Trong kho tàng nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, mỗi nhạc cụ là
biểu tượng, vật báu của từng tộc người, là linh hồn của buôn làng. Với người
Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chiêng Tha chính là
biểu tượng của tinh thần, là thần linh che chở, bảo trợ cho gia đình có được cuộc
sống ấm no, yên bình.
Hai nghệ nhân dân gian dân tộc Brâu ở huyện Ngọc Hồi (Kon
Tum) đánh chiêng Tha trong các nghi lễ của dân tộc mình. (Ảnh: Trần Lê
Lâm/TTXVN)
Vật thiêng của người Brâu
Brâu là một trong sáu dân tộc thiểu số ít người nhất ở Việt
Nam hiện nay. Ở Kon Tum, dân tộc này hiện có hơn 100 hộ sinh sống tại làng Đăk
Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - vùng đất mà con gà gáy ba nước cùng
nghe (Việt Nam-Lào-Campuchia).
Người Brâu coi chiêng Tha là “vật chủ” kết nối giữa thế giới
của dân làng với các thần linh trên cao. Bởi vậy, khi có những lễ hội quan trọng
như lễ đâm trâu, mùa giáp hạt, lễ mừng lúa mới... chiêng Tha luôn là vật chính
của lễ hội.
Chiêng Tha chỉ có hai chiếc, gồm Chuar (vợ) và Jơliêng (chồng);
cả hai đều không có núm (chiêng bằng), có kích cỡ khác nhau (Jơliêng to và dày
hơn Chuar). Khi làm lễ gọi Tha về, thần Tha sẽ mời tất cả các thần khác về để
cùng bảo trợ, phù hộ cho dân làng mùa màng tươi tốt, lúa nhiều, chăn nuôi thuận
lợi.
Già Thao Lợi kể khi lễ hội bắt đầu, người dân trong làng mới
tổ chức mời Tha về. Người Brâu không nói đánh chiêng như các dân tộc khác ở Tây
Nguyên, mà gọi là “gọi Tha,” tức mời Tha về. Người đứng ra mời là già làng hoặc
người được cả làng tôn vinh, đảm nhiệm vai trò chủ lễ.
Lễ gọi Tha to hoặc nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của
làng, nhưng ít nhất cũng phải là một ché rượu và một con gà. Chủ lễ cắt tiết gà
rồi xoa vào lòng chiêng theo vòng tròn nhiều lần, rót rượu đầu ghè mời chiêng uống
và khấn thần linh bốn phương. Khấn xong, hai nghệ nhân mới vào thực hiện việc mời
Tha về.
Khi diễn tấu, hai chiêng được treo lên theo hướng úp vào
nhau, cách mặt đất khoảng chừng 15 đến 20 cm. Cách diễn tấu chiêng Tha được coi
là độc nhất vô nhị so với các loại cồng chiêng khác ở Tây Nguyên. Người Brâu gọi
dùi đánh chiêng Chồng (Jơ liêng) là dùi Đực; dùi đánh chiêng Vợ (Chuar) là dùi
Cái. Người đánh dùi Cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi Đực thúc dùi
vào lòng chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, bàn chân nâng áp
sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng. Khi diễn tấu bao giờ
chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi chiêng chồng mới
tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài thì các chiêng khác mới được vào cuộc.
Trong thế giới tâm linh của người Brâu, chiêng Tha còn là đại
diện cho sự lành-ác; sự đoàn kết và chia rẽ. Lý giải về điều này, già Thao Lợi
cho biết chiêng Tha lành là những chiêng không hay đòi ăn, chỉ khi nào gia đình
có lễ mời Tha về thì Tha mới về. Còn Chiêng Tha ác là những chiêng rất hay đòi
ăn, khi đòi ăn Tha sẽ báo cho người chủ hộ biết thông qua việc bị đau ốm...
Chiêng Tha còn thể hiện sự đoàn kết và chia rẽ, khi chiêng bị bể hoặc nứt, vỡ
chứng tỏ anh em trong gia đình đó không đoàn kết, đòi chia của cải của cha mẹ để
lại.
Chính bởi sự thiêng liêng của chiêng Tha mà không phải nhà
nào cũng được thần Tha về ở. Già Thao Lợi cho biết những gia đình nào khi được
thần Tha báo mộng cho gặp một bộ nia (dụng cụ để sảy lúa), một con ba ba thì mới
được mời Tha về nhà. Tuy nhiên, không phải nhà nào mời là được luôn mà phải một
hai năm sau mới mời về được. Để mời thần Tha về ở trong nhà, gia đình phải có của
cải tương đương với 20-25 con trâu.
Khó khăn trong công tác bảo tồn
Theo thống kê của ngành văn hóa xã Bờ Y, hiện nay trong cộng
đồng người Brâu còn lưu giữ khoảng 8 bộ chiêng Tha. Tuy nhiên, trước sự xâm lấn
của văn hóa hiện đại, sự khan hiếm của loại chiêng này cùng với yếu tố tâm
linh, công tác bảo tồn, lưu giữ chiêng Tha đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo già Thao Lợi, bây giờ loại chiêng này rất khó mua, bên
cạnh kinh phí ở mức 50-60 triệu đồng/bộ, yếu tố tâm linh khiến việc lưu giữ gặp
nhiều khó khăn, cả về số lượng chiêng và số người chơi.
Già Thao Lợi cho biết hiện giờ cả làng chỉ có dưới 10 bộ
chiêng. Đã mấy chục năm nay, số lượng chiêng Tha của làng không tăng thêm bộ
nào; những bộ chiêng Tha của làng hiện cũng 40-50 năm tuổi.
Cùng với công tác bảo tồn số lượng chiêng gặp nhiều khó
khăn, những nghệ nhân biết và sử dụng thành thạo nhạc cụ này bây giờ cũng rất
ít.
Già Thao Lợi cho biết: “Giờ chỉ những người già mới chơi được,
người trẻ trong làng giờ không thích học đánh loại chiêng này nữa đâu. Với lại
những nhà có chiêng Tha thì cất giữ rất kỹ, đưa ra nhiều sợ thần Tha đi mất nên
chỉ lưu truyền cho con cháu trong nhà thôi.
Về mặt chính quyền, việc bảo tồn di sản chiêng Tha cũng gặp
nhiều khó khăn khi kinh phí, chính sách, chế độ cho những cán bộ làm văn hóa hiện
vẫn chưa có. Vì vậy, việc bảo tồn chiêng Tha chỉ nằm ở việc tuyên truyền.
Ông Tống Văn Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bờ Y cho
biết hiện nay chưa có chính sách hay kinh phí để xã lưu giữ bảo tồn loại chiêng
này. Trong nhiều năm qua, để bảo tồn, gìn giữ, lưu giữ di sản văn hóa chiêng
Tha trên địa bàn xã, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình đang sở
hữu chiêng Tha biết được tầm giá trị văn hóa của loại chiêng này để lưu giữ.
Cùng với cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên, chiêng Tha và nhiều nhạc cụ truyền thống khác của người Brâu đã được mọi
người biết đến qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Những
nhạc cụ này không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn
lẫn của dân tộc Brâu mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc dân tộc
Việt.
Triệu Thị Bắc (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét