Dân tộc Lô Lô (Đặng Xuân Thắng)

Dân tộc Lô Lô (theo cách gọi ở Việt Nam và Thái Lan) hay ngườiDi theo cách gọi ở Trung Quốc (tiếng Trung: 彝族, bính âm: Yìzú, âm Hán Việt: Di tộc), Mùn Di, Màn Di, La La, Qua La, Ô Man, Lu Lộc Màn, là một trong số 54 dân tộc của Việt Nam, cũng là một trong số các dân tộc thiểu số của Thái Lan, Lào và Trung Hoa.
Dân tộc Lô Lô có nguồn gốc là dân tộc của Vương quốc Nam Chiếu, sinh sống ở vùng Tứ Xuyên, Trung Hoa. Căn cứ theo tài liệu sử sách, sau khi Vương quốc Nam Chiếu suy tàn, một nhóm dân tộc Nam Chiếu đã di cư sang Việt Nam. Nhóm dân tộc Nam Chiếu này chính là tổ tiên của người Lô Lô ở Việt Nam ngày nay.


Bản đồ Vương quốc Nam Chiếu (南詔).

Vương quốc Nam Chiếu, hay Nàn Cháo (tiếng Trung phồn thể: 南詔, giản thể: 南诏, bính âm: Nánzhāo, cách đọc khác: Nanchao, Nan Chao) là vương quốc của người Bạch và người Di đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á trong thế kỷ 8 – thế kỷ 9. Vương quốc Nam Chiếu nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay của Trung Hoa.
Nguyên thủy, ở đây có một vài bộ lạc của người Bạch sinh sống bằng nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhĩ Hải. Mỗi một bộ lạc là một “vương quốc” riêng biệt, được gọi là “chiếu“. Người ta nói rằng đã từng có “Lục chiếu” là:
– Mông Huề Chiếu
– Việt Tích Chiếu
– Lãng Khung Chiếu
– Đằng Đạm Chiếu
– Thi Lãng Chiếu
– Mông Xá Chiếu
Mông Xá Chiếu ở về phía Nam nên còn được gọi là Nam Chiếu.
Năm 737 đời vua Huyền Tông nhà Đường ở Trung Hoa, với sự hỗ trợ của quân đội nhà Đường, Mông Bì La Các (tức Bì La Cáp) là đại chiếu của Mông Xá Chiếu đã lần lượt thống nhất lục chiếu, thành lập ra một vương quốc mới, gọi là Nam Chiếu. Về việc này “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có chép:
“Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Quy Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn…Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông quốc rồi lại đổi là Đại Lễ…”

Châu Á vào khoảng năm 800, Vương quốc Nam Chiếu và các quốc gia lân bang.Châu Á vào khoảng năm 800, Vương quốc Nam Chiếu và các quốc gia lân bang.

Vương quốc Nam Chiếu duy trì một mối quan hệ mật thiết với nhà Đường, và chính quyền Nam Chiếu là của hai tộc người Bạch và Di. Một số nhà sử học còn cho rằng phần lớn dân cư là người Bạch, nhưng cầm quyền lại là người Di. Thủ đô của vương quốc này được thành lập năm 738 ở Thái Hòa (ngày nay là làng Thái Hòa, cách thành cổ Đại Lý [Dàlǐ-Dali] vài dặm về phía Nam). Nằm ở trung tâm của thung lũng Nhĩ Hải, khu vực này khi đó là lý tưởng: nó giúp cho người ta dễ dàng chống lại các cuộc tấn công và nó nằm giữa một khu vực đất đai nông nghiệp màu mỡ.
Dân cư vùng phía Tây và Tây nam Nam Chiếu có lẽ phần lớn là các tộc người gốc Tây Tạng như Bạch, người Di (Lolo và La Hủ), phía đông nam có lẽ là người Thái gốc Nam Việt mới di cư đến (sau khi thành Phiên Ngung thất thủ) và Miêu (Hmong), Dao. Tuy nhiên, tên các vua Nam Chiếu cho thấy có lẽ họ không phải là người Thái, vì họ đặt tên theo cách dùng âm tiết cuối của tên cha để bắt đầu tên con, phổ biến trong người Lolo và các nhóm Tạng-Miến khác nhưng không phổ biến trong người Thái. Cũng như vậy, có nhiều từ Nam Chiếu được ghi lại được xác định là ngôn ngữ Lolo, và không có trong từ vựng Thái.
Năm 750, Nam Chiếu nổi lên chống lại nhà Đường. Để trả đũa, nhà Đường đem quân đội đến chống lại Nam Chiếu năm 751, nhưng đội quân này đã bị đánh bại ở Hạ Quan (Xiaguan). (Cùng năm này nhà Đường còn chịu một thất bại khác rất nặng nề dưới tay của người Ả Rập trong Trận chiến Talas ở Trung Á; các thất bại này đã làm nhà Đường suy yếu cả trong lẫn ngoài). Ngày nay mồ tướng (2 km về phía tây Hạ Quan), và mả vạn binh (trong công viên Thiên Bảo) là chứng tích cho thảm bại này. Năm 754 nhà Đường lại đem quân đội sang đánh, lần này từ phía bắc, nhưng cũng bị thất bại.
Được lợi từ những thành công này, Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên là vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam ngày nay, xuống phía bắc Lào và Thái Lan, và sau đó về phía bắc tới Tứ Xuyên. Năm 764, Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai tại Côn Minh với một bộ máy hành chính quan lại rất hoàn chỉnh.

Năm 1142   Đại Lý  (xanh lam), Nam Tống  (vàng), Kim (xám tro), Tây Hạ (xanh da trời),  Tây Liêu (xanh lá cây).Năm 1142 – Đại Lý (xanh lam), Nam Tống (vàng), Kim (xám tro), Tây Hạ (xanh da trời), Tây Liêu (xanh lá cây).

Năm 829, Thành Đô đã bị quân Nam Chiếu chiếm đóng; nó đã là một phần thưởng lớn, vì nó làm cho Nam Chiếu có khả năng đánh chiếm toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên với những cánh đồng màu mỡ. Điều này là quá nhiều đối với người Trung Hoa, họ đã không mất nhiều thời gian để phản công.
Nam Chiếu cũng đã từng xâm chiếm An Nam (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ những năm 858 tới năm 866. Về việc này, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép (lược trích lại):
“Mậu Dần, 858, (Đường Đại Trung, năm thứ 12). Mùa xuân, người Nam Chiếu kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền. Vương Thức khi đó là Giao Châu kinh lược đô hộ sứ, sai người đến dụ, chỉ một đêm người Nam Chiếu lại kéo đi. Nguyên nhân do đô hộ Lý Trác tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới. Tháng 5 năm ấy, người Nam Chiếu đến cướp, Thức đánh lui được.”
Canh Thìn, 860, (Đường Ý Tông, Thôi Hàm Thông, năm thứ 1). Mùa đông, tháng 12, ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn 30.000 người, đánh chiếm phủ trị.
Tân Tỵ, 861, (Đường Hàm Thông, năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường phát quân Ung, Quản và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam Chiếu. Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương Giao Châu đánh bọn Nam Chiếu, lấy lại được phủ thành.
Nhâm Ngọ, 862, (Đường Hàm Thông, năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại 30.000, giao cho Tập để chống cự. Yếu thế, quân Nam Chiếu rút lui.
Mùa đông, tháng 10, Nam Chiếu đem 50.000 người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam 2.000 người và nghĩa chinh ở Quế Quản 3.000 người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu Sái Tập. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem 1.000 quân cung nỏ sang cứu.

Trống đồng người Lô Lô.

Quý Mùi, 863, (Đường Hàm Thông, năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người. Khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu. Người Di Lão ở các khe động đều hàng phục cả. Vua Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu.
Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.
Ất Dậu, 865, (Đường Hàm Thông, năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn. Biền đem hơn 5.000 quân vượt biển đi trước. Tháng 9, Biền đến Nam Định, Phong Châu, quân Man gần 50.000 đương gặt lúa, Biền ập đến đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt để nuôi quân.
Bính Tuất, 866, (Đường Hàm Thông, năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống Giao Châu. Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người.”
Ngoài ra, Nam Chiếu cũng đã nhiều lần tấn công Myanma. Từ giữa thế kỷ thứ 8 cho tới cuối thế kỷ thứ 9, Nam Chiếu là một cường quốc trong vùng nam Trung Hoa, bắc Đông Nam Á. Nó liên tục gây sức ép quân sự lên Các thị quốc Pyu ở miền trung Miến Điện bây giờ, quân Nam Chiếu đánh tới tận miền nam Miến Điện và miền bắc Thái Lan đầu thế kỷ thứ 9, mở cuộc viễn chinh đánh Chân Lạp và ghi lại là họ đã tiến tới tận bờ biển, liên tiếp tiến công vào An Nam đô hộ phủ thuộc nhà Đường trong khoảng thời gian 846-866. Đây là thời kỳ sức mạnh Nam Chiếu đạt đến đỉnh điểm, rồi dần suy đi, trước sức ép của Trung Hoa đang cường thịnh trở lại, và Việt Nam giành được độc lập.
Năm 873, Nam Chiếu bị đuổi khỏi Tứ Xuyên và bị đẩy lùi về Vân Nam. Việc chiếm đóng Thành Đô là mốc đỉnh cao của nhà Nam Chiếu, từ đó trở đi vương quốc Nam Chiếu bắt đầu suy yếu. Tới nửa sau thế kỷ 9, Nam Chiếu chỉ còn duy trì ảnh hưởng của mình ở vùng tây nam Trung Hoa, sau hàng thập kỷ chiến tranh liên tục. Tình hình chính trị nội bộ của Nam Chiếu cũng không ổn định với việc có tới 13 vua lên ngôi trong vòng 120 năm tiếp đó, và không ai trong số họ quan tâm đến việc bành trướng thế lực về phía nam nữa.
Năm 902, triều đại Nam Chiếu bị lật đổ, và sau đó là 3 triều đại kế tiếp nhau cho đến khi Đoàn Tư Bình nắm quyền năm 937 để thành lập ra Vương quốc Đại Lý.

Nước Đại Lý năm 1142.Nước Đại Lý năm 1142.

Vương quốc Đại Lý (大理 pinyin: Dàlǐ [Dali]) là sự kế tiếp của Vương quốc Nam Chiếu, đã suy tàn từ năm 902. Có ba triều đại kế tiếp nhau là Đại Trường Hòa, Đại Thiên Hưng (Hưng Nguyên) và Đại Nghĩa Ninh đã tồn tại sau khi Nam Chiếu bị suy vong cho đến khi Đoàn Tư Bình chiếm được quyền hành năm 937 và thiết lập ra vương quốc Đại Lý.
Nước Đại Lý kéo dài 316 năm với 22 đời vua trong đó có 10 người bỏ ngôi đi tu. Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo nhiều du binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.
Vương triều Đại Lý kết thúc sau khi tỉnh Vân Nam được thành lập và khu vực này từ đó trở thành một bộ phận của Trung Hoa kể từ năm 1274.
***
Người Lô Lô thờ tổ tiên là chính. Họ theo tín ngưỡng coi mọi vật đều có linh hồn. Đứng đầu dòng họ là Thầu chú (Bimaw). Ông này phụ trách việc cúng bái và duy trì tục lệ của dòng họ. Họ vẫn còn giữ được một vài văn bản tôn giáo cổ viết bằng một thứ chữ tượng hình của họ. Tôn giáo của họ cũng mang nhiều yếu tố của Đạo giáo và đạo Phật. Tang ma có nhiều lễ thức độc đáo như hoá trang, nhảy múa, đánh lộn…
Người Lô Lô có nhiều dòng họ. Người trong dòng họ thường cộng cư với nhau thành một làng. Người Lô Lô thường lập làng ở lưng chừng núi, nhưng gần nguồn nước. Nhà cửa ở khá tập trung, mỗi làng từ 20 đến 25 nóc nhà. Người Lô Lô có 3 loại nhà khác nhau: nhà đất, nhà sàn nửa đất và nhà sàn.
Trang phục Lô Lô phong phú về chủng loại, kỹ thuật tạo dáng áo và độc đáo về phong cách mỹ thuật, khó lẫn lộn với bất cứ tộc người nào.
Nam giới Lô Lô thường mặc áo xẻ nách năm thân dài tới gối, màu chàm. Quần cũng là loại xẻ dùng màu chàm. Trong đám tang mặc áo dài xẻ nách, trang trí hoa văn sặc sỡ theo từng chi và dòng họ.
Phụ nữ Lô Lô để tóc dài quấn ngang đầu. Bên cạnh đó họ còn dùng khăn quấn thành nhiều lớp trên đầu hoặc đội. Khăn cũng được trang trí các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ. Ngoài ra còn có loại mũ khăn trang trí hoa văn theo lối ghép vải – một phong cách mỹ thuật khá điển hình của cư dân Tạng-Miến. Các nhóm Lô Lô ăn mặc khác nhau. Xưa người Lô Lô phổ biến loại áo dài cổ vuông, tay dài, chui đầu (vùng Bảo Lạc, Cao Bằng), hoặc loại áo ngắn thân cổ vuông, ống tay áo nối vào thân, có thể tháo ra. Cạnh đó còn có loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, cổ cao, tròn cài cúc. Nhóm Lô Lô trắng có áo dài lửng ống tay rộng, xẻ nách cao, theo kiểu đuôi tôm, cổ áo gấu áo trước và sau được trang trí hoa văn trên nền sáng; hoặc còn có loại tương tự màu chàm nhưng ít trang trí hoa văn. Váy là loại kín (hình ống). Cạp váy chỉ dùng để dắt váy, dưới cạp được chiết ly, thân váy được thêu, ghép hoa sặc sỡ. Bên ngoài còn có tấm choàng váy, hai mép và phía dưới được trang trí hoa văn. Có nhóm mặc quần, đi giày vải.
Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ… Cách bố trí hoa văn trên khăn áo, váy, quần có nét riêng biệt rất sặc sỡ.
Lịch của người Lô Lô chia một năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một con vật.
Người Lô Lô có trống đồng, được bảo quản bằng cách chôn xuống đất và chỉ khi nào sử dụng mới đào lên. Tộc trưởng của mỗi họ là người được giữ trống. Trống chỉ được dùng trong các đám tang hoặc đánh để giữ nhịp cho các điệu nhảy múa. Họ là một trong số ít các dân tộc ở Việt Nam hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Theo huyền thoại thì ngày xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.
Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống. Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.

Người Lô Lô vốn là cư dân của quốc gia Nam Chiếu, sinh sống ở vùng lòng chảo Tứ Xuyên, Trung Hoa. Ảnh KT

Nguồn gốc người Lô Lô
Bạn sẽ ngỡ ngàng khi gặp những cô gái da trắng, mũi thẳng, xinh đẹp trong bộ váy áo sặc sỡ với những hoa văn hình tam giác, đi bên cạnh là những chàng trai trán cao, mặt vuông, khỏe mạnh. Đó chính là những chàng trai, cô gái Lô Lô.
Liên quan đến dáng vẻ của người Lô Lô, ông Lò Giàng Páo, người Lô Lô (quê ở thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), hiện là Phó Viện trưởng Viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) giải thích: “Người Lô Lô trán cao, mũi thẳng, hay cười. Đấy là Lô Lô đấy. Khởi thủy, vùng Tứ Xuyên sông nước, quê của tộc người này, sau lai với người Tạng, người Miến, sau này di cư xuống mạn dưới là người Khương, người Hoa, cả người Kinh nữa. Được sống ở không gian thoải mái, không khí tốt lành, người ta không phải nghĩ chuyện gì lớn lắm nên tính cách, nhân dạng người Lô Lô mới như vậy. Làng bản là quốc gia thu nhỏ”.
Người Lô Lô ở Việt Nam có quan hệ nguồn gốc thân thích với người Di ở Trung Quốc. Tuy vẫn còn tranh luận về thời điểm người Lô Lô đến Việt Nam, nhưng theo tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Trưởng phòng Dân tộc học và Nhân học (Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) các nhà dân tộc học đều thống nhất: “Người Lô Lô thuộc ngữ tộc Tạng – Miến, ngữ hệ Hán – Tạng. Đấy là cộng đồng cư dân sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Khác biệt dễ nhận thấy nhất là người Lô Lô vốn là cư dân sống ở miền núi. Sau rất nhiều biến động lịch sử ở miền Tây Nam Trung Quốc thì họ di cư đến Việt Nam, trở thành cư dân của Việt Nam. Sống ở miền núi, cách ứng xử của họ dựa trên kinh nghiệm, tri thức thích ứng được với vùng cao núi đá”.

Người Lô Lô có mặt ở 30 tỉnh thành, nhưng sống tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Ảnh KT

Người Lô Lô vốn là cư dân của quốc gia Nam Chiếu, sinh sống ở vùng lòng chảo Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo một số tài liệu, sau khi quốc gia Nam Chiếu loạn lạc, một số cư dân đã di cư sang Việt Nam. Đó là tổ tiên của người Lô Lô ở Việt Nam ngày nay.
Tuy nhiên, theo ông Lò Giàng Páo thì người Lô Lô đã có mặt ở Hà Nội vào thế kỷ thứ 8, thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa người Nam Chiếu và người Hán. Thời kỳ này, nước ta là một quận của nhà Đường, tên là quận Giao Châu, dưới sự cai quản của tiết độ sứ người Hán là Cao Biền. Hà Nội ngày nay vẫn còn một số địa danh liên quan đến sự có mặt của người Lô Lô thời bấy giờ: “Người Lô Lô xuống phía Nam, xuống tận Hà Nội, phủ Long Thành vào thế kỷ thứ 8. Bởi vì, Cao Biền đắp đê La Thành, hiện nay ta gọi là đường La Thành ấy, trước đây là thành lũy Cao Biền đắp để chống lại giặc Lô Lô, giặc Nam Chiếu. Cao Biền đắp xong tường thành để chống lại giặc Lô Lô rồi thì sau này ông ấy mới dựng đền thờ Bạch Mã ở Hàng Buồm. Người Lô Lô ở đây phải đến 10 năm. Thời kỳ này, người Lô Lô không thể chống lại được quân Cao Biền, lại trở về vùng biên viễn dần dần”.

Trong đám ma của người Lô Lô ở Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), ở Bảo Lạc (Cao Bằng) ngày nay, người ta vẫn hát những bài mo đưa đường để tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia. Những con đường, những miền đất mà người Lô Lô đã đi qua trên hành trình tới định canh ở Hà Giang, Cao Bằng lần lượt xuất hiện trong bài ca đưa đường. Những địa danh ấy dù không cụ thể, rõ ràng, do sự biến đổi thời gian và trí nhớ con người có hạn, song, nó nhắc người Lô Lô nhớ về nguồn cội dân tộc mình.

Trống đồng của người Lô Lô.

TRỐNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI LÔ LÔ
Dân tộc Lô Lô ở Hà Giang có gần 4.000 người sinh sống tập trung ở các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Trà (huyện Đồng Văn) và các xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc). Là một dân tộc có dân số thuộc loại ít ở nước ta nhưng dân tộc Lô Lô có chiều dày lịch sử và truyền thống văn hóa khá rực rỡ. Văn hóa Lô Lô có những dấu son đậm nét, tiêu biểu là trống đồng Lô Lô – một loại hiện vật tuyệt vời, hiện hữu còn tồn tại mà âm thanh rền vang của nó là tiếng nói hùng hồn của truyền thống văn hóa rực rỡ từ ngàn xưa để lại.
Trước đây, mỗi dòng họ Lô Lô thường có một bộ trống đồng do người trưởng họ giữ và bảo quản bằng cách chôn xuống đất, vì họ sợ để trên mặt đất dễ bị mất cắp. Trống đồng là vật quý nhất của dòng họ và không phải dòng họ Lô Lô nào cũng có.
Người Lô Lô thường quan niệm rằng: Từ thuở có trời, có đất là có trồng đồng. Trống đồng Lô Lô thường được thiết kế cao 37cm, đường kính mặt rộng 61cm, đường kính chân trống 56cm. Trống được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi; có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu.

Trống đồng Lô Lô là hiện vật tiêu biểu cho văn hóa rực rỡ của dân tộc Lô Lô.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhìn kỹ nét hoa văn trên mặt trống đồng của người Lô Lô sẽ có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc này. Một điểm khác biệt giữa trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống.
Những cụ già người Lô Lô cho rằng, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người và được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời – mẹ Đất, người Lô Lô cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ; chính vì vậy, hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, còn những tia trống là những con mắt của trời, các vành hoa văn xung quanh trống là các hành tinh vây quanh mặt trời.

Ngày xưa, mỗi dòng họ Lô Lô thường có một bộ trống đồng dùng vào việc tang tế và gõ trống nhảy múa nhân dịp tết tháng Bảy. Mỗi bộ trống đồng Lô Lô gồm có hai chiếc: trống đực và trống cái; chiếc trống cái bao giờ cũng to hơn chiếc trống đực. Trong lễ tế trời, người Lô Lô dùng trống mồ dảnh (trống trời), lễ cúng thổ thần dùng trống po dảnh (trống ếch) và trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh.

Trống đồng luôn được người Lô Lô giữ gìn và bảo quản.

Khi sử dụng trống đồng Lô Lô, người ta phải mời Thầu Chư là người trưởng dòng tộc ra cúng làm lễ xin phép tổ tiên. Đồng bào thường dùng trống cặp đôi: hai cái một lần. Khi đánh trống, người ta treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau. Người Lô Lô dùng củ rừng gần giống với củ chuối làm dùi đánh trống để trống khỏi bị hỏng. Tiếng trống giữ nhịp cho các điệu múa dân gian rộng rãi không phân biệt giới tính, lứa tuổi, số người.
Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống. Âm hưởng trầm vang của trống đồng đã đi vào tình cảm, vào phong tục tập quán và in cả dấu ấn trong dân ca của họ. Một điều đặc biệt là không phải người Lô Lô nào cũng được đánh trống, người đánh trống phải được dòng tộc lựa chọn, đó là những người thanh niên trai tráng khỏe mạnh chưa có vợ hoặc nếu có vợ thì người vợ phải không trong thời kỳ mang thai. Sau khi trống dùng xong, bà con dân tộc Lô Lô lại bí mật đem chôn trống giấu ở một nơi kín đáo, sạch sẽ, mặt trống để xuống dưới, chân trống lên trên rồi lấp đất lên.
Trống đồng luôn được bà con dân tộc Lô Lô xem như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc. Thế nhưng thời gian trôi đi, hiện trống đồng của người Lô Lô còn giữ lại rất ít.

Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ Cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang
Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô được tổ chức nhằm mục đích cầu mong các vị thần linh phù hộ cho trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mong cho cuộc sống của người dân trong thôn bản được đầy đủ, sung túc.
Với gần 2000 người, dân tộc Lô Lô sinh sống chủ yếu ở các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là (huyện Đồng Văn) và xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc), tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội nhảy cây (hay còn gọi là lễ hội mùa xuân, thường được tổ chức vào ngày 25 tháng chạp năm trước đến hết rằm tháng giêng năm sau); lễ hội hái ngô được tổ chức vào dịp tết cổ truyền. Nổi bật nhất là lễ hội cầu mưa.
Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô thường được tổ chức vào những năm thời tiết khắc nghiệt và tổ chức vào các ngày 15,17, 19 tháng 3 âm lịch hàng năm tại địa điểm sinh hoạt cộng đồng dân tộc Lô Lô.
Trong ngày lễ hội, bà con trong làng cùng nhau chuẩn bị đồ để tế lễ trong lễ hội bao gồm 1 con gà trống, 2 con chó, 1 thanh kiếm bằng gỗ hoặc sắt, 1 bát nước, 4 chén rượu; 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho 4 phương trời, cùng với hương, giấy vàng, bạc. Một vật tế lễ cầu mưa không thể thiếu được trong tất cả các lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô đó là trống đồng và nhị.

Thầy cúng làm lễ.

Người Lô Lô cho rằng từ thuở có trời, có đất là có trống đồng. Trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời – mẹ Đất, họ cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ. Trong dịp lễ hội, lễ tế trời, lễ hội cầu mưa, người Lô Lô dùng trống mồ dảnh (trống trời). Mỗi bộ gồm 2 chiếc: trống đực và trống cái, trống đồng như báu vật linh thiêng của cha ông để lại. Chiếc nhị của người Lô Lô cũng khá độc đáo, chiếc nhị thường to gấp 3-4 lần so với chiếc nhị của người Kinh. Mỗi phần lễ trong lễ hội cầu mưa của người Lô Lô phải tiến hành trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ.
Những người làm lễ gồm 1 thầy cúng chính và 4 người giúp việc (đều là nam giới). Đến gần ngày tổ chức buổi lễ, thầy cúng mời dân làng tập trung tại sân nhà văn hóa cộng đồng thông báo với bà con về Lễ hội cầu mưa và cắt cử những người tham gia làm lễ.
Buổi lễ bắt đầu, những người giúp việc tiến hành cắt tiết chó, gà rồi để nguyên cả con bày lên một chiếc mẹt to. Thầy cúng sẽ tiến hành cúng lần 1 mời thần linh 4 phương trời chứng giám buổi Lễ cầu mưa của dân làng xin thần linh 4 phương trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt.

Vui chơi trong lễ hội.

Sau đó, thầy cúng giao lại chó và gà cho người giúp việc mang đi làm lông sơ chế, chế biến… Sau khi chế biến xong, người giúp việc bày mâm cúng mời thầy cúng lần 2. Thầy cúng, 4 người giúp việc và toàn thể bà con dân làng đứng xung quanh. Mâm đồ lễ cúng gồm có: 01 thanh kiếm bằng sắt (hoặc gỗ), 1 con gà luộc chín, 3 dẻ xương chó, đồ nội tạng, 01 chai rượu, 04 cái chén, 02 bát canh, 01 bó hương, 04 tệp giấy bạc, 01 tệp giấy bản, 04 ống hương bằng tre, vàng hương và 1m vải đỏ. Thầy cúng mời 4 vị thần linh cai quản 4 phương cùng ăn uống với dân làng, cảm ơn các vị thần linh cho mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt hơn năm trước.
Sau phần lễ, tất cả dân bản trong làng dự lễ quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Lúc này, những chàng trai, cô gái của dân tộc Lô Lô sẽ biểu diễn những làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua… ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc lứa đôi.
Ngày hội cầu mưa là ngày hội vui nhất của người Lô Lô. Trong ngày này, những người già gặp nhau nói chuyện gia đình, con cái, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cấy, chuyện chọn dâu, kén rể.
Lễ hội cầu mưa là một lễ hội tín ngưỡng phồn thực, trong dịp tổ chức lễ hội, mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao sang năm sau sẽ có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho cánh đồng của mình ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, Hà Giang

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô (Hà Giang), mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng…
Theo phong tục của người Lô Lô ở Hà Giang, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị để thờ cúng. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Lễ cúng thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 7 (Âm lịch) tại các gia đình trưởng họ và được chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng.

Mở đầu là Lễ hiến tế tổ tiên: thầy cúng làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Nghệ nhân nhận 2 chén rượu uống cạn và nổi trống, trong khi những người phụ nữ trong nhà mặc trang phục truyền thống, nhảy múa và hành lễ theo nhịp trống cùng đoàn Ma cỏ.


Khi thầy cúng dứt lời mời và báo cáo với tổ tiên, gà được mang đi để làm lễ chín. Gà luộc xong, đôi cánh được dâng lên bàn thờ và thầy cúng làm tiếp nhiệm vụ của mình là dâng cúng tổ tiên đôi cánh. Tiếp đó, con lợn còn sống được đưa ra giữa sân để hiến tế cho tổ tiên. Lợn được chọc tiết giữa sân và thầy cúng báo cáo với tổ tiên là con cháu trong dòng họ dâng tổ tiên con lợn – tượng trưng cho con vật để tổ tiên nuôi ở cõi vĩnh hằng. Trong lúc thầy cúng đọc lời khấn dâng lễ, toàn thể trẻ em trong họ có mặt tại buổi lễ quỳ xuống, khoanh tay trước ngực, cúi mặt lắng nghe đến hết bài cúng, mới được ngẩng mặt lên và đứng dậy. Vật hiến tế tiếp theo là một con bò, được chọc tiết ngay tại sân. Mục đích của việc con cháu hiến tế bò là mong muốn dâng thức ăn cho tổ tiên trên đường bay về trời, trở về cõi vĩnh hằng.
Tiếp đến là Lễ tưởng nhớ tổ tiên. Do cộng đồng người Lô Lô trong bản cùng với đoàn múa nghi lễ thực hiện. Đoàn múa biểu diễn liên tục đến chiều, cũng là thời điểm kết thúc “Lễ tưởng nhớ tổ tiên”.
Sau cùng là Lễ tiễn đưa tổ tiên. Khi màn đêm buông xuống, Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng… Sau đó, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản, … Đây là nghi lễ mang tính thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng người Lô Lô.

Lễ “ma khô” của người Lô Lô.

Tục làm “ma khô” của người Lô Lô, Cao Bằng
Làm “ma khô” là một trong những nghi thức không thể thiếu trong tang lễ của người Lô Lô, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sau khi đã chôn cất người quá cố.
Người Lô Lô quan niệm, con người có 2 phần: linh hồn và thể xác. Khi đem đi chôn, đấy mới chỉ là tiễn đưa thể xác, phần hồn vẫn ở lại, lang thang đâu đó, chưa về được với thế giới tổ tiên. Chính vì thế mà người ta mới làm ma khô để triệu hồn về, tiễn đưa lần cuối. Lúc đó, người chết mới gia nhập được vào thế giới tổ tiên một cách trọn vẹn.
Theo họ nếu không tổ chức làm ma khô, hồn người chết sẽ không đi được về với tổ tiên, sống lang thang vất vưởng hoặc quay về quở phạt, quấy quả con cháu. Thậm chí làm cho súc vật ốm, mọi người trong gia đình bệnh tật… chưa làm ma khô là hồn người chết chưa được sạch sẽ, chưa thể đưa lên thờ cúng trên bàn thờ và như thế coi như chưa được về với tổ tiên. Chính vì thế làm ma khô là điều bắt buộc trong mỗi đám tang của người Lô Lô.
Tuy nhiên, nghi lễ làm ma khô vô vùng tốn kém. Nếu nhà nào có điều kiện kinh tế, họ sẽ tiến hành làm ma khô ngay sau khi đem chôn, còn không phải 2 – 3 năm, thậm chí cả chục năm mới có thể làm. Bởi khi làm lễ, người ta phải mổ bò, lợn, gà cúng ma, và phải chuẩn bị lương thực cho 3 ngày, 3 đêm tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng.

Khi tổ chức lễ Khi tổ chức lễ “ma khô” thường sử dụng từ 5 đến 6 đôi trống.

Khi tổ chức lễ “ma khô” thường sử dụng từ 5 đến 6 đôi trống. Tất cả trống đồng của dòng họ được tập trung lại, nếu ít thì phải mượn trống của dòng họ khác. Trống được treo lên từng đôi, mặt trống cái và mặt trống đực úp vào nhau cách nhau khoảng 20 – 30cm. Người ta sử dụng 2 thanh tre để gõ trống. Thanh to xiên qua một củ ráy cắt đôi bọc vải chàm để gõ hai mặt trống, thanh tre nhỏ đánh phách nhịp trên tai trống tạo thành âm thanh trầm, âm vang huyền bí. Đánh trống có 5 đến 6 bài đánh để tạo nhịp cho 12 điệu múa.
Mỗi một gia đình anh em họ hàng với người chết mang đến một cây nêu bằng tre hoặc trúc dài treo một miếng vải hoa đỏ hoặc xanh, kèm theo rượu, gạo và 1 con lợn nhỏ hoặc con gà. Con gái, con rể, cậu lớn, cậu bé thì mang con bê hoặc con nghé. Tất cả đàn ông đều mặc áo tang bằng vải màu đỏ hoặc xanh tự khâu dài quá đầu gối. Phụ nữ mặc quần áo mới truyền thống, trên đầu đội thêm từ 3 – 5 cái áo mới để cúng cho người chết.
Khi thầy cúng làm lễ chính, tiếng trống đồng được đánh lên, con cháu bắt đầu hát gọi là “chỏ chế”. Thường đàn ông mới hát “chỏ chế” và hát liên tục cho hết buổi lễ. Nội dung tiếng hát nói lên nỗi thương tiếc người đã khuất, cầu mong cho người chết được về đoàn tụ với tổ tiên và phù hộ cho con cháu có cuộc sống bình yên. Tất cả các cây nêu được tập trung lại trong một cây to dưới nhà. Con cháu bắt đầu múa vòng quanh theo nhịp trống đồng. Có 2 phụ nữ cầm chai rượu và khay chén đứng ngoài vòng lần lượt đưa chén rượu mời mọi người uống.

Múa vòng trong lễ Múa vòng trong lễ “ma khô” của người Lô Lô.

Hết điệu múa thứ hai thì nghỉ, bắt đầu lễ chính. Tất cả gà, lợn, bê nghé được giết mổ ngay tại dưới dàn trống đồng. Sau khi chọc tiết xong, mỗi con vật được đặt trên một tấm liếp đan hình vuông có buộc một miếng vải đỏ đặt một bát gạo, một chén rượu, thầy cúng cầm một cành lá bưởi bắt đầu khấn.
Thầy cúng là con cháu, anh em mang vật tế đến phải khác tự giết mổ và khác cúng khấn cho con vật tế của mình. Nếu ai không biết khấn thì thuê người khác cúng khấn cho khi xong việc phải chia cho thầy một cái đầu lợn hoặc một cái đầu con gà. Có bao nhiêu con vật tế thì có bấy nhiêu thầy cúng. Tiếng cúng khấn như tiếng hát một nhịp đều đều lẫn vào tiếng ồn ào của đám lễ.
Sau đó mỗi một con vật được thui trên một đống lửa riêng. 29 con vật là 29 đống lửa nghi ngút. Trong lễ “ma khô” của người Lô Lô, phảng phất âm vang của tiếng trống đồng cùng tiếng hát “chỏ chế”.
Kết thúc buổi lễ, những người hàng xóm ra về với một phần lộc bao gồm: Thịt, rượu, cơm. Còn họ hàng thì ở lại để cùng ăn với gia đình. Các thầy mo thường ra về với những chiếc thủ lợn, tỏ rõ sự kính trọng của gia chủ.

Tác phẩm Sắc màu Lô Lô của Ngô Đức Cần.

“Ăn cắp” lấy may của dân tộc Lô Lô
Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam , dân tộc Lô Lô hiện có trên 1.523 người sinh sống ở Hà Giang. Từ nhiều đời nay dân tộc Lô Lô vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo ông Sìn Gỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn: Người Lô Lô chuẩn bị đón tết rất chu đáo, mỗi năm người Lô Lô đón 2 cái Tết lớn, đó là Tết cả (Tết năm mới) và Tết tháng 7.
Trước đây, dân tộc Lô Lô ăn Tết Nguyên đán kéo dài suốt từ 30, mùng 1 đến tận rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết, nhà nào nhà nấy thịt lợn, họ để cả con vật mới mổ cúng cho tổ tiên chứng giám lòng thành, sau đó mới làm mâm cỗ cúng vào tối 30 và ngày mùng 1 tết. Và họ cũng chỉ cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 tháng Giêng là ngày cuối càng của tết năm mới.
Nét độc đáo trong ngày Tết cổ truyền, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Lô Lô vẫn tồn tại một tập tục lạ gọi là “khù mi” (ăn cắp chơi – ăn cắp lấy may). Người Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành. Do đó, vào tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4… tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kị không được làm những công việc lớn sợ rủi ro.

Nhà trình tường của người Lô Lô, Hà Giang.

Nhà của người Lô Lô, Hà Giang
Những ngôi nhà trình tường của đồng bào Lô Lô (Hà Giang) không chỉ mang lại nét đẹp cho vùng cao nguyên vốn chỉ có đá núi chập chùng mà còn thể hiện kỹ thuật làm nhà điêu luyện của người vùng cao.
Với khoảng 1500 người Lô Lô, phân bổ ở các xã Lũng Cú, Sủng Là, Lũng Táo, Má Lé và thị trấn Đồng Văn, dân tộc Lô Lô (Hà Giang) có những nét văn hóa riêng, khá độc đáo như: múa trống đồng, múa sạp và lễ hội cầu mùa vào tháng 7 dương lịch… Trong đó “ngôi nhà” của người Lô Lô chính là nơi phản ánh cuộc sống sinh hoạt, văn hóa của họ trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Người Lô Lô thường chọn những nơi thung lũng rộng lớn và bằng phẳng để dựng làng và họ có truyền thống lâu đời về cấy lúa nước. Trước kia người Lô Lô ở nhà sàn, nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc khai thác nguyên vật liệu làm nhà trở lên khó khăn; vì vậy họ chuyển sang làm nhà nửa sàn, nửa đất. Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô đơn giản, song có nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Hoa và người Cờ Lao.
Khi chuẩn bị xong các vật liệu xây cất nhà, người Lô Lô thường chọn một nơi đất tốt và chọn hướng cho hợp tuổi người chủ định làm nhà. Họ phải quy chiếu các tiêu chí: tiền, hậu, tả, hữu, trước hết phải tìm tổ sơn, dò long mạch theo thế đất để tìm chỗ “tụ khí tàng phong” sau đó cho bảy hạt gạo chôn xuống đấy, ba ngày sau mở ra, thấy hạt gạo nở, không bị kiến gặm và di chuyển thì nơi đó có sinh khí và làm nhà tốt. Khi dựng cột cũng như lợp mái, người Lô Lô đều xem ngày giờ và làm lễ cầu an để trong quá trình làm nhà tránh được những bất trắc xảy ra.

Cổng vào nhà trình tường.

Nhà được trình tường khá chắc chắn, tường dày từ 40 đến 50cm; trông bề thế, tránh được cái rét mùa đông, vào mùa hè thì dịu mát. Những vì kèo gỗ làm khá đơn giản, với 3 hàng cột (cột chống nóc, cột quân tiền và thường trốn cột quân hậu); có kết cấu xà ngang, xà dọc và kèo gỗ gác lên đầu cột. Tuy nhiên, nó được gác trên một khung tường bằng đất nên ngôi nhà khá vững chắc. Do sinh sống trên vùng núi đá, nên gỗ làm nhà thường là các loại gỗ tốt của núi đá rất khỏe và bền như thông đá, sa mộc…
Quy mô nhà thường chỉ làm ba gian, không có trái và chỉ có hai vì kèo gỗ, hai đầu hồi trốn cột, kèo gác ngay lên tường. Nhà chỉ có một cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Ngày xưa hầu hết lợp bằng cỏ tranh, những nhà khá giả lợp bằng ngói âm dương; ngày nay thì hầu hết lợp bằng ngói âm dương và tấm phi prô-xi-măng. Từ xà ngang lên mái được bố trí thành không gian riêng để làm kho chứa lương thực và đồ dùng gia đình. Gian giữa, đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên ba đời (duỳ khế) đặt ở sát vách. Ban thờ được làm đơn giản bằng tấm gỗ, trên có đặt bát hương để cắm hương khi hành lễ. Đặc biệt trên ban thờ có các hình nhân bằng gỗ được vẽ mặt với đầy đủ mắt, mũi, mồn v.v bằng than tro, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Đây cũng là nét rất riêng của người Lô Lô.
Buồng ngủ của người Lô Lô được làm ở phía giáp tường trước nhà; buồng ngủ của vợ chồng ở bên trái gần cửa phụ; buồng ngủ của con cái ở gian bên phải. Trước buồng ngủ của vợ chồng là bếp nấu ăn, nấu rượu. Buồng của vợ chồng cũng là nơi cất giữ các đồ dụng quý giá của gia đình. Thông thường ở gian này, người Lô Lô có đặt ban thờ (khoan ly) thờ người chết bất đắc kỳ tử. Trước buồng ngủ của con cái là bếp sưởi và cầu thang lên trên gác. Cầu thang làm rất đơn giản, đóng bằng gỗ hoặc bằng tre, có từ 9 đến11 nhịp.
Người Lô Lô rất kiêng để đồ uế tạp lên ban thờ, sợ ma quở trách. Cũng ở gian giữa dành bố trí để tiếp khách và kê giường ngủ cho khách. Khi không có khách thì chỉ ông chủ và những con trai lớn của gia đình mới được ngủ ở đây. Họ rất kiêng không được mang đồ uế tạp qua cửa chính, phụ nữ mới sinh cũng không được đi qua cửa này. Quan niệm của người Lô Lô khi làm nhà cũng phải chọn tuổi và chọn hướng đất để thuận lợi cho sinh cơ, lập nghiệp.
Sau khi dựng nhà xong, họ tổ chức mừng nhà mới. Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô diễn ra đơn giản nhưng vui.

Trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô.

Trang phục Nam và Nữ dân tộc Lô lô
Phần lớn nam giới Lô lô đều mặc áo cánh ngắn, mặc quần và chít khăn, may bằng vải bông nhuộm chàm, “quần loe”, cạp tá lọa, đầu bít khăn có những tua màu và hạt cườm, gần giống như phụ nữ.
Đối với nam giới nhóm Lô lô Đen thì mặc áo kiểu 5 thân, xẻ và cài cúc bên nách, chít khăn chàm, dắt mối phía sau gáy, trên khăn không trang trí gì. Trang phục của nam giới nhóm Lô lô Trắng lại rất cầu kỳ và có nhiều hoa văn sặc sỡ. Họ mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, tay áo may hai lớp, lớp ngoài rộng hơn phủ tới khuỷu, còn lớp trong hẹp dài tới cổ tay. Trên cả thân và tay áo đều thêu và chắp vải màu thành mảng hoa văn. Thắt lưng trắng bằng vải buộc ra ngoài 2 vạt áo. Trong tang lễ nam giới mặc loại áo dài 5 thân, trang trí sặc sỡ và có sự phân biệt giữa các dòng họ.

Thí sinh Thàng Minh Thúy trình diễn bộ trang phục Lô Lô nhiều màu sắc.

Theo truyền thống, phụ nữ Lô lô thường mặc áo cổ tròn, xẻ ngực, ngoài quần quấn váy lửng, ngoài ra, họ còn mặc áo cổ vuông và chui đầu. Phụ nữ Lô lô chải tóc, quấn quanh đầu rồi đội khăn ra ngoài. Có 2 loại khăn vuông và khăn dài.
Trong 3 nhóm người Lô lô thì trang phục của Lô lô Hoa là đặc sắc và có nhiều tính tạo hình hơn cả. Một bộ trang phục đầy đủ gồm có áo, quần hoặc váy, khăn. Áo là loại áo ngắn, cổ tròn may kiểu xẻ ngực, tay dài, gấu áo vừa chạm cạp quần tạo cảm giác khỏe khoắn và tôn lên những đường nét cơ thể. Thân trước và thân sau trang trí các mảng màu hình tam giác, ghép lại với nhau thành các khối hình vuông. Hai vạt trước có 2 đường trang trí lớn dọc theo nẹp áo và đường ngang sát gấu áo. Vạt lưng cũng có 2 đường trang trí như vậy chạy dọc sống lưng và nằm ngang sát gấu áo.
Tay áo gồm 4 đoạn dài may nối lại với nhau và trên các đoạn này đều đáp những khoanh vải màu trên đó là những đường kẻ song song, xen giữa những ô vải ghép giống như những trang trí trên thân áo.

Thí sinh Mùng Thùy Linh trong trang phục dân tộc Lô Lô.

Quần của phụ nữ Lô lô Hoa được trang trí bằng nhưng hoa văn chạy dọc quanh trục ống quần và gần gấu. Miếng vải chùm sau quần cũng trang trí sặc sỡ những hoa văn ghép vải hình tam giác. Thắt lưng bằng vải bông có trang trí hoa văn, mép và hai đầu thắt lưng có đính thêm tua màu và hạt cườm, khi thắt để thõng 2 đầu thắt lưng ra phía trước, phối màu sắc với quần áo.
Người Lô lô Hoa sáng tạo ra hai loại khăn. Đầu tiên là khăn mỏ thô qua: làm bằng vải tự dệt màu đen hoặc xanh chàm, có tua ở đầu. Vải làm tua thường khác màu khăn, chủ yếu là màu đen, đỏ, vàng, trắng. Hoa văn tập trung chủ yếu ở 2 đoạn đầu khăn hoặc kéo dài hết khăn. Loại khăn thứ 2 là khăn mỏ thúc. Khăn này có chiều rộng khoảng 40 cm, dài chừng 110- 130 cm cả tua bằng chỉ. Khăn trùm kín đầu, buộc dắt mối sau gáy. Hoa văn tập trung ở 2/3 chiều dọc của khăn, trước trán, 2 đầu rủ xuống 2 bên bờ vai và lưng. Khăn mỏ thúc thường được dùng phổ biến để che mặt cho các cô dâu trước khi ra khỏi nhà để về nhà chồng. Khi đội, phụ nữ Lô lô Hoa thường gấp đôi hay ba theo chiều dài khăn, rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài.

Trang phục thiếu nhi Lô Lô.

Trong khi đó, trang phục phụ nữ Lô lô Đen cũng có nhiều điểm khác biệt. Họ cũng mặc áo ngắn tay kiểu xẻ ngực, hai ống tay trùng và rộng tới 28 cm dài từ bả vai xuống cổ tay. Phụ nữ Lô Lô Đen mặc váy kín may khá dài, rộng có 2 lần chiết ly ở cuối xà cạp và gần đầu gối. Dây lưng 2 đầu thêu và buộc thêm những sợi chỉ xanh đỏ sặc sỡ.

Khăn đội đầu thường bằng vải chàm đen, đỏ 2 đầu buông dài những tua chỉ nhiều màu. Thêu nổi chỉ màu sặc sỡ nhiều loại hoa văn chạy dài theo mép khăn và 2 đầu khăn. Mép khăn còn được đính lấp lánh những hàng cúc nhựa thành hình hoa chạy dài đều đặn. Khi đi ra ngoài họ đội nón rất cầu kỳ và đẹp. Ở một số nơi khác lại vấn khăn thành hình sừng 2 bên đầu, trên khăn trang trí miếng hạt cườm, bạc tròn, tua màu.

Bộ trang phục dân tộc Lô Lô được thí sinh Lò Thị Duyên trình diễn.

Trên những tấm vải của người Lô lô Đen có trang trí những hình tượng như chim Ngó Bá- một loài chim huyền thoại và gắn liền với những hiện tượng dân gian cũng như tín ngưỡng thờ thần của người dân bản xứ.
Nhóm thứ 3 là Lô lô Trắng, trang phục của người phụ nữ nơi đây thường là áo dài bằng vải chàm đen may xẻ ngực, khi mặc thì vắt chéo vạt nọ sang vạt kia rồi dùng dây lưng thắt lại. Nẹp áo ngực có trang trí hoa văn lượn sóng, hai cửa tay đáp khoanh vải màu sang.
Trong những dịp lễ tết hay hội hè, phụ nữ Lô Lô Trắng còn đeo trước ngực miếng vải thêu, chắp hoa văn hình xoắn ốc, vân mây, hình chim. Phụ nữ chít khăn màu đậm 2 mối xõa xuống 2 bên tai, khăn trơn, không trang trí hoa văn, tai đeo vòng bạc.

Cô dâu - chú rể trong ngày cưới.

Phong tục cưới của người Lô Lô, Hà Giang
Cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng tín ngưỡng của đồng bào Lô Lô (Hà Giang) vẫn còn giữ được những nét sinh hoạt độc đáo và giàu bản sắc của cư dân bản địa nơi địa đầu của vùng đất phía Bắc.
Đồng bào Lô Lô (còn gọi là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn…) hiện còn hơn 3000 người, là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, cư trú tập trung ở Hà Giang và Cao Bằng.
Cũng giống như các dân tộc khác, với người Lô Lô, việc cưới hỏi là một sự kiện vô cùng trọng đại. Theo tập quán lâu đời, nhà trai phải nhờ bốn người làm mối, gồm: hai đôi nam nữ. Họ quan niệm, nếu người làm mối là hai cặp vợ chồng thì cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Sau khi chọn ngày tốt, người làm mối mang hai chai rượu và lễ vật đến nhà gái dạm hỏi. Nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai làm cỗ rồi ấn định ngày cưới. Đồ thách cưới thường là: gạo nếp, gạo tẻ, thịt lợn, rượu. Ngoài ra, nhà gái có thể yêu cầu thêm: váy, áo, vòng tay, vòng cổ cho cô dâu, thậm chí còn thách cả bạc trắng để làm của hồi môn.

Nhà trai, nhà gái mỗi bên có một phù dâu.

Khác với những dân tộc khác, người Lô Lô không đưa lễ vật cho bố mẹ cô dâu mà mang lễ vật đến cho ông cậu. Người Lô Lô rất coi trọng vai trò ông cậu. Bởi vì ông cậu là người quyết định việc hôn nhân, việc phân chia tài sản.

Nhà trai sẽ mang lễ vật đến cho ông cậu của cô dâu, người này giao lại lễ vật đó cho chủ nhà. Nhà gái làm cỗ cúng trình tổ tiên và mời bà con họ hàng đến ăn uống vui chung. Cô dâu thường được khách mời mừng khăn, áo, tiền bạc và các đồ dùng khác. Thường thì nhà trai dẫn lễ cưới đến vào ngày lễ hôm trước để ngày hôm sau đón dâu sẽ là ngày chẵn với mong ước đôi trẻ mãi mãi không bị lẻ loi. Lễ dâng cưới diễn ra trong lời ca đón rể, đón dâu mừng hai họ hết sức thân mật. Tối hôm đó nhà gái tổ chức hát thâu đêm suốt sáng để phúc chúc cho cô dâu chú rể.
Sáng hôm sau, cơm nước xong, chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, lễ sống bố
Đặng Xuân Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét