Dân tộc La Ha còn có tên gọi khác: Xá Cha, Xá Bung, Xá
Khao, Xá Táu Nhạ, Xá Poọng, Xá Uống, Bủ Hà, Pụa. Dân số 1.400 người, gồm 2 nhóm
thứ cấp riêng biệt. Nhóm thứ nhất là người La Ha cạn (Khlá Phlao) và nhóm thứ
hai là người La Ha nước (La Ha ủng). Địa bàn cư trú ở các tỉnh: Sơn La, Lai
Châu, Lào Cai và Yên Bái. Nhiều người La Ha còn cư trú ở trên bờ dọc theo sông
Hồng và sông Đà.
Tiếng La Ha thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai, là một nhánh của hệ
ngôn ngữ Thái-Ka Đai ở Đông Nam á, ngoài ra còn có quan hệ với tiếng La Chí, Cờ
Lao và Pu Péo. Người La Ha sinh sống bên cạnh dân tộc Thái, theo lịch của người
Thái và trước kia học chữ Thái… do đó người La Ha ca hát làm thơ bằng tiếng
Thái khá thành thạo và họ nhận trang phục, ngôn ngữ của dân tộc Thái làm của
mình.
Người La Ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc nước ta. Khác với nhiều
dân tộc đang cư trú cùng khu vực, người La Ha cho rằng mình đã ở Việt Nam từ rất
lâu đời chứ không phải nhập cư vào từ Trung Quốc hoặc Lào. Theo những tài liệu
Thái cổ thì vào thế kỷ XI, XII khi người Thái đen thiên di tới vùng đất này, họ
đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay.
Đời sống chủ yếu của người La Ha là nương rẫy du canh du cư
và săn bắt, hái lượm. Phương thức canh tác đơn giản, dùng gậy chọc lỗ và dao
phát nương. Cây trồng chủ yếu là lúa nếp, ngô, đậu tương, bông. Ngày nay người
La Ha đã có sở hữu đất đai và biết làm ruộng nước, ngoài ra họ còn biết chăn
nuôi gia súc gia cầm, dùng trâu bò làm sức kéo. Lương thực chính là gạo nếp chế
biến theo cách đồ thành xôi, nay chuyển sang ăn cơm tẻ. Thực phẩm thường được ướp
chua, nướng, lùi hoặc sấy khô để dành.
Trước kia đàn ông búi tóc sau gáy nhưng đến nay chỉ còn vài
cụ già và thầy cúng giữ tục này. Phụ nữ La Ha không biết dệt vải, do đó họ phải
đem bông đổi vải của người Thái để may mặc… Phụ nữ chưa chồng búi tóc sau gáy,
có chồng búi tóc trên đỉnh đầu (tằng cẩu-giống người Thái đen). Do ảnh hưởng của
người Thái trắng, có nơi từ em bé gái đến bà cụ già chỉ có một cách búi duy nhất
là trên đỉnh đầu hoặc chỉ vấn tóc trần hoặc búi tóc sau gáy, không phân biệt có
chồng hay chưa. Phụ nữ thường có tục ăn trầu và nhuộm răng đen.
Người La Ha thường sống thành làng bản mỗi bản có khoảng
hơn chục nóc nhà.Trước đây đứng đầu bản là Khun cai và hai người giúp việc Khun
cai là Khun tang, Khun téng do dân cử ra. Họ thường ở nhà sàn có 2 cửa với
thang lên xuống tại 2 đầu nhà. Một cửa vào chỗ tiếp khách và một cửa vào chỗ
sinh hoạt trong gia đình. Nhà chia làm hai phần, phần để tiếp khách rộng từ 1/2
đến 2/3 diện tích nhà. Ngăn giữa phần chủ và khách là một cột buộc hũ rượu cần
bên cạnh.
Gia đình người La Ha là gia đình nhỏ, phụ hệ. Không chỉ con
cái mang họ bố mà vợ cũng phải mang họ chồng. Con gái không được thừa kế tài sản.
Trai gái được tự do tìm hiểu nhau, không bị cha mẹ ép buộc cưới gả. Tuy nhiên
việc đó phải được cha mẹ ưng thuận. Để tỏ tình chàng trai phải đến nhà cô gái
và dùng sáo, nhị, lời hát trước khi trò chuyện bình thường. Sau thời gian tìm
hiểu từ 3 đến 10 ngày người con trai nói với bố mẹ cử người đi dạm. Nhà gái nhận
trầu và đưa áo của cô gái cho bên nhà trai xem bói. Nhà gái chia trầu cho họ
hàng để hỏi ý kiến. Ai không đồng ý thì trả lại trầu. Trong 5 ngày nếu nhà gái
không trả lại trầu cho nhà trai có nghĩa là nhà gái đồng ý và 10 ngày sau người
con trai đến ở nhà gái bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ từ 4 đến 8 năm. Đây
là thời gian người con trai làm công trả nợ công của bố mẹ vợ nuôi nấng vợ mình
, ngoài ra còn phải nộp ba lạng rưỡi bạc trắng gọi là tiền nang khả pọm (giá đầu
người).
Hết hạn ở rể mới bắt đầu tổ chức lễ cưới chính thức thu mà
phu (làm cơm rượu). Sau lễ cưới này, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo
họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng chết. Trường hợp
người đàn bà goá đi bước nữa, người chồng thứ hai mang lễ cưới nhỏ thu cơi poọng
(làm gà báo cưới) đến gia đình người chồng thứ nhất chứ không cần có quan hệ gì
với bố mẹ của người đàn bà goá. Người đàn bà goá đi bước nữa vẫn quan niệm rằng
khi chết đi, hồn lại tìm về với người chồng chính thức đã làm lễ thu mà phu. Vì
vậy, ở một số nơi, bố mẹ đã chết cả mà chưa làm được lễ cưới thu mà phu thì con
phải làm lễ cưới đó cho bố mẹ để bố mẹ được sống với nhau ở thế giới bên kia.
Hiện nay hình thức tiểu gia đình phụ quyền vẫn được bảo lưu. Việc hôn nhân đã
đã được cải tiến theo hướng tiến bộ. Đồng bào đang bỏ hẳn tục mua bán, ở rể và
từng bước xây dựng quan hệ hôn nhân gia đình theo pháp luật của nhà nước.
Người La Ha thờ tổ tiên trong gian nhà “hóng” như của người
Thái.
Thầy cúng một lao cúng gọi hồn và đuổi tà ma. Hàng năm hoặc
2-3 năm một lần một lao làm lễ cúng tổ tiên của mình của mình và các vị thần
linh khác. Trong số các vị thần ấy “thần dương vật” (linga) và “thần cung kiếm”
là đáng sợ hơn cả. Bởi vậy, bàn thờ của một lao bao giờ cũng có hình nộm dương
vật, kiếm và cái mộc.
Người La Ha không có tục đốt xác như người Thái đen mà đem
chôn. Thi hài được liệm bằng vải hoặc bằng chiếu nan và khiêng ra đến mộ mới bỏ
vào quan tài và hạ huyệt. Nếu người chết là bố, người con trai cầm dao phá nơi
thờ cũ đuổi ma bậc ông đi để bắt đầu thờ ma bố. Nếu người chết là mẹ, con trai
cầm dao đập vào phên chỗ mẹ ngủ, tượng trưng cho việc đuổi ma bậc bà đi để bắt
đầu thờ ma mẹ... Khi khiêng người chết đi chôn, nếu người chết là bố thì khiêng
ra cửa gian khách (quản), là mẹ phá vách trước khiêng ra… Trên huyệt người ta
đã dựng sẵn một cái nhà nhỏ có 2 mái cao chừng 2 m. Trong nhà mồ đặt những thứ
cần thiết cho một cuộc sống như: giỏ cơm, quần áo, chăn, đệm. Sau khi đưa đám
trở về nhà, người ta thường khua cối giã gạo để xua ma không quấy phá gia đình.
Huyền Trang (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét