Tục “ Tằng cẩu” của người Thái đen Mường Lò (Văn Hóa Tây Bắc)

Cô dâu được bà mối tằng cẩu cho trước khi sang nhà chồng


CTTĐT - Mảnh đất Mường Lò – Nghĩa Lộ từ lâu đã là một địa danh nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, những phong tục tập quán mang dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Đến với Mường Lò, ngoài bị thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, người ta sẽ bị thu hút ngay trước vẻ đẹp của người phụ nữ Thái, đặc biệt là từ mái tóc.

Người Việt thường có câu, cái răng cái tóc là góc con người. Và cũng giống như hầu hết những người phụ nữ khác trên khắp đất nước Việt Nam, người phụ nữ Thái cũng có những cách chăm sóc rất công phu cho “ góc con người” của mình.
Thứ nước màu trắng đục mà người phụ nữ Thái ưa thích để gội đầu chính là nước vo gạo nếp đã lên men chua từ 1-2 ngày. Người phụ nữ Thái rất thích dùng nó để gội đầu. Không biết thứ nước ấy công dụng ra sao nhưng khi kết hợp cùng những lá cây được trồng ngay trong vườn nhà như lá bưởi, lá xả, cam thảo, hương nhu, mần trầu thì mái tóc của người phụ nữ Thái đã trở nên dài hơn, chắc khỏe hơn nhưng lại vô cùng mềm mại và mượt mà như dòng suối.
Theo quan niệm của người Thái đen, mái tóc của người phụ nữ cũng có một vị trí  vô cùng quan trọng. Chẳng thế mà, mái tóc đẹp ấy đã được biết bao thế hệ phụ nữ Thái Mường Lò gìn giữ, chăm sóc, nuôi dưỡng từ hàng bao đời nay để cho “ Tằng cẩu” được đẹp hơn.
Cũng không ai rõ, tằng cẩu có từ khi nào nhưng nó đã trở thành một trong những luật tục quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Thái. Người phụ nữ Thái sẽ tằng cẩu vào ngày được đón về nhà chồng.
Để chuẩn bị cho lễ thức này vào buổi sáng sớm của ngày làm đón dâu, người con gái sẽ được các bạn của mình giúp gội đầu tại dòng suối gần nhà. Người Thái quan niệm, nước suối sẽ cuốn đi tất cả những gì mòn cũ của ngày quá khứ, để cô dâu được nhẹ nhàng, thanh sạch bước sang một cuộc sống mới.
Sau khi chọn được giờ lành,  những người phụ nữ khỏe mạnh, tháo vát cùng bà mối bên nhà trai sẽ được cử sang nhà gái để tằng cẩu cho cô dâu mới. Bà mối được chọn phải là người  đức độ, khỏe mạnh, con đàn cháu đống và đặc biệt là phải am hiểu về các động tác tằng cẩu.
Khi những thủ tục để giới thiệu hai gia đình và xin phép được thực hiện lễ tằng cẩu. Cô dâu mới sẽ ra chào  họ hàng hai bên và ngồi trên chiếc ghế mây hướng về phía mặt trời, sẵn sàng cho buổi lễ.
Theo phong tục của người Thái đen, trong số những lễ vật nhà trai mang sang nhà gái tặng cô dâu sẽ có 2 sải khăn, một đôi vòng tay bằng bạc, trâm cài tóc và 2 lọn tóc đen của bà và mẹ chồng lựa gom sau mỗi lần chải.
Một chậu nước lá thơm có thả một ít thuốc  để trải tóc cho cô dâu, để tránh điều xấu có thể khiến tóc rối không trải được sẽ được chuẩn bị để bắt đầu quá trình tằng cẩu.
Bà mối sẽ đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh,  bà mối khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.
Những lời  hát dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa sẽ được bà mối cất lên sau khi nghi lễ tằng cẩu kết thúc.
"Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi".
Sau khi tằng cẩu xong, Đại diện nhà trai sẽ làm những thủ tục để xe duyên cho đôi vợ chồng trẻ như trải chăn đệm, quần áo... với mong muốn vợ chồng mới cưới sẽ sớm sinh con đẻ cái, có cả nếp lẫn tẻ, con cháu đầy đàn, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Từ lúc này,  cô gái đã trở thành người phụ nữ của gia đình. Búi tóc tằng cẩu vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng. Trách nhiệm, đạo lý mang tính truyền thống của người Thái được trao cho cô dâu mới được biểu đạt qua mái tóc tằng cẩu vô cùng tinh tế. Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ dân tộc này. Người phụ nữ Thái được tằng cẩu đều thấy rất tự hào. Chị Lò Thị Phương Thảo : tôi rất tự hào về mái tóc tằng cẩu của mình. Từ bây giờ, tôi đã là người phụ nữ  đã có chồng. Tôi sẽ hết lòng chăm lo cho chồng con và công việc của gia đình nhà chồng.
Đối với người phụ nữ Thái đen, mái tóc tằng cẩu biểu hiện cho một giai đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc đời họ, đó chính là đời sống hôn nhân. Vì vậy, để bảo vệ cho mái tóc ấy cũng như chứng minh cho tấm lòng sắt son, thủy chung, người phụ nữ Thái đã sử dụng những chiếc khăn vấn, vừa là để làm đẹp, lại vừa mang những ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng  sâu sắc.
Cuộc sống hôm nay dù có nhiều thay đổi nhưng mái tóc tằng cẩu vẫn được người phụ nữ Thái đen gìn giữ trong mọi hoạt động của đời sống. Từ những công việc quán xuyến gia đình hàng ngày đến khi tham gia vào những lễ hội truyền thống... Mái tóc tằng cẩu một lần nữa lại tô điểm thêm cho sắc đẹp, cho cốt cách tâm hồn của người phụ nữ Thái....  
Mái tóc tằng cẩu chính là sợi dây kết nối giữa tâm hồn của người phụ nữ Thái và trách nhiệm của họ đối với gia đình,  trở thành một trong những biểu tượng đẹp của người phụ nữ Thái. Dù thời gian, cuộc sống có thể đổi, người Thái vẫn luôn giữ gìn những phong tục có từ hàng ngàn đời nay. Tục tằng cẩu  là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó bởi thông qua đó tâm hồn, cốt cách của người phụ nữ Thái trong suốt cuộc đời được thể hiện một cách đẹp đẽ và rõ ràng nhất!
Bà Hà Thị Văn – Phường Tân An – Thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Chúng tôi rất coi trọng mái tóc tằng cẩu. Đó là sự phân biệt giữa người con gái và người phụ nữ đã có chồng. Khi  đã tằng cẩu lên, chúng tôi sẽ không bao giờ thả tóc xuống nữa. Mái tóc ấy sẽ đi cùng chúng tôi đến hết cuộc đời./.
Nguyễn Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét