Lễ khao tổ của người Tày Lạng Sơn (Minh Thắng)

Lễ khao tổ là dịp để người Tày (Lạng Sơn) ôn lại nét đẹp trong phong tục của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nhớ tới cội nguồn của gia đình, dòng họ, đồng thời thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng…
Lễ khao tổ là dịp để người giáo dục thế hệ trẻ nhớ tới cội nguồn của gia đình, dòng họ. Ảnh: Internet
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong tâm thức lối sống của mỗi gia đình, dòng họ. Tuy nhiên sự đa dạng về văn hóa vùng miền, mỗi dân tộc lại thể hiện đạo lý ấy ở những nghi lễ khác nhau.
Với người Tày ở Lạng Sơn họ chọn tổ chức lễ khao tổ. Đây là một tục lệ được lưu truyền từ xa xưa của dân tộc Tày, vừa chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống lại vừa mang nét văn hóa tộc người rất đặc sắc.
Lễ khao tổ có thể được tổ chức vào bất cứ tháng nào trong năm, tuy nhiên vào dịp cuối năm, khi Tết đến xuân về, công việc đồng áng đã xong xuôi là thời điểm thích hợp nhất để làm lễ.
Phần chuẩn bị cho lễ khao tổ khá đơn giản, gia chủ chỉ cần chuẩn bị một mâm thánh gồm rượu và gạo.
Người chủ trì buổi lễ là một pháp sư. Trước khi vào nghi lễ chính, pháp sư cúng để mời thầy thánh của mình về chứng giám buổi lễ. Sau đó, pháp sư tiếp tục thực hiện các bài cúng để mời tổ tiên của gia chủ. Thường lễ khao tổ sẽ mời tổ tiên chín đời của gia chủ gồm cả nội, ngoại. Trong quá trình “đi mời tổ tiên” về, pháp sư sẽ thực hiện một cuộc trò chuyện dài với tổ tiên của gia chủ từ đời thứ nhất tới đời thứ chín.
Khi pháp sư mời được tổ tiên về tới gia đình của gia chủ. Đến phần này, con cháu trong gia đình phải lập một bàn thờ tổ tiên, bàn thờ được dựng lên có năm cây bói (cây lau) cột xung quanh, được che bằng một tấm vải trắng, tượng trưng cho việc con cháu đã chuẩn bị một buồng khách trang trọng dành cho tổ tiên của mình. Bên trên bàn thờ vẫn là bát hương, rượu và cơm nếp được gói thành gói riêng. Chiếc bàn này dành cho tổ tiên chín đời nội ngoại của gia chủ. Phía dưới bàn là một mâm dành cho người dẫn đường chỉ lối cho tổ tiên vào nhà.
Hai mâm bên dưới là mâm nội ngoại của gia chủ, được trải trên tàu chuối, phía bên trái là mâm bên ngoại, bên phải là mâm bên nội và mâm của mụ sinh, mâm nào cũng có rượu và cơm nếp. Phía bên ngoài có một mâm dành cho người canh gác để buổi lễ được diễn ra an toàn, ngoài sân một mâm che ô dành cho những khách vãng lai tới xem buổi lễ. Lúc này pháp sư tiếp tục cúng để báo cáo lại với tổ tiên con cháu đã đặt mâm đúng vị trí không phạm tới tổ tiên, mọi vị trí đều đã được tẩy uế sạch sẽ, mời tổ tiên về nhận lễ.
Sau đó là lễ trao sinh, tức là mời tổ tiên nhận lễ con cháu dâng. Lễ này gồm gà, lợn sống, được tiến hành ở cả hai không gian trong nhà và ngoài sân, song song với việc cúng của pháp sư, con cháu ở ngoài sân chuẩn bị hành lễ cắt tiết gà, lợn.
Những người được chọn để hành lễ phải được kiêng cữ từ vài ngày trước khi buổi lễ diễn ra. Khi pháp sư thực hiện nghi lễ cúi đầu tức là xin tổ tiên nhận lễ, sau đó ra hiệu cho con cháu bên ngoài hành lễ.
Khi mời tổ tiên dùng lễ chín gồm gà luộc, pháp sư sẽ dùng lời lẽ trong bài cúng của mình để mong tổ tiên hiểu tấm lòng con cháu. Lúc này pháp sư đứng lên thực hiện nghi lễ, gia chủ đứng phía sau để rót rượu mời tổ tiên.
Sau những lời thỉnh cầu và mời, pháp sư sẽ làm lễ tiễn tổ tiên. Nghi lễ tiễn gồm một con gà tượng trưng cho quà đi đường về của tổ tiên. Khi con gà được tung ra bên ngoài sân là tổ tiên cũng đã lên đường hành trình đi về. Nghi lễ tiễn tổ tiên kết thúc là lúc các đồ lễ sống được mang xuống bếp để chế biến, sau đó dọn ra mâm để mọi người cùng thụ lộc, cầu may mắn.

Minh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét