Nhà sàn đá - nét văn hóa độc đáo của người Tày Trùng Khanh, Cao Bằng (Ngô Thị Thắm)

Nhà sàn đá của người Tày-Cao Bằng

"Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Trong đó nền văn hóa vật chất, mà tiêu biểu là loại hình nhà sàn dựng bằng đá là nét văn hóa độc đáo và nổi trội hơn cả. Đề tài đi sâu vào nghiên cứu lịch sử gốc tích, giá trị sử dụng, nét thẩm mỹ trong kiến trúc dựng nhà, ý nghĩa về mặt xã hội và văn hóa tâm linh nhằm làm nổi bật mặt ưu việt, nét đẹp văn hóa đậm đà tính dân tộc thông qua loại hình nhà sàn dựng bằng đá, từ đó đặt ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể của tộc người Tày ở Trùng Khánh, Cao Bằng."

Trong các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện bản sắc tộc người thì các giá trị văn hóa vật chất là tiêu biểu hơn cả. Trước kia và cả hiện nay, khi xét đoán về một tộc người nào đó, người ta thường dựa vào các hiện tượng cụ thể của trang phục, ẩm thực, các phương  tiện vận chuyển, phương thức lao động sản xuất, loại hình nhà ở… Luận bàn về nét văn hóa vật chất của người Tày ở Việt Nam, không thể không nhắc đến loại hình nhà ở tiêu biểu – nhà sàn, bởi đây là một tác phẩm nghệ thuật lớn về kiến trúc, điêu khắc, trang trí…của đồng bào Tày từ xa xưa.
Tộc người Tày phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang,  Thái Nguyên…), chủ  yếu  sinh  sống trong những mái nhà sàn được dựng từ tre, gỗ. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện cư trú khác nhau, quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các tộc người, nhà sàn ở nhiều nơi nhiều vùng lại được thể hiện ở nhiều biến dạng khác nhau. Nhà sàn của đồng bào Tày ở tỉnh Cao Bằng cũng như nhiều tỉnh miền núi khác, chủ yếu làm bằng tre, gỗ. Thế nhưng, ở một  số làng bản thuộc miền đông Cao Bằng, đặc biệt là huyện Trùng Khánh, nhà sàn của người Tày lại được xây dựng bằng đá. Những ngôi nhà sàn đá ở nơi đây đã tồn tại một cách phổ biến và ổn định suốt thời gian dài, nó không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ của đồng bào mà đó còn là một trong những yếu tố góp phần kiến tạo nên vỉa tầng văn hóa độc đáo trong tổng thể vùng văn hóa đa dạng trên mảnh đất Trùng Khánh.

Nhà sàn đá của người Tày-Cao Bằng

Trong  xã hội truyền  thống,  tộc người Tày thường cư trú ở vùng núi thấp, thung lũng sâu và có độ ẩm cao. Họ thường sống trong những ngôi nhà sàn được dựng lên từ nguồn vật liệu sẵn có trong vùng. Loại hình nhà ở này nằm trong một thiết kế xã hội bền vững, bộc lộ nhiều mặt ưu việt, hòa hợp với yếu tố vùng miền và tâm lý dân tộc. Điều này đã tạo cơ sở cho các nhà văn hóa học nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này.
Trong nhiều công trình  nghiên cứu về dân tộc Tày, các nhà nghiên cứu đã chú trọng đề cập đến yếu tố văn hóa tộc người như: đời sống sinh hoạt, tục lệ, tập quán nhà ở, các phương diện văn hóa vật chất và tinh thần khác…Ngoài ra, trong nhiều bài báo đăng trên tạp chí địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều cây bút cũng đã viết về loại hình nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.
Hầu hết các tác giả đều đề cập đến nhà ở truyền thống của đồng bào Tày miền núi được dựng chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là thảo mộc. Loại hình nhà sàn dựng bằng đá của người Tày vùng ở Trùng  Khánh  (Cao Bằng) chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Một số bài báo viết về vấn đề này cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu sơ lược. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi làm rõ những nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà sàn đá của đồng bào Tày huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Mặt khác, đó cũng là cơ sở giúp ngành Văn hóa tỉnh nhận định, đưa ra các biện pháp, chính sách để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn huyện nhà.
Huyện Trùng Khánh bao gồm 19 xã với hơn
200 làng, bản. Trong đó, người Tày chiếm gần
70% dân số. Trùng Khánh là huyện miền núi có địa hình tương đối phức tạp bởi có nhiều dãy núi cao xen kẽ sông suối ngắn, thung lũng sâu và hẹp dần từ Tây Bắc đến Đông Nam. Huyện có ba dạng địa hình chính: đồi, núi đá vôi. Người Tày thường chọn đất để sinh sống và dựng nhà sàn ở các thung lũng chạy dọc theo hệ thống sông Quây Sơn và sông Bắc Vọng. Mặt khác, huyện Trùng Khánh còn nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa; độ ẩm thấp, rét buốt, khô hanh về mùa đông và nóng bức về mùa hè, chỉ dịu mát vào ban đêm nên đồng bào buộc phải có sự tính toán chu đáo làm sao để dựng một ngôi nhà bền vững, tiện lợi, thích ứng được với khí hậu.
Ngoài việc sống trong không gian cư trú với địa hình và khí hậu tương đối phức tạp, từ xa xưa, do vùng biên giới Trùng Khánh có nhiều thú dữ, trộm cướp nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ. Đặc biệt, những hòn đá tảng trên các núi đá vôi được đồng bào chọn làm vật liệu chính để dựng nhà vì trong tâm thức của họ, đá giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Những viên đá được hình thành  từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thu tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh tính rất cao.
Các nghiên cứu văn hóa học và thực tế cho thấy, cách dựng nhà độc đáo, riêng có của đồng bào Tày nơi đây xuất phát mối từ quan hệ chặt chẽ giữa con người và tự nhiên: con người sống phụ thuộc, nương nhờ vào tự nhiên, sùng bái, hòa hợp với tự nhiên. Khuynh hướng này thể hiện cả trong ý thức lẫn hành động. Trong tâm thức của họ, điều kiện cư trú cũng như thiên nhiên có sức tác động không nhỏ trong việc xây dựng kiến trúc ngôi nhà. Đây cũng chính là gốc tích lý giải cho sự ra đời ngôi nhà sàn đá của người Tày Trùng Khánh, Cao Bằng. Có thể nhìn nhận giá trị văn hóa của ngôi nhà sàn đá của người Tày ở Trùng Khánh từ một số góc độ sau: Ở phương diện môi trường: Trước khi dựng nhà, người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Địa thế có khả năng thoát nước tốt. Họ quan niệm ngôi nhà dựa vào những ngọn núi đá sẽ được thần linh bao bọc, bảo vệ chắc chắn.
Về phương diện kỹ thuật: Nhà sàn xây dựng theo kết cấu khung cột kết hợp với tường đá dày, thể hiện một cách điển hình kiểu không gian ba tầng: tầng đất, tầng sàn, tầng gác. Tầng đất là nơi nhốt súc vật, gia cầm. Tầng sàn là nơi ngủ và sinh hoạt của gia đình. Tầng gác chứa đồ vật, các loại nông phẩm. Để dựng nhà, người Tày nơi đây thường sử dụng gỗ, tre tạo ra hệ chịu lực dựa trên kết cấu mái gồm cột, xà ngang, xà dọc, mái. Khung nhà được tạo thành sẽ quyết định sự vững chãi, hình dáng và tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Cột nhà được làm bằng gỗ lim, nghiến được đẽo tròn và nhẵn hoàn toàn theo phương thức thủ công. Hệ thống cột được chôn thẳng xuống đất hoặc kê đá. Đặc biệt, bốn vách tường nhà đều được xây bằng đá, khác hẳn với nhà sàn các vùng khác là vách đan bằng tre. Những viên đá có nhiều kích cỡ, nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn với cát và nước. Đá được đồng bào lên núi tự tay đập bằng các dụng cụ thủ công. Họ thường chọn những tảng đá to vốn có sẵn trên núi từ lâu đời bên ngoài thường có màu xám hoặc xám đen vì nó có độ cứng và khi dùng búa đập theo thớ thì đá cũng dễ vỡ thành hòn vuông vắn. Nếu đá đập ra có ánh kim trắng sáng thì càng có sức bền, chịu lực tốt.

Nhà sàn có hai mái được lợp bằng ngói âm dương vì dễ lợp dễ sửa, thường có ba gian hai chái hoặc năm gian hai chái, chiều sâu từ 5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 – 2,5m. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m. Không gian sinh hoạt trong nhà có sự phân chia rõ rệt đó là ở phía trong cùng ngôi nhà đặt bếp lửa, kế bên trên đó đặt bàn thờ tổ tiên và các gian bên cạnh bàn thờ là chỗ ngủ các thành viên trong gia đình. Cửa nhà làm bằng gỗ, then cửa đặt ngang bằng gỗ hoặc tre. Phía bên ngoài có sàn phơi và cầu thang lên xuống, tất cả đều được xây bằng đá. Thông thường, một ngôi nhà sàn đá được làm trong khoảng 2 – 3 năm. Những ngôi nhà sàn đá như vậy không chỉ thể hiện tính bản địa, khả năng thích ứng với tự nhiên mà còn chứng tỏ sự khéo léo của đôi bàn tay, sự sáng tạo trong lãnh địa kiến trúc của đồng bào Tày nơi đây.
Về phương diện xã hội và văn hóa tâm linh: Nhà sàn người Tày tuy giản dị nhưng thông qua kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình, người ta thấy ngay được giá trị tinh tế lâu đời của nó. Nhà sàn là nơi sinh hoạt chung của các thành viên. Cách sắp đặt không gian trong nhà cũng thể hiện quan hệ trong gia đình. Từ đây hình thành các phong tục, nghi lễ mang đậm tinh thần văn hóa. Người Tày có câu “Đảy kin nhằm mồ mả, thoong thả nhằm tỉ rườn ” (nghĩa là: làm ăn nên nhờ mồ mả, được an nhàn nhờ nền nhà). Vì thế ngay từ khâu chuẩn bị dựng nhà, họ rất chú ý việc xem tuổi chủ nhà có hợp hay không để chọn ngày động thổ, sau đó chú trọng xem hướng nhà tốt. Sở dĩ họ chọn đá làm nguyên liệu dựng vách vì trong tâm thức của họ, đá có vai trò quan trọng trong đời sống, gần gũi với con người từ thuở hồng hoang lượm hái cho đến ngày nay. Từ ý thức tâm linh đến nhu cầu thực dụng, từ chức năng thẩm mỹ đến chức năng hành động… đá luôn đáp ứng mọi yêu cầu của họ.
Trong quá trình dựng nhà, thông thường cột nhà được chôn thẳng xuống đất, sau này đồng bào còn dùng đá để kê chân cột. Tuy nhiên, vẫn phải có một chân cột được chôn thẳng. Vì họ quan niệm cột chôn xuông đất khiến âm dương hòa hợp làm ngôi nhà vững chãi và cầu mong các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe. Người Tày không được phép chặt chém vào cột nhà vì họ sợ ảnh hưởng đến hồn của ngôi nhà thì sẽ gặp rủi ro. Khi xây cầu thang đá chỉ xây bậc lẻ (7 bậc hoặc 9 bậc), bởi người Tày quan niệm chọn bậc cầu thang theo hồn vía con người (7 hồn 9 vía).
Sau khi làm nhà xong, người Tày có tục vào nhà mới, đun lửa trong bếp ba ngày và không được để lửa tắt. Họ làm vậy với mong muốn mang  lại hơi ấm  và may mắn  cho gia đình. Không gian sinh hoạt dành cho các thành viên trong nhà có sự sắp xếp phân biệt rõ ràng. Bên cạnh bàn thờ là chỗ ngủ của đàn ông, kế tiếp các gian phía trong là buồng nữ giới. Khi có khách, chủ và khách ngồi ăn ở khu tiếp khách và nơi sinh hoạt của đàn ông, còn phụ nữ thì ăn riêng dưới bếp. Phụ nữ cũng không được ngồi gần bàn thờ tổ tiên, không được bày mâm cúng. Các thành viên không được nô đùa với bóng người in trên tường, vì đó là phần hồn của người. Họ quan niệm nếu nô đùa sẽ làm hồn giật mình lìa khỏi xác. Vì thế, khi có một ai trong nhà ốm đau, họ thường tổ chức nghi lễ cúng bái riệc khoăn (gọi hồn về). Không gian sinh hoạt này phản ánh hệ tư tưởng mang tính chất phụ quyền, phản ánh tư duy logic trong nếp sống và nét văn hóa tâm linh ăn sâu vào trong tiềm thức con người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thành viên luôn coi mái nhà là chỗ dựa tinh thần và vật chất cả đời. Họ cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống dẫn đến đặc điểm tâm lý chung của người Tày là chân thành, mến khách, hòa thuận, khiêm nhường. Ngôi nhà sàn đá còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện tính kết cố cộng đồng cao độ và là sản phẩm của đời sống tâm linh, tri thức, phong tục và tập quán của người Tày.
Tuy cùng chung sống trên một địa vực khu trú  nhưng  ngôi nhà sàn xây bằng đá của tộc người Tày mang nhiều nét ưu việt so với ngôi nhà sàn của người Nùng Trùng Khánh. Người Nùng thường làm nhà sàn bằng tre, gỗ, vách nhà làm bằng tre hoặc trát bằng rơm trộn đất sét. Vì vậy, tuổi thọ ngôi nhà sẽ ngắn hơn, khả năng chống ẩm mốc và bảo vệ kém hơn. Loại hình nhà sàn xây bằng đá, đồng bào Tày đã cho thấy tính năng vượt trội trong việc thích ứng với điều kiện tự nhiên, lựa chọn nguyên liệu dựng nhà. Kiến trúc xây dựng vững chãi, bền bỉ, trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không những thế, nó còn giữ vị trí quan trọng trong tư duy và đời sống sinh hoạt cộng đồng.

 Ngô Thị Thắm  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét