Các nghệ nhân hát then cổ trong nghi lễ lẩu then.
Bà then có mặt trong mọi nghi lễ của người Tày, từ lễ cúng
mụ sinh, lễ mừng thọ, dựng nhà, lấy vợ, gả chồng và cả khi chết…Vì vậy, bà then
luôn được người Tày tôn trọng.
Người làm then được chia ra nhiều bậc khác nhau, bà then có
uy tín phải là người có đủ 15 cầu then hay đã trải qua 15 bậc then. Các bậc
then được chia theo số lẻ 5,7,9,13,15, mỗi lần làm lễ nâng bậc then được gọi là
lễ lẩu then, hay còn gọi là “hắt lẩu then.”
Ngoài ra, sau khi các bà then đã đủ 15 bậc then họ vẫn làm
lễ để ôn lại 15 bậc then, đó cũng được gọi là lễ đổ rượu then. Những người làm
then cho rằng sau mỗi lần làm lễ đổ rượu then, bà then sẽ có uy tín hơn trong
công việc cúng then, cứu giúp được nhiều người hơn.
Thông thường bà then chưa đủ 15 bậc then thì ba năm sẽ tổ
chức lễ đổ rượu then để nâng bậc một lần. Còn với bà then đã đủ 15 bậc, mỗi năm
có thể ba lần làm lễ đổ rượu then vào dịp Rằm các tháng 2, 7 và 11.
Thành phần tham gia buổi lễ gồm bà then được làm lễ, người
thầy của bà then có nhiệm vụ hướng dẫn cho học trò trong buổi lễ. Các bà then
khác tới để phụ giúp mọi việc. Hai người phụ nữ chưa lập gia đình hoặc là góa
phụ sẽ phụ giúp việc đốt nhang cho buổi lễ.
Thông thường, buổi lễ sẽ diễn ra hai ngày một đêm, trước đó
bà then được làm lễ phải giữ mình thanh sạch trong nhiều ngày. Các bà then đều
phải ăn chay trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ.
Phần chuẩn bị cho buổi lễ khá đơn giản, gia chủ chỉ cần chuẩn
bị ba mâm ngọt để cúng gồm gạo, hoa quả, năm chén rượu và hai bát hương. Một
mâm chính giữa dành riêng cho bà then được làm lễ, hai mâm bên cạnh của hai người
thầy bà then.
Phía bên trái, bà then để hai thúng gạo, bên trên có hai
chiếc thang được làm bằng tàu chuối, một chiếc thang có che vải tượng trưng cho
con đường để đón các Tướng về, thang nhỏ không che vải tượng trưng cho quá
trình "nối số," tức là cúng cho những người yếu được mạnh khỏe, sống
lâu hơn.
Một buổi thực hiện nghi lễ lẩu then ở ngõ 8, đường Phai Vệ,
TP Lạng Sơn
Mở đầu buổi lễ các bà then sẽ dùng lời then và đàn Tính để
báo cáo thổ công, gia tiên của gia đình nội dung buổi lễ. Tiếp theo là một
"chặng đường" của đội quân nhà then đi đến Tướng lĩnh, pháp sư để báo
cho những đấng thần linh biết mục đích của buổi lễ.
Chặng đường đội quân nhà then đi phải trải qua mười một
"cửa ải," từ ải Thổ Công, Táo Quân đến Vua Ông, Pháp sư và cuối cùng
là tới vua Hoàng Đức Tướng.
Dẫn đầu đội quân nhà then là người thầy của bà then, người
này sẽ dùng những lời then cổ để dẫn đội then vượt qua từng "cửa ải".
Dụng cụ của các bà then là cây đàn tính, chiếc quạt, thẻ âm dương và sóc nhạc
tượng trưng cho một đàn ngựa đi hùng dũng.
Tới mỗi "cửa ải," sau khi xin được đi qua, các bà
then sẽ phất chiếc quạt và tiếp tục đi đến các chặng tiếp theo. Qua mỗi "cửa
ải" các lời then đều được thay đổi cho phù hợp với hành động của bà then,
chứa đựng những giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân
tộc Tày.
"Cửa ải" cuối cùng chính là "cửa ải" đặc
sắc nhất, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ở "cửa ải" này gia
chủ phải chuẩn bị đầy đủ lễ sống gồm gà và lợn để dâng lên vua Hoàng Đức Tướng.
Trong quá trình lễ sống, các bà then vẫn tiếp tục hát then
và làm các nghi lễ như giải hạn, nối số cho những người sức khỏe yếu. Sau phần
lễ sống, gia chủ chuẩn bị lễ chín gồm 5 con gà và 5 thủ lợn đã được luộc và nướng
để dâng lên vua Hoàng Đức Tướng.
Lúc này, bà then sẽ hóa thân mang dáng dấp một chú hổ để nhận
lễ. Các phần lộc sẽ được phân phát cho mọi người, ai nhận được càng nhiều lộc
thì càng may mắn. Đây cũng là lúc kết thúc nghi lễ đổ lẩu then của người Tày.
Điều đặc biệt trong nghi lễ lẩu then của người Tày là gia
chủ không mời khách nhưng khách tới rất đông, người tới để trả lễ, người tới để
chứng kiến nghi lễ cổ truyền.
Những người tới đều mang theo một túi gạo, túi bánh và một
giá xôi màu, vừa để góp lễ vừa để nhờ bà then giải hạn cho gia đình sang một
năm mới an lành. Những túi gạo được gia chủ đặt trên giá gọi là bạch hương.
Giữa buổi lễ, các bà then tiến hành nghi lễ giải hạn. Bà
then cầm cây mía có buộc vải đỏ ở ngọn tượng trưng cho cây tẩy uế xin bốn
phương. Sau đó, đứng dưới bạch hương, cây mía của bà then dừng lại ở túi gạo
nào thì túi gạo ấy có hạn và được đánh dấu để được giải hạn. Lễ giải hạn sẽ làm
lại vào sáng hôm sau để chắc chắn không có túi gạo nào và gia đình nào không được
giải hạn.
Nghi lễ lẩu then của người Tày vừa đặc sắc về hình thức lại
vừa chứa đựng nhiều giá trị cổ truyền. Nó duy trì một phong tục mang đậm bản sắc
văn hóa và là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc Tày.
Minh Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét