Đón Tết Tày từ thơ Dương Thuấn (Ths. Tăng Thị Nguyệt Nga)

Từ miền Nam xa xôi tôi như được chung đón cái tết truyền thống với người Tày khi may mắn đọc được tập thơ song ngữ Tày - Kinh của Dương Thuấn. Không thông qua hình ảnh như các kênh truyền hình; cũng chẳng mô tả thống kê chi tiết như văn hóa học, thơ Dương Thuấn đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa tổng quát vừa sâu sắc mà lại ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc về cái tết quê hương từ tiếng thơ của một người Tày chân chính. Đấy là điểm lôi cuốn mà tập thơ mang lại.

Những chiếc lá khô cuối cùng cuộn mình lăn lông lốc càng tăng thêm cái rùng mình từ luồng gió đông se sắt. Không khí này thật dễ níu chúng ta chậm lại, muốn được ôm ấp, cần cảm giác ấm êm. Đây là lúc những xúc cảm cội nguồn ùa về khơi mào cho sự thèm khát sum vầy. Đến đây con người ta bắt đầu nghĩ về cái tết, nghĩ về thời khắc linh thiêng ấm cúng và giàu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Tết là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; gữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết là thời khắc linh thiêng có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc thể hiện sự khao khát của con người trong sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Nó chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc vừa sâu sắc lại vừa độc đáo. Chính vì vậy tết không chỉ khiến con người ta bồi hồi nghĩ về nguồn cội mà nó còn thôi thúc người ta dấn thân tìm hiểu và trải nghiệm những nền văn hóa khác - những cái tết ở vùng miền khác, dân tộc khác. Đó cũng chính là lý do của bài viết này, bài viết muốn chung đón cái tết của một dân tộc khác - dân tộc Tày ở Bắc Kạn.
Từ miền Nam xa xôi tôi như được chung đón cái tết truyền thống với người Tày khi may mắn đọc được tập thơ song ngữ Tày - Kinh của Dương Thuấn. Không thông qua hình ảnh như các kênh truyền hình; cũng chẳng mô tả thống kê chi tiết như văn hóa học, thơ Dương Thuấn đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa tổng quát vừa sâu sắc mà lại ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc về cái tết quê hương từ tiếng thơ của một người Tày chân chính. Đấy là điểm lôi cuốn mà tập thơ mang lại.
Dương Thuấn là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tày nói riêng và thơ Việt Nam đương đại nói chung. Ông góp vào làng thơ đất Việt một phong cách thơ độc đáo khó lòng trộn lẫn với trường bản sắc quê hương thẩm thấu, xuyên suốt trong từng nét thơ. Đặc biệt là bộ Tuyển tập thơ song ngữ Tày - Kinh công phu trên 2000 trang của ông. Qua tập thơ, Dương Thuấn đã mang con người mình, văn hóa quê hương mình đến gần với đông đảo bạn đọc mọi nơi. Ở đó hiện lên một con người thơ giàu tình cảm luôn khắc hoải hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Từng gốc cây ngọn núi đến khúc sông con suối, từng con người cụ thể hay những thói quen hằng ngày đều in bóng đậm đà trong những trang thơ. Đặc biệt, nhà thơ Dương Thuấn có một niềm tự hào mãnh liệt về những thuần phong mỹ tục của người Tày luôn sẵn lòng khoe trong thơ của mình. Rất nhiều những bài thơ chủ đề lễ tết đã minh chứng cho điều đó.
Tết là dịp người Việt tụ hội, sum họp, cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, ăn uống và vui vẻ nên khái niệm Tết luôn gắn với những gì vui tươi. Cùng chung thời gian và ý nghĩa đó, bên cạnh thể hiện đầy đủ nét đẹp văn hóa, các tục lệ truyền thống dân tộc thì Tết của người Tày qua thơ Dương Thuấn còn được biết đến với nhiều nét đặc trưng, nhiều bản sắc riêng không trộn lẫn với tết của bất kỳ quê hương nào. Theo đó có thể nói rằng, qua bộ tuyển tập của mình, Dương Thuấn đã mang ngày tết quê hương đến muôn nơi hay nói cách khác là mời mọi người, giúp mọi người cùng về chung cái tết quê hương mình.
Theo quy luật của đất trời, cứ mỗi độ đông tàn là người ta bắt đầu nghĩ đến tết, nhất là tết quê hương. Bởi vậy trong đời sống của cộng đồng Việt chúng ta cụm từ “về quê ăn tết” lại trở nên gần gũi và đầy vẻ tự hào mỗi khi nói đến như thế. Anh em bằng hữu xa gần gặp nhau đều chung nhau câu hỏi: “tết này có về quê ăn tết không đấy?”. Đây không còn đơn thuần là câu hỏi, câu chào mà là sự quan tâm, là sự kiện được chờ đón nhất trong năm. Không quan trọng xa hay gần, giàu hay nghèo…dù bận rộn đến đâu thì người Việt vẫn cố thu xếp để có thể “về quê ăn tết”. Chính bởi tâm lý này mà Dương Thuấn đã không kìm nén niềm tự hào của mình khi thông báo:
Tết nay tôi lại về trên bản cao Bắc Kạn
Đến chơi nhà ai cũng vang rộn tiếng cười
(Tết này về bản cao)
Điều đặc sắc ở đây nằm ở nơi ông sẽ “về quê ăn tết”. Nhà thơ Dương Thuấn sinh ra và lớn lên ở Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào Tày do vậy tết quê hương ông cũng chính là cái tết truyền thống của dân tộc Tày Bắc Kạn. Chính truyền thống văn hóa quê hương là nguồn cảm hứng bất tận ươm mầm cho hồn thơ Dương Thuấn. Bản sắc văn hóa quê hương như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch thơ ông, là đề tài trọng yếu, là nét riêng cấu thành điểm đặc sắc trong phong cách thơ ông.
“Về quê ăn tết” như một thói quen linh thiêng bền vững bởi vì về mặt ý nghĩa nhân sinh có thể nói tết là thời gian của gia đình. Mỗi dịp năm hết tết đến được về sum họp dưới mái ấm gia đình, được thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên như kim chỉ nam cho con cháu hành động. “Về quê ăn tết” không chỉ là khái niệm đi về thuần túy mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về nơi an ấm bình yên.
Quanh năm ai đi đâu ở đâu
Đêm ba mươi tết cũng trở về
(Đêm ba mươi tết)
Đó là lời hứa hẹn, sự hối thúc hay chính là “luật” trong đời sống của mỗi người con xa xứ? Chỉ biết rằng nó chi phối toàn bộ hoạt động hướng về cái tết cổ truyền trong chúng ta. Từ đây người Việt nói chung và người Tày nói riêng đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị từ rất sớm cho ngày tết của mình. Trong đó không thể không kể đến các phiên chợ tết:
Chợ phiên áp tết đông vui
Người bán người mua ai có biết
Chợ chỉ nhiều con trai con gái
Ngày mai rồi lại hẹn ngày mai
(Xuống chợ bán hàng)
Cái khác lạ chúng ta bắt gặp ở những phiên chợ tết của người Tày chính là đây. Chợ không đơn giản để mua bán trao đổi hàng hóa mà hơn thế, đây còn là địa điểm bắt đầu tình yêu của trai gái Tày. Thật thú vị và khéo dẫn trí tò mò, nét đẹp này làm cho chợ không còn là nơi “đáng sợ” với bao bon chen “chặt chém” như ở miền xuôi mà trở nên hết sức nhân văn đậm tình. Chính vì thế dù cho chưa được một lần tham gia nhưng qua thơ Dương Thuấn ta có thể hình dung và chia sẻ cái cảm giác hân hoan đó. Thay vì phải sửa soạn hàng hóa sao cho bắt khách nhất, thay vì nặng nề tính toán các khoản lỗ lời… các cô gái Tày sẽ xúng xính trong những bộ quần áo mới, chỉnh trang nhan sắc của mình cho buổi chợ tết đầy hứa hẹn niềm vui.
Sớm nay phiên chợ cuối
Đội một chiếc ô xinh
Đeo một chiếc khăn đẹp
Xuống chợ tìm bạn tình
(Phiên chợ cuối)
Khoảng thời gian chuẩn bị trước tết khá dài nhưng càng về những ngày cuối năm không khí càng nhộn nhịp và khẩn trương. Người ta dặn nhau hoàn tất những công việc cuối cùng:
Ngày ba mươi nhớ trồng bầu trồng bí
Bầu bí sẽ leo xa, quả lúc lỉu trên giàn
Dán giấy hồng điều lên cánh cửa
Tài lộc sẽ đến nhà, già khỏe trẻ ngoan…
Tục lệ của bản mình chớ quên em nhé
Ông cha ta truyền cho cùng với nước non
(Mùa xuân bản Hon)
Nếu không phải là người Tày “xịn” thì chắc chắn không thể viết được những vần thơ nhuần nhị và giàu hình ảnh đến thế. Dương Thuấn cho độc giả “xem” thơ của mình chứ không phải “đọc” thơ. Qua từng câu từng chữ, nét đặc sắc từ văn hóa bản Hon cứ đi vào thơ ông tự nhiên như phẩm chất người dân nơi đây vậy. Đặc biệt là cách ông “kể” về phong tục “Tìm trâu về ăn tết” của quê mình.
Chiều ba mươi đi hết khắp thung sâu
Tìm đàn trâu thả rông từ tháng một
Lùa về đã có thêm vài con nghé mới
….
Để ông bà tổ tiên từ cõi âm tới đếm
(Tìm trâu về ăn tết)
Đối với người Tày, tết không chỉ đến với con người, tết là niềm hân hoan của cả đất trời vạn vật nên để có cái tết trọn vẹn người dân bản Hon còn đi tìm lùa toàn bộ gia súc chăn thả tự do của mình về để chung vui sum họp cùng gia chủ. Đàn gia súc về đầy chuồng sẽ tăng thêm sự đông đúc cho ngày tết. Nó vừa thể hiện sự no đủ trong gia đình vừa là cách để người Tày thông báo những thành tích đạt được trong năm qua với tổ tiên.
Nếu như tết của người Kinh bắt đầu từ thời khắc giao thừa (cơ bản là từ sáng mồng một) thì tết của người Tày bắt đầu từ ngày 30. Công tác chuẩn bị như chợ búa, thịt lợn, gói bánh, trang trí, gieo hạt… tất cả sẽ hoàn tất vào buổi chiều. Tối 30 người Tày bắt đầu đến nhà chơi và chúc tết nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên mọi sự thăm thú này sẽ kết thúc trước 12h đêm 30, sau đó ai về nhà nấy để cùng gia đình đón giao thừa. Trẻ con còn phải trực tuổi cả đêm để chờ ông bà tổ tiên về ban tuổi, ban tài lộc.
Hãy đốt to lên ngọn lửa
Cho sáng tở khắp sàn nhà
Mừng các cụ tổ tiên về ăn tết
Thắp hương rồi rót rượu trà
Giao thừa bên nhau đông đủ
Cả nhà cùng được quây quần
Người đang ở trên dương thế
Cùng người đến từ cõi âm
(Giao thừa)
Giao thừa là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới - là thời khắc chờ đợi nhất trong cái tết của một năm - vì vậy đối với mỗi dân tộc đều có những quan niệm, những phong tục lễ nghi riêng của mình. Những phong tục lúc giao thừa của người Tày đã được nhà thơ Dương Thuấn tái hiện hết sức đầy đủ và đậm màu sắc tâm linh:
Đêm nay bản đón giao thừa
Ra đường thì kiêng thắp đuốc
Rót dăm tuần rượu, tuần trà
Rồi con mang bài ra học
Cho năm mới thêm giỏi giang
Cha mẹ đứng cầu xin tiên tổ
Mong cho năm mới bình an
(Giao thừa)
Sau khi đã tiến hành các nghi lễ cúng bái đón giao thừa, người Tày sẽ quây quần chúc nhau những lời hay ý đẹp và cùng nhau ăn mừng năm mới cho tận sáng với những bánh trái, trà rượu đã chuẩn bị. Tuy nhiên người Tày kiêng sáng mùng Một có người bất kỳ vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, kỵ nhất là người có tang. Do đó người Tày đã dặn nhau:
- Sáng mồng một tết
Con trai dậy thật sớm
Thắp hương cúng bàn thờ
Con gái cũng dậy thật sớm
Chưa sáng đã đi gánh nước tiên
(Sáng mồng một tết)
Tháng giêng nhớ mồng một tết
Dậy sớm mổ gà cúng tổ tiên
Cả nhà cùng ăn bữa cơm thiêng
(Người Tày thì nhớ)

Trong không khí đón năm mới người Tày thật sự có rất nhiều những phong tục đẹp đẽ và rất riêng. Thơ Dương Thuấn có lúc như những ghi nhận về dân tộc học, văn hóa học về phong tục ngày Tết của người Tày, nhưng khác ở chỗ phía sau những dòng thơ tưởng như ghi chép ấy là cuộc sống ấm áp tình người, tình đời. Điều này càng được thể hiện rõ qua những bài thơ viết về các hoạt động vui chơi, chúc tụng đầu năm mới của ông.
Đối với người đàn ông Tày thì mùng Một chơi cha ( thăm bố mẹ vợ) mùng ba chơi thầy (thầy cúng) điều này cho thấy truyền thống đạo lý cội nguồn của người Tày cũng rất được đề cao:
Rể mới đi thăm mẹ vợ
Con cháu về thăm ông bà
Học trò đến thăm thầy cô
Chúc cho nhau đều đẹp như hoa
(Tết đến)
Cái hay ở đây là đặt nặng truyền thống “thăm mẹ vợ” lên đầu tiên, là một nét đẹp mang màu sắc tiến bộ ngang tầm quốc tế của đàn ông Tày rất đáng tự hào.
Năm cũ đã qua, bước sang một năm mới thì điều đầu tiên mọi người dành cho nhau là chia sẻ những niềm vui và trao nhau những lời chúc
Chúc trâu đẻ nhiều nghé
Chúc lợn đẻ nhiều con
Chúc gà ấp ba nở chín
Chúc người trẻ thêm xuân
Chúc người già thêm tuổi…
Đâu đâu cũng nghe lời chúc
Từ gầm sàn lên cầu thang
….
Nghe đã thấy no đủ cả năm
(Lời chúc)
Những lời chúc không hoa mỹ, không cao xa nhưng ẩn chứa ăm ắp những tình cảm chân thành. Từ những lời chúc ta có thể hình dung không khí rộn ràng, nét mặt tươi vui, hồ hởi, chân chất của người vùng cao. Con người Bản Hon là thế, thơ Dương Thuấn là thế, không ồn ào cao siêu nhưng có nét duyên ngầm dành riêng cho những người sâu sắc khám phá.
Ở Bản Hon quê ông còn có tục lệ vào những dịp lễ tết hoặc vào nhà mới những người dân bản thường chụm đầu vào để ngâm fong slư - đây cũng là một trong những mối lương duyên đã tôi giũa lòng say mê văn học từ nhỏ của Dương Thuấn:
Năm mới đã đến rồi
Ai cũng vội đi mời bà then
Đến với cây đàn tính hát thâu đêm
Giải đi vía dữ của năm qua…
Cầu cho mọi người mạnh khỏe
 (Đêm then)
Có thể nói những “đêm then” là điểm sáng nổi bật trong bản sắc văn hóa của người Tày. Thông qua những điệu hát trầm bổng đan xen tiếng đàn tính dặt dìu các thế hệ cha anh đã gửi gắm những điều ước, những lời chúc cũng như những bài học, những đạo lý cho con cháu mình trong đó. Cứ như thế dòng chảy văn hóa Tày sẽ ngày một vững chắc một cách liền mạch và độc đáo cùng thời gian.
Dương Thuấn đi nhiều, viết nhiều song quê hương luôn là nguồn cảm hứng vô tận và là nỗi trăn trở không nguôi của nhà thơ. Tuy nhiên ông không chạy theo các “mốt thơ” hiện đại cầu kỳ khó hiểu, ông trở về nguồn bằng những vần thơ làm đẹp quê hương - bằng chính giọng thơ thâm trầm và bình dị, mộc mạc của ông. Và nhắc đến các dân tộc ở vùng núi phía Bắc (quê Dương Thuấn) không ai lại không biết đến một lễ hội nổi tiếng, đó là lễ hội Lồng Tồng - lễ hội “Xuống đồng” của người Tày. Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức vào mùa xuân với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Dương thuấn đã diễn tả ngày hội ấy trong không khí tưng bừng:
Mùa xuân đến anh lên thăm Ba Bể
Đi hội lồng tồng nghe bao tiếng ca
Có tung còn, đấu bò, đua thuyền, thi hát
Cô gái Tày đang đợi khách xa
(Mời anh về Ba Bể)
Ngoài ý nghĩa là ngày hội xuống đồng đây còn là nơi gặp gỡ, tự tình của những chàng trai, cô gái:
Năm ngoái mùa xuân đi hội
Thấy em đã đứng đợi rồi
Anh tung quả còn em bắt
Tung lên theo một chuỗi cười
(Tìm người năm ngoái)
Đan xen trong ngày hội còn là những trò chơi dân gian độc đáo:
Ở bản vui trò chơi lày cỏ
Trẻ già ai chơi rồi cũng say mê
 Chưa tan cuộc chơi, chưa sáng chưa về
(Chơi lày cỏ)
Nét hồn hậu an nhiên thể hiện trong từng động tác và thấm đượm qua mỗi lời thơ. Đọc thơ Dương Thuấn rồi sẽ thấy con người nơi bản cao của ông rất đỗi chân chất mà đậm đà tình cảm. Không phân biệt tuổi tác, dường như nơi đó con người sống chan hòa cùng trời đất núi rừng, đồng điệu với đại ngàn nên lòng người cũng trở nên hào sảng khoan khoái lạ thường. Chưa một lần được đặt chân đến đây nhưng sao trong suy nghĩ chúng tôi vẫn thấy một sự gần gũi lạ kỳ khó lòng giải thích nổi. Phải chăng đây chính là sự màu nhiệm mà thơ Dương Thuấn mang lại! Điều này càng củng cố trong chúng tôi niềm tin vào sức mạnh “điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu” của thi ca - một sức mạnh khó có loại hình nghệ thuật nào đạt được.
Mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những phong tục, tập quán riêng. Người Tày bản Hon thân yêu của Dương Thuấn cũng có những lễ hội, những ngày tết đậm đà bản sắc dân tộc và địa phương. Trong dịp tết đến, xuân về những phong tục ấy đã vào thơ Dương Thuấn như một nội dung trữ tình nên thơ, độc đáo. Điều này không chỉ mang đến cho thi đàn dân tộc một tiếng thơ hay mà hơn cả chính là tấm lòng của người con Tày dành cho quê hương mình đã thật sự đơm hoa kết nhụy. Chỉ cần mỗi một dân tộc, mỗi một địa phương có một người say mê làm thơ và làm thơ hay, thể hiện hay như Dương Thuấn người Tày thì ắt hẳn cảnh sắc đất nước ta, sự giàu đẹp của văn hóa dân tộc ta sẽ bay cao, vươn xa tới tận những chân trời Tây xa lắc, mang tầm quốc tế.
Thật ý nghĩa và xúc động cho chúng tôi khi những ngày giáp tết này đã có Tuyển tập thơ Dương Thuấn làm bầu bạn. Thơ ông như một lời thuyết minh về quê hương, như bản chỉ dẫn văn hóa nhưng hơn tất cả bởi nó còn chất chứa trong đó chất xúc tác tình yêu: tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lòng tự tôn của những con người vùng cao chân chính…

Nguồn: Văn học quê nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét