mẹ hoặc bà.

Trong thời gian ở cữ, sản phụ chỉ ngồi trong phòng mình, nếu muốn ra ngoài thì phải buộc sợi dây vào thắt lưng để phòng ngừa ma “sam sát” nhập vào mẹ và con. Theo quan niệm của đồng bào, ma này có phép làm thay đổi màu sắc da mặt của đứa trẻ. Việc thông báo sự xuất hiện của đứa trẻ sơ sinh ở mỗi nhóm trong dân tộc Nùng cũng rất khác nhau. Ở người Nùng An, khi đứa bé ra đời, họ buộc cành lá bưởi vào cầu thang để làm dấu hiệu báo cho người lạ biết không được vào nhà trong ba ngày đầu. Người Nùng Phàn Sình thì cắm trước cửa một cành lá xanh.

Ba ngày sau, đứa trẻ sơ sinh được làm lễ cầu mong sức khoẻ và lễ dựng bàn thờ mụ. Với người Nùng Inh, bàn thờ mụ đặt cạnh bàn thờ tổ tiên nhưng để thấp hơn. Khi nào người con lập gia đình thì bỏ bàn thờ mụ. Hôm làm lễ, bà nội bế cháu ra khỏi buồng để trình báo với tổ tiên, giới thiệu với họ hàng nội ngoại.

Đứa trẻ đầy tháng, người ta làm lễ ăn mừng, gọi là “lẩu bươm”, “oóc bươm”. Lễ này được tổ chức rất to. Hôm làm lễ, bà ngoại địu cháu ra khỏi giọt gianh mái nhà. Ông bà ngoại tặng cháu một cái nôi, một cái địu, tã lót, một gánh xôi, 2 con gà luộc... Hai bên nội ngoại thay nhau đặt cháu vào nôi, đung đưa và ngâm thơ chúc tụng cháu tròn một tháng tuổi.

Người Nùng An thường gọi tên con bằng tên các con vật như con chó (tu ma), con mèo (tu mèo)... và khi con đến tuổi trưởng thành họ mới đặt tên chính thức. Ở người Nùng Dín, mỗi đứa trẻ được đặt tên hai lần: lần đầu được đặt tên vào 15 ngày tuổi, lần thứ hai đặt trước khi đến tuổi trưởng thành. Bố mẹ tự chọn tên cho con mình, sau đó nhờ thầy cúng khấn bái gia tiên và gieo quẻ xem tên đã chọn có được gia tiên chấp thuận không? Nếu quẻ báo gia tiên không đồng ý thì bố mẹ phải chọn tên khác đến khi được mới thôi.

Ngày nay, thực hiện nếp sống mới và để bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, nhiều tập quán liên quan đến sinh đẻ của người Nùng không phù hợp đã được loại trừ. Tuy nhiên, những phong tục tập quán tốt đẹp khác của đồng bào Nùng vẫn được khuyến khích gìn giữ, bảo tồn.
Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét