Chợ vùng cao Bản Lầm (Sơn La): Nơi cuộc sống lan tỏa sắc màu (Hoàng Minh Thắng)

                                                           Một góc chợ Bản Lầm.

Chợ miền núi không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, thu mua nông sản, mà còn là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa đa sắc màu, là điểm hẹn của mọi người. Ngày hè, chợ là nơi thanh, thiếu niên đến chơi; trẻ em theo bố mẹ xuống chợ để được mua quần áo mới, sách vở... cho năm học tới. 
Chợ trung tâm xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu (Sơn La), vừa được khai trương, cũng là một trong những chợ như vậy.

Chợ Bản Lầm cách trung tâm huyện lỵ Thuận Châu 35 km, tính từ quốc lộ 6 (đoạn Sơn La - Thuận Châu), rẽ vào khoảng 20 km đường núi quanh co. Chợ được xây dựng bán kiên cố, thực hiện theo chương trình Dự án giảm nghèo giai đoạn II, với diện tích sử dụng 2.130 m2, tổng vốn đầu tư 1.536 triệu đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Mới 8 giờ sáng, bà con người Thái, người Mông của 18 bản trong xã và các xã lân cận như Nặm Ty, Nặm Lầu, Muổi Nọi, Mường Chanh, Chiềng Nơi đã về đông kín chợ Bản Lầm. Họ đến chợ bằng xe máy, đi bộ, quảy theo sản vật của núi rừng như nấm hương, mộc nhĩ, măng tre, hoa chuối, các loại quả như táo mèo (sơn tra), đào, mận, xoài, muỗm, chuối, thảo quả, các loại rau rừng, mỗi thứ một ít... xuống chợ để trao đổi. Trong chợ còn có các loại hàng nông sản, đồ đan lát, dụng cụ sản xuất, gặt hái, hàng thổ cẩm. 

Bà con bán được nông sản lại dùng tiền để mua quần áo trẻ em, giấy vở, giày dép chuẩn bị cho con vào năm học mới, mua dầu muối, đồ dùng trong gia đình, mua xăng dầu.

Đi khắp lượt chợ, người hỏi mua hàng, người đi xem chợ đông vui, nhộn nhịp. Các chị phụ nữ địu con đến chợ còn trao đổi cách chăm sóc, nuôi dạy con cái, cách đặt tên cho con khi sinh, rồi cả chuyện vui sau này bọn trẻ lớn lên, đến tuổi trưởng thành sẽ làm thông gia. Ở gian chợ chính còn đông vui hơn. 

Mọi người vòng trong, vòng ngoài xem các tiết mục của đội văn nghệ trình diễn. Những điệu múa xòe do các chị, các em thiếu nữ thôn quê vốn hàng ngày chỉ quen lội bùn cấy lúa, lên nương tra hạt biểu diễn. Giờ đây, họ “hóa thân” thành diễn viên với những điệu múa dân gian uyển chuyển, thướt tha làm lay động lòng người. 

Loáng thoáng trong tiếng nhạc quá cỡ, lạc điệu phát ra từ chiếc loa của đội văn nghệ đang diễn, xen tiếng hai ông bạn trung tuổi đang nói chuyện, chắc lâu ngày mới gặp nhau. Người này mời người kia đến nhà uống rượu. Trong câu chuyện của họ, nghe câu được, câu chăng. Người bảo, lúa nương vụ này lép hạt nhiều vì đầu vụ gặp khô hạn. Người kia thì kể, mó nước đầu bản chảy ít hơn mọi năm, bởi rừng đầu nguồn bị chặt phá nhiều. Thôi, chờ phiên chợ sau sẽ bẻ ngô non quảy về bán.

Đến chợ Bản Lầm không chỉ được chứng kiến cảnh mua bán, mà còn được ngắm nhìn những trang phục rực rỡ của chị em phụ nữ dân tộc. Chợ như bản “giao hưởng” nhiều thứ âm thanh, đa ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc miền núi Sơn La. Ông Lường Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, cho biết: Chợ Bản Lầm đã đáp ứng phần nào mong mỏi của bà con các dân tộc trong xã. Chợ cũng theo mùa vụ ở nông thôn, mùa nào thức ấy, là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài những sản vật của rừng, còn có cây giống, con giống cũng sẽ được bà con mang đến chợ. Có chợ rồi, nay mai sẽ phát triển nhiều dịch vụ, tạo việc làm cho thanh niên. Nông sản của bà con, nhất là cà phê, sắn, ngô, sẽ được giá hơn, góp phần khai thác thế mạnh của địa phương.

Hoàng Minh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét