Nét xuân ở huyện biên giới Sốp Cộp đặc sắc
nhất là lễ hội. Xên mường của dân tộc Lào ở bản Mường Và, xã Mường Và, Lễ hội
được tổ chức với ý nghĩa cầu mong sức khỏe cho mọi người, mùa màng bội thu, bản
làng no ấm.
Xên mường được tổ chức hàng năm với quy mô
cúng bản (xên bản), đến năm thứ 3 thì có quy mô lớn hơn gọi là cúng mường (xên
mường).
Thời gian tổ chức Lễ hội cũng theo vòng 3
năm. Năm thứ nhất: 1 ngày, 1 đêm; năm thứ hai: 2 ngày, 2 đêm; năm thứ ba: 3
ngày, 3 đêm. Không gian lễ hội gồm hai phần: Tại nhà ông Chẩu sửa (người chủ
trì lễ hội được truyền theo dòng họ) và khu rừng thiêng (Lộng căm) của bản. Thời
gian tổ chức Lễ hội cũng có tục cấm bản: Từ 18h tối ngày mổ trâu tế lễ: không
đi làm ruộng, nương, không hát hò…người vào bản không được gây tiếng động mạnh
(như xe máy, ô tô …). Để có vật phẩm, cả bản góp tiền, gạo, rượu … để làm lễ.
Việc tổ chức lễ cúng được bắt đầu tại nhà ông Chẩu sửa, cả bản dắt 1 con trâu,
dâng chiếc áo - “linh vật” của Lễ hội (chiếc áo được cho là hồn cốt của Khăm
Long, người đầu tiên đến khai phá bản Mường Và), và các đồ cúng tế khác đi đến
Lộng căm (khu rừng thiêng), tại đây đã dựng sẵn một nhà sàn nhỏ để hàng năm bản
cúng tế.
Trong
phần lễ có tục người đóng giả hổ để đâm trâu trước khi tiến hành mổ trâu và làm
các thủ tục cúng tế... Sau phần lễ sẽ đến phần hội (tổ chức vào ngày kiêng cuối
cùng). Mọi người sẽ tổ chức các trò
chơi dân gian như kéo co, ném còn,
đánh cù, tó má lẹ… Có tục ném hạt thóc, hạt bông và nhảy múa, đánh trống,
chiêng vào buổi sáng. Ngày này, nếu ai muốn thay tên sẽ phải làm các thủ tục và
cúng hồn cho Chẩu sửa, người cúng sẽ
mang chai rượu lên trình bày tên bố, mẹ đã đặt cho nhưng do hay ốm đau,
làm ăn khó khăn... xin được đổi tên mới.
Không
chỉ cần cù lao động, từ bao đời nay, các dân tộc ở huyện Sốp Cộp nói chung, dân
tộc Lào ở xã Mường Và nói riêng luôn
giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Hoàng Thị Lân (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét