Múa hát then đàn tính.
Đàn tính là loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thái,
Tày, Nùng. Cấu trúc của cây đàn giống nhau nhưng sự tích về cây đàn này lại có
điểm rất khác biệt. Trong đó, người Thái lại có tới hai sự tích về cùng một cây
đàn.
Sự tích thứ nhất kể rằng,
ngày xưa có một chàng trai người Thái rất nghèo. Ngày ngày chàng phải xuống suối
bắt cá, lên rừng đốn củi nuôi cha mẹ. Một hôm chàng đi ngược lên thượng nguồn một
dòng suối trong vắt có nhiều thác nước đẹp. Bỗng dưng chàng thấy ở một thác nước
thượng nguồn có bầy tiên nữ từ trời xuống lấy nước.
Chàng trai nép mình bên
tảng đá để ngắm các tiên nữ, chợt chàng nghe thấy có âm thanh rất lạ và tuyệt
hay phát ra từ một vật giống như quả bầu có căng một sợi dây mảnh để các tiên nữ
vừa đàn vừa hát múa. Khi các tiên nữ bay về trời, chàng trai trở về nhà lấy vỏ
quả bầu, gỗ và dây tơ tằm bắt chước làm theo cây đàn của các tiên nữ và lấy
ngón tay bật vào dây đàn.
Quả nhiên, cây đàn bật
lên âm thanh rất hay và người Thái từ đó gọi là đàn tính tẩu vì “tính” là cây
đàn và “tẩu” là quả bầu. Cây đàn tính tẩu có âm thanh rất hấp dẫn, cho nên từ
xưa nó không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái. Đồng thời,
nó là vật bất ly thân của các chàng trai mỗi khi tỏ tình giao duyên.
Ở một sự tích
khác, người Thái kể rằng xưa kia ở mạn thượng nguồn sông Đà có một chàng trai
nghèo độc thân và ngày ngày chàng sinh sống bằng nghề chài lưới. Một hôm nước
sông lên to, chàng mang chài lưới ra sông đánh cá nhưng chẳng được gì ngoài một
quả bầu nậm mắc vào lưới. Chàng trai cắt lấy nửa dưới quả bầu mang về làm gáo
múc nước. Phần trên của quả bầu chàng ném xuống sông trôi về đồng bằng và người
Kinh nhặt được đã chế tác thành bầu của cây đàn bầu. Với chiếc gáo múc nước bằng
vỏ quả bầu, mỗi khi dùng xong chàng trai nghèo lại ngoắc chiếc gáo ấy lên cột
nhà. Một hôm chàng mang chài ra sông đánh cá, khi về chàng ngoắc chiếc chài của
mình lên chiếc móc đang ngoắc cái gáo múc nước.
Đến đêm khuya, trong nhà
bỗng dưng phát ra âm thanh rất lạ. Chàng soi đèn thì phát hiện ra đó là tiếng của
côn trùng bay qua bay lại động phải sợi dây chài kéo từ đầu cán gáo qua thân
gáo. Thấy âm thanh vừa lạ vừa hay, chàng trai nghèo lấy sợi dây nhỏ kéo căng từ
đầu cán qua thân gáo. Quả thực âm thanh phát ra nghe càng thích hơn. Chàng vui
mừng khôn tả nên đợi đêm đến mang đàn tới nhà cô gái mình thầm yêu gẩy cho cô
gái nghe. Tuy nhiên, khi lấy cần đàn gõ vào vách nhà đánh thức cô gái dậy rồi gẩy
đàn mãi mà chẳng thấy cô gái mở cửa đi ra cầu thang để trò chuyện.
Chàng trai buồn bã mang
câu chuyện này kể với các già làng và được người già bày cho cách chọn các loại
chất liệu từ gỗ, sừng trâu, dây tơ tằm để làm đàn. Chàng trai nghe theo đã làm
lại cây đàn và quả nhiên âm thanh của cây đàn tính trở nên trầm bổng, ngân nga
thật tuyệt vời hơn. Từ đó trở đi, cây đàn tính trở thành vật không thể thiếu
trong đời sống tinh thần của người Thái, nhất là khi đến tuổi trưởng thành, các
chàng trai luôn mang theo bên mình mỗi khi đi chọc sàn tìm kiếm người yêu.
Còn đối với người Tày, sự tích kể về nguồn gốc ra đời cây
đàn tính rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo không lấy được vợ, thời gian
trôi qua, bỗng một hôm ra suối chàng nhìn xuống nước thấy khuôn mặt mình đã trở
nên già nua. Buồn phiền với thân phận của mình, chàng ao ước có được một cây
đàn để tâm giao những lúc cô đơn. Sau đó, chàng lên trời xin ban cho hạt quả bầu,
cho giống cây dâu để nuôi tằm. Khi đã có quả bầu nậm, có tơ tằm, chàng trai đã
chế tác ra cây đàn tính. Cây đàn này có 12 dây nhưng mỗi khi chàng gẩy đàn thì
những tâm sự u buồn của chàng đã hóa vào âm thanh của tiếng đàn.
Sự u buồn khiến cho người và vật nghe thấy mà nao lòng chẳng
buồn ăn. Cỏ cây nghe tiếng đàn cũng buồn mà héo úa. Bụt thấy thế vô cùng lo lắng
nếu như chàng trai cứ đàn như vậy thì vạn vật sẽ chết hết. Bởi thế, Bụt bắt người
chế tác ra cây đàn này phải bỏ bớt đi 9 dây, chỉ còn 3 dây như cây đàn tính bây
giờ nên những âm thanh sầu não cũng không còn nữa mà chỉ còn những âm rộn ràng,
tươi vui, trầm bổng.
Qua những sự tích về cây đàn tính của người Thái, người Tày
tuy có những nét khác nhau nhưng cùng chứa đựng sự huyền bí và đều cho thấy đây
là một thứ nhạc cụ được sản sinh ra từ quá trình khổ công lao động, sáng tạo và
đúc kết từ tình yêu thiên nhiên của người xưa. Nó là một đồ vật vô cùng quan trọng
trong đời sống tinh thần của bà con Tày, Thái sau mỗi ngày lao động và các sinh
hoạt lễ hội. Đồng thời, đàn tính còn là thứ công cụ rất hữu hiệu trong giao
duyên kết tình đôi lứa của cộng đồng người Thái.
Hoàng Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét