Độc đáo nhà trình tường của người Lô Lô
Với nhiều nét đặc sắc cổ truyền, bí ẩn, ít
người biết đến, văn hóa dân tộc Lô Lô được ví như một kho báu chưa được khai quật.
Theo tài liệu dân tộc học, hiện nay cả nước
chỉ có khoảng 3.000 hộ dân tộc Lô Lô với dân số trên 10 nghìn người, trong đó
Hà Giang có khoảng 1.000 hộ, Cao Bằng hơn 2.000 hộ tập trung ở 4 xã Kim Cúc, Hồng
Trị, Cô Ba (thuộc huyện Bảo Lạc)
và xã Đức Hạnh thuộc huyện Bảo Lâm; chủ yếu là dân tộc Lô Lô đen. Rất khó tìm hiểu văn hóa người Lô Lô vì họ sống trên núi cao, ngôn ngữ bản địa, truyền khẩu trong cộng đồng.
và xã Đức Hạnh thuộc huyện Bảo Lâm; chủ yếu là dân tộc Lô Lô đen. Rất khó tìm hiểu văn hóa người Lô Lô vì họ sống trên núi cao, ngôn ngữ bản địa, truyền khẩu trong cộng đồng.
Người Lô Lô tiếp khách trong gian giữa ngôi nhà, nồng
ấm bên bếp lửa
Vào bản Lô Lô, từ nhà sàn, hàng rào, chuồng
trại gia súc đều làm bằng đá, gỗ, cây mai, nứa khô. Đặc biệt kỳ công là những
căn nhà sàn rộng 7 gian, lợp 4 mái với nhiều chi tiết đục đẽo công phu. Sự đa dạng,
phong phú của văn hóa dân tộc Lô Lô thể hiện rõ nhất trong lễ cúng “Ma khô”.
“Ma khô” nghĩa là khi chết, người ta không cúng ngay mà phải đợi thêm một thời
gian sau mới tổ chức lễ cúng. Trong lễ cúng “Ma khô”, bảo vật quý nhất của người
Lô Lô là trống đồng cổ mới được đem ra dùng. Trong lễ này, người ta đem từng cặp
trống (trống “đực” và trống “cái”) ra đánh suốt mấy ngày liền. Tiếng trống âm
vang khắp núi rừng, làm cầu nối giữa cõi sống (dương) với cõi chết (âm), dẫn dắt
linh hồn người quá cố về với nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
Người Lô Lô ở Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn dệt
vải thủ công và dùng những bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Ngày nay, mỗi bản Lô Lô có khoảng 4 - 10
đôi trống đồng cổ. Sau lễ cúng “Ma khô”, người ta đem chôn trống đồng xuống đất
để giữ bí mật, chỉ có trưởng tộc biết nơi chôn, khi nào có đám mới lại đào lên
dùng. Nhờ vậy, trống đồng cổ hàng nghìn năm của người Lô Lô vẫn còn lưu truyền
đến bây giờ. Hiện tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Cao Bằng đang trưng bày 11 trống đồng
của người Lô Lô tìm thấy ở Bảo Lâm, Bảo Lạc, thuộc niên đại Đông Sơn cách đây gần
2.000 năm. Đây được xem là văn hóa vật thể có giá trị rất lớn, chứng minh cho
người cổ sớm sinh sống có nền văn minh đồ đồng tại Cao Bằng.
Từ xa xưa người Lô Lô đã có chữ viết
riêng, thường được viết trên da thú và gỗ. Tuy nhiên, những tài liệu này đang mất
dần, chỉ còn sót lại rất ít mà người trẻ cũng không biết đọc. Người Lô Lô có đời
sống văn hóa tinh thần rất cao. Những cụ già ở Khuổi Khon kể: Người xưa bảo từ
khi có trời đất, có con người thì cũng có lời ca tiếng hát. Trong các dịp lễ cưới,
lễ mừng thọ, lễ đặt tên con, mừng nhà mới, trai gái tìm hiểu tình yêu đôi lứa...
đều có hát dân ca và có những bài dân ca riêng cho từng lễ. Người Lô Lô có bài
hát mời khi có khách lạ vào làng. Nếu khách là gái thì trai làng hát mời, nếu
khách là trai thì gái bản hát mời. Những cuộc hát đối ngày lễ thường đông người,
hát thâu đêm đến sáng. Đặc biệt, trong lễ “Ma khô”, thầy cúng đọc những bản trường
ca dài bảy ngày đêm không hết, kết hợp với tiếng trống và những điệu múa uyển
chuyển, nhịp nhàng.
Lễ hội người Lô Lô đen rất độc đáo, có lễ
cầu mưa, lễ thờ thần đá “Mề lồ Pỉ” để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi,
bội thu, cho mọi người khỏe mạnh, sống lâu, hạnh phúc... Ngày lễ hội, thầy cúng
thay mặt dân làng đọc thuộc bài hát tế dài nghìn câu trong 2 - 3 ngày gửi lên
thần linh, xin thần phù hộ cho bản làng. Trong lễ hội có nhiều trò chơi cuốn
hút lòng người. Trên những bãi đất trống đầu làng, trai, gái quấn quýt bên nhau
chơi đánh yến.
Những năm gần đây, văn hóa dân tộc Lô Lô
đen được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng và một vài công trình
nghiên cứu nhỏ song vẫn chưa có một công trình nghiên cứu, bảo tồn nào xứng tầm.
Năm 2011, cuộc sống của người Lô Lô ở Khuổi Khon đã được công chúng Pháp biết tới
khi ngôi sao bóng bầu dục người Pháp Federic Michalak cùng một nhóm nhà làm
phim xây dựng một chương trình truyền hình và phát sóng tại Pháp. Tuor du lịch
cộng đồng Khuổi Khon được hình thành để du khách có thể khám phá văn hóa Lô Lô.
Tiếc rằng tour du lịch này hiện còn rất sơ sài, thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ hạn
chế nên lượng khách còn ít.
Trước xu thế hội nhập hiện nay, văn hóa
dân tộc Lô Lô đang đứng trước nguy cơ lai tạp, thất truyền. Nhiều vụ buôn bán
trống đồng cổ của người Lô Lô qua biên giới đã bị bắt giữ. Kẻ xấu còn đúc trống
đồng mới theo nguyên mẫu cũ rồi gạ gẫm bà con đổi lấy trống đồng Lô Lô cũ đem
đi bán. Trong khi đó, số lượng trống đồng Lô Lô và người biết đánh trống đang
giảm dần; trẻ em học nói tiếng phổ thông nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, không học hát
dân ca, hát nghi lễ nên càng có nguy cơ thất truyền văn hóa. Trước thực tế
trên, các cơ quan quản lý văn hóa cần khẩn trương có biện pháp, việc làm cụ thể
để bảo tồn, phát triển văn hóa Lô Lô, góp phần bảo tồn tính đa dạng văn hóa của
các dân tộc.
Đàm Minh Phượng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét