Cứ vào mỗi dịp cuối năm, đồng bào người Ba Na (Tây
Nguyên) lại tất bật công tác chuẩn bị dựng cây nêu (gâng) chào đón năm mới. Bởi
theo quan niệm của người Ba Na, cây nêu như một chiếc cầu, kết nối bầu trời và
mặt đất.-
Họ tin rằng, vào những ngày đầu năm mới khi trời đất “hợp
nhất” là thời khắc thiêng liêng cầu được ước thấy. Chính vì vậy, vào thời điểm
cây nêu giương cao, cả làng sẽ nắm tay nhau quây thành vòng tròn, thành tâm ước
nguyện Yàng sẽ che chở, ban mưa thuận gió hòa một năm may mắn, gặt hái nhiều
thành quả.
Cây nêu gắn kết đất trời
Mảnh đất Kon Tum đầy nắng và gió luôn ẩn chứa trong mình
nhiều nét nguyên sơ, trầm mặc của văn hóa tâm linh. Thật may mắn khi chúng tôi
có dịp ghé thăm mảnh đất vào khoảnh khắc liêng thiêng chuyển giao năm cũ sang
năm mới.
Thời gian này, mọi người đang tất bật chạy
chợ mua sắm chuẩn bị chào đón năm mới. Thế nhưng, với đồng bào Ba Na (làng Kon
Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) họ chào đón năm mới theo cách riêng biệt.
Tết của người Ba Na không cầu kỳ, không bánh chưng, câu đối
đỏ... Nhưng, với họ, cây nêu “hiện thân” của làng không thể nào thiếu, mỗi khi
Tết đến xuân về. Theo quan niệm của người Ba Na, cây nêu là chiếc cầu nối kết
dính bầu trời với mặt đất.
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp cuối năm, người Ba Na bận
rộn bắt tay chuẩn bị dựng nêu chào đón năm mới. Trò chuyện với chúng tôi, già A
Hưng (làng Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang) chia sẻ:
“Từ thuở khai thiên lập địa, đối với đồng bào người
Ba Na, hình ảnh cây nêu, ghè rượu, cồng chiêng, là những thứ không thể thiếu
trong những dịp lễ, Tết. Trải qua bao thế hệ, in sâu trong tiềm thức của người
Ba Na, cây nêu được ví như biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có trường tồn.
Ngoài ra, trong tín ngưỡng của người Ba Na cây nêu còn có ý nghĩa tâm linh –
nơi giúp người làng tiến gần hơn với thế giới của các vị thần. Vì vậy, vào dịp
lễ hội, làng nào dựng được cây nêu càng cao, càng đẹp chứng tỏ cuộc sống càng
sung túc, phồn vinh, đồng thời dễ dàng chuyển tải ước vọng con người đến với
Yàng, các vị thần”.
Là một trong số ít cao niên trong làng có tay nghề cao
cho ra đời những cây nêu đặc sắc, già A Hưng cho biết: “Để hoàn thành được cây
nêu trưng bày vào đúng dịp Tết, người làng phải mất nhiều thời gian, công phu
trong công tác chuẩn bị trước đó cả tháng trời.
Những thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ vào tận rừng
sâu tìm lồ ô, tre, nứa thân to, dài. Sau khi nguyên liệu được tập kết về làng,
các bô lão trong làng tỉ mỉ kết nối từng bộ phận cho phù hợp. Sau khi các công
đoạn lắp rắp đã hoàn tất, cả làng chung tay dựng nêu”.
Già A Hưng cho biết thêm: “Công việc dựng nêu bắt buộc phải
thực hiện vào buổi sáng. Bởi theo quan niệm của người Ba Na, họ luôn đặt tín
ngưỡng thờ thần Mặt Trời với mong ước về vụ mùa tốt tươi.
Một điều kiêng kỵ nữa, đó là sau khi cây nêu đã dựng lên,
thì phụ nữ mang bầu sẽ không được đến gần. Nếu làng nào có người vi phạm, Yàng
sẽ nổi giận bắt phạt, tai ương sẽ đổ xuống làng đó”.
Biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu
Cây nêu của đồng bào Ba Na thường cao khoảng 20m và được
trang trí các hoa văn, thể hiện sự mong ước của bà con buôn làng. Phần gốc nêu
có 12 cây xôl (cao khoảng 4m làm bằng cây tre), nhằm mục đích giữ cho cây nêu
được chắc chắn khi cột trâu, lấy vỏ cây buộc cây nêu với cây xôl tạo ra sự gắn
kết, chắc chắn.
Ở giữa cây nêu là những cây móc (rờ vin) làm bằng cây le,
tỏa ra các hướng, với hy vọng cầu mong sức khỏe, an lành. Với cộng đồng Ba Na,
ngoài ngày lễ, Tết, cây nêu không thể thiếu trong các lễ hội lớn như:
Lễ đâm trâu, mừng chiến thắng, mừng nhà mới, cúng mừng
người ốm vừa khỏi bệnh... Người nào hiểu được phong tục Ba Na, thì chỉ cần nhìn
vào cây nêu sẽ biết được buôn làng đang chuẩn bị lễ hội gì.
Chẳng hạn như ở lễ hội đâm trâu, cây nêu thường được làm
12 móc (giết bò làm 8 móc và giết dê thì làm 4 móc). Trên đầu mỗi cây móc được
trang trí các dây tua làm bằng tre hoặc dây rừng và đầu các tua được nhuốm màu:
Đỏ, đen, trắng, vàng là màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc của cộng đồng
Ba Na.
Thân cây nêu còn được trang trí các tua bằng tre, rủ xuống
che kín thân cây nêu và tạo thành hình lọng che. Các nghệ nhân Ba Na bằng bàn
tay khéo léo đã đẽo, gọt, vẽ, tô màu tạo nên hình tượng đa dạng mang nhiều nét
của đại ngàn và thể hiện niềm tin tâm linh.
Cũng theo già A Hưng, trên ngọn cây nêu các nghệ nhân
trang trí những bông hoa (pai) làm từ nõn cây nứa. Những chiếc diều (Klang pa),
với họa tiết hình tam giác cân, để những lúc gió thổi nó sẽ quay và phát sáng để
báo hiệu sự có mặt của Yàng và thần linh.
Còn hình con cá (Ktica) chuyển tải ước mong của bà con về
cuộc sống no đủ. Theo quan niệm của người Ba Na, việc dựng cây nêu cao lớn giữa
làng cũng là lời khẳng định địa vị và khu vực cư trú đông đảo của họ. Lúc cây
nêu được dựng lên, tất cả những hoạt động của cả buôn làng đều phải dừng lại để
chuẩn bị cho tế lễ.
Khi con trâu đã cột vào cây nêu, tất cả bà con có mặt tại
nhà rông để hòa nhập vào lễ tế linh thiêng. Họ cùng nhau đánh chiêng, nhảy múa
theo vòng tròn quanh cây nêu, để thể hiện tinh thần đoàn kết, niềm vui ngày hội
của làng.
Những ai từng có dịp đến với Tây Nguyên được tham dự ngày
hội đâm trâu, được trải nghiệm cảm giác lắc lư, thả mình theo nhịp cồng chiêng
mới thấm thía được nét văn hóa đặc sắc, lôi cuốn của những con người bình dị
nơi đại ngàn. Với người Ba Na, cây nêu giữ vai trò tâm linh quan trọng, là biểu
tượng, nét đẹp của sự trường tồn vĩnh cửu, mãi in sâu trong ký ức của mỗi người
con Ba Na vùng cao Tây Nguyên.
Mai Thị Hằng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét