Tiếng hát làm dâu (Văn Hóa Tây Bắc)

Kéo vợ. Ảnh minh hoa: Khắc Kiên

"Tiếng hát làm dâu" là một bài ca tự tình than vãn nổi tiếng trong kho tàng văn học dân gian Mông. Cô gái trong bài ca đã có người yêu, nhưng bị cha mẹ bắt đi làm dâu nhà người. Bị hành hạ, nàng đã có lần phải quay về nhà mình, nhưng lại bị nhà chồng đến bắt về, mà cha mẹ cũng không có cách gì chuộc con lại được. Nàng chỉ còn một cách là ăn lá ngón liều thân, cầu mong cùng được chết với người yêu. Tác phẩm "Tiếng hát làm dâu" được sưu tầm năm 1964, do Bùi Lạc và Mạc Phi dịch. Dưới đây là một đoạn trích:


… Làm dâu nhà người
Xay cối đã phồng tay, người nói: “Mày không có lòng!”
Địu nước trầy lưng, người bảo: “Mày không có lòng làm!”
Địu nước đặt lên bàn nghỉ,
Mẹ cha người mắng: “ Mày làm cho cái thùng thủng rồi!”
Địu nước đặt vào bàn nhà,
Mẹ cha người la: “Mày làm nước trong thùng sóng sánh!”
Làm cơm, cơm không lên hơi,
Ôm lấy chõ cơm, em khóc;
Ninh cơm, cơm không chín tới.
Lại ôm chõ cơm, em hờ.
Cầm chiếc môi (1) xúc nếm,
Họ rủa: “Quân chết tiệt, ăn hai, ba môi!”
Cầm chiếc môi xúc thử, tiếng thét vang từ góc trong nhà:
“Đồ chết giẫm, mày ăn hết một chõ cơm to!”

Xách thùng đi lấy nước,
Xuống tới máng nguồn thấy con thuồng luồng to bằng bó cót,
Em yêu sợ run, tóc mười hai lần dựng đứng lên,
Mẹ cha họ chửi: “Ôi, sao thuồng luồng không bắt giúp!”
Xách thùng đi lấy nước,
Xuống tới máng nguồn thấy con thuồng luồng to bằng bó cót,
Em yêu sợ run, tóc dựng đứng lên mười hai lần,
Mẹ cha họ chửi: “Ôi, sao thuồng luồng không cắn giùm!”

Địu nước về tới nơi trời sáng nhưng chưa tỏ,
Nước mắt chảy tràn, ướt hết thành giường,
Nghĩ không nổi, suy không tới, trời sáng tỏ rồi,
Nước mắt em chảy ra, ướt hết góc chiếu,
Trời sáng tỏ rồi, em sắp cơm ăn,
Người lớn cầm lấy môi mắng rằng: “Cơm này không nuốt được!”
Người bé bưng lấy bát cũng mắng rằng: “Cơm này chẳng phải cơm ăn!”
Người lớn ăn xong ném môi xuống,
Em nhặt một chiếc, nhặt hai chiếc mang rửa;
Người bé ăn xong quẳng bát xuống,
Em thu một chiếc, thu hai chiếc đem lau…

… Trời mới vụt ló ra
Trời cũ trở lại cũ (2)
Chín mươi chín giống sâu nằm im,
Tám mươi tám giống chim ở yên,
Sót lại một con kêu buồn như chim cứ cư,
Phận làm dâu như con ngựa trong tàu,
Hí vang, dậm móng, nhìn, cào cột.

Trời mới vụt ló ra
Trời cũ trở lại cũ.
Chín mươi chín giống sâu nằm im,
Tám mươi tám giống chim ở yên,
Sót lại một con kêu buồn như con chim pệ
Phận làm dâu như con ngựa trong tàu,
Hí vang, dậm móng, nhìn, cào cọc,
Trời, con người ơi, bây giờ con làm con dao trong vỏ của người,
Làm súc vật trong chuồng người, làm con dâu nhà người;
Bây giờ em làm con dao bên mình người,
Là súc vật trong chuồng người, là con dâu nhà người.

Trời, con người ạ, vua quan nối dây đồng vào với dây thép
Lễ cưới hỏi của người ai trả được.
Vua quan nối dây đồng vào với dây sắt,
Nhà lạ này nối sợi đay còn vàng vào với sợi đay đã trắng,
Cái lễ cưới hỏi của họ ai trả nổi.
Cọc đã đóng không nhổ cọc,
Thì nhổ nhanh lên thả xuống vực sâu,
Không hủy diệt, không chết đi, còn sống còn nát gan,
Hủy diệt, chết đi, cay đắng cho em một tấm lòng vàng.
Cọc đã đóng không nhổ lên,
Thì nhổ phăng đi ném xuống đồng bằng (3)
Không hủy diệt, không chết đi, còn sống còn nát tim,
Hủy diệt, chết đi, chua xót cho em một tấm lòng bạc,

Lòng này nếu là dây sắn hay là sợi lạt,
Thì giật đứt tung hay hóa thành bươm bướm bay lên che nắng.
Chim pệ mổ hạt thóc,
Đã mổ lại không mổ,
Mổ rồi lại vẫn còn hạt thóc trên nương (4)
Lòng này nếu là dây sắn hay là sợi lạt,
Thì giật đứt phăng hay hóa thành bươm bướm bay tung che mưa…


(1) Môi: cái muôi.
(2) Trời mới tức là năm mới. Khi năm mới đến, trời cũ (năm cũ) đã qua đi, coi như năm cũ quay trở lại với cái cũ của nó.
(3) Ném xuống đồng bằng: cũng như ném xuống vực sâu. Người ở trên núi cao quan niệm đồng bằng là chốn rất xa.

(4) Ý nói một cảnh quẩn quanh trong ngang trái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét