Dân tộc thiểu số Ba Na có hơn 174.450 người, cư
trú chủ yếu ở tỉnh KonTum và miền
Tây tỉnh Bình Định, Phú Yên. Người dân tộc thiểu số Ba Na còn có các tên gọi
theo từng nhóm, vùng như Tơ Lô, Giơ Lăng (Y Lăng), Rơ Ngao Krem, Roh, Kon Kđẹ,
Ala Công, Kpăng Công, Bơ Nâm. Tiếng Ba-na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Người Ba Na sống chủ yếu
nhờ trồng rẫy. Rẫy cung cấp không chỉ lúa gạo, mà cả các loại lương thực khác,
cũng như hoa màu, rau xanh, gia vị, mía, nhiều thứ hoa quả và cả bông lấy sợi dệt
vải... Cùng với trồng trọt, từng gia đình thường nuôi trâu, bò, dê, gà... Chó
là con vật được yêu quý và không bị giết thịt. Hầu như mỗi làng đều có lò rèn.
Một số nơi biết làm đồ gốm đơn sơ, phụ nữ dệt vải tự túc đồ mặc trong gia đình.
Đàn ông đan đó, lưới, các loại gùi, giỏ, mủng...Việc mua bán thường dùng vật đổi
vật, xác định giá trị bằng con gà, lưỡi rìu, gùi thóc, con lợn hay nồi đồng,
ché, chiêng, cồng, trâu...
Nhà Rông của người dân tộc thiểu số Ba Na
Đồng bào Ba Na ở nhà sàn. Ngày trước, kiểu
nhà dài phổ biến, phù hợp với chế độ gia đình lớn. Ngày nay, phần lớn là kiểu
nhà ngắn cho từng gia đình nhỏ, ngôi nhà công cộng (nhà Rông) cao lớn và đẹp đứng
nổi bật giữa làng, đó là trụ sở của làng, nơi các bô lão tề tựu bàn việc công,
nơi dân làng hội họp, nơi thanh niên chưa vợ và trai góa ngủ đêm, nơi tiến hành
các nghi lễ phong tựu của cộng đồng, nơi tiếp khách lạ vào làng.
Tục hôn nhân người Ba Na cho phép tự do và
lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân
phiên mỗi bên một thời gian theo thỏa thuận giữa hai gia đình đôi bên, sau khi
sinh con đầu lòng mới dựng nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu chiều. Dân làng
không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên nhau, họ làm lễ
kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh-em , cha-con, mẹ-con...
Theo tập
quán của người dân tộc thiểu số Ba Na, các con được thừa kế gia tài ngang nhau.
Trong gia đình mọi người sống hòa thuận, bình đẳng. Người Ba Na thờ nhiều vị
“thần linh" liên quan tới cuộc sống của con người. Mỗi "thần
linh" có một tên riêng và được gọi là ông (Bôc) là bà (Dă). Họ quan niệm
con người chết đi hóa thành ma, ban đầu là chôn ở bãi mộ của làng, sau lễ bỏ mả
mới về hẳn thế giới tổ tiên. Lễ bỏ mả được coi như lần cuối cùng tiễn biệt
ngươi chết.
Lễ hội cồng chiên của dân tộc Ba Na
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người dân tộc thiểu số Ba Na, cần phải kể đến các làn điệu dân ca, các điệu múa trong ngày
hội và trong lễ nghi tôn giáo. Nhạc cụ Ba Na đa dạng gồm những bộ cồng, chiêng
kết cấu khác nhau, những đàn T'’rưng, bro, klong pút kơ-ni, khinh khung,
goong... và những kèn tơ-nốt, avong, tơ-tiếp... Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người
Ba Na độc đáo. Những hình thức trang trí sinh động trên nhà Rông và đặc biệt là
những tượng ở nhà mồ... vừa mộc mạc, đơn sơ, vừa tinh tế và sinh động như cuộc
sống của người Ba Na.
Triệu Minh Bắc (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét