Người Lô Lô vốn là cư dân của quốc gia Nam Chiếu, sinh
sống ở vùng lòng chảo Tứ Xuyên, Trung Quốc.
- Bạn sẽ ngỡ ngàng khi gặp những cô gái da trắng, mũi thẳng, xinh
đẹp trong bộ váy áo sặc sỡ với những hoa văn hình tam giác, đi bên cạnh là những
chàng trai trán cao, mặt vuông, khỏe mạnh. Đó chính là những chàng trai, cô gái
Lô Lô.
Người Lô Lô ở Việt Nam có quan hệ nguồn gốc thân thích với
người Di ở Trung Quốc. Tuy vẫn còn tranh luận về thời điểm người Lô Lô đến Việt
Nam, nhưng theo tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Trưởng phòng Dân tộc học và Nhân học (Viện
Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) các
nhà dân tộc học đều thống nhất: “Người Lô Lô thuộc ngữ tộc Tạng – Miến,
ngữ hệ Hán - Tạng. Đấy là cộng đồng cư dân sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Nam
Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Khác biệt dễ nhận thấy nhất là người Lô Lô vốn là
cư dân sống ở miền núi. Sau rất nhiều biến động lịch sử ở miền Tây Nam Trung Quốc
thì họ di cư đến Việt Nam, trở thành cư dân của Việt Nam. Sống ở miền núi,
cách ứng xử của họ dựa trên kinh nghiệm, tri thức thích ứng được với vùng cao
núi đá”.
Người Lô Lô vốn là cư dân của quốc gia Nam Chiếu, sinh sống ở vùng
lòng chảo Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo một số tài liệu, sau khi quốc gia Nam Chiếu
loạn lạc, một số cư dân đã di cư sang Việt Nam. Đó là tổ tiên của người Lô
Lô ở Việt Nam ngày nay.
Người Lô Lô có mặt ở 30 tỉnh thành, nhưng sống tập trung chủ
yếu ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Tuy nhiên, người Lô Lô đã có mặt ở Hà Nội vào thế kỷ thứ 8, thời
điểm xảy ra cuộc chiến giữa người Nam Chiếu và người Hán. Thời kỳ này, nước ta
là một quận của nhà Đường, tên là quận Giao Châu, dưới sự cai quản của tiết độ
sứ người Hán là Cao Biền. Hà Nội ngày nay vẫn còn một số địa danh liên quan đến
sự có mặt của người Lô Lô thời bấy giờ: “Người Lô Lô xuống phía Nam, xuống
tận Hà Nội, phủ Long Thành vào thế kỷ thứ 8. Bởi vì, Cao Biền đắp đê La Thành,
hiện nay ta gọi là đường La Thành ấy, trước đây là thành lũy Cao Biền đắp để chống
lại giặc Lô Lô, giặc Nam Chiếu. Cao Biền đắp xong tường thành để chống
lại giặc Lô Lô rồi thì sau này ông ấy mới dựng đền thờ Bạch Mã ở Hàng Buồm. Người
Lô Lô ở đây phải đến 10 năm. Thời kỳ này, người Lô Lô không thể chống lại được
quân Cao Biền, lại trở về vùng biên viễn dần dần”.
Trong đám ma của người Lô Lô ở Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), ở Bảo
Lạc (Cao Bằng) ngày nay, người ta vẫn hát những bài mo đưa đường để tiễn đưa
người quá cố về thế giới bên kia. Những con đường, những miền đất mà người Lô
Lô đã đi qua trên hành trình tới định canh ở Hà Giang, Cao Bằng lần lượt xuất
hiện trong bài ca đưa đường. Những địa danh ấy dù không cụ thể, rõ ràng, do sự
biến đổi thời gian và trí nhớ con người có hạn, song, nó nhắc người Lô Lô nhớ về
nguồn cội dân tộc mình.
Lý Mạnh
Thương (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét