Khi những ruộng lúa chín rộ, đồng bào La
Chí tưng bừng làm lễ mừng cơm mới.
Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sản
xuất của người La Chí. Lễ được tổ chức để tạ ơn tổ tiên đã giúp đỡ gia đình có
vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mùa mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Trải qua
nhiều thế hệ, cho đến ngày nay, dù đời sống đã nhiều thay đổi, song người La
Chí vẫn giữ nguyên tập tục này.
Hàng năm, khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ, đồng
bào dân tộc La Chí ở thôn Na Léng, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà
Giang lại tưng bừng làm lễ ăn mừng cơm mới, cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất…
Chủ nhà thực hiện nghi lễ trong lễ mừng cơm mới
Vào khoảng đầu tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa ngoài đồng
bắt đầu chín vàng, người cao tuổi và có uy tín nhất trong xã sẽ chọn một ngày tốt,
rồi thông báo với bà con trong xã chuẩn bị sắm sửa lễ vật làm lễ cúng mừng cơm
mới.
Theo quan niệm của đồng bào La Chí, trước mùa gặt, trước
khi được ăn những hạt lúa mới, bà con phải làm lễ mừng cơm mới để cúng báo tổ
tiên, tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh đã phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa
màng tốt tươi, để đồng bào La Chí có được một vụ mùa bội thu.
Chủ nhà khấn mời thần linh, tổ tiên về dự lễ mừng cơm mới.
Để chuẩn bị cho lễ cúng mừng cơm mới, các
gia đình chuẩn bị đầy đủ mâm lễ, là những sản vật mà bà con thường dùng hàng
ngày như có thịt, cá, chim, chuột, nhộng ong, rượu, tiền, vàng mã… Đặc biệt,
trong lễ mừng cơm mới phải có cơm nếp, cơm tẻ là cơm mới vừa được gặt ở ruộng,
nương về. Bên cạnh đó, củ gừng cũng là một thứ không thể thiếu trong mâm lễ, bởi
theo quan niệm của người La Chí, củ gừng được coi như là vật nối liền giữa âm
và dương, nên nó là vật không thể thiếu được trong bất cứ lễ cúng nào của người
La Chí.
Người dân đi chơi trong ngày hội.
Khi các món ăn chế biến xong, chủ nhà bày
lễ vật lên một chiếc mâm, đặt trước bàn thờ tổ tiên, rót rượu và khấn mời thần
linh, tổ tiên về ăn cơm mới, chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe,
sản xuất được nhiều lúa gạo, con cháu được thóc đầy nhà, lợn bò đầy sân và mong
muốn những mùa tới sẽ được nhiều may mắn, thuận lợi.
Trò chơi đu quay.
Sau khi các nghi lễ được cúng lễ xong, cả
gia đình quây quần dọn cơm ăn, mỗi người trong gia đình nắm một nắm cơm nhỏ kèm
một con cá vào và ăn để lấy lộc, rồi mời bà con hàng xóm cùng nếm cơm mới.
Một góc thôn Na Léng - xã Bản Phùng.
Trong ngày lễ mừng cơm mới, thanh niên nam nữ trong bản thường
tổ chức ném còn, đu đôi nam nữ, thi hát giao duyên, hát đối đáp… các em nhỏ thì
chơi các trò chơi bập bênh…
Hà Phương (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét