Trang phục của người Brâu
- Là cư dân sinh sống ở vùng đất Tây Nguyên đa dạng và giàu
bản sắc văn hoá, dân tộc Brâu từ lâu đã hình thành phong tục tập quán riêng và
một trong những nét văn hoá đặc sắc được thể hiện qua các bộ trang phục độc
đáo của mình.
Như nhiều dân tộc khác ở vùng đất Tây Nguyên,
trang phục của người Brâu là sản phẩm thủ công truyền thống với sự khéo tay, óc
thẩm mỹ, được chuyển giao qua nhiều thế hệ. Khởi đầu từ mục đích che chắn bảo vệ
cơ thể con người trước những bất lợi của thiên nhiên, phù hợp với tập quán du
canh, du cư, sản xuất nông nghiệp phát nương, làm rẫy, nên trang phục của người
Brâu trước đây khá đơn giản. Ông Thao Lọi, thôn trưởng thôn Đăk Mế, xã Bờ Y,
huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon tum, cho biết: “Trước đây bà con dân tộc Brâu dệt áo bằng
vỏ cây rừng. Người ta lấy vỏ cây, đập, vắt lấy nước, nấu với nước sôi để dệt
thành áo. Nhưng bây giờ bà con không sử dụng thứ ấy nữa. Bây giờ bà con
thực hiện nghề thủ công với sự hướng dẫn của cán bộ dự án để dệt vải,
đan vải”.
Một lễ hội của người
Brâu
Theo truyền thống, đàn ông Brâu xưa thường cởi trần
đóng khố, đàn bà quấn váy tấm. Mùa hè cả nam và nữ đều ở trần hoặc mặc áo cánh
ngắn, khoét cổ, chui đầu. Vào mùa lạnh thường khoác thêm một tấm vải mềm. Theo
thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, trang phục và trang sức của người
Brâu ngày nay đã có những thay đổi nhất định, nhưng vẫn không mất đi nét truyền
thống. Đàn ông thời nay mặc áo ngắn thân thẳng, hình vuông. Trang phục nữ giới
giờ đây cũng cầu kỳ hơn, có thêm hoa văn hoạ tiết được sáng tạo một cách tinh tế.
Ông Nguyên Phong, người nhiều năm nghiên cứu trang phục bà con các dân tộc ở
Tây Nguyên nhận xét: “Hoa văn trang phục của người đàn ông khác với hoa văn của
người đàn bà. Hoa văn trên trang phục của người đàn ông thường gân guốc thường
có hình hàng rào, mũi tên, còn hoa văn trong trang phục của phụ nữ thường là
hình hoa, thực vật… Trang phục người phụ nữ thường sử dụng các vật dụng làm đẹp
như: mã não, hạt cườm, các hình mũi tên, tên lửa máy bay, các ký tự chữ
cái, hay hình cột điện… đó là những cái so sánh giữa truyền thống và cái hiện đại
trong hoa văn”.
Về tổng thể, vẻ đẹp trang phục của dân tộc Brâu
hiện nay không cầu kỳ, không sặc sỡ, mà đơn giản, hoà quyện với khung cảnh núi
rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Trong trang phục truyền thống, người đàn ông Brâu như
toát lên vẻ đẹp cơ thể vạm vỡ, khoẻ mạnh hoang dã, còn phụ nữ trở nên duyên
dáng mềm mại và uyển chuyển hơn. Nét độc đáo trong trang phục của người Brâu
còn thể hiện bởi các đồ trang sức kèm theo như: lông chim, ngà voi hay đồ
kim loại mang dấu ấn cổ xưa. Phụ nữ Brâu tự làm đẹp cho mình bằng việc đeo rất
nhiều vòng trang sức. Họ quan niệm, càng đeo nhiều vòng thì càng được nhiều người
đàn ông ngưỡng mộ. Một số người còn đeo những chiếc vòng như lục lạc ở cổ chân,
mỗi bước đi lại phát ra tiếng nhạc vui tai.
Trang phục của người
Brâu
Ngày nay, người Brâu được tiếp thu những kiến thức của nền văn minh mới, cách ăn mặc cũng đã hiện đại hơn. Tuy nhiên, dù xã hội phát triển tới đâu, thì người Brâu vẫn có ý thức duy trì bảo lưu nét văn hoá truyền thống. Ông Đặng Hưng, cán bộ uỷ ban dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết: “Hiện nay dự án phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân tộc Brâu đã được thực hiện. Trước đây có khi người Brâu phải mua trang phục từ bên Lào về, nhưng bây giờ bà con tự sản xuất được, tự mua chỉ và dệt. Dự án của Nhà nước đã hỗ trợ mở được 4 lớp đào tạo dệt thổ cẩm cho phụ nữ của thôn và tới nay bà con đã tự sản xuất được thổ cẩm để mặc để trang phục của người Brâu có đặc điểm riêng”.
Trang phục chứa đựng những giá trị tinh thần mang
bản sắc riêng, niềm tự hào của mỗi dân tộc và cũng là đặc điểm để phân biệt giữa
các nhóm cộng đồng với nhau. Trang phục của người Brâu hiện nay không chỉ có
tác dụng trang điểm thẩm mỹ, làm đẹp cho con người mà còn chứa đựng sắc thái
văn hóa riêng của dân tộc Brâu trong sự hài hòa của các dân tộc ở vùng đất
Tây Nguyên.
Vi Đức Cường
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét