Biểu diễn cồng chiêng, nét đẹp văn
hóa của người Mường
Ninh Bình có hai dân tộc anh em cùng
sinh sống, cư ngụ, đó là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Người Mường sống ở vùng
đồi núi phía bắc tỉnh với dân số ước khoảng hơn 20 nghìn người, tập trung ở các
xã miền núi huyện Nho Quan. Các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long tập trung nhiều
người Mường sinh sống nhất. Ngoài ra người Mường còn sống rải rác xen kẽ với
người Kinh ở các xã Thạch Bình, Xích Thổ, Văn Phương, Yên Quang, Quảng Lạc.
Người Mường sống định cư, hòa nhập với người Kinh, cùng
chung lòng gắng sức xây dựng Ninh Bình phồn vinh, thịnh vượng. Với số dân không
nhiều, địa bàn cư trú không rộng, nhưng người Mường ở Ninh Bình vẫn bảo tồn được
những nét văn hoá đặc sắc và độc đáo của dân tộc có số dân đông thứ hai, sau
người Kinh ở Việt Nam.
Mỗi mùa xuân đến, mùa của rộn ràng lễ hội, lên với vùng cao
của người Mường, ta bắt gặp tiếng rộn ràng thôi thúc của lễ hội cồng chiêng. Nếu
người Việt cổ chỉ có trống đồng là linh vật, thì người Mường có cả trống đồng
và những dàn cồng chiêng rộn ràng âm sắc. Nhịp sống của người Mường theo hiệu lệnh
của âm sắc cồng chiêng. Hơn thế nữa, cồng chiêng còn có vị trí không thể thiếu
trong kho tàng nghệ thuật dân gian và trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân
tộc Mường. Nếu trống đồng thuộc quyền sở hữu của tầng lớp trên (quan lang, tù
trưởng), thì cồng chiêng là những vật không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng,
trong các dịp lễ hội văn hóa dân gian. Một minh chứng là: Trống đồng thường được
phát hiện cùng với các ngôi mộ cổ của các dòng họ lang Mường với tư cách là đồ
tùy táng, còn cồng chiêng là vật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong tất cả những sinh hoạt văn hóa-xã hội như hát Sắc
Bùa, lễ cưới, đi săn, kéo gỗ, dựng nhà, tang lễ, tết cơm mới, khi bản làng gặp
thú dữ… bản Mường đều rộn rã tiếng cồng chiêng đầy quyền uy và sự thúc giục. Hội
mùa xuân có sức hút kỳ lạ đối với tất cả cộng đồng người Mường. Bản Mường thường
tổ chức thành những phường cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình gọi là Sắc Bùa.
Mỗi phường thường có 15 đến 30 người mang cồng chiêng cùng với các tặng phẩm
như gạo tẻ, gạo nếp, bánh trái, trầu cau… đi chúc phúc cho từng nhà. Khi bắt đầu
đi, phường tấu bài “Đi đường”, đến nhà nào thì tấu bài “Chúc phúc”. Với lễ
cưới, khi đón dâu thì dùng loại Tlé làm chiêng Dóng, khi vào cuộc Rằng Thường (Hát
giao lưu giữa hai họ) thì dùng loại chiêng Dàm với âm sắc dịu dàng, trầm bổng.
Cồng chiêng giúp điểm nhịp, cổ vũ các giọng hát khi giao lưu tạo nên không khí
vui nhộn, phấn khích. Trong việc tang lễ: Khi gia đình có người qua đời, họ đổ
liền ba hồi chiêng để báo hiệu, bản Mường náo động hẳn lên, nhận được tín hiệu
chẳng lành, mọi người kéo đến gia chủ có chuyện bất an để chuẩn bị tang lễ. Đêm
cử hành tang lễ, chiêng mo liên tục hòa nhịp với diễn xướng “Đẻ đất”, “Đẻ nước”,
“Mo cuổi lìa” (Từ biệt người quá cố). Dàn cồng chiêng còn đưa người chết
ra tận nghĩa địa rồi tấu bài “Giã biệt” cho tới khi hạ huyệt. Khi có thú dữ kéo
đến phá bản làng hoặc khi đi săn trong rừng, người Mường thường sử dụng những
chiếc cồng chiêng có kích thước nhỏ nhất trong dàn.
Cồng chiêng gắn liền với đời sống, tâm linh và tình cảm của
người Mường, được coi như vật thiêng, là báu vật, tượng trưng cho cả vật chất
và tinh thần dân tộc Mường. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các cơ quan chức
năng đã sưu tầm được 40 điệu cồng chiêng mà người Mường thường dùng.
Người Mường ở Ninh Bình nói riêng, ở trên địa bàn cả nước
nói chung có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng vì đây chính là kho
tàng dân ca của người Việt cổ. Các thể loại thơ dài, truyện cổ, dân ca, ví,
đúm, tục ngữ, hát ru, hát đồng dao, hát đập hoa, hát đố, bọ mẹng ... đặc biệt, ở
người Mường phải kể đến lễ ca. Ðó là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc và
hát trong đám tang. Trong các làn điệu dân ca Mường phổ biến và nổi bật là hát
Sắc bùa, Hát đúm, hát Rằng thường...
Hát Sắc bùa (có
nơi gọi Xác pùa hay Khoá rác) là một thể loại ca hát kết hợp diễn xướng dân
gian của người Mường diễn ra vào dịp đầu xuân. Cũng có thể coi hát Sắc bùa là một
lối hát “Chúc tết”. Nhũng bài hát Sắc bùa mang nội dung chúc
tụng, khích lệ để đáp ứng niềm ước mong vươn tới một đời sống ấm no, hạnh phúc,
bình an khi năm cũ đã qua, năm mới bắt đầu. Phường hát Sắc bùa tập hợp lại vào
dịp cuối năm, người đứng đầu gọi là Trùm phường. Trùm phường là một ông già có
uy tín trong bản, lại là người yêu thích và có khả năng văn nghệ. Mỗi trùm phường
có khoảng trên dưới chục người tình nguyện tham gia: người chuyên đánh cồng,
chiêng, người còn lại chuyên hát. Mỗi bài hát thường chỉ có sẵn một câu nào đó,
phần chủ yếu là do người hát ứng khẩu, sao cho câu chúc ngày xuân phù hợp với
hoàn cảnh của từng gia đình được chúc.
Mở đầu buổi hát Sắc bùa, phường Sắc bùa sẽ tập chung ở đầu
bản, đánh cồng, đánh chiêng nhộn nhịp hồi lâu. Và sau đó, phường lần lượt đi
vào các nhà trong bản. Qua ngõ, vào sân nhà, khi tiếng cồng vừa dứt, người hát
bắt đầu bài “Mở cửa”. Bài hát kết thúc, chủ nhà ra mở cửa chào đón và mời phường
Sắc bùa vào để tiếp tục các bài hát trong nhà.
Đồng bào Mường rất yêu thích các bài hát Sắc bùa có âm điệu
trầm bổng, du dương...mang nội dung động viên, khích lệ, thể hiện khát vọng về
một đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Bởi vậy, phường sắc bùa luôn
luôn được đồng bào Mường chờ đợi, đón tiếp nồng hậu, chân tình!
Hát Rằng thường (có
nơi gọi Xường Rang) là loại dân ca ca ngợi lao động và các nét đẹp phong tục
dân tộc Mường. Mặc dù người Mường ở Ninh Bình rất thạo nói tiếng Kinh, nhưng Rằng
thường chỉ được thể hiện bằng tiếng Mường. Hát Rằng thường có thể coi là lối
hát làm quen và giao duyên, diễn ra trong và xung quanh nhà của người Mường,
thường diễn ra vào buổi tối. Thường thì bên nam tụ hội thành từng nhóm, phường
rồi đến nhà bên nữ. Sau một số nghi thức như: chào hỏi, tự giới thiệu, cuộc hát
Rằng thường bắt đầu.
Rằng thường có nguồn gốc từ xa xưa, được hình thành trong đời
sống sinh hoạt, giao tiếp, trong lao động và lưu truyền từ đời này qua đời khác
một cách phổ biến trong dân gian.
Hát đúm diễn
ra vào mùa xuân, khi hoa mơ, hoa mận, hoa đào nơi các bản Mường đang độ khoe sắc.
Hát đúm là hát dân ca giao duyên (tựa như Quan họ giao duyên của người Kinh bắc,
hát si, lượn của đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Tày, Nùng..., hò ví dặm Nghệ
Tĩnh). Hát đúm có thể suy nguyên là “tụ tập nhau lại để hát”, thể hiện theo
cách thức đối đáp nam nữ.
Ngoài ra, sinh hoạt văn hóa dân gian của người Mường Ninh
Bình còn thể hiện đậm nét qua các trò chơi dân gian trong ngày Tết, Lễ hội như:
Dón còn (ném còn), đánh cồng chiêng, thổi kèn lá, thi bắn nỏ, đánh đu, uống rượu
cần hoặc các trò chơi của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được tổ chức linh hoạt ở
mọi nơi, mọi lúc với những điều kiện chơi đơn giản, tiện lợi như trò đánh cá cắt,
trò cò le, trò đánh chó, trò đánh mảng, trò chằm chăn...
Mộc mạc và giản dị nhưng văn hóa đặc sắc của người Mường được
lưu truyền qua bao thế hệ, có một sức sống mạnh mẽ, lâu bền và mang bản sắc độc
đáo, khác biệt. Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đa dạng
hoá của các loại hình văn hoá, tốc độ đô thị hoá cùng với sự tác động của kinh
tế thị trường, người Mường ở Ninh Bình có sự “đổi mới” về cách thức sinh hoạt,
thói quen sinh sống, trang phục, đồ dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, với sống sống từ
bao đời truyền lại, nét văn hoá độc đáo của người Mường luôn được các tộc người
Mường quan tâm lưu truyền, bảo tồn và phát huy./.
Băng Châu (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét