Văn hóa dân tộc Tày ở Cao Bằng (Huỳnh Tâm)

Dân tộc Tày là một cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có số dân khoảng 1.500.000 người, đông nhất trong các dân tộc thiểu số nước ta. Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ và bao gồm cả các nhóm: Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Bắc Giang v.v... 
Dân tộc  Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai... và rau quả mùa nào thức đó. Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy. Gia đình người Tày thường quí con trai hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà. Vợ chồng yêu thương nhau, ít ly hôn. Đã từ lâu không còn tục ở rể. Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tôn giáo hàng đầu của người Tày. Nơi thở tổ tiên chiếm vị trí trung tâm, tôn nghiêm nhất trong nhà. Chiếc giường trước bàn thờ để không, khách lạ không được ngồi, nằm lên đó. Ngoài ra, có những điều kiêng kị như không đặt chân lên khúc củi đang cháy trong bếp lửa hay đặt chân lên thành bếp. Những người đi đám ma về chưa tắm rửa sạch sẽ không được nhìn vào gia súc, gia cầm. Người mới sinh con không được đến chỗ thờ tổ tiên.
 Người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại, thơ, ca, múa nhạc, có cả múa rối. Tục ngữ, ca dao chiếm một khối lượng đáng kể. Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con.

Người Tày mến khách, cởi mở, họ rất trọng người cùng tuổi, khi đã kết nghĩa bạn bè thì coi nhau nhanh em ruột thịt, bà con thân thích của mình. Nhà ở của người tày Cao Bằng Những nhà truyền thống thường là nhà sàn, nhà đất mái lợp cỏ gianh và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Phổ biến là loại nhà đất 3 gian, 2 mái (không có chái), tường trình đất hoặc thưng phên nứa, gỗ xung quanh, mái lợp cỏ tranh, ngói âm dương hoặc tấm Prôximăng. Bố trí mặt bằng sinh hoạt được quy định thống nhất qua từng vị trí trong ngôi nhà. Người Tày sống định cư, quây quần thành từng bản chừng 15 đến 20 hộ, có quan hệ gần gũi với người Nùng và với người Choang (Trung Quốc) Văn hóa ẩm thực của người Tày Cao Bằng có thể kể đến hàng chục loại rau rừng thường xuyên được dùng trong các bữa ăn của người Tày: rau dạ hiến hay còn gọi là rau bò khai, rêu đá, rau chuối rừng, hoa ban…Trong số đó có rất nhiều loại du khách không thể bỏ qua khi có dịp đến đây thưởng thức hoặc mua về cho người thân. Cách chế biến món ăn của người Tày cũng rất đa dạng, vừa đem lại cảm giác mới lạ, vừa tạo mỹ quan lại có sự kết hợp hài hòa gữa các vị đắng-cay-mặn-ngọt. Nhiều loại rau rừng được dùng ăn ghém như cỏ mần trầu, rau dạ hiến, rau ngót rừng… vừa bùi, thơm lại ngọt. Tuy nhiên cách chế biến các món rau của người Tày chủ yếu lại là bằng cách “xôi”. Có những loại đắng-cay-chua-chát vậy mà khi kết hợp với nhau lại trở nên thơm ngon lạ thường. Măng đắng ngâm với hoa ban hết đắng mà có vị chua dễ chịu, đem nấu canh cà rất “đưa” cơm. Rau chuối rừng trộn thịt băm tạo vị ngọt bùi, thơm đậm… Rượu là một phần không thể thiếu.
Trong đời sống của người Tày, đặc biệt là người Tày Cao Bằng, rượu là một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc và gắn bó với cuộc sống của đồng bào từ lâu đời. Rượu của người Tày được làm bằng nguyên liệu là gạo, ngô, khoai, sắn, có khi bằng cả mật mía, chuối quả...Men dùng để  ủ rượu thường làm từ các loại lá rừng nên uống rất êm. Với người Tày, rượu là cách để chủ nhà thể hiện lòng hiếu khách của mình. Dù quen hay lạ, trước khi bắt đầu một câu chuyện bao giờ chủ nhà cũng mời rượu. Có thể nói rượu của người Tày như “miếng trầu” để mở đầu câu chuyện của người Kinh. Điều đặc biệt trong các cuộc rượu của người Tày đó là hiếm khi xảy ra hiện tượng quá chén dẫn đến mất tự chủ, xô xát nhau mà thường kết thúc trong sự thân ái, vui vẻ. Rượu không thể vắng mặt trong các sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Tày, nó gắn với người Tày như một sự tất yếu. Trong các cuộc vui chung như lễ hội, thoảng trong câu sli, câu lượn trao duyên của nh ững đôi trai gái hay trong những điệu nhảy của các chàng trai Tày luôn phảng phất men say nồng của rượu. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày Cao Bằng có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm của người Tày (Cao Bằng)

Ở Cao Bằng, nghề dệt thổ cẩm phát triển mạnh ở xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (huyện Hà Quảng) và khu vực thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An). Các sản phẩm thổ cẩm hiện nay cũng khá phong phú, đường nét, màu sắc đẹp hơn và là món quà lưu niệm ý nghĩa mà các du khách thường chọn mua để tặng người thân và bạn bè khi có dịp đến với Cao Bằng. Văn hóa hát then trong cộng đồng Tày, các ông Then, Tào, Pụt, Mo là những người có khả năng liên hệ với thần linh, tiếp cận với thế giới siêu nhiên, là cầu nối giữa người trần với các đấng tự nhiên. Chính bởi đó họ có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng. Then được hát trong hầu hết các nghi lễ, hội với nhiều đường Then khác nhau tùy thuộc vào mục đích của lễ cúng. Ngoài phần thuộc lễ nghi, diễn xướng then còn có phần mang tính chất vui chơi mang đậm yếu tố sân khấu. Ông Then là người thuộc nhiều đường Then và có căn Then. Người làm Then phải là người có Mình pang Then thích hợp cho việc làm thầy cúng, được cộng đồng tín nhiệm, nể trọng. Cũng giống như Hầu đồng của người Việt, Then của người Tày mượn lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Trong Then có nhiều đường then như: Pang Khoăn, Thống Đẳm, Cấp Sắc hay Cầu Hoa… Về dạng Then cũng lắm, trong mỗi dạng lại có nhiều điệu hát khác nhau ví như cúng lễ có: Điệu khẩu tu (vào cửa trời); Pây mạ (đi ngựa); Điệu đông mèng đông quảng (vào rừng ve); gọi vía; chèo thuyền vượt khái… dùng trong các buổi Then chữa bệnh, hát hái hoa, nối số, tiêu hao tàn (dành cho người chết), Then kỳ yên giải hạn… Với dạng hát vui như: Then vào nhà mới, Then chúc thơ, Then tảo mộ, Then trong đám cưới (được đệm bằng hồ hoặc đàn tính). Trong Then đại lễ, người ta thường thấy có hát múa, hát điệu bốn, múa chầu, cùng với một số trò vui như Pắt phu (Bắt chồng), Pắt slao báo (Bắt trai gái)…về nhạc dùng cho nhạc cụ của Then trong các nghi lễ hay hội bao gồm: Khúc tính pây tàng, khúc tính tàng nặm, tàng bốc, khúc tính chầu, khúc hoà tấu đàn tính và tam thập lục, khúc hoà tấu đàn tính và hồ trung, khúc tính giã bạn. Các khúc Then được tạo nên một cách có hệ thống, bài bản theo trình tự nội dung trình diễn. Không gian biểu diễn, hát Then thường được trình diễn chủ yếu trong một không gian nhỏ hẹp như trong nhà (trước bàn thờ) tuy nhiên đôi khi cũng được trình diễn trong một không gian rộng như ngoài cánh đồng, phổ biến ở Lễ hội Lồng tồng vào dịp tháng giêng, tháng hai. Hát then trong sinh hoạt văn hoá thường nhật khi vui người ta mời then, khi nhà có chuyện mời Then, người có bệnh mời Then, người hiếm muộn mời Then, Then không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Tày, nó đã trở thành một trong số tín ng ưỡng đặc thù của cộng đồng tộc người này. Theo quan niệm của người Tày có ba tầng trời, mỗi Mường đều có người sinh sống, trần sao âm vậy và họ tin khi tiếng đàn tính cùng lời Then cất lên là lúc các ông Then đang bắt đầu cuộc hành trình với từng đường Then dẫn quan quân đi khắp ba tầng trời. Trong tàng Then Thống Đẳm (đưa người chết về Mường trời), hay Pang Khoăn, Cấp Sắc, Cầu Hoa…đều thể hiện rất rõ quan niệm ấy. Qua lời Then người nghe có thể biết được quan quân của Then đã đến đâu trên Mường trời. Lời then cũng chỉ rõ đặc điểm của từng bản ở Mường Trời nơi quan quân Then đang qua. Điệu then khi trầm khi bổng, đôi lúc sôi động gấp gáp kết hợp với động tác mô phỏng cùng tiếng hò reo tạo khí thế quyết tâm của quan quân Then đồng thời xuất hiện yếu tố thiêng. Đặc biệt là trong Thống Đẳm, điệu hát cùng động tác lên ngựa hay đánh nhau với thủy quái, vượt Khái… khiến người xem hồi hộp, nín thở. Khi lên ngựa Then hát rằng:
Phạt cờ khửn bưởng lăng tứn mạ
Phạt cờ khửn bưởng nả tứn loan
Dịch:
Phất cờ về phía sau lên ngựa
Phất cờ về phía trước xuất quân
Đồng thời tay Then mô phỏng theo câu hát. Tiếng kèn mạy loi, tiếng trống mạy tảng reo lên, rồi cứ thế đoàn quan quân Then đi hết từ pá nhả khâm thai đét (bãi cỏ may chết nắng), rồi pá nhả lẹp thai mươi (bãi rau hẹ chết sương), đến ruộng rồi đến các bản trong Mường trời. Lời then cứ thế thủ thỉ, sôi động rồi lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi bản một tâm trạng, một sắc thái, không khí. Có khi căng thẳng lo lắng, có lúc hồ hởi vui tươi, tiếng đàn tiếng hát quyện với nhau hư ảo, tiếng xáu mạ rộn vang đưa Then dần vào trạng thái tự thôi miên kiểu Shaman giáo của người Tungus ở vùng Sibiri của Nga. Toàn bộ cuộc hành trình đưa linh hồn người chết về MườngĐẳm đều gắn với đường Then Thống Đẳm, câu then khắc họa những vất vả khó khăn của quan quân trên cuộc hành trình đó. Lời then khi đến chợ Tam Quan thể hiện khát vọng một cuộc sống ấm no, đầy đủ, câu hát rộn rã, tấp nập, hồ hởi, lạc quan, thấm vào từng cá thể đang sống nơi trần thế. Lời Then cho người sống an tâm về linh hồn người đã mất. Những linh hồn ấy đã được Then đưa về mường Tổ tiên, được mua sắm đầy đủ, ấm no, có ruộng có vườn, có trâu, có của. Còn với Pang Khoăn lời Then tạo niềm tin cho người bệnh, những người đang gặp hoạn nạn khó khăn để vượt lên số phận, cải tạo số phận, là liều thuốc giúp họ vượt qua mọi trở ngại bệnh tật để sống. Then gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Tày, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng Tày, Nùng. Hát Then, đàn tính là linh hồn cho các lễ nghi, hội hè. Tiếng đàn tính vang vọng, lời Then ngọt ngào nồng ấm cùng yêu tố thiêng là món ăn tinh thần hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác. Trước hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp hay một nghi lễ tôn giáo được diễn xướng bằng hình thức hát, hát kể có kèm theo nhạc và nhảy múa, cùng những biểu tượng tôn giáo mang tính tượng trưng như hát Then đã đặc biệt gây được sự quan tâm và chú ý không chỉ với cộng đồng Tày, Nùng mà cả với các tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Phần lễ trong Lễ hội Lồng Tồng

Dân tộc Tày có Lễ hội Lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Lễ hội của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng diễn ra từ ngày 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương). Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba.Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày thì trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên - con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống. Đám cưới của người Tày Cao Bằng thường được tổ chức vào lúc chiều tối (tầm 4 -5 giờ trở đi). Cưới vào giờ này không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người, người ở xa mấy cũng đến kịp. Hơn nữa, mọi người sẽ có thời gian ở chơi lâu hơn. Tiệc cưới được chia làm hai tiệc. Tiệc thứ nhất dành cho người lớn tuổi, bậc cha chú, anh em họ hàng. Tiệc thứ hai dành cho nam nữ thanh niên, bạn bè gần xa của cô dâu chú rể. Tiệc này bắt đầu vào khoảng 7-8 giờ đêm. Ăn uống xong, mọi người vẫn ở lại. Người lớn ngồi uống nước, hàn huyên với gia chủ. Thanh niên, đám thì tổ chức lày cỏ (một trò chơi như kiểu oẳn tù tì, người thua sẽ bị uống rượu phạt), đám thì bên trai bên gái hát lượn với nhau. Cuộc vui ồn ã, kéo dài thâu đêm, mờ sáng mới tan. Theo phong tục, mọi chi phí tổ chức đám cưới của nhà gái đều do nhà trai lo liệu hết: tiền mặt, lợn, gà, gạo, rượu… Điều đó có ý nghĩa là nhà trai tỏ lòng biết ơn, mong đền đáp phần nào công lao dưỡng dục của bố mẹ cô gái. Nhà gái sẽ trích ra một số tiền để sắm sửa tư trang, cho con gái làm của hồi môn: quần áo mới, vòng bạc, xà tích bạc, chăn màn thổ cẩm, chiếu hoa… và những đồ gia dụng khác. Còn rượu, thịt, gạo nếp, gạo tẻ sẽ dùng làm cỗ để mời họ hàng, làng xóm. Tất nhiên, hai bên gia đình có thể điều đình với nhau. Tùy theo gia cảnh, nhà gái có thể đòi ít hay đòi nhiều. Có trường hợp, thấy nhà trai điều kiện kinh tế không mấy dư dả, nhà gái chỉ đòi một ít gọi là, cốt để tránh tiếng là con mình theo không người ta. Người Tày còn có một phong tục đẹp khác. Đó là tục “khẩu lẩu” (gạo rượu). Khi gia đình nào có đám cưới (cũng như những việc hiếu hỉ khác như : vào nhà mới, thôi nôi, mừng thọ, ma chay…), ngoài số tiền phong bao như thường lệ, nhiều người còn đem gạo và rượu đến. Mươi ống gạo, chục lít rượu, nhiều ít tùy theo. Số gạo rượu đó được gia chủ ghi chép vào sổ cẩn thận. Để khi nào nhà khác có việc, mình lại đi khẩu lẩu lại người ta. Đây là một hình thức giúp đỡ lẫn nhau bằng hiện vật, đỡ phần nào chi phí cho gia chủ khi nhà có công việc. Thập niên chín mươi trở về trước, khi kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, thì việc làm đó thật có ý nghĩa. Nó thể hiện tính cộng đồng rất cao của cư dân nơi đây. Dân tộc Tày có câu “slắng lẩu cẩu vằn”, có nghĩa là mời khách tới dự đám cưới phải mời trước chín ngày, không sớm hơn mà cũng không muộn hơn. Điều này có lẽ xuất phát từ việc xưa kia do đi lại khó khăn, đường sá cách trở, phải mời trước như thế người được mời mới có thời gian chuẩn bị, sắp xếp công việc đến mừng. Anh em, bạn bè ở xa có thể đến trước một ngày. Dự đám cưới xong còn ở chơi thêm một hai ngày nữa mới chia tay. Trong thời gian đó, gia chủ tiếp đãi rất thịnh tình, chu đáo, không để điều gì khiến khách phiền lòng. Điều đó cho thấy lòng hiếu khách của người miền núi.

Đoàn rước dâu trong đám cưới của người Tày

Có một điều đặc biệt là lễ cưới cử hành xong, cô gái không ở lại nhà chồng mà quay về nhà bố mẹ đẻ ngay đêm đó. Dù đêm đã khuya, chú rể và đại diện nhà trai vẫn phải đưa cô dâu và phái đoàn nhà gái trở về. Nếu vì lý do nào đó như đường sá quá xa xôi, không thể về ngay mà phải ở lại thì đêm đó cô dâu và các cô gái phù dâu sẽ ngủ chung một phòng rồi sáng hôm sau về sớm. Ngày thứ ba tính từ ngày cưới, chàng trai mới đi đón vợ về. Đêm đó mới chính thức là đêm tân hôn của hai người. Tục gọi đó là lễ slam nâư (ba ngày) - hiểu nôm na là lễ lại mặt. Theo cách giải thích của những người cao tuổi thì sở dĩ có tục này là bởi trước và trong ngày cưới chú rể sẽ rất mệt mỏi vì phải lo nhiều việc, nhất là phải uống rất nhiều rượu mừng của mọi người, nếu động phòng ngay thì sẽ không có lợi. Nhưng cô dâu cũng chỉ ở nhà chồng chừng dăm bảy ngày, sau đó lại quay về sống với bố mẹ đẻ. Bởi theo phong tục của người Tày, khi nào con dâu có con mới được về ở hẳn nhà chồng. Chính vì thế mới có chuyện, cứ dăm bữa nửa tháng, mẹ chồng lại cho gọi con dâu về với những lý do: giúp nhổ mạ, cấy lúa hay xay lúa, giã gạo hộ mẹ… Tóm lại là kiếm đủ cớ để gọi con dâu về, mục đích là để đôi trẻ có dịp gần gũi nhau, để bà mau có cháu bế. Khi cô gái có mang, gần đến ngày khai hoa mãn nguyệt, nhà chồng mới đón về để sinh nở. Có con rồi cô gái mới chính thức về nhà chồng, được giao chìa khóa tay hòm, gánh vác mọi công việc. Ở một số huyện của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bào Tày còn có tục cưới vắng mặt chú rể. Nếu chú rể vì một lý do nào đó mà vắng mặt trong ngày cưới, nhà trai sẽ chọn một người thế vai chú rể, gọi là rể giả (khươi chả). Người làm rể giả phải là trai tân, khỏe mạnh, có đạo đức… thường là con cháu trong nhà hoặc là bạn thân của chú rể. Rể giả sẽ cùng họ nhà trai đi đón dâu, cùng cô dâu ra mắt hai họ… Cốt là để cô dâu không phải lẻ bóng trong ngày cưới. Tục này có từ bao giờ cũng không rõ, chỉ biết những năm đất nước còn chiến tranh, tục này diễn ra khá phổ biến. Những chàng trai do bận công tác đột xuất, đi bộ đội đóng quân ở xa, ngày cưới của mình không về được cũng không sao. Ở nhà, đám cưới vẫn được tổ chức bình thường, chu đáo; mà cũng không vì thế mà mất vui. Và những chàng rể vắng mặt đó vẫn về người vợ mới cưới của yên tâm mình. Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục trong việc cưới xin của người Tày cũng có sự thay đổi, không còn nguyên như xưa nữa. Ví như bây giờ người con gái không còn phải đợi đến khi có con mới về nhà chồng, hoặc nhà gái cũng không còn đòi hỏi nhà trai quá nặng về vật chất… Việc cưới xin bây giờ ngày càng giản tiện, văn minh hơn xong vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Huỳnh Tâm (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét