Bài nghiên cứu "Tiếng hát làm dâu" của dân tộc
Mông do tác giả Trần Vân Hạc viết, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 184
(tháng 10/2014), giới thiệu về bản dịch "Tiếng hát làm dâu" dân tộc
Mông sang thể thơ song thất lục bát của dịch giả, nhà thơ Nguyễn Khôi, in trong
tập "Út Ỏ về Kinh", Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2002.
Theo Trần Vân Hạc: "Tiếng hát làm dâu" không chỉ
lôi cuốn người đọc, người nghe bởi những tình tiết éo le về thân phận người phụ
nữ dưới chế độ phong kiến mà còn bởi nghệ thuật tả cảnh và tả tình nhuần nhuyễn,
tinh tế, làm tăng giá trị biểu cảm… Đấy chính là khúc bi tráng và là nét đẹp đặc
sắc làm cho "Tiếng hát làm dâu" sống mãi trong kho tàng văn hóa Mông
nói riêng và trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung".
Quả thực, những câu, đoạn trích bản dịch "Tiếng
hát làm dâu" của dịch giả - nhà thơ Nguyễn Khôi khá phù hợp với lời
bình của Trần Vân Hạc. Đọc những câu thơ cho thấy công phu của dịch giả đã chuyển
dân ca Mông sang thể song thất lục bát khá nhuần nhuyễn về niêm luật, câu chữ,
hình ảnh… Nhưng từ dân ca Mông thành thơ song thất lục bát là tác giả muốn giới
thiệu về nội dung "Tiếng hát làm dâu" sang một cách diễn đạt
khác cho bạn đọc tìm hiểu, cảm nhận hay để bảo tồn dân ca một dân tộc mà Trần
Vân Hạc ca ngợi: "Mỗi
khi "Tiếng hát làm dâu" được cất lên, mọi người đều thấm hơn giá trị
những gì mình có hôm nay và thêm trân trọng, nâng niu những giá trị tốt đẹp của
cuộc sống phải đổi bằng bao mồ hôi và máu của bao thế hệ mới có được"?
"Tiếng hát làm dâu" trước tiên là một điệu dân ca
của dân tộc Mông, câu chữ là để cất thành tiếng hát. Hát kể về cuộc đời làm
dâu, có thể là chính giọng người trong cuộc tâm sự nỗi niềm ngang trái của bản
thân mình. Cũng có khi là người khác hát để răn dạy cháu con về những kiếp người.
Mà đã hát, nhất là hát dân ca thì phải tuân thủ theo cung bậc thấp, cao, dài,
ngắn; lời ca (tiếng, chữ) phải đúng chuẩn âm trắc - bằng. Có khi âm nhạc của một
câu này, đoạn này được láy lại ở câu sau, đoạn sau với những nốt, quãng phát
triển, bứt phá để tránh sự lặp lại, gây ấn tượng, cảm hứng, cuốn hút người
nghe. Vì vậy lời của dân ca Mông phải tuân thủ vần điệu, câu, chữ, tạo nên sự độc
đáo những khoảng ngân, quãng nhảy bất ngờ qua những hình ảnh tương phản, đối xứng.
"Trời tối sẫm, chim cu còn có nơi đỗ
Ta đây trời tối sẫm vẫn trong cửa nhà người
Trời sáng rõ, chim cu có nơi bay
Như thân ta, vẫn bị giam hãm nơi nhà họ.
Nàng rón rén bước tới phía sân
Mẹ chồng ác, lừ con mắt đen ngòm nhìn quằm quặm
Nàng run sợ, len lét nép vào trong nhà
Vội vàng vớ cái mẹt sảy thóc nuôi gà
Mẹ chồng đay: Con này lóng ngóng…".
Bản dịch này của tác giả Doãn Thanh, đưa cho các nghệ nhân
người Mông, họ sẵn sàng hát bằng tiếng Kinh mà vẫn giữ được âm thanh luyến láy
của dân ca Mông. Hãy thử đem "Tiếng hát làm dâu" bằng thơ
song thất lục bát cho nghệ nhân dân ca Mông hát? Tôi tin chỉ có các nghệ nhân
hát dân ca các dân tộc vùng đồng bằng Bắc Bộ mới phổ thành làn điệu nhưng nghe
sẽ thật xa lạ bởi hình ảnh, câu từ các làn điệu đã từng nghe.
Nói "Tiếng hát làm dâu", bản trường ca của dân tộc
Mông là một câu chuyện bi ai về kiếp sống của người phụ nữ xưa" thì e rằng
chưa thật chính xác. "Tiếng
hát làm dâu" là nhiều bài hát về những số phận của các cô gái làm
dâu, có bản nhân vật không có tên, nhiều bản lại có tên nhân vật rõ ràng: Nàng
Dợ - Chà Tăng; A Thào - Nù Câu, Vừ Chúa Pua… Có người làm dâu khi: "Mẹ
nuôi con lúc tóc mới như lông chim câu/ Đã vội mang thân con gả bán cho người/
Con đảm đương sao đây công việc nhà họ/ Mẹ nuôi con lúc tóc mới như lông con vịt/
Đã gấp đem thân con gả bán cho họ/ Con lo liệu sao nổi công việc nhà người?"
Lại có người phải làm dâu ở nhà có người chồng không tương xứng: "Chị được
ruộng xấu, bờ đắp cũng xấu/ Chị lứa đôi xấu, khiến sai cũng xấu". Hoặc
chồng đã chết, thân góa bụa vẫn phải tiếp phận người làm dâu:
"Người có chồng, cuối năm người ăn tết
Người mặc váy áo đẹp như đi chơi chợ
Ta đây, nhà chồng xem như cái gậy đuổi lợn.
Người có chồng, cuối năm người đi chơi hội
Người mặc váy áo đẹp như đi chơi hội
Ta đây, nhà chồng coi như cái gậy xua gà".
Nghĩa là có rất nhiều dị bản, nhiều số phận, tùy vùng đất
mà người hát, người kể có nội dung khác nhau.
Điều tôi khá băn khoăn là bản dịch chuyển sang song thất lục
bát mà Trần Vân Hạc trích khá xa với nguyên gốc:
"Xuống suối sâu cõng thùng nước sạch
Mẹ chồng chê nước đục, mắng em
Nấu cơm chẳng dám nếm xem
Mẹ chồng chửi: Nó ăn liền ba muôi".
Tôi thấy lạ. Nước sạch bị cho là đục do cách nhìn, kiếm cớ
để mắng, phải chấp nhận đã đành. Nấu cơm đã không dám nếm mà bị vu khống "ăn
liền ba muôi" thì sao mà độc ác thế? Chả lẽ bà mẹ chồng người Mông này muốn
triệt hạ con dâu? Tôi tìm bản dịch của tác giả Doãn Thanh. Hóa ra, câu chuyện
thế này:
"Em về nhà chồng, địu được thùng nước sạch
Mẹ chồng nói là em địu thùng nước đục
Em về nhà chồng, nấu bữa cơm chưa thật chín
Không nếm thì sợ sống
Nếm, mẹ chồng quát:
Con này ăn nếm những ba
thìa to.
Em về nhà chồng, nấu bữa cơm thật dẻo
Không nếm thì sợ sượng
Nếm, mẹ chồng hét:
Con này nếm những ba muôi".
Thì ra vậy. Vì lo chưa thạo việc bếp núc, lo bữa ăn nhà chồng
không được như ý nên cơ sự mới xảy ra nông nỗi. Muốn vu khống cũng phải có cớ.
Dù độc địa đến mấy cũng không thể nói không thành có. Nghe lời kể về nỗi oan
khuất này, người ta càng thương cảm cho cô gái gánh chịu kiếp làm dâu…
Chuyển tiếp một loại hình văn học này sang loại hình văn học
khác, nhiều người, nhiều tác giả đã làm. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du
đâu phải nguyên gốc của tác giả mà vẫn được mọi người đón nhận, sống mãi với thời
gian, dân tộc. Việc chuyển dân ca Mông sang loại hình văn học khác để giới thiệu,
quảng bá, tôi không lạm bàn nhưng nếu coi đó là sự bảo tồn dân ca Mông thì e
khiên cưỡng bởi dân ca có âm luật, cách hát bắt câu, từ phải theo.
Dương Soái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét