Chợ phiên Dào San ngày giáp Tết (Kim Anh)

Phụ nữ Dao đỏ mua chỉ về may trang phục. Nguồn internet.

Tết đang đến, chợ phiên Dào San vào gần cuối năm nhộn nhịp và rộn ràng hơn nhiều so với những phiên chợ trước đó. Nằm ở độ cao trên 1.600 mét so với mặt nước biển nên chợ Dào San mang nét đặc trưng của vùng cao, chợ họp trong sương mù, hôm nay trời lại có mưa nhỏ nhưng ngay từ sáng sớm người dân ở các bản của các xã biên giới đã tụ họp về đây để trao đổi mua bán và trò chuyện, tâm tình cùng nhau. 

Nếu chợ phiên San Thàng được họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần thì chợ Dào San chỉ họp vào chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên San Thàng chỉ họp đến trưa thì chợ Dào San kéo dài đến tận chiều. Chợ Dào San là chợ phiên của các xã biên giới huyện Phong Thổ. Vào những ngày giáp Tết này chợ tấp nập người mua, bán. Hầu như mỗi người đến chợ đều mang theo một thứ gì đó bán rồi lại mua về những thứ mình cần.
Chợ phiên ngày giáp Tết hàng hóa phong phú và đa dạng với đủ các loại mặt hàng cho người mua thỏa sức lựa chọn. Từng đoàn người nối đuôi nhau đến chợ, ai cũng nhanh chóng chọn cho mình địa điểm đẹp để bán hết nhanh nhất. Tết đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung và các tình Tây Bắc nói riêng không thể thiếu món thịt sấy và xúc xích làm theo phương thức truyền thống. Đến khu bán thịt, rất nhiều người bán thịt trâu, thịt ngựa, thịt lợn đen và thịt bò. Gia súc ở khu vực này được người dân nuôi theo phương pháp truyền thống không cho ăn thức ăn công nghiệp, thịt rất thơm và ngon nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đi vòng quanh khu bán thịt để chọn cho gia đình những miếng thịt về sấy ưng ý nhất, chị Nông Thị Thanh, xã Huổi Luông chia sẻ: “Muốn có những miếng thịt sấy thớ dầy, thơm ngon và không bị nhiều gân, mình phải chọn được miếng thịt ngon. Năm nay, mình sẽ làm thịt trâu sấy". Chị Thanh còn chia sẻ thêm với chúng tôi: "Một gia vị không thể thiếu được với món thịt sấy đó là mắc khén. Cho mắc khén vào thịt sấy nói chung và các món ăn miền Tây Bắc nói riêng sẽ làm “dậy mùi” món ăn. Nếu sấy hay nướng thịt mà thiếu mắc khén thì món ăn sẽ kém ngon".
Hàng nông sản được người dân bày bán rất nhiều với đủ các loại như lúa, gạo, ngô và thảo quả… Gần Tết ai cũng muốn có tiền tiêu nên người dân đã mang những sản vật để dành ra bán lấy tiền mua các vật dụng cần thiết. Chị Lò Thị Hoa, xã Dào San cho biết: “Nhà trồng được nhiều ngô, để dành được mấy bao, hôm nay, mình bán ít ngô này lấy tiền để mua thịt về sấy cho các con ăn và một ít đồ gia vị để nấu ăn. Nếu còn tiền mình sẽ mua mấy cái ghế mây”. Nhưng chị lại cười và nói: “Khách toàn mua thịt, mua rau thôi chưa ai mua ngô cho mình cả, chưa biết có bán được không đây”.
Đến chợ phiên Dào San ngày giáp Tết, nhìn từ xa hàng vải và quần áo đủ màu sắc nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Các chị em đến chợ phiên những ngày này, không thể bỏ qua hàng vải. Người mua vải về may, người mua phụ kiện, người mua chỉ… Đắt hàng nhất vẫn là các phụ kiện để may quần áo. Để có một bộ váy đẹp, hấp dẫn, phụ nữ dân tộc Mông chọn mua các hạt vòng và những hạt nhấp nhánh về đính vào trang phục. Khi đi những đồ trang trí đó sẽ lắc đều theo nhịp chân rất uyển chuyển và duyên dáng. Em Sùng Thị Thảo cho biết: "Em đang làm một chiếc mũ. Em muốn đính  hạt vòng buông dài chừng 5-7cm xung quanh mũ và đính hoa màu đỏ ở phía trên nhưng bây giờ em còn thiếu hạt vòng. Để chiếc mũ được như ý muốn, em phải chọn được những hạt vòng cùng chủng loại và kích cỡ. Em sẽ cố làm xong trước Tết để kịp có mũ mới đi chơi xuân cùng các bạn". Không chỉ mua đồ cho mình, các chị em còn mua quần áo đẹp cho trẻ em và người những người thân trong gia đình. 
Khu bán đồ ăn chín cũng rất nhộn nhịp và đông vui. Đã xuống chợ, ai cũng muốn ăn một món quà gì đó. Hàng bánh rán có vài người ngồi ăn ngay, còn đa phần là người mua bỏ túi mang về. Hàng phở thì được đông đảo các bà, các chị em lựa chọn vì chỉ đến ngày chợ phiên mới được “thưởng thức” món ngon này. Đến chợ phiên vùng cao thì không thể thiếu món thắng cố. Đàn ông đã đến chợ để ăn món này, uống rượu và trò chuyện. Trong cái lạnh buốt của mùa đông nồi thắng cố bốc khói nghi ngút, mùi thơm tỏa ra làm khách đến chợ đều muốn dừng bước để vào quán. 
Chợ phiên còn là nơi tâm tình trò chuyện của người dân. Đến chợ là một niềm vui, mua được món đồ mình cần là một niềm hạnh phúc, gặp được người quen hỏi thăm sức khỏe, bàn luận về chuyện làng bản, món đồ mình vừa mua và mời nhau bát phở, cái bánh hay chén rượu thì niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp bội. Những cô gái bản xúng xính trong bộ váy rực rỡ sắc màu, gặp các chàng trai vai đèo khèn, tay dắt ngựa xuống chợ, mọi người vừa đi vừa nói cười vui như đi trẩy hội. Sau phiên chợ nhiều chàng trai cô gái cũng bén duyên nhau từ đây. Và đó cũng chính là nét độc đáo riêng của chợ phiên. Xuân đang đến gần, mọi người đi chợ phiên Dào San vào những ngày cuối năm như đưa xuân về gần hơn.

Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét