Dương Thuấn - tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam sau 1975 (Tăng Thị Nguyệt Nga)

Nhà thơ Dương Thuấn thuộc thế hệ tác giả sau 1975, xuất hiện và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới. Dương Thuấn là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tày nói riêng và thơ Việt Nam đương đại nói chung. Ông góp vào làng thơ đất Việt một phong cách thơ độc đáo khó lòng trộn lẫn với trường bản sắc quê hương thẩm thấu, xuyên suốt trong từng nét thơ.

Là một nhà thơ người dân tộc thiểu số tiêu biểu giai đoạn sau 1975, Dương Thuấn góp vào thi đàn dân tộc một thành tựu thơ giàu đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc không trộn lẫn. 
1.    Dương Thuấn – nhà thơ dân tộc thiểu số tiêu biểu
Chúng ta đang ra sức nỗ lực xây dựng một nền văn hoá "tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Trong đó việc chú trọng phát triển những giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số, bởi các dân tộc thiểu số là chủ thể của những nền văn hóa độc đáo. Các hoạt động nhằm xây dựng và phát triển các loại hình văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số đã diễn ra ngày một mạnh mẽ. Xét riêng về văn học, đến nay văn học dân tộc thiểu số đang ngày một khẳng định vị trí của mình trong nền văn học Việt Nam. Các văn nghệ sĩ là người các dân tộc thiểu số bước lên văn đàn ngày một đông đảo. Họ sáng tác ở nhiều thể loại như: thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, nghiên cứu phê bình…với những nội dung phong phú theo những phong cách nghệ thuật riêng, đem lại nhiều tác phẩm có giá trị. Đặc biệt thơ dân tộc thiểu số là bộ phận có nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào.

Trước năm 1950, văn học của các dân tộc thiểu số chủ yếu mới chỉ được biết đến với nền văn học dân gian, riêng dân tộc Tày đã có văn học thành văn nhưng chưa được sưu tầm và công bố nhiều. Thơ hiện đại dân tộc thiểu số bắt đầu xuất hiện với một số cây bút nổi bật là Hoàng Đức Hậu (Tày / 1980 - 1945), sau đó là Bàn Tài Đoàn (Dao / 1913 – 2009), Nông Quốc Chấn (Tày / 1923-2002), Nông Minh Châu (Tày / 1924 – 1979). Kể từ đó, thơ dân tộc thiểu số bắt đầu hoà mình vào quỹ đạo chung của thơ Việt Nam và dần được khẳng định.

Những năm gần đây, thơ ca dân tộc thiểu số ngày càng xuất hiện nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng và đã thăng tiến được vai trò, vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà. Có thể kể đại diện một số tên tuổi như: Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Nông Quốc Chấn, Triều Ân, Vi Thị Kim Bình, Y Phương (Tày), Cầm Biêu, Hoàng Nó, Lương Quy Nhân, Vương Trung (Thái), Mã Thế Vinh (Nùng), Bàn Tài Đoàn, Triệu Kim Văn (Dao), YĐiêng, Linh Nga Niêt Đam (Ê Đê), Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý (Mông), Lò Ngân Sủn (Dáy), Vương Anh, Hà Câm Anh (Mường), Pờ Sảo Mìn (Pa Dí), Hơ Vê (Hơ rê),  Lâm Quý (Cao Lan)...
Đặc biệt là thế hệ nhà thơ trưởng thành từ sau 1975 đến nay như:  Dương Thuấn, Mai Liễu, Lương Định, Dương Khâu Luông, Bế Thành Long, Hoàng Chiến Thắng (Tày), Lò Cao Nhum (Thái), Inrasara, Jalau Anưk, T-T. Tuệ Nguyên, Trà Vigia (Chăm), Bùi Tuyết Mai (Mường), Tằng A Tài (Dao)…
Thơ dân tộc thiểu số nhìn chung đều mang vẻ đẹp ở sự diễn đạt giản dị, mộc mạc. Và cho dù viết ở mảng đề tài nào, phản ánh nội dung tư tưởng ra sao thì những trang thơ của các thi sĩ dân tộc thiểu số vẫn tạo được những nét đẹp riêng. Tuy nhiên, đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch, chủ yếu tập trung ở miền núi phía Bắc, càng đi vào Nam càng ít. Đặc biệt thực tế "đang già đi"

Mặt khác, một vấn đề bất cập hơn là hầu hết tác giả dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng Việt. Có nhiều nguyên do của thực trạng này mà không dễ dàng khắc phục như: chính tác giả quên tiếng dân tộc mình, viết ra không có người đọc, không có ai xuất bản, không có ai phát hành, không ai mua... Hiện nay, ngoài Dương Thuấn sáng tác bằng song ngữ Tày-Việt, nhà thơ Triệu Lam Châu và Dương Khâu Luông thỉnh thoảng có sáng tác bằng tiếng Tày, thì hầu như đều dùng tiếng phổ thông. Thực tế này đặt ra nguy cơ "lai căng" trong giọng thơ của các thi sĩ trẻ. Trước thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, câu hỏi làm sao để giữ vững được những nét đẹp bản sắc của các dân tộc thật sự không dễ trả lời. Rất mừng là đầu năm 2010, nhà thơ Dương Thuấn đã "trình làng" một bộ tuyển tập thơ đồ sộ gồm 3 tập song ngữ Tày-Việt rất có giá trị.
Nhà thơ Dương Thuấn thuộc thế hệ tác giả sau 1975, xuất hiện và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới. Dương Thuấn là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tày nói riêng và thơ Việt Nam đương đại nói chung. Ông góp vào làng thơ đất Việt một phong cách thơ độc đáo khó lòng trộn lẫn với trường bản sắc quê hương thẩm thấu, xuyên suốt trong từng nét thơ.
Nhà thơ Dương Thuấn sinh năm 1959, là con trưởng trong một gia đình mười anh em ở Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nơi có hồ Ba Bể, sông Năng, thác Đầu Đẳng, động Puông, núi Phja Bjoóc… phong cảnh hùng vĩ, nên thơ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình ở nơi xa xôi hẻo lánh, lại thêm điều kiện thiếu thốn của trường lớp vùng cao nhưng Dương Thuấn đã may mắn hay nói đúng hơn là đã vượt qua tất cả trở ngại để học hành. Thời đi học cấp I, nhà thơ đã phải học toàn lớp ghép (Ghép lớp 1+2 và 3+4 vì thiếu phòng học). Lên cấp II lại phải đi học xa nhà 6 km luồn rừng, sáng sáng gà gáy là đi, toàn đi bộ, nhiều hôm phải chạy mới kịp giờ học vì thầy giáo rất nghiêm.
Bản Hon chỉ có người Tày, mọi người chỉ nói tiếng Tày nên mãi đến 15 tuổi Dương Thuấn mới tập nói tiếng Kinh. Thế nhưng nghị lực vượt khó cùng niềm say mê học hỏi đã dẫn đường cho Dương Thuấn đến với tri thức nói chung và văn thơ nói riêng.
Cha Dương Thuấn là một người đàn ông cần cù, thương con; mẹ là một phụ nữ hiền thục, đảm đang. Đặc biệt mẹ Dương Thuấn là một người thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ và thường lấy ca dao tục ngữ để dạy bảo con cái. Ngay từ những ngày thơ ấu Dương Thuấn đã được ươm mầm thi ca từ câu hát, lời ru của người mẹ hiền.
Lên rẫy mắc võng vào cành cây
Con em nằm gió đưa lúc lắc
- À ơi, con ngủ cho say
Ngày mai con được hai đấu muỗm
Ngày mai con được một đôi chim sẻ
Chim sẽ đi giặt quần, nhuộm chỉ
Chim sẽ về nhóm bếp, chăn trâu
        (Lên rẫy)

Chính ông đã có lần tâm sự khi được hỏi về cơ duyên đến với thơ rằng: "Vâng, tôi yêu thơ từ khi còn nhỏ. Qua lời ru của mẹ, và những câu chuyện cổ của mẹ, của bà kể. Tôi cảm nhận trái tim của mẹ, của bà là nơi cất dấu nguồn yêu thương vô hạn và chứa đựng cả một kho tàng về văn học dân gian. Tôi nhớ như in những câu Lượn mà mẹ tôi hay hát những lúc lên nương hoặc những đêm trăng sáng: “Tháng giêng hoa mận hoa đào / Tháng hai hoa lê nở trắng / Tháng ba hoa khảo quang dìu dịu thơm…"[1]
Bản Hon – "bản của người có mào" - theo cách nói của nhà thơ - là một bản nhỏ nằm ở chân núi bên bờ dòng sông Năng. Nơi đây con người quanh năm sống hiền hoà cùng núi rừng, bản làng. Vào những dịp lễ tết hoặc vào nhà mới những người trong bản đêm đêm thường hay chụm đầu ngâm fong slư (thơ hát). Cậu bé Dương Thuấn đã bén duyên với lòng say mê văn học từ đó. Mới hơn mười tuổi Dương Thuấn đã biết hát lượn Nàng ơi và thuộc những khúc ngâm fong slư làm say đắm lòng người. Mãi tới bây giờ sức cuốn hút của những điệu ngâm fong slư đó vẫn còn nguyên vẹn những xúc động ngày nào trong thơ Dương Thuấn. Phải chăng vì lẽ đó mà những bài hát, khúc ngâm, mỗi tên đất, tên núi và những người dân bản… luôn là những gì thân thương nhất trong những vần thơ của ông. Đặc biệt là hình ảnh con sông Năng của quê hương chưa bao giờ là cũ đối với Dương Thuấn ("Hát với sông Năng"; “Sông Năng mùa lũ”; "Sông Năng mùa xuân"; "Đi dọc sông Năng"…)
     Dương Thuấn đã dành cho quê hương một tình cảm sâu nặng. Nguồn sữa văn hóa, văn học dân gian đã nuôi lớn tình yêu thi ca trong ông. Cậu học trò Dương Thuấn luôn là học sinh giỏi văn của tỉnh Bắc Thái (Thời đó gộp hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Vào đại học, cơ duyên đã cho nhà thơ gặp gỡ với thầy giáo là nhà văn Vi Hồng (cùng dân tộc Tày). Chính giáo sư Vi Hồng là người đã trực tiếp khơi dậy niềm say mê văn chương ở Dương Thuấn. Năm thứ 2 ở đại học, Dương Thuấn bắt đầu viết truyện ngắn, cũng có in vài truyện và viết nghiên cứu văn học dân gian nhưng sau đó ông chuyển sang làm thơ bởi ông sinh ra là để trở thành một nhà thơ.
Sự nghiệp sáng tác thơ của Dương Thuấn đã bắt đầu với một lý do: "là vì cửa hàng sách lúc ấy không có thơ hay cho con tôi đọc" [2].
Sau này tập thơ đầu tay "Cưỡi ngựa đi săn" viết cho thiếu nhi đã được ông hoàn thiện bản thảo và in khi đang học tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Tập thơ đã được tặng Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992, khi ấy ông chưa phải là hội viên.
Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc, Dương Thuấn trở thành “ông giáo” dạy Văn tại trường cấp III Nà Phặc. Sau 4 năm, ông chuyển sang trường cấp III Ba Bể thêm 3 năm. Năm 1989, với khao khát hiểu thêm về nghề viết, người thầy giáo 29 tuổi đã thi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du. Tại đây ông bắt đầu sáng tác cho người lớn với bài "Lá giầu" là bài thơ đầu tiên. Tốt nghiệp thủ khoa Trường Viết văn Nguyễn Du với tập thơ "Đi tìm bóng núi" được trường chọn in làm quà tặng cho các đại biểu đến dự lễ tốt nghiệp cũng là ngày mít tinh kỷ niệm mười năm thành lập trường. Dương Thuấn đã tạo cho mình một chỗ đứng vững vàng khi ông được giữ ở lại trường công tác.
Năm 1993, Dương Thuấn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1994, ông nhận công việc ở Ban văn học Dân tộc Miền núi. Sau đó ông đảm nhận trọng trách Phó ban rồi Trưởng ban Văn học Dân tộc Miền núi. Công việc chồng chất song không thể làm giảm nhiệt huyết sáng tác trong ông. Đôi chân của Dương Thuấn đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, ra cả Trường Sa và nhiều nước trên thế giới. Thành tựu thơ đã dày nhưng hồn thơ ông vẫn còn rất dạt dào. Con đường thơ phía trước còn dài và còn hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa đối với Dương Thuấn.
2. Thành tựu thơ Dương Thuấn
          Tình yêu thiết tha đối với quê hương xứ sở, với dân tộc đã giúp Dương Thuấn làm nên những áng thơ hay. Là một đại diện xuất sắc của văn học các dân tộc thiểu số, đến nay, Dương Thuấn đã là tác giả của 20 tập thơ, 3 trường ca, trong đó có một số tập thơ tiếng Tày. Đặc biệt nhất là bộ tuyển tập gồm 3 tập thơ dày hai nghìn trang in song ngữ Tày – Việt vô cùng công phu xuất bản năm 2010 là công trình chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:
       *Tuyển tập thơ Dương Thuấn  - Tập I – Bản Hon vạ bại tỉ đai ( Bản Hon và những nơi khác) – Song ngữ Tày – Việt, NXB Hội nhà văn, 2010.
       *Tuyển tập thơ Dương Thuấn – Tập II – Fong slư châư cò (Thơ tình) – Song ngữ Tày – Việt, NXB Hội nhà văn, 2010.
       *Tuyển tập thơ Dương Thuấn – Tập III – (Thơ viết cho thiếu nhi) – Song ngữ Tày – Việt, NXB Hội nhà văn, 2010.
      Nói về bộ tuyển tập này, trên báo Văn nghệ số ra 24-12-2011 nhà thơ Triệu Lam Châu đã viết: "Có thể nói qua tuyển tập thơ song ngữ Tày - Việt đồ sộ này của Dương Thuấn, hiện thực và tâm hồn người miền núi đã được toả sáng với một vầng hào quang mới rất đáng tự hào. Núi non, đất trời lồng lộng của miền cao và nền văn hoá Tày đặc sắc đã kết tinh thành một tiếng thơ Dương Thuấn độc đáo hôm nay".
Ngoài ra, Dương Thuấn còn nghiên cứu văn hóa Tày, viết phê bình, làm chủ biên gần 30 cuốn sách. Với những thành tựu ấy, Dương Thuấn đã dành được rất nhiều giải thưởng văn học cả trong và ngoài nước.
Năm 1986, tặng thưởng của báo Văn nghệ cho chùm thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn đã báo hiệu tương lai rộng mở cho một tài năng thơ.
Năm 1989, Dương Thuấn tạo ra một kỳ tích chưa từng có tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Tập thơ “ Đi tìm bóng núi” làm tác phẩm tốt nghiệp ra trường của ông đã đạt số điểm tối đa 5 điểm 10 của hội đồng ban giám khảo lúc bấy giờ bao gồm năm người là: Cố giáo sư, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến; cố nhà thơ Trinh Đường; cố nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh; nhà thơ Hữu Thỉnh; nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Vĩnh Cư.
 Năm 1992, với tập thơ đầu tay viết cho thiếu nhi "Cưỡi ngựa đi săn", Dương Thuấn đã nhận được Giải A Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam.
Cũng với tác phẩm này, cùng năm Dương Thuấn còn nhận thêm giải Nhất của Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
Nhà thơ Dương Thuấn tâm sự: "Với nghề viết điều tôi tâm niệm là: Đi - Đọc - Ngẫm - Viết. Đi là để biết thêm cuộc sống rộng dài, chiêm nghiệm bản thân. Càng đi sẽ càng hiểu nhiều về dân tộc mình hơn, tránh được ngõ cụt, lối mòn... Đọc là để biết tường tận cổ kim, Đông Tây, cho bụng thêm đầy chữ nghĩa cũng như vốn tri thức của nhiều dân tộc trên thế giới... Ngẫm là để nhận thức đúng về bản thân, so sánh, liên tưởng qua các thời đại, không gian... Cuối cùng là viết về những điều của thực tại thể hiện một cách giản dị nhất, đem lại nhận thức mới mẻ và nâng cao tâm hồn người đọc [trannhuong.com]. Từ tâm niệm đó, Dương Thuấn đã đọc, đã đi, đã viết hết sức nỗ lực, say mê và đã thành công. Sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1993), ông đã lần lượt cho ra đời các tập thơ và liên tiếp nhận được hàng chục các giải thưởng. Năm 2004 Dương Thuấn nhận được giải B Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ "Đêm bên sông yên lặng". Bên cạnh đó, ông còn hai lần liên tiếp được nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân tộc thiểu số Việt Nam cho trường ca "Mười bảy khúc đảo ca",năm 2000 và cho tập thơ “Chia trứng công”, năm 2006. 
Ngoài ra, nhà thơ Dương Thuấn còn được tặng 12 giải thưởng khác của các tổ chức chính trị, xã hội, các cuộc thi thơ do các báo và nhà xuất bản tổ chức như: 2 lần giải thưởng của Trung ương Đoàn phối hợp với Hội nhà văn; Giải thưởng của báo Văn nghệ,Tạp chí Văn nghệ quân đội; Giải thưởng của báo Hải quan; báo Giáo dục thời đại…Giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng; Giải thưởng của Uỷ ban chăm sóc trẻ em…
Một đặc điểm rất đáng yêu ở thơ Dương Thuấn là rất giàu tính nhạc. Bởi thế đã có nhiều bài thơ của ông được các nhạc sỹ Trần Hoàn, An Thuyên và Cầm Phong phổ nhạc như: "Cao Bằng", "Khúc hát cao nguyên", "Đi tìm bóng núi", "Tình ca bên suối", "Lá trầu"...Tất cả những tác phẩm này đã được các ca sỹ nổi tiếng như Bích Việt, Rơ Chăm Pheng, Plong Thiết, Ksim Hoàng Vũ, Nông Xuân Ái…trình bày thành công.
Điểm qua những tác phẩm tiêu biểu của Dương Thuấn có thể thấy tài năng và tinh thần lao động nghệ thuật không mệt mỏi của nhà thơ dân tộc Tày. Sự nỗ lực, lòng đam mê từ thuở nhỏ dành cho thơ của Dương Thuấn đã được khẳng định qua những giải thưởng. Dẫu vậy, Dương Thuấn chưa bao giờ nguôi nhiệt tình sáng tạo. Với ông, viết đã trở thành “một nhu cầu nội tại”. Với trái tim thơ tràn ngập tình yêu cuộc sống, Dương Thuấn sẽ còn sáng tạo cho đời nhiều hơn nữa những tác phẩm thơ giá trị.

3. Dương Thuấn – một phong cách thơ độc đáo
3.1.  Một tiếng thơ đậm đà tình yêu cảnh sắc quê hương
Đến với thơ Dương Thuấn, điều thu hút lôi cuốn đầu tiên đối với tôi là sự mới lạ của một phong cách đậm đà tính dân tộc. Đó là một tiếng thơ thẫm đẫm tình yêu thiên nhiên làng bản. Ông may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng Ba Bể - Bắc Kạn, nơi nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa mến khách,  với câu ca dao từ lâu đã đi vào lòng người “Bắc Cạn có suối đãi vàng / Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Quê hương đã nuôi lớn hồn thơ ông. Ông tự hào về vùng quê yêu mến mà ông gọi là “ xứ Mây”:
Quê tôi núi ngàn cao vời và lớn rộng
Sáng sớm sương trời bay trắng lòng thung
Chiều về từng đàn mây vờn nhau trên cỏ
Xuân đến hoa đào nở đỏ, hoa lê trắng ngần…
 (Quê tôi núi ngàn)

Dương Thuấn có một loạt những bài thơ về con người xứ Mây: "Cô gái xứ Mây"; "Bà mẹ xứ Mây"; "Em bé xứ Mây"; "Người xứ Mây"…Cách gọi tên này nói lên niềm tự hào của ông về quê hương mình. Nơi nhà thơ sinh ra và có một tuổi thơ tươi vui ở vùng cao, bên sườn núi quanh năm mây phủ trắng. Ở đây cây trái bốn mùa tươi tốt vì có khí trời trong mát, lại được dòng nước sông Năng lượn quanh. Đặc biệt vào những lúc bình minh, khi những tia nắng chiếu xuống thì dường như cả bản vẫn còn lẩn quất trong những đám mây hồng, những dải sương mờ. Nếu từ xa nhìn lại sẽ thấy Bản Hon như một vùng tiên cảnh với những nóc nhà sàn thấp thoáng trong sương. Người dân Bản Hon, mỗi sáng sớm thức dậy cùng mây trời, đi lại trong bản mà như đi trên mây, người và mây quấn quýt hoà lẫn trong nhau. Mọi cảnh sinh hoạt hằng ngày đều bắt đầu từ việc cùng mây bước xuống cầu thang…
Trong thơ của mình, Dương Thuấn khắc họa thiên nhiên xứ Mây với vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Ta có thể bắt gặp rất nhiều tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trong thơ ông như: động Puông, thác Đầu Đẳng, hồ Ba Bể, dòng sông Năng, đèo Cửa Gió, núi Đán Khảnh, đèo Bông Lau, ngòi Thia, núi Cơm Chiều, Pù Lọ, Pù Đồn… Tất cả đều được hiện lên  với vẻ đẹp nên thơ của một chốn non nước hữu tình:
Đứng trong mây nhà bốn mái lưa thưa
Con sông Năng chảy lượn vòng qua giữa
(Mùa xuân Bản Hon)

Thiên nhiên Việt Bắc nên thơ và lãng mạn nhưng là vùng đại ngàn rộng lớn thì không thể thiếu sự hùng vĩ. Những ngọn núi nơi đây, mỗi một tên núi lại gắn với một dáng riêng, một vẻ oai nghiêm khác lạ:
Bản Hon có nhiều ngọn núi
Núi Pù Lọ như rồng đang bay
Núi Pù Nam như con voi chiến
Núi Phja Kiệu nhọn như ngọn bút…
         ( Bản Hon)
  Sông Năng thường ngày "Có chỗ lặng lờ cho bản nhà sàn soi bóng" rất thanh lặng và nên thơ. Thế nhưng có những khúc sông quanh co, gấp khúc tạo thành những thác cao, những vực sâu. Đến Bản Hon-Bắc Kạn, còn có thể "phục kích" sự xuất hiện ngoạn mục của Động Puông mà không nơi nào có được:
Gặp dãy núi đá chất ngất chắn ngang
Sông Năng chọc thẳng rồi chui qua
Đưa dòng nước chảy sang phía bên kia
Làm thành một Động Puông cao hũng vĩ…
( Động Puông)

Quê hương là đề tài của nhiều nhà thơ nhưng ít có vùng quê nào hiện lên sinh động, nên thơ như bản Hon trong thơ Dương Thuấn. Nhà sàn thường gắn liền với núi cao, rừng thẳm nhưng ở bản Hon phong cảnh thật vui tươi. Thiên nhiên thường đẹp nhất vào mùa xuân. Mùa xuân Việt Bắc xinh tươi, tràn đầy sức sống được nhà thơ miêu tả với vẻ đẹp rất đặc trưng miền núi:
Tháng giêng mùa xuân tới
Hoa đào xứ Bắc nở tưng bừng
Núi tiếp thung. Rồi lại thung tiếp núi
Sắc đào trong sương sớm long lanh
Sắc đào trải theo núi mông mênh…
                         (Hoa đào xứ Bắc)
Không phải là cành đào, cây đào mà là cả cánh rừng bạt ngàn hoa rực rỡ. Bởi vậy, với Dương Thuấn không nơi đâu đẹp như quê hương mình. Không chỉ đẹp vào mùa xuân, cái xứ "gió ngàn bay" ấy là "Quê hương bốn mùa hoa nở". Sống trong khung cảnh thiên nhiên như thế, con người có biết bao kỉ niệm êm đềm.
Đêm trăng bản nhà sàn say múa
Cô gái quay xa kéo sợi chỉ dài
Buộc con thuyền đêm neo vào bến
Buộc hồn của núi với hồn ai
(Mời anh về Ba Bể)

Bản Hon vào những đêm trăng sáng thật hữu tình. Có sống ở miền núi ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp choáng ngợp, gợi tình quyễn rũ của những đêm trăng. Bản Hon càng đẹp hơn, nên thơ hơn trong những đêm ánh trăng lấp lánh trên mặt sông Năng. Không gian ấy chỉ có là không gian của tình yêu “Những tối trăng vàng em và tôi cùng tắm / Nước sông làm da thịt em trắng thơm tho”. Tình quê càng đậm đà, chân thành qua những lời thơ rất gần với lời ăn tiếng nói của người dân xứ núi đầy chất thơ. Cứ vậy như Dương Thuấn chinh phục bạn đọc bằng cách riêng của mình.
3.2.  Một tiếng thơ dạt dào tình yêu con người quê hương
Quê hương Dương Thuấn không chỉ có phong cảnh hữu tình, mà còn có những con người chất phác, đáng yêu. Lòng hiếu khách của người dân bản Hon được thể hiện đậm chất văn hóa Tày:
Chiếc cầu thang bắc đất thấp lên sàn cao
Khách lạ bước lên đem chum rượu ra mời
Khách về xuống thang cầm tay tiễn biệt
(Cái cầu thang)

Sống giữa núi rừng Việt Bắc rộng lớn, người dân bản Hon mang trong mình đức tính cần cù, sáng tạo đáng quý trong lao động. Hình ảnh tần tảo, siêng năng của cô dâu nhà sàn đã đi vào thơ Dương Thuấn với nét đẹp rất riêng của xứ Mây:
Con dâu nhà sàn dậy sớm nhất mùa đông
Gánh nươc, quét nhà, nắm cơm đi rẫy
Nhớ bao việc được làm, bao điều kiêng cấm
Học nói, học đi, gìn giữ nếp gia đình…
( Con dâu nhà sàn)

Cảnh lao động sản xuất của bà con miền núi đi vào thơ Dương Thuấn thật sinh động, không thể giản dị hơn mà vẫn đầy chất thơ:
Sáng sớm dậy người người ra ruộng
Nào Nà Muổng, Nà Vài, Nà Tẻng
           ( Làm đồng)
Có thể nói đây là cận cảnh cuộc sống và không mấy nên thơ. Ấy vậy nhưng, dưới ngòi bút Dương Thuấn, tất cả vẫn hiện lên đầy chất thơ, thật đáng yêu. Đó chính là cái riêng, cái duyên ngầm làm nên thành công của Dương Thuấn.
Một đức tính quý báu mà Dương Thuấn rất tự hào ở con người dân tộc mình  là tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc đời.
Ở bản Hon tuổi trẻ yêu đời, vui say ca hát hay có những hành động lãng mạn là điều dễ gặp. Tinh thần lạc quan, yêu đời cũng thường trực ở người già, những người kém may mắn như anh mù và chị què… Đối với những khó khăn:
Đến chơi nhà ai cũng vang rộn tiếng cười
Mặc nương rẫy bị trôi trong mùa lũ quét
Đêm giao thừa cùng nâng chén rượu vui
(Tết này về bản cao)
Vượt lên số phận, vượt lên những mất mát do thiên tai gây ra…còn lại đó là niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha của người dân Bản Hon.
3.3. Một tiếng thơ yêu tha thiết bản sắc văn hoá Tày
Đọc thơ Dương Thuấn, ta không chỉ thích thú thưởng ngoạn những cảnh sắc thiên nhiên xứ Mây, làm quen với những con người xứ Mây tuyệt vời mà còn được biết đến một dân tộc Tày giàu truyền thống văn hoá đáng tự hào.
          Vui vẻ hạnh phúc nhất chính là những phong tục cưới hỏi của dân tộc Tày ở vùng Bắc Kạn đã đi vào những trang thơ Dương Thuấn. Ngày các cô gái về nhà chồng là một ngày trọng đại và được chuẩn bị một cách chu đáo từ rất lâu:
Ngày về nhà chồng
Mẹ sắm đủ cho em
Một gối đôi
Một chăn đôi
Một màn đôi
Một chiếu đôi
Bạn bè tặng thêm những chiếc áo trẻ
(Người đàn bà tôi yêu)
Có tình yêu, có sự chấp thuận của hai bên gia đình cùng những lễ vật đầy đủ, điều mọi người trông chờ nhất chính là lễ cưới với những trang phục và phong tục đậm chất văn hóa truyền thống của người Tày:
- Ngày cưới cả bản vắng mừng vui
Cô dâu nón trắng, áo chàm dài
Dây xà tích bên hông sáng loá
Đôi bướm xinh bay trên mũi hài
(Đám cưới trong bản)
Thơ Dương Thuấn có lúc như những ghi nhận về dân tộc học, văn hóa học về phong tục ngày Tết của người Tày, nhưng khác ở chỗ phía sau những dòng thơ tưởng như ghi chép ấy là cuộc sống ấm áp tình người, tình đời.
Đón giao thừa bao giờ cũng là thời điểm linh thiêng nhất trong lễ tết. Đó là thời điểm của sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất.
Giao thừa bên nhau đông đủ
Cả nhà cùng được quây quần
Người đang ở trên dương thế
Cùng người đến từ cõi âm
(Giao thừa)
Sau khi đã tiến hành các nghi lễ cúng bái, người Tày bắt đầu tổ chức các trò chơi, các lễ hội. Và nhắc đến các lễ hội của dân tộc Tày không ai không biết đến một lễ hội mùa xuân rất nổi tiếng là lễ hội Lồng Tồng – lễ hội “Xuống đồng”. Dương Thuấn đã diễn tả ngày hội ấy trong  không khí tưng bừng:
Mùa xuân đến anh lên thăm Ba Bể
Đi hội lồng tồng nghe bao tiếng ca
Có tung còn, đấu bò, đua thuyền, thi hát
Cô gái Tày đang đợi khách xa
(Mời anh về Ba Bể)
 Song song với những phong tục về hôn nhân và lễ tết, theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” người Tày ở Bản Hon cũng có nhiều tục lệ thờ cúng tổ tiên và ma chay độc đáo. Qua thơ Dương Thuấn ta còn biết những tục lệ ma chay rất riêng của người Tày bản Hon. Chẳng hạn như “đám ma nguội” giành cho những người chết ở xa đã lâu ngày chưa được làm ma, chờ đến khi có điều kiện mới làm:
Đám ma nguội không có quan tài
Chỉ lễ đưa linh, ngóng hồn người chết
Tiếng thầy tào gọi vang da diết:
- Xa trăm sông trăm suối hãy về
Cháu trai đội trên đầu khăn trắng
Cháu dâu cầm đuốc đứng soi đón kia…
(Đám ma nguội)
Việt Nam chúng ta có hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những quan niệm, những phong tục lễ nghi riêng của mình. Điều đặc biệt là những phong tục cưới xin, thờ cúng, ma chay hay lễ tết của người Tày lại được Dương Thuấn tái hiện bằng thơ. Điều này cũng thể hiện phong cách riêng của Dương Thuấn, ông luôn tự hào về dân tộc ông.
3. 4. Nghệ thuật thơ đặc sắc
Cả một hồn thơ dạt dào, rộng lớn ẩn chứa trong con người nhà thơ điềm đạm, hiền lành. Đọc thơ để thấy người, thơ ông không tô điểm bằng lắm sắc màu ngôn ngữ và kỹ thuật rối rắm vẫn thường gặp như các nhà thơ khác hiện nay mà ông nghiêng về lối “kể tả” tâm tình hết sức đặc trưng miền núi. Giọng điệu thơ ông không thể lẫn vào đâu được. Thơ ông thiên về trữ tình nhưng lại mang tính triết luận chiêm nghiệm về cuộc sống, về thế thái, nhân tình sâu sắc.. Ông đã nhận thấy sức mạnh ẩn tàng trong nhân dân mình. Không phải ai cũng có được câu thơ như thế này như thơ Dương Thuấn, nếu không có tư duy rất sắc sảo.
 Bàn tay mềm nhuộm chàm khâu áo
 Bàn tay đó sẽ làm thế giới đổi thay
(Bàn tay vươn dài)  
Hoặc khi ông sử dụng biện pháp đối lập để làm nổi bật triết luận về con người “Người đầy chữ thường ít nói, kẻ ít chữ lại hay khoe”. Ông làm thơ với sự thống nhất giữa cụ thể và khái quát, giữa thực và hư, giữa cái phi lý và cái có lý, triết luận và thực tế để tạo cho mình một giọng thơ riêng khắc lòng tạc dạ vào độc giả. Một nhà thơ tài năng bao giờ cũng có ngôn ngữ và tư duy riêng, Dương Thuấn đã thể hiện điều đó rất độc đáo mà người khác sẽ không dễ gì làm được.
Trong thơ Dương Thuấn hay nhắc tới những mốc thời gian khác nhau của cuộc đời. Đặc biệt trong đó ngày “ra đi” và ngày “trở về” được tác giả nói nhiều hơn cả. Thời gian khách quan tuyến tính trôi về phía tương lai còn thời gian nghệ thuật trong thơ Dương Thuấn chủ yếu lại là thời gian ngược hồn thơ mình về tắm trong suối nguồn văn hóa quê hương. Ông là người sống mãi với thời gian, ông cũng thường sử dụng hình ảnh “cơn lũ thời gian” để diễn tả những bước đi vô hình nhưng có sức bào mòn nghiệt ngã.
Cơn lũ thời gian không gì ngăn nổi
Cuốn anh và em chóng tới già
Cuốn tất cả mọi người đi về cõi chết...
(Cơn lũ rừng – cơn lũ thời gian)

Về thể thơ, trong những sáng tác của thi sĩ người Tày này cũng có nhiều nét mới riêng. Sở trường của Dương Thuấn là thơ tự do. Khảo sát các bài thơ viết về Bản Hon của Dương Thuấn ta thấy (401/455 bài thơ tự do, chiếm 88 %). Là thể thơ giúp nhà thơ tha hồ “tỉ mẩn tô vẽ” những nét đẹp quê hương theo đúng điệu cảm nhận của trái tim ông mà không cần phải gò bó giới hạn bởi số lượng câu chữ. Nhà nghiên cứu Hoàng Văn An nhận xét "Dương Thuấn có tài viết thơ tự do, thơ anh phóng khoáng, nhiều hình, nhiều vẻ, có hồn và tạo được đặc sắc riêng của miền núi, của một nhà thơ dân tộc Tày, gây được ấn tượng tốt" [28, tr.125]. Ngoài ra ông còn sử dụng một số thể thơ khác như ngũ ngôn (24 /455 bài chiếm 5.2 % ), thơ bốn câu (22 /455 bài chiếm 4.8 % ), thơ thất ngôn (8/455 bài chiếm 2 %). Thể thơ thất ngôn tuy không nhiều nhưng ở thể thơ này Dương Thuấn rất riêng và độc đáo. Đặc biệt thơ Dương Thuấn thường là rất xúc tích, ngắn gọn. Trong tổng số 455 bài thơ được khảo sát thì có tới 31 bài 8 câu (chiếm 6.8%), 24 bài 6 câu ( chiếm  5.3%), 23 bài 10 câu (chiếm 5.1%), 22 bài 4 câu (chiếm 4.8%), 20 bài 9 câu (chiếm 4.4%), 12 bài 5 câu (chiếm 2.6%), 10 bài 7 câu (chiếm 2.2%), 1 bài 3 câu (chiếm 0.2%). Còn lại 313 bài song cũng không dài, chủ yếu là các bài từ 11 đến 15 câu.
Dương Thuấn là một người con ưu tú của dân tộc Tày ở Bản Hon, Bắc Kạn, ông đã vượt qua bao đèo núi để mang “hồn thơ rộng mở” của mình hòa vào thi đàn Việt Nam đương đại. Ông đã “đi bộ từ núi xuống đồng bằng”, mang theo hành trang là cả một truyền thống văn hóa Tày phong phú cùng biết bao tình yêu thương của những người thân ở Bản Hon. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi còn là học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, Dương Thuấn đã được bạn đọc yêu thơ biết đến từ những tác phẩm đầu tay ấn tượng như bài “Lá giầu” và các tập thơ “Đi tìm bóng núi”, “Cưỡi ngựa đi săn”. Ngay từ khi mới đến với thơ ca, Dương Thuấn nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên thi đàn với nhiều giải thưởng có giá trị. Ông xứng đáng là đại diện xuất sắc của các nhà thơ dân tộc thiểu số và các nhà thơ cả nước thuộc thế hệ thứ ba sau 1975.
Đến với hồn thơ Dương Thuấn là đến với tình yêu ông dành cho Bản Hon của người Tày ở Bắc Kạn. Dương Thuấn đi nhiều, viết nhiều song quê hương luôn là nguồn cảm hứng vô tận và là nỗi trăn trở không nguôi của nhà thơ. Mặc dù đã cùng gia đình chuyển xuống sinh sống và công tác ở thủ đô nhiều năm nhưng trái tim thơ của ông thì còn neo đậu mãi với vùng núi rừng đại ngàn Việt Bắc. Dương Thuấn đến với “nàng thơ” bằng tiếng nói từ một “chàng trai của núi chỉ biết nói lời cho quả sai”. Chàng trai ấy đã góp mặt với thi đàn bằng một phong cách thơ độc đáo, đậm đà bản sắc vùng cao. Những bài thơ của ông là những tình cảm chất chứa cất lên từ tâm khảm của một người con dù đi xa vẫn luôn một lòng đau đáu nhớ quê hương. Dương Thuấn không chạy theo các “mốt thơ” hiện đại cầu kỳ khó hiểu, ông trở về nguồn bằng những vần thơ làm đẹp quê hương. Dưới ngòi bút của ông, cảnh sắc và con người Bản Hon đã đến được với độc giả khắp mọi nơi một cách tự nhiên, gần gũi. Dương Thuấn tự hào mời gọi bạn đọc về thăm Bản Hon quê ông. Nơi đây mãi cất giữ những hoài niệm đẹp cũng như những khát vọng đầu đời của một tâm hồn lắm hoài bão. Tự hào vì chốn sinh ra là một vùng đất núi sông tươi đẹp, ông không bao giờ biết mệt ca ngợi cảnh sắc quê nhà vì vậy ông đã thành công.
Gắn với mảnh đất ấy, núi sông ấy là các thế hệ người Tày. Với tâm thế của một người con quê hương, nhà thơ Dương Thuấn đã rất thành công khi khám phá những nét đẹp của người dân nơi đây. Lối so sánh, ví von hay cách liệt kê các sự vật mang tính vật chất hóa cũng góp phần tạo nên nét đáng yêu riêng của thơ ông.
Hiện nay Dương Thuấn cùng gia đình đang sống ở thủ đô Hà Nội, ông cũng có khá nhiều bài thơ viết thành phố nhưng hồn thơ ông vẫn là của Bản Hon. Ông có một giọng thơ rất đặc sắc nhờ nơi chôn rau cắt rốn với biết bao hồi ức tươi đẹp. Chính đặc điểm này đã quy định những đặc trưng riêng của không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ ông. Đó là không gian được tái tạo từ những kỷ niệm của nhà thơ, là quê hương trong tâm trí tác giả. Thời gian nghệ thuật cũng vì thế lùi về “ngày xưa” theo từng hồi ức của thi sĩ. Nhiều bài thơ được khởi hứng từ hiện tại để từ đó hồn thơ ông về lại những ngày tháng đã qua. Cứ thế thơ Dương Thuấn tuôn chảy theo những ký ức xuyên thấu mọi thời gian và không gian, để hôm nay bạn đọc gần xa được chia sẻ, đồng cảm.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
1. Trần Thị Nương (2009), Thơ Dương Thuấn – Dòng sông Tày chảy mãi…, Báo Dân tộc & Phát triển 19/01/2009
2. Đường Thiên Huệ (2008), Tôi là con trai của rừng cao núi thẳm, (Phỏng vấn),
http://www.vietimes.com.vn/vn/nhietkevanhoa/5976/index.viet

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn Tiến sĩ Tăng Thị Nguyệt Nga đã đồng cảm với nhà thơ.... Cảm ơn nhiều lắm đấy.

    Trả lờiXóa