Đồng bào dân tộc Pu Péo sinh sống trên
vùng Cao nguyên đá Hà Giang vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán mang bản
sắc của dân tộc mình. Trong đó độc đáo nhất là bộ trang phục truyền thống.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
So với một số dân tộc khác ở khu vực miền núi phía Bắc,
trang phục dân tộc của người Pu Péo khá đơn giản nhưng không kém phần độc đáo
và cầu kỳ. Đàn ông Pu Péo thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm, trong khi đó,
phụ nữ lại mặc hai áo, áo ngoài chẻ ngực không có khuy. Chiếc áo trong cài khuy
bên nách phải. Người Pu Péo không thêu trên trang phục mà trang trí các các dải
hoa văn ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng. Nổi bật nhất là trang trí
viền quanh hai tà áo, ống tay áo, trên tấm choàng hình quả trám phủ trước váy,
quanh gấu váy và trên khăn đội đầu. Các hình tam giác, quả trám, hình chữ nhật
là những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các họa tiết hình
mào gà, mặt trời thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng của dân tộc mình. Bà
Tráng Thị Mai, người dân tộc Pu Péo, cho biết: "Trang phục của dân tộc Pu
Péo nhìn đơn giản những làm rất cầu kỳ. Khó nhất là làm riềm váy. Cái váy và yếm
thì đơn giản hơn. Bộ trang phục của đàn ông trước đây mặc áo dài, bằng lụa
nhưng bay giờ thì mặc theo các dân tộc khác là quần đen, áo tà pủ. Đầu quấn
khăn. Màu sắc chủ yếu là màu đen, đính vào hoa văn màu đỏ xanh, tím vàng".
Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm,
trang trí trên y phục chủ yếu là các miếng vải màu ghép lại với nhau. Phụ nữ Pu
Péo vấn tóc và được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài quấn khăn vuông kẻ ô hoặc
trang trí hoa văn. Ngoài ra, phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu
xòe rộng, được trang trí bằng các miếng vải nhiều màu sắc cắt hình tam giác,
hình quả trám, hình vuông được chắp ghép tỉ mỉ. Bà Củng Thị Xuân, xóm Phố mới,
Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Bộ trang phục
phổ biến của người Pu Péo thường có hai cái váy, một cái áo, hai cái yếm xanh,
lược chải đầu và hai cái khăn vuông. Ngoài váy, trang phục phụ nữ Pu Péo còn có
hai cái yếm, một cái yếm đỏ, một yếm xanh ở phía trước. Váy thì màu đen, riềm
váy thì khâu bằng những miếng vải nhỏ. Một số hoa văn nhỏ thì người Pu péo có
thể thêu, khâu vào chứ ko dệt như các dân tộc khác".
Màu chủ đạo của trang phục và hoa văn của đồng bào Pu Péo
là màu đỏ, xanh. Theo quan niệm của đồng bào, màu đỏ tượng trưng cho đàn ông,
tượng trưng cho sự tôn trọng của người phụ nữ Pu Péo dành cho người trụ cột
trong gia đình. Mỗi khi may trang phục, màu đỏ luôn được ưu tiên khâu trước,
trong khi màu xanh tượng trưng cho người phụ nữ trong gia đình. Những những họa
tiết trang trí trên trang phục thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và sự tinh
tế của những người phụ nữ Pu Péo. Chị Lục Thị Huệ, xóm Phố mới, Thị trấn Phó Bảng,
huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Khó nhất là khi may của người Pu
Péo đó là khâu phần riềm váy và hoa văn ở cánh tay vì là phần riềm váy rất cầu
kỳ bởi hoàn toàn do tay mình tự khâu và tự thêu lên. Những họa tiết rất nhỏ nên
khó may và mất rất nhiều thời gian".
Những năm gần đây, phụ nữ Pu Péo còn sử dụng những mảnh vải
mầu in hoa công nghiệp hiện đại để cắt, ghép hình trang trí trên trang phục. Những
màu sắc đó không chỉ tăng thêm nét tinh tế, đặc sắc trong các họa tiết trang
trí và còn giúp trang phục của đồng bào Pu Péo.
Hiện nay, những người lớn tuổi của dân tộc Pu Péo thường mặc
quần áo đen như nam giới như các dân tộc khác ở trong vùng. Tuy nhiên, các đặc
trưng văn hoá của dân tộc Pu Péo cơ bản vẫn được lưu giữ ở trang phục nữ. Trang
sức của người Pu Péo chủ yếu là bằng bạc, thường được đi chung với những bộ
trang phục mang những nét hoa văn đặc sắc riêng của dân tộc mình. Phụ nữ Pu Péo
thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại cùng đồ trang sức như
vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn bằng bạc. Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn
tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn màu tím. Thiếu phụ thì búi tóc trước
trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên. Cách vấn tóc thành búi ở trán và cài
bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa của người Pu Péo.
Hoàng Văn Báo (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét