Trang phục truyền thống của người Xơ Đăng
Khố là một trong những loại trang phục cổ
xưa của các dân tộc bản địa Kon Tum nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số
khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung. Nó là một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để
bọc và che vùng hạ bộ bằng cách luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả mành
mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân.
Chiếc khố gắn với lịch sử, tập quán ăn mặc,
trang phục của nhiều dân tộc. Khố là “cội nguồn” của quần. Trước khi biết đến
“mặc quần”, đàn ông các dân tộc bản địa Kon Tum và các dân tộc thiểu số khu vực
Trường Sơn – Tây Nguyên đều một thời mặc khố. Cùng với thời gian và sự phát triển
kinh tế - xã hội, nên khố không còn sử dụng trong cuộc sống đời thường mà nó chỉ
sử dụng trong các dịp lễ hội của gia đình cũng như cộng đồng làng hoặc được gìn
giữ, bảo tồn thành một di sản văn hóa của tỉnh hay văn hóa vùng.
Mặc dù vậy, đôi khi chúng ta cũng bắt gặp
những ông già trong những chiếc khố truyền thống giữa đời thường ở một số bản
làng xa xôi, nơi còn giữ được những nét hoang sơ truyền thống của núi rừng Kon
Tum.
Chiếc khố là hiện tượng văn hóa phổ biến,
đồng nhất trong đời sống các dân tộc nơi đây. Khố là thuật ngữ mà người Kinh dùng
để chỉ một loại trang phục của cư dân bản địa. Về loại hình thì đều giống nhau,
nhưng mỗi dân tộc đều có tên gọi (K’pen, Toi, Sa Lai, P’neo,...), bố cục và
trang trí hoàn toàn khác, thể hiện rõ những nét đặc trưng và sắc thái văn hóa
riêng của mỗi tộc người. Khố có nhiều loại dài – ngắn khác nhau, trung bình dài
từ 3 – 4,5m và rộng từ 20 – 35cm.
Chiếc khố là một phần quan trọng trong tập
quán ăn mặc của các dân tộc bản địa Kon Tum. Trước đây, khi chưa biết trồng
bông dệt vải, cư dân bản địa đã dùng vỏ cây làm trang phục phục vụ nhu cầu mặc
của mình. Đồng bào thường lấy vỏ các loại cây Tơ nưng, Loong roong, cây gió,
cây nhai…làm nguyên liệu chế tác. Vỏ cây sau khi bóc về, được đập dập rồi đem
ngâm nước vài ngày, sau đó vò và rũ kỹ để lấy sợi, đem giặt sạch phơi khô để chế
tác thành sợi dệt nên những bộ trang phục vỏ cây. Khố vỏ cây dệt đơn giản và
không cầu kỳ như khố dệt bằng sợi bông. Khố làm bằng sợi vỏ cây thường thô ráp,
phần lớn để trơn (màu sợi), chỉ trang trí hai đường chỉ màu đỏ, đen kết hợp với
màu nền ở hai bên mép dọc theo thân khố, hai đầu để thừa sợi tạo thành tua một
cách rất tự nhiên.
Sau này, khố mới được chải chuốt, thêm thắt
bởi sợi bông với các màu sắc khác nhau cùng với các họa tiết hoa văn để làm cho
khố chắc hơn, đẹp hơn. Người dân nơi đây đã biết lấy chất liệu bông để chế biến
thành sợi và dệt thành vải. Bông sau khi thu hoạch về đem phơi nắng khoảng 2-3
ngày. Sau đó, đem vào dùng dụng cụ cán bông để tách hạt ra rồi dùng sa quay sợi
để se thành sợi dệt. Đặc biệt họ lấy mật ong làm một thứ sáp để bôi trơn sợi vải.
Quan niệm như vậy là để tạo cho những bộ trang phục sau khi dệt sẽ bền đẹp hơn
và có màu sắc rất đặc trưng, mùi thơm của vải cũng rất khác lạ. Chính điều đó tạo
nên sự khác biệt rõ nét trên trang phục của các tộc người. Và từ đây mới hình
thành các loại khố khác nhau như khố trắng (Khố trắng có 2 loại: khố dệt bằng sợi
vỏ cây; khố dệt bằng chỉ trắng), khố đen hay chàm sẫm và loại khố thường (không
trang trí hoặc trang trí ít hoa văn), khố lễ (trang trí nhiều màu sắc và các họa
tiết hoa văn khác nhau).
Khố vỏ cây
Dù là loại khố nào thì cũng đòi hỏi dệt,
may rất công phu và tỉ mỉ. Trước tiên là việc chọn sợi, sợi phải là loại tốt, mịn,
đều nhau. Cách nhuộm màu (sợi) còn tỉ mỉ hơn, đồng bào không dùng màu hóa chất
mà phải giã rễ, vỏ và lá cây rừng nấu sôi âm ỉ cả một buổi mới lọc bỏ bã rồi để
khoảng 30 ngày mới cho sợi vào nhuộm. Sợi ngâm xong thì vớt ra phơi khô rồi lấy
vào giặt thử, nếu ra mầu thì phải nhuộm lại, thường phải nhuộm từ 2 -3 lần.
Khố thường
Là loại khố được sử dụng trong các sinh hoạt
hàng ngày cũng như khi đi rừng, đi rẫy. Khố dệt với màu đen hay chàm sẫm là màu
chủ đạo (màu nền), chạy dài hai mép khố là hai dải trang trí nền đỏ, mỗi dải rộng
khoảng 2- 3cm, trên đó phân bố đều 3 dải trắng chạy song hành ở giữa hoặc các dải
đỏ trắng xen kẽ nhau. Phía hai đầu để trống hoặc có dệt mộ dải hoa văn nằm
ngang, cũng là nền đỏ. Đầu cùng để trơn hoặc có một hàng hạt cườm sáng trắng. Từ
đấy buông ra là tua chỉ - đầu cùng của hàng sợi dọc, dài khoảng 25 – 35cm,
không có gia cố gì.
Khố lễ
Là loại khố đẹp và quý thường được sử dụng
trong các dịp lễ hội. Được dệt với kỹ thuật rất cầu kỳ và tinh xảo. Với các sợi
chỉ màu khác nhau trắng, đỏ, đen (chàm sẫm) kết hợp với hạt cườm đã tạo cho khố
toát lên một vẻ đẹp rực rỡ. Loại khố này được dệt các đường diềm màu đỏ ở hai
bên mép và chính giữa chạy dọc theo thân khố, ở hai đầu khố (dài khoảng 50cm)
được dệt các dải băng màu đỏ sặc sỡ ngang thân khố, mỗi dải rộng từ 2 – 3cm và
để thừa sợi khoảng 10 - 20cm để tạo thành các tua chỉ. Giữa các dải băng này được
để trơn (màu nền) hoặc được đính thêm các hạt cườm màu trắng, đỏ, xanh chàm tạo
nên các họa tiết họa văn khác nhau, như đường thẳng và vạch đứng song song,
hình thoi, tam giác, ngôi sao cách điệu, rau dớn, gấp khúc, trám lồng...Các hạt
cườm ở đây được đính một cách rất khéo léo và trang trí rất hài hòa và nó trở
thành một phần không thể thiếu trên chiếc khố. Cuối hai đầu khố để sợi, hoặc
đính hạt cườm rồi buông ra là tua chỉ - đầu cùng của hàng sợi dọc, dài khoảng
20 – 25cm, không có gia cố thêm gì.
Chiếc khố không chỉ là vật để che thân, mà
nó còn là vật trang trí, làm đẹp cho con người. Quấn chiếc khố này khi đi dự lễ
hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ cho gia đình. Khi người
chồng đóng loại khố này đi tham gia lễ hội bà con ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt,
biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm thành hoa văn…Bên cạnh giá trị về tinh
thần, chiếc khố còn có giá trị lớn về mặt vật chất. Người ta làm ra khố để đổi
lấy những vật ngang giá khác. Người phụ nữ giỏi giang, cả nhà không chỉ được mặc
đẹp mà còn có cuộc sống ấm no. Nếu chiếc khố thường chỉ đổi được mấy con gà,
con heo, thì chiếc khố lễ đẹp nhất đổi được con trâu to, chiếc khố lễ đẹp vừa đổi
được 3 ché nhỏ hoặc 3-4 con heo.
Khố
- một di sản văn hóa vật chất từ xưa còn tồn tại đến ngày nay là hiện vật sống
của mảnh đất Kon Tum hùng vĩ. Khố là bộ phận của văn hóa trang phục. Trong nền
xanh của núi, nền xanh của chàm cùng với những sắc màu thổ cẩm rực rỡ và hoa
văn tinh tế, phụ nữ nơi đây đã dệt nên những chiếc khố tôn lên vẻ đẹp của con
người trước thiên nhiên. Họ đã sử dụng biện pháp gắn hạt cườm lên khố mang vẻ đẹp độc đáo nhưng đầy tính biểu
tượng. Nền thổ cẩm rực rỡ ở đầu khố được sáng lấp loáng nhờ những hạt cườm trắng
với hoa văn tinh xảo càng làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khố. Bằng sự khéo léo
của đôi bàn tay và những bí quyết đời trước để lại, phụ nữ các dân tộc bản địa
đã “vẽ” lên những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trên từng chiếc khố.
Dù vậy, đã có lúc chiếc khố bị xem là hình
ảnh của sự nghèo nàn, lạc hậu, vì thế loại hình trang phục này dần mất đi. Cũng
may, hầu hết các dân tộc bản địa Kon Tum còn bảo lưu chiếc khố truyền thống của
mình, nhưng nó không còn sử dụng trong cuộc sống đời thường nữa, mà chỉ sử dụng
trong các dịp lễ hội của gia đình, cộng đồng làng, thậm chí diễu hành trên phố,
biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ nghi trang trọng,…của tỉnh và đất nước.
Khi xã hội xuất hiện các kiểu trang phục “nửa dơi nửa chuột” (áo dân tộc, quần
tây) hay chế tác ra những chiếc “khố văn công”… thì việc giữ gìn, trân trọng
chiếc khố truyền thống như một di sản mang dấu ấn cổ xưa nhất của tiền nhân là
việc làm cần thiết và cấp bách. Để cứ mỗi độ xuân về, mùa lễ hội, các già làng,
trai tráng các dân tộc bản địa lại hãnh diện trong những chiếc khố làm rực rỡ
thêm sắc màu văn hóa cổ truyền Kon Tum.
Dương Tường(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét