Then và vai trò của các thầy Then (Lý Hải Ninh)

Nhắc đến Then, người ta nghĩ ngay đến một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người Tày, người Nùng. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian có từ thời xa xưa. 

Hiện nay không thấy có tài liệu nào ghi chép thời gian ra đời của Then, chỉ biết Then đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống của người dân tộc Tày, dân tộc Nùng. Then là một nét đặc trưng văn hóa của người Tày, người Nùng, nên ở đâu có người Tày, người Nùng sinh sống thì ở đó có Then. Hiện nay, Then tập trung nhiều nhất ở khu vực miền núi phía Bắc của nước ta như các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang… Mỗi tỉnh, hát Then đều có những đặc trưng riêng do các yếu tố văn hóa, địa lý, lịch sử quyết định.

Hát Then là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian luôn có sức sống khá mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái… ngày ngày đi lên nương làm rẫy, đêm đêm lại quay quần bên bếp lửa cùng nhau hát ca lên những bài Then trầm ấm làm tha thiết lòng người. Hát then là loại hình văn hoá phi vật thể vừa mang tính động, hàm chứa tính nhân văn cao, vừa mang âm hưởng của loại hình văn hoá dân gian gắn liền với từng bản sắc của dân tộc Tày, Nùng.     
Hòa trong vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi điệp trùng là hình ảnh các chàng trai, cô gái Tày trong trang phục dân tộc áo chàm, tay cầm đàn tính, nô nức say mê xướng lên những câu hát then trong trẻo, vi vút cùng mây gió. Với người Tày, người Nùng then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai thần thánh.
Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Nếu then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Cạn thủ thỉ tâm tình; then Tuyên Quang dồn dập, mạnh mẽ như tiếng trống xuất quân thì then Lạng Sơn lại da diết, đằm thắm.
Then là loại hình nghệ thuật trong văn học dân gian. Vì vậy diễn xướng trong Then mang tính chất tổng hợp. Sức lôi cuốn của Then không chỉ dừng lại ở lời ca, tiếng tính tẩu mà còn cuốn hút bởi nghệ thuật biểu diễn vũ đạo của nghệ nhân, không gian, thời gian diễn xướng… khi tìm hiểu về hình thức diễn xướng phải đặt nó trong môi trường diễn xướng.
Diễn xướng là một hoạt động sân khấu, nhảy múa âm nhạc. Nói rộng ra nó còn là một hoạt động văn hóa của con người; là những hoạt động hết sức sống động. Nghiên cứu diễn xướng là nghiên cứu sự sống động của các hiện tượng văn hóa chứ không đơn thuần chỉ là ở một khía cạnh nào đó. Diễn xướng then là một loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp của nhiều hình thức diễn xướng. Là tổng thể bao gồm nhiều yếu tốc khác nhau như tín ngưỡng xã hội và văn hóa nghệ thuật, đàn hát để miêu tả các cửa sẽ qua (hát từng cửa) xóc nhạc để chỉ binh mã đang đi vào cửa, nhập đồng, nhảy múa, hóa vàng, dâng lễ. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu hát then Lạng Sơn ở góc độ Văn hóa Dân gian qua hoạt động diễn xuớng Then. Hoạt động này bao gồm các rất nhiều yếu tố cấu thành trong đó không thể không nhắc đến đầu tiên là những nghệ nhân hát then. Người thổi hồn vào Then của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.
Xuất phát từ quan niệm ốm đau, bệnh tật là do hồn lìa khỏi xác trong một thời gian hay do “phi” nhập vào xác đánh đuổi xúc phạm đến hồn. Từ đó tất yếu nảy sinh quan niệm là muốn khỏi bệnh thì phải làm cách nào để hồn về với xác hoặc phải đánh đuổi được hồn ma ra khỏi cơ thể. Nhưng con người không thể tự “gặp” trời để xin được mà phải có một loại người “đặc biệt” có khả năng kết nối cõi người với thế giới siêu nhiên, đó là “then”, “giàng” hay “pựt”; những người có tài năng, kinh nghiệm thực sự, giàu có về vốn sống thường là những người già. Vì có kinh nghiệm nên họ biết cách xử thế, biết phân định những bất lợi và thuận lợi do thiên nhiên, thời tiết gây ra đối với hoạt động lao động sản xuất của con người.
Then chủ yếu được diễn xướng do các bà then ông giàng người Tày, người Nùng và chủ yếu bằng tiếng Tày, Nùng. Nhưng trong số đó thì lời then bằng tiếng kinh cũng chiếm số lượng khá lớn và nhiều chỗ còn xen lẫn tiếng Hán Việt. Kể cả ngay khi nhiều nghệ nhân không biết tiếng kinh thì họ vẫn hát những lời hát tiếng Kinh ấy trong khi diễn xướng Then.
“Trong hoạt động diễn xướng của Then trước đây, những người được gọi là “then” hay “giàng”, “pựt” thực chất “họ là những “lão nông tri điền” hoặc những lang y có kinh nghiệm. Dần dần những người này đã tự túm tóc mình để nhấc mình lên khỏi mặt đất. Lợi dụng sự thấp kém về kinh tế, lạc hậu về khoa học của quần chúng mà những người này đã tự thêu dệt quanh mình những tấm áo khoác huyền bí. Họ tự chắp cho mình những đôi cánh bằng hương khói mờ ảo để bay vào cõi hư vô, giao du với thần thánh.
Với nghĩa như trên thì “then”, “giàng”, “pựt” của người Tày, Nùng giống như thầy mo của người Mường, hay thầy cúng, cô đồng bà cốt của người Kinh. Họ là những người được nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách linh thiêng là nối kết người trần với trời. Để cho uy tín và “khả năng” siêu phàm của mình được tăng cao, các “then” còn đặt ra lệ cấp sắc hay còn gọi là lẩu then. Số tua ở sau mũ là “chứng chỉ” khẳng định khả năng giao tiếp với thần linh của mỗi then. Nếu dải tua mũ càng nhiều càng chứng tỏ khả năng xuất chúng của then càng lớn và vì thế mà bà then có nhiều dải càng được con hương tôn kính và trọng vọng hơn rất nhiều.
Thông qua các thầy Then có khả năng “đi lại dễ dàng từ cõi này sang cõi khác” mà cõi trời được cụ thể hóa như một hình ảnh lý tưởng của cõi nhân gian, hay nói cách khác Then đã nhân hóa cõi trời để làm cho cõi trời gần gũi với cõi người hơn. Ngoài ra những thầy then còn cụ thể hóa quan niệm linh hồn trong tín ngưỡi dân gian bản địa của người Tày, Nùng. Từ niềm tin dân gian quả trứng và chim én đã trở thành công cụ và biểu tượng nghề nghiệp của Then. Tất cả các vị thần trong quan niệm dân gian khi vào trong Then đều được hình tượng hóa như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có dáng vẻ riêng. Nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của “pựt” như Thổ công, Táo công. Khi nhập đồng, những thầy Then sẽ trở thành những nhân vật “nhà trời” đang hạ giới để giáo huấn, dạy bảo cho con nhang nghe và làm theo.
Những người làm nghề Then cũng có sự nối nghiệp truyền từ đời này sang đời khác. Đối với họ, làm nghề Then trước hết là vì trách nhiệm với tổ tiên dòng họ và là vì sự bình an của bản thân gia đình. Vì thế mà đôi khi đối với một số người thì việc tham gia vào thế giới thầy cúng là một việc làm bất đắc dĩ không thể nào khác được. Chính vì thế mà lễ cấp sắc họ đặt ra còn có nghĩa nữa như là một thông điệp để con cháu báo cáo với tổ tiên rằng họ đã làm tròn đạo hiếu nối nghiệp tổ tiên. Một gia đình Then có đầy đủ thầy cha (thầy Phù thủy hoặc thầy Tào), thầy mẹ (Then hoặc Pựt) và cũng có các thứ bậc anh chị em, bác bá theo những quy định nhất định. 
Trong cuộc sống thường ngày, Then là một thành viên của cộng đồng làng bản; nhưng Then là một thành viên đặc biệt. Then không chỉ có vai trò của người  bảo trợ tinh thần thông thường như Mo, Tào mà Then còn là một nghệ sĩ dân gian thực thụ. Họ biết đàn, biết hát và múa những điệu múa, bài ca nghi lễ của dân tộc. Tuy nhiên thông thường khi được hỏi các thầy Then thường nói rằng “họ chỉ có thể đàn hát xóc nhạc khi đã xin được phép của thần linh. Khi mặc áo đội mũ trước khói hương nghi ngút họ có thể đàn hát điêu luyện thành thạo khúc hát then rất dài, nhưng nếu ra khỏi cuộc then ấy họ không thể nhớ được lời then. Tức là khi làm then họ đã tách mình ra khỏi thế giới đời thường nhập vào thế giới huyền bí.
Đa số người Tày, người Nùng thích xem then, nghe then, yêu then và say mê then, nhưng không phải ai muốn làm nghề then là làm được. Qua tìm hiểu thực tế, khảo sát thực địa tại các làng bản của 02 huyện Chi Lăng, Cao lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có thể phân chia những người làm nghề Then theo 03 hình thức:Then nối dõi; Then nhập; Then sống, cụ thể như sau: Đầu tiên là loại then nối dõi tức là dòng dõi đã có người làm then, nay người đó đã qua đời phải có người nối dõi nếu không thì người trong gia đình hay gặp hoạn nạn, bệnh tật. Trong nhà, ngoài bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, còn có bàn thờ then đặt ở gian bên cạnh. Bàn thờ của then gọi là “bàn giả giàng”. Trước hết người nối dõi phải học then với một ông sư phụ hoặc một bà sư mẫu nào đó. Đến khi có thể làm được thì chuẩn bị làm một đại lễ cấp sắc để được hành nghề. Ở loại thứ hai tiếng Tày gọi là “vứt théc” tức không phải theo dòng dõi làm then mà là do một hoàn cảnh đặc biệt họ phải làm mà người kinh hay gọi là bị ma làm. Họ cười hát suốt ngày, nhảy xuống sông suối ngâm nước hoặc chạy vào rừng trèo lên cây cao vách núi đá mà người bình thường khó lòng làm được. Có khi họ bỏ nhà đi vài ba ngày rồi đến tìm ông hoặc bà then nào đó để xin làm then và khấn chuẩn bị lễ vật làm lễ cấp sắc. Loại này không nhiều lắm.
Loại thứ ba là những người yêu thích hát then, họ hay theo then giúp then trong các đám làm then, họ biết làm then như những người làm then chuyên nghiệp nhưng họ không thờ ma then, cũng không ai mời họ đi làm then bao giờ. Trong các buổi làm then họ có thể thay ông hay bà then làm từng đoạn, từng việc, loại này cũng không nhiều. 
Người ta tin rằng then giữ vai trò trung gian giữa thế giới thần linh với thế giới con người. Then có thể giao tiếp với thế giới thần linh, truyền nguyện vọng của con người tới thần linh và thông qua then, thần linh sẽ giúp con người thực hiện những nguyện vọng đó. Then còn được coi là “thầy thuốc chữa bệnh” là những “nghệ sĩ dân gian” của bản làng. Với tư cách là “thầy thuốc chữa bệnh” Then đem đến cho người bệnh liều thuốc tinh thần bổ ích. Then thực hiện những hành động tín ngưỡng cụ thể để giải tỏa về mặt tâm lý nào đó của người bệnh. Còn với tư cách là “nghệ sĩ dân gian” then thực sự là một nghệ sĩ đa tài được nhiều người hâm mộ và yêu thích. Then không những là người giỏi văn thơ, biết đàn, biết hát mà còn biết múa những điệu múa dân vũ của dân tộc. Trong các buổi làm lễ then với không khí linh thiêng, huyền ảo “người nghệ sĩ” ấy cuốn hút người nghe, người xem bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Người làm then vừa là một ca sĩ, một nhạc công, vừa đánh đàn vừa hát, đôi khi kiêm xóc nhạc, đồng thời cũng lại là một vũ công tài giỏi biểu diễn các điệu múa trước đám đông hâm mộ.
Phải xem và nghe then mới thấy nể, thấy phục những người hát then làm lễ. Giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, người được gọi là ông then, bà then miệng vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân đi nhạc ngựa lúc khoan lúc nhặt, kết hợp cùng động tác phất quạt, tung gạo, múa chầu… người Tày, người Nùng ở Lạng Sơn cho rằng những ông then, bà then chính là sứ giả của thần thánh, là người giúp họ gửi vía cầu thần, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của gia chủ tới thần linh.
Bà then có mặt trong mọi nghi lễ của người Tày, Nùng từ lễ cúng mụ sinh, lễ mừng thọ, dựng nhà, lấy vợ, gả chồng và cả khi chết…Vì vậy, bà then luôn được người Tày, Nùng tôn trọng.

Người làm then được chia ra nhiều bậc khác nhau, bà then có uy tín phải là người có đủ 15 cầu then hay đã trải qua 15 bậc then. Các bậc then được chia theo số lẻ 5,7,9,13,15, mỗi lần làm lễ nâng bậc then được gọi là lễ lẩu then. Vì thế, những thầy then, đặc biệt là những thầy đã đạt đủ 15 dải tua-thang bậc cao nhất của những người biết hát then- làm lễ luôn được dân làng tin tưởng, kính trọng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét