Dân tộc Ba Na là tộc người có dân số đông trong cộng đồng
các dân tộc sinh sống ở cao nguyên miền Trung Việt nam. Người Ba Na cũng
là chủ nhân của những sắc màu văn hoá độc đáo, đặc trưng cho cư dân của
vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Ngườì Ba Na còn có các tên gọi khác như : Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe,
Ala Kông, Kpang Kông. Tiếng nói của người Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me
(ngữ hệ Nam Á). Với dân số hơn 227.000 ( theo tổng điều tra dân số năm 2009)
người Ba Na phân chia theo nhóm địa phương như: Rơ Ngao, Rơ Lơng , Tơ Lô,
Gơ Lar Krem… Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai,
Kon Tum và miền Tây các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hoà. Người Ba Na canh
tác lúa trên ruộng khô và rẫy . Từ đầu thế kỷ XX, người Ba Na đã làm ruộng nước
và phương thức canh tác này hiện nay phát triển ở nhiều nơi. Người Ba Na có nhiều
ngành nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn…Người Ba Na sống gần gũi với thiên
nhiên núi rừng do vậy các bản làng của người Ba Na thường quần tự ở những
nơi gần nơi sông, suối. Trong đời sống cộng đồng xã hội của người Ba Na,
chế độ mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn
nhân. Ở mỗi làng Ba Na thường có một nhà công cộng là nhà Rông to, đẹp ở giữa làng. Nhà rông là trụ sở của làng,
nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi trai chưa vợ ngủ
đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp
khách lạ vào làng.
Nhà ở của người Ba Na thuộc loại hình nhà sàn. Trước đây, trong mỗi ngôi nhà thường có nhiều thế hệ sinh
sống, nên ở vùng người Ba Na sinh sống thường có những căn nhà dài hàng trăm
mét, tuy nhiên hiện nay, mô hình các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn gọn
gàng xuất hiện ngày càng nhiều. Là tộc người sống chất phác, cần cù , khéo léo
và có đời sống tinh thần phong phú, người Ba Na có nền văn hoá dân gian đặc sắc,
trong đó âm nhạc cồng chiêng gắn liền với những sinh hoạt lễ hội truyền thống.
Đối với người Ba Na, cồng chiềng không chỉ là biểu tượng linh thiêng trong thờ
cúng mà còn là tài sản có giá trị trong đời sống vật chất. Âm vang của cồng
chiêng là thứ không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào. Ông Đinh Srưm, dân
tộc Ba Na sinh sống ở tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Bản làng của người Ba Na
có truyền thống đánh cồng chiêng lâu đời. Khi mà đến mùa ăn tết hay liên hoan,
lễ hội thì phải có cồng chiêng đánh lên để thêm hào hứng. Bà con nghe tiếng
chiêng cồng thì mừng. Tiếng cồng chiêng làm cho lòng người thêm phấn khởi.
Dân tộc Ba Na có nền âm nhạc rất phong phú. Nhạc cụ của Ba Na cũng
rất đa dạng gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Múa dân gian Ba Na trong đó có múa
phục vụ nghi lễ và biểu diễn ở hội hè được nhiều người ưa chuộng. Trường ca,
Truyện cổ của dân tộc Ba Na cũng là những tác phẩm dân gian cổ truyền độc đáo,
có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Đối với đồng bào Ba Na,
nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá độc đáo có từ rất lâu đời. Nghệ thuật trang
trí của người Ba Na rất phong phú và độc đáo, thể hiện trên các loại hoa văn,
hoạ tiết sống động trên trang phục, đồ đan. Hoạ tiết thổ cẩm được sử dụng
nhiều ở áo, váy, chăn, đồ đan. Người Ba Na thường sử dụng các màu: đen, đỏ, trắng,
tạo ấn tượng mạnh mẽ. Hoạ tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, lý âm
dương, trời đất và lấy thiên nhiên làm hình mẫu, nên thổ cẩm của người Ba Na
không khác cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Người phụ nữ Ba Na đều có rất thạo nghề dệt
thổ cẩm truyền thống. Bà La Lan Thị Minh, nghệ nhân dệt thổ cẩm người Ba Na cho
biết: Hồi tôi 14-15 tuổi là đã dệt đủ thứ rồi. Truyền thống là mình
không có bỏ . Hồi xưa bà cố làm, người già bây giờ làm lại rồi mở lớp học mỗi đợt
cho 2,3 chục em. Bây giờ chúng nó làm nó đẹt đẹp lắm, lại phát triển nghề dệt nữa
Người Ba Na có nhiều lễ hội như; Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ đâm trâu, lễ
bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa. Những lễ hội không chỉ là dịp để đồng bào tạ ơn trời
đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp vui chơi,đánh cồng chiêng, uống rượu cần...và
cũng là dịp để người Ba Na thể hiện tài năng chế biến những món ăn vô cùng độc
đáo. Được thưởng thức những món ngon của người Ba Na bên bếp lửa đỏ rực, bên những
ché rượu cần thơm lựng nghe những người già kể về nguồn gốc của từng món ăn sẽ
là những trải nghiệm thú vị đối với mỗi người./.
Hồng Hạnh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét