Ngày tết đi lễ thổ công của người Nùng (Đặng Thủy)

Mâm lễ của người Nùng đi cúng thổ công vào dịp tết

"Đi lễ thổ công (páy thổ) là một nét riêng và độc đáo của người dân tộc Nùng Lạng Sơn vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Những gia đình sống cùng xóm thường xây dựng chung một miếu thờ thổ công. Nơi được chọn làm thổ công phải là nơi vắng vẻ, yên tĩnh và thoáng mát. Ngày mùng 2 Tết, nam giới trong gia đình sẽ ra thổ công cúng, cầu cho một năm mới yên ấm, an lành và mùa vụ bội thu."

Lạng Sơn có các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay sinh sống. Nhưng dân tộc Nùng có số lượng người đông nhất (chiếm 42,9 %, năm 2013) so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh. Người Nùng có vốn văn hóa dân gian rất phong phú, phong tục, tập quán của bà con cũng có những nét độc đáo, khác biệt với một số dân tộc khác cùng cư trú trên địa bàn. Tiêu biểu là tục cúng thổ công vào dịp đầu năm.


Người Việt thường có câu “mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy”. Nhưng đối với người Nùng, trong ngày mồng 2 Tết, trước khi đi “Tết mẹ”, họ tiến hành lễ cúng thổ công tại ngôi miếu của xóm. Người Nùng thường sống thành từng bản, làng dưới các chân đồi, sườn núi, trước bản, làng là ruộng, sau là đồi núi, nương và cây ăn quả. Với điều kiện cư trú như vậy, mỗi thôn của người Nùng chia thành nhiều chòm xóm nhỏ. Mỗi chòm xóm ấy được phân định bởi dòng suối, khe nước hoặc con đèo hay quả đồi…, Mỗi xóm đều có một ngôi miếu nhỏ thờ thổ công, trên khoảng đất thiêng, cây cối xum xuê, tỏa bóng mát miếu thờ và khu vực đó.

Ngay từ 30 Tết, dân làng cử ra một người đến quét dọn miếu và khu vực xung quanh. Sau giờ giao thừa, mỗi gia đình ra giếng lấy nước (lễ nước mới) đun sôi pha chè rồi rót nước mời tổ tiên gia đình, sau đó mới ra mời chè ở thổ công. Theo quan niệm của người Nùng, ai đến miếu rót chè mời thổ công trước tiên thì năm đó, gia đình làm ăn phát tài, sung túc và may mắn cả năm. Cho nên lúc giao thừa của người Nùng thường rất đông vui ở khu vực miếu.

Đến sáng sớm mồng 2 Tết, các gia đình đều chuẩn bị một mâm lễ đến cúng thổ công. Mâm lễ bao giờ cũng có: một con gà trống thiến luộc thật to, xôi nghệ, hai bánh chưng, một chai rượu trắng, một thẻ hương và vàng mã. Không phải theo giờ đã định sẵn mà bà con quan niệm ai ra miếu trước sẽ có lộc trước, nên ai ai cũng cố gắng ra miếu sớm để đặt mâm lễ ở khoảng sân trước cửa miếu. Tuy nhiên, không vì quan niệm này mà mọi người tranh giành nhau chỗ đặt mâm cỗ mà mọi việc đều diễn ra trong không khí linh thiêng và có tuần tự. Đại diện của từng gia đình phải là nam giới, thường là ông nội, bố hoặc con trai cả sẽ đặt mâm lễ ở trong hoặc trước khu vực thổ công.

Có một số nơi ngầm coi lễ cúng này là một cuộc thi xem nhà nào mát tay, làm ăn khấm khá trong năm trước thông qua mâm lễ vật không thể thiếu đó là con gà trống thiến. Nhà nào có con gà trống thiến to, béo nhất xóm thì rất phấn khởi, tự hào và được mọi người khen ngợi. Sau lễ cúng, mọi người thụ lộc tại thổ công, rót rượu chúc tụng nhau vui vẻ. Còn riêng gà, bánh chưng và xôi vàng sẽ đem về. Chén rượu đã rót ra cúng thổ công sẽ được đổ xung quanh bát hương và quanh miếu. Kết thúc lễ cúng, mọi người ra về, cả làng hô to, người thì gọi gà, người thì gọi lợn về nhà và xôi vàng vãi cho gà, lợn ăn. Người Nùng quan niệm rằng, cúng thổ công xong, trên đường về nhà gọi lợn, gà về chuồng với mong ước sang năm mới lợn, gà đầy chuồng, chăn nuôi phát triển và may mắn.

 Đặng Thủy (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét