Cô dâu rót nước, mời
trầu bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ.
Mùa
xuân, mùa của ngàn hoa đua nở khoe sắc, muôn cây đâm chồi nảy lộc, mùa khởi đầu
cho một năm mới an khang thịnh vượng. Mùa xuân cũng là mùa của tình yêu, của hạnh
phúc lứa đôi. Rất nhiều đôi bạn trẻ chọn thời điểm này để cử hành hôn lễ. Vì thế,
mùa xuân còn được gọi là mùa cưới, mùa mở ra cuộc đời mới cho con người. Trong
bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của hơn 50 dân tộc anh em trên đất nước Việt
Nam, mỗi dân tộc đều có nét đẹp riêng trong phong tục cưới hỏi của mình. Ở đây
xin nói tới nét đẹp trong phong tục cưới của người Nùng ở Lạng Sơn.
Người
Nùng được chia thành nhiều nhóm với những tên gọi khác nhau như Nùng An, Nùng
Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo,…Theo phong tục của người Nùng, lễ cưới là hình
thức bao gồm các nghi lễ cổ truyền được tiến hành để hợp thức hóa quan hệ vợ chồng
cho đôi trai gái. Cho đến nay, phong tục này vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng
dân tộc.
Mọi
công việc để tiến tới lễ cưới của người Nùng được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận,
theo tiến trình từng bước. Đầu tiên là lễ so tuổi. So tuổi theo tiếng của người
Nùng Inh là “Au mình ”. Trên cơ sở tình yêu của đôi bạn trẻ, nhà trai sẽ mang
sang nhà gái một đôi quả cau để xin thông tin về ngày, tháng, năm sinh của cô
gái. Nếu xét thấy hợp nhau, nhà trai sẽ đến nhà gái lần hai để làm lễ dạm hỏi.
Trong lễ dạm hỏi, nhà trai chọn một người làm ông mối, người này phải là người
đã có gia đình và có cả con trai, con gái (thường nói là có nếp, có tẻ), thay mặt
nhà trai bàn với nhà gái về việc hôn lễ của đôi trẻ. Nếu được gia đình nhà gái
nhất trí thì nhà trai sẽ hẹn ngày đến để làm lễ ăn hỏi. Nùng Phàn Slình gọi lễ
ăn hỏi là “Lảu nự”, có nghĩa là rượu, thịt. Đúng như nghĩa đó, nhà trai sẽ mang
sang nhà gái mấy chai rượu, đôi gà trống thiến và một ít gạo nếp. Trong lễ ăn hỏi,
hai bên gia đình bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như lễ
vật, ngày giờ đón dâu... Sau khi mọi công việc trên hoàn tất, hai bên gia đình
sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho lễ cưới.
Lễ
cưới của người Nùng thường được tổ chức sau lễ ăn hỏi khoảng 2-3 tháng, cũng có
khi sớm hơn vì họ cũng quan niệm như người Kinh: “Cưới vợ phải cưới liền tay,
chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”.
Lễ
cưới của người Nùng diễn ra với nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc. Trước tiên
phải kể tới lễ đón dâu. Lễ đón dâu của người Nùng phải đúng thời gian quy định
như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc
10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ
đôi, đủ cặp). Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ
tổ tiên và cúi lạy. Có nơi, sau khi chú rể làm xong các thủ tục đó sẽ bị té nước,
chú rể bị té nước càng nhiều thì coi như càng được nhiều may mắn. Trong lễ đón
dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về.
Khi
đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào
nhà. Về nghi lễ này thì mỗi nhóm người Nùng có cách làm riêng. Tôi có dịp được
trò chuyện với chị Liễu Thị Thơm, người Nùng Cháo, ở khối 3, phường Đông Kinh,
thành phố Lạng Sơn và được biết: theo phong tục của người Nùng Cháo, trước khi
vào nhà, cô dâu phải dùng chân làm đổ cái bàn, trên đó có 5 cái bánh nặn bằng
gio bếp mà gia đình nhà chú rể chuẩn bị, coi như từ nay cô dâu đã là người của
nhà trai. Sau đó, cô dâu sẽ phải vào lạy bàn thờ tổ tiên và ra mời trầu, mời nước
bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai. Từ đây, đôi trai gái
chính thức trở thành vợ chồng. Hôm sau, đôi vợ chồng trẻ đến nhà bố mẹ vợ, gọi
là lễ lại mặt. Lễ vật mang theo thường gồm một cỗ xôi, một cái chân giò. Lúc
này chàng rể sẽ đi thăm họ hàng nhà vợ để nhận mặt.
Nông Thế Học (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét