Kiến trúc nhà ở độc đáo của người Lô Lô (Hoàng Minh Thắng)

(hagiangnay) - Cũng giống như dân tộc Mông, dân tộc Nùng, dân tộc Bố Y… sinh sống ở các huyện phía Bắc tỉnh Hà Giang, kiến trúc nhà ở của người Lô Lô là nhà trình tường (nhà đất). Khi một gia đình nào đó chuẩn bị làm nhà, ngoài việc chuẩn bị đủ vật liệu để làm nhà ra thì công việc chọn đất và hướng làm nhà ở của người Lô Lô rất quan trọng; xem hướng có đẹp và có hợp với gia chủ hay không thì mới quyết định dựng nhà. Nhà ở của họ thường có mặt quay về hướng nam hoặc đông nam. Các hộ gia đình dân tộc Lô Lô thường dựng nhà ba gian, có hộ làm năm gian nhưng rất ít.

Khung nhà được làm bằng gỗ tương đối đơn giản được kết cấu dựa trên các kèo gỗ (lù phù) có từ 3 đến 5 hàng chân. Những vì kèo được liên kết với nhau bằng hệ thống đòn tay, ngang, dọc. Nhà được thiết kế ba gian, gian giữa nhà (gian khách) rộng khoảng 3,5cm. Gian giữa nhà được dựng có nóc gọi là xà đốc (sảng lè), khi dựng xà đốc người ta phải xem ngày, giờ đẹp thì mới dựng. Khi dựng xà đốc chủ nhà buộc một miếng vải đỏ, đóng ba đồng bạc vào thân xà đốc, buộc một túi thóc nếp, một túi thóc ngô nếp lên hai đầu xa đốc. Dựng xà đốc xong, bắt một con gà trống cho uống một tí rượu, rồi thả con gà trống đứng lên xà đốc, làm hai túi bánh dày bố trí hai người đứng ở hai đầu xà tung bánh xuống cho trẻ em trong làng bản ăn. Với ý nghĩa là người ta cầu chúc cho ngôi nhà được xây cất cẩn thận và gia chủ làm ăn phát tài.
vietnamnay.com kien-truc-nha-o-doc-dao-cua-nguoi-lo-lo-default
Không gian nhà được tổ chức theo quy mô hẹp, khép kín. Nhà ở có ba gian và không có chái. Xung quanh nhà có hệ thống tường rào bao bọc (được xếp bằng đá, đây là nét đặc trưng, nét rất riêng của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao phía Bắc Hà Giang), trước cửa nhà có một sân nhỏ. Gian chính giữa nhà là nơi tiếp khách và uống ước của gia đình. Gian này có một cửa chính rộng 1,2m, cao 2m gồm hai cánh khi mở quay vào trong nhà. Giữa chính cũng là nơi để thờ tự tổ tiên, gia chủ đặt một bàn thờ nhỏ để các hình nhân khắc bằng gỗ ở bên trên (mỗi hình nhân tượng trưng cho một người trong gia đình đã khuất). Gian buồng được đặt ở bên phía trái hướng từ cửa chính vào, ở gian buồng này cũng đặt một cửa sổ ở mặt trước.
Gian bếp phía tay phải, gian này là nơi nấu ăn và là gian dành cho trẻ nhỏ, gian này cũng được lắp đặt một cửa sổ. Gác xép là nơi cất giữ và bảo quả lương thực, và khi nhà có đông khách cũng được dùng để ngủ. Muốn lên được gác xép người ta đã làm một thang gỗ có 9 đến 11 bậc và người ta kiêng không làm cầu thang có bậc là số chẵn.
Tường nhà được làm bằng đất, đất dùng trình tường không được đổ nước vào để trộn, thường người ta dùng đất có nhiều sỏi hoặc đá xít thì càng tốt, nó giúp cho tường đỡ bị nứt, độ bền cao và có sức chịu đựng lớn. Tường nhà có độ dày từ 40-50cm. Mái nhà được lợp bằng ngói máng (ngói âm dương), mái nhà được lợp một hàng úp một hàng ngửa và chồng lên nhau tạo thành rãnh thoát nước khi có mưa. Xung quanh nhà có tường rào bằng đá được xếp đè lên nhau có chiều cao từ 1,5m – 2m.
Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô nói riêng và kiến trúc nhà của các dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện vùng núi cao phía Bắc tỉnh Hà Giang nói chung, phong cách kiến trúc có nhiều nét tương đồng. Về căn bản là giống nhau và đều là nhà đất. Tuy nhiên ở mỗi dân tộc lại có quan niệm khác nhau về việc chọn đất, hướng đất để dựng nhà. Đối với dân tộc Lô Lô thì việc dựng nhà, kiến trúc nhà ở luôn gắn liền với cuộc đời của mỗi con người.
Hoàng Minh Thắng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét