nhuộm vải chàm
- Một trong những nét đặc sắc của nhân dân các
dân tộc Lạng Sơn là sắc áo chàm của người Tày, Nùng. Ở xã Thiện Thuật, huyện
Bình Gia, nhiều người dân vẫn nhuộm vải chàm thủ công và trong các dịp lễ, hội,
cưới hỏi… họ vẫn mặc áo chàm truyền thống của dân tộc mình.
Kỳ công sắc chàm
Để nhuộm lên sắc chàm, có nhiều nguyên liệu, nhưng nguyên liệu
chính phải có 2 loại cây rừng gọi theo tiếng dân tộc là cây lỏm, cây làm và nước
vôi. Cây được ngâm trong chum nước khoảng hai ngày tạo ra bọt chàm màu đen. Sau
đó vớt cuống lá ra, cho vôi vào khoắng đều lên cho đến khi nước chuyển sang màu
xanh chàm. Khi nước lắng đọng, thì chắt lấy bột chàm để khô, nhưng vẫn phải giữ
được độ mềm, dẻo. Đến bước làm nước nhuộm: lấy nước chắt lọc từ tro bếp, lấy
thêm lá cây sau sau, lá cây slam vèng (tiếng dân tộc Nùng) hơ lửa, vo với bột
chàm, hoà vào chum nước chắt từ tro bếp. Chum nước này để từ 3- 5 ngày sẽ thành
nước màu xanh, có mùi thơm của chàm…
Làm nên nước chàm đã khó, để nhuộm nên tấm vải chàm có màu sắc như
ý càng càng khó hơn. Bà Nhằm tiếp tục chia sẻ: Trước khi nhuộm, phải cho vải
vào nước sôi luộc lên, phơi khô. Nhuộm vải rất nhiều lần, trong khoảng thời
gian từ 15- 25 ngày. Đến công đoạn thứ ba, vải còn nhuộm với nước củ nâu (nước
có vị chát, màu đỏ). Sau đó để có vải màu đen, phải đem vải ngâm dưới bùn
ruộng khoảng 24 tiếng, muốn có vải có sắc hồng thì nhuộm lại vào nước chàm…
Để làm nên tấm vải chàm phải trải qua nhiều công đoạn thủ công rất
kì công, người nhuộm chàm luôn đặt hết tâm sức của mình vào công việc nhuộm vải
thì mới được màu sắc và mùi thơm chàm như ý. Tấm áo chàm dân tộc Tày, Nùng
không chỉ đặc sắc bởi màu sắc, mùi hương tự nhiên của núi rừng, mà còn độc đáo
bởi cách may và những hoạ tiết nhỏ. Mới trông thì một chiếc áo chàm đơn giản,
nhưng may áo lại đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ lắm. Chị Trương Thị Lưu, thôn Nà Đảng,
xã Thiện Hoà, người chuyên may và bán áo chàm ở chợ Pác Khuông chia sẻ: “Áo
chàm thường thì ít trang trí, chỉ trang trí một ít vải màu ở tà áo, tay áo, cổ
áo. Nhưng cả áo nam, áo nữ đều đặc sắc là ở khuy áo. Khuy áo làm rất khó, đính
khuy cũng khó. Người thợ phải rất khéo léo, đều tay mới đính được đẹp, khuy mới
đứng, thẳng và lộ màu sắc của chỉ đều nhau ở chân khuy... Mặc dù không còn phổ
biến như nhiều năm trước, nhưng mỗi phiên chợ vẫn có nhiều người tìm mua áo
chàm và các sản phẩm khác từ vải chàm như mũ, khăn, túi…”.
Nét đẹp cần lưu giữ
Nhuộm vải, may áo đều rất khó, rất kì công nên hiện nay trên địa
bàn tỉnh chẳng còn mấy nơi lưu giữ được nghề này. Nhưng đến Thiện Thuật, nghề
truyền thống ấy, sắc màu sắc ấy vẫn được lưu giữ, họ là những người lưu giữ nét
đẹp văn hóa của dân tộc. Trong những ngày lễ, hội, ngày cưới, ngày sinh hoạt
văn hoá như hát then… người dân vẫn mặc áo chàm. Đặc biệt, trong ngày cưới, cô
dâu, chú rể đều phải mặc áo chàm của dân tộc mình để thể hiện lòng thành kính,
tôn nghiêm khi làm lễ trước gia tiên.
Khách hàng lựa chọn mua vải chàm tại chợ Pắc Khuông
Áo chàm là một nét đẹp văn hoá của dân tộc Tày, Nùng. Nét đẹp ấy cần
lưu giữ cho thế hệ con cháu. Bà Nhằm chia sẻ: “Ở thế hệ bà, cô gái nào cũng biết
nhuộm chàm, may áo cho mình. Bà rất muốn thế hệ các con, cháu vẫn giữ được nghề
truyền thống này, mặc áo chàm trong các ngày lễ, tết, ngày cưới hỏi…”. Chị Lâm
Thị Hiếu, con dâu bà Nhằm cho hay: tôi vẫn giúp bà đi lấy cây rừng, dành thời
gian cùng bà làm vải chàm. Bởi nhìn sắc áo chàm đen, hồng như ý sau bao công sức
để nhuộm, với hương thơm tự nhiên, chị cảm thấy rất trân trọng, tự hào
LÂM NHƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét