Trước đây cứ 2 năm tổ chức 1 lần vào dịp năm hết, Tết đến,
thu hoạch xong mùa màng, với quan niệm của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc là cầu
cho vạn vật bảo vệ con người, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường
đoàn kết vượt khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Địa điểm chọn lễ cúng mường thường là tại một cánh rừng già
được gọi là "Đông Xên". Lễ vật gồm mổ trâu, lợn, gà, sản vật, thóc gạo,
hoa quả...
Nghi lễ hội gồm có: Lễ rước Nàng Tánh về dự hội, bà Một
cúng cầu may, lễ đi qua cầu Mường; lễ té nước cầu phúc. Phần lễ trong Xên Mường
(cúng bản mường) gồm ông mo, bà "một" (người khấn vái chính) gọi "mời"
các vị thần linh như thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng
nương, vùng miền, các linh hồn người có công dựng bản mường, đất nước và những
linh hồn của những người trong bản mường đã mất về dự, "ăn", nhận các
lễ vật do bản mường, con cháu dâng lễ.
Phần hội được diễn ra ngay sau phần cúng lễ kết thúc, gồm
các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, tó má lẹ (một trò chơi dân
gian), trò chơi đánh chân đánh đầu, múa xoè bên đống lửa, tổ chức dân ca dân
vũ, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, thi đấu các
trò chơi dân gian giữa các xã, phường, thưởng thức ẩm thực các món ăn dân tộc.
Lễ hội đã thực sự cuốn hút được đông đảo quần chúng bởi nhiều
tiết mục ca-múa-nhạc đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được các đội văn
nghệ không chuyên đem đến giao lưu biểu diễn. Kết thúc đêm hội, mọi người được
hòa chung vòng xòe đoàn kết, uống rượu cần trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn
ràng./.
Huỳnh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét