Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600
người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là
(huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc
Mê).
Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc Việt
Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với tổng diện tích tự nhiên là
7.914,8892km2; Tổng dân số ở Hà Giang trên 730.000 người với 23 cộng đồng dân tộc
cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Mông chiếm 31%, dân tộc Tày trên 27%, dân tộc
Dao 15%, dân tộc Kinh 11% còn lại là các dân tộc khác. Có những dân tộc ít người
chỉ Hà Giang mới có hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí,
Pu Péo, Bố Y, Phù Lá...
Nhân dân các dân tộc Hà Giang có truyền thống yêu nước,
đoàn kết tương thân, tương ái, có ý thức tự lực tự cường, giúp nhau vươn lên
xoá đói giảm nghèo xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp văn minh.
Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có một nền Văn hoá dân gian
riêng biệt, độc đáo mang đậm nét văn hoá vùng Đông Bắc. Với một kho tàng Văn
hoá Vật thể và phi vật thể phong phú và quý báu, đặc biệt là được thể hiện qua các
loại vật liệu, dụng cụ, nhà ở, trang phục, trang sức, âm nhạc, hát, múa, trò
chơi, trò diễn, lễ hội dân gian...
Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600 người trên tổng dân
số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng
Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê).
Trong kinh tế người Pu Péo lấy nông nghiệp trồng trọt làm
cơ sở chủ đạo, bên cạnh đó còn có sự bổ trợ của chăn nuôi, thủ công nghiệp gia
đình và hái lượm và buôn bán nhỏ.
Cũng như các dân tộc khác người Pu Péo ở Hà Giang có một
kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng.
* Văn hoá vật thể:
Cho dù với số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống
phân tán trên dải đất Việt - Trung. Người Pu Péo không ở trên núi cao như người
Hmông mà thường chọn những bồn địa giữa núi để lập làng. Làng bản của người Pu
Péo đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm tích chất của khí hậu á nhiệt đới. Với một
điều kiện tự nhiên như vậy người Pu Péo có thể làm ruộng nước và vừa vận dụng
được những thế mạnh của rừng trong canh tác.
Các thôn xóm của họ thường có quy mô nhỏ, chỉ 10 - 12 hộ
gia đình; cá biệt có những gia đình Pu Péo ở một mình, ghép với bản của người
Hmông. Nhìn chung, do số dân ít, lại cư trú phân tán, hiện tượng xen cư của dân
tộc này diễn ra khá phổ biến, theo kiểu một hoặc hai xóm Pu Péo ghép vào các bản
của người Tày hoặc người Hmông. Các sắc thái văn hoá Pu Péo vẫn được giữ cho đến
nay, kể cả trong văn hoá vật chất cũng như tinh thần và nhất là trong ý thức tự
giác tộc người.
Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở
nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở
nên khó khăn; vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất.
Người Pu Péo ở kiểu dạng nhà làm theo kiểu của người Hoa đó
là nhà trình tường, hai mái, không có chái và số gian không cố định, phổ biến
hơn là ba gian. Các ngôi nhà đều được xây to, bề thế, nhưng chỉ được trổ một cửa
ra vào không có cửa sổ. Trước đây người Pu Péo thường làm theo kiến trúc hai tầng
giống người Hoa, mái nhà chủ yếu được lợp bằng cỏ tranh; Hiện nay được lợp bằng
ngói máng (ngói âm dương) hoặc ngói Tây. Ngày nay các ngôi nhà làm theo kiểu
người Việt chỉ có một tầng kiểu kiến trúc vẫn tương đối chuyên biệt. Nhà của Pu
Péo thường được dựng ở chân đồi, tựa lưng vào rừng và nhìn ra ruộng. Hướng Nam
và Đông Nam được xem là tốt nhất.
Không gian sinh hoạt của người Pu Péo rất đa dạng. Mỗi gia
đình thường có khuân viên riêng, trong đó có các kiến trúc như: Nhà ở, chuồng
gia súc và vườn nhà. Về nhà mới là lễ thức quan trọng nhất trong hệ thống tín
ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của người Pu Péo. Mọi nghi thức cúng tế nhà mới
phải hoàn tất vào lúc gần sáng, đến khi trời sáng họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng
tân gia, chúc phúc cho gia chủ.
Trang phục của người Pu Péo trước kia được may bằng vải
bông tự dệt và nhuộm chàm; ngày nay hầu hết đều mặc vải công nghiệp. Cho đến
nay, trang phục của họ vẫn chủ yếu được phân loại theo giới tinh và tình trạng
hôn nhân ( đối với phụ nữ), không phân biệt theo vị thế xã hội hay nghề
nghiệp. Hiện nay những người lớn tuổi chỉ mặc quần áo đen như nam giới như các
dân tộc khác ở trong vùng. Tuy nhiên, các đặc trưng văn hoá của dân tộc Pu Péo
cơ bản vẫn được bảo lưu ở trang phục nữ. Trang sức của người Pu Péo chủ yếu là
bằng bạc, thường được đi chung với những bộ trang phục mang những nét hoa văn đặc
sắc riêng của dân tộc mình.
Trống đồng xưa kia được người Pu Péo sử dụng trong các hoạt
động văn hoá như: Lễ hội, tang ma, cưới xin... Ngày nay người ta chỉ còn dùng
nó trong các đám ma khô. Trống đồng của Pu Péo có 2 loại (trống đực và trống
cái), Trống đồng còn là nhạc nền cho những điệu dân ca, dân vũ.
*Văn hoá phi vật thể:
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của ba thế giới. Ngoài thế
giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở trên trời, mà con người
không kiểm soát được - thế giới của các thần linh. Trong thế giới đó, ngoài các
vị thần còn có những người trời, có đặc điểm là mặt đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ.
Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người chỉ bé bằng ngón tay và thường
đeo dao ở khoeo chân. Thời gian của thế giới thực và hai thế giới kia luôn ngược
nhau, trước kia ba thế giới được thông qua bằng chiếc thang. Truyền thuyết của
người Pu Péo kể lại rằng quả bầu chính là vật đã cứu sống tổ tiền của dân tộc
này. chính vì vậy: Con cháu dân tộc này khi cúng tổ tiên bao giờ cũng bày thức
ăn lên nong chứ không bày lên mâm; và khi hành lễ, bao giờ thầy cúng cũng phải
cầm một quả bầu. Người Pu Péo sử dụng lịch nhà Chu, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm
chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ
3 năm, sẽ có một năm nhuận, hoàn toàn khớp với cách tính năm, tháng và ngày của
âm lịch ngày nay. Vì vậy họ cũng ăn tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.
Mặc dù có số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang
vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú.
Những bài cúng của họ thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người,
về nạn đại hồng thuỷ và lịch sử du cư của họ từ đời này sang đời khác. Trong
đám cưới, trai gái thường hát đối đáp mà nội dung của các bài hát thường nói
nhiều về tình yêu lứa đôi và biểu thị khát vọng hạnh phúc. Ngoài ra, họ còn có
nhiều thành ngữ, tục ngữ, được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng
ngày. Đó là một lối truyền đạt các tri thức bản địa hữu hiệu, một biện pháp
giáo dục cộng đồng hiệu quả. Người Pu Péo có những phong tục tập quán, lễ hội,
dân ca, cưới xin theo phong tục riêng... đặc biệt là Lễ cúng thần rừng (Lễ cúng
thần rừng Là lễ cúng cầu Thần Rừng, Thần Đá, Thần Suối bảo vệ ruộng nương và
phù hộ sự bình yên cho người Pu Péo có cuộc sống ấm no, hạnh phúc).
Xuất phát từ những phong tục tập quán, văn hoá truyền thống
của dân tộc thiểu số là một nét đẹp trong đời sống văn hoá của cả cộng đồng dân
tộc Việt Nam. Chính những nét văn hoá truyền thống ấy đã thôi thúc mỗi con người
Việt Nam chúng ta tìm về cội nguồn một cách tận tâm, tận ý. Mỗi dòng họ, mỗi tộc
người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đều có một nét văn hoá độc đáo riêng.
Đưa các giá trị văn hoá vào phục vụ du lịch là hình thức bảo tồn và phát huy
giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển mọi
mặt đời sống kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo đối với bà
con các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Vi Đức Hồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét